Nguyn Đình Phưng Uyn

B Sông Ngày Cũ

 

Con người cũng giống như một dòng sông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ẤU THỜI

 

        Bờ sông nằm vắt vẻo ở cuối làng, có triền cỏ xanh và mấy cái ghế đá để ngồi hóng mát. Sông khi đầy khi vơi, chảy hiền hòa quanh năm suốt tháng, cá tôm theo thủy triều đến rồi đi nhiều vô kể.

 

        Lễ Thành Hoàng thường được tổ chức ngay tại mé sông, bàn thờ cao ngất, chất đầy trái cây, xôi chè, con heo quay đỏ chót, có khi mổ nguyên một con bò to tại chỗ nữa. Dân làng tới dự lễ đông thật đông, cười nói rổn rảng.

 

        Tôi còn bé, chả ăn được bao nhiêu, chỉ trông chờ lúc cúng xong, chạy ra tranh với những đứa trẻ khác nhặt mấy đồng tiền cắc trộn chung với gạo và muối, người lớn quăng ra tứ phương. Xong, chúng tôi túm tụm lại đếm, khoe xem đứa nào nhặt được nhiều tiền nhất rồi chạy đi mua quà, mua đồ chơi.

 

        Ngay tại nơi này, sông Cái chẻ nhánh thành con lạch luồn lách, vòng vo lên tới đầu làng. Hai bờ lạch, Dừa nước, Bần, Bình Bát, Đước, Sim tím... mọc đầy, gầy ổ cho cá Bống Dừa, cá Lòng Tong, tép Bạc...

 

        Tôi biết đi câu từ khi về làng. Bố chỉ chỗ nào thấy nước sủi tăm, chỗ đó có cá. Thường, ở mấy gốc cây rậm rạp, chìm trong nước là chỗ Bống Dừa dễ mò tới nhất. Thân cá đen thui, hồng hồng phía bụng, da trơn bóng. Cá Bống tươi soi sói kho tiêu, thịt chắc, ngọt sợt, chan thêm miếng nước kho sền sệt vào cơm trắng nóng hổi mà ăn thử xem, nhớ đến kiếp sau !

 

        Mồi, khi là trứng kiến vàng, rang với thơm phức, khi là Giun đựng trong lon sắt có nhét bùn đen, bò lổn nhổn. Tôi không sợ Giun, bắt một con, ngắt đầu, móc vào lưỡi câu. Miếng mồi phải che hết lưỡi để lừa cá. Cứ lựa mấy bóng râm mà thả cần, thấy phao nhúc nhích, tuột xuống sâu một chút là giật. Giật sớm, cá chưa cắn đủ mồi, chạy mất. Giật trễ, cá lặn vào bụi rậm dễ  đứt dây. Có lần tôi câu được con cá Bống to như quả Dưa Leo, nhìn hết hồn. Về tới cổng là tôi đã khoe hoắng lên với mẹ. Hôm sau, hôm sau nữa, gặp ai tôi cũng kể con cá “kỷ lục” của mình.

 

        Bờ sông bên này cách bờ bên kia cả ngàn thước. Mặt nước lúc thì trắng xóa, lúc thì xanh biếc, trông êm đềm thế nhưng gần như năm nào cũng có người chết đuối hay có “thằng chõng” chết trôi tấp vào. Con nít trong xóm nghe tin là phóng xuống cả đống, muốn chứng kiến tận mắt người chết ra sao. Vậy mà chúng nó không sợ, vẫn kéo nhau đi tắm sông hà rầm, nghỉ được vài bữa là “thằng chõng” biến mất trong trí nhớ. Chúng nó đua nhau bơi vượt sông, xem thử bên kia bờ có gì hấp dẫn, đồng thời ra vẻ “Ta đây anh hùng” băng sông mà không chết. Sau, nghe tụi nó rủ rỉ, bơi đi thì được, bơi về mới sợ. Giữa dòng đuối sức ...ai cứu ? Gặp con nước xiết, gió ngược chiều hay xoáy nước, ngủm như chơi. Mấy ông thần bị đòn nát đít vẫn không chừa. Càng cấm càng đi. May, chưa bao giờ người làng làm mồi cho cá trên con sông này.

 

        Thằng em bé tí còn học tiểu học cũng lon ton chạy theo mấy anh lớn tắm sông. Nó có biết bơi đâu, chặt cây chuối ngoài đường làm phao. Đương nhiên nó không dám vượt sông, chỉ lủm chủm trong con lạch nhỏ nhưng cũng đủ sâu để Hà Bá nhếch mép cười. Mẹ tôi tất bật đạp xe lên non xuống biển kiếm cơm, bố ở tù, con cái ở nhà tự do như gió. Bà chỉ biết chuyện khi hàng xóm mắng vốn “ Con bà chặt cây Chuối nhà tôi”. Mẹ lôi nó về tra hỏi, biết được Tử thần đang mở cửa chờ con mình từ bao lâu nay, mẹ tôi kinh hoàng, đánh đòn tới tấp, lúc thì hạ giọng năn nỉ, nước mắt chảy dài.

 

        Hàng xóm thứ hai đến mách. Hàng xóm thứ ba...thứ “n”...Chưa kể những bác coi đó là trò trẻ, chả trách móc chi. Mẹ đánh nó mỏi tay, mắng khô nước miếng nhưng nhà không có người lớn, ai canh chừng? Sau mẹ nghĩ cứ để nó đi bơi như thế, nhỡ lọt sông lọt suối còn có cơ may sống sót. Vậy là nó bơi như nhái. Con nít trong làng chả có thầy bà dạy dỗ nhưng biết lội hết nhờ chặt cây chuối rồi học lẫn nhau như thằng em mình.

 

NIÊN THIẾU

 

        Lớn một chút, đám bạn So Đũa & Mèo Ngao cũng khoái ra bờ sông này ngồi chơi. Vắng người, chúng tôi phá phách, trò chuyện, la hét hay đàn hát chả ai phiền hà. Trời hanh khô là mấy thằng con trai sẽ nhào xuống sông bơi lội, tạt nước, chơi đánh nhau ầm ầm, cãi vã chí chóe. Chỉ cần một thằng nhỏm đít, mấy thằng còn lại chả cần đồ bơi đồ bủng, có quần đùi thì khỏi bàn, đang mặc quần dài, chúng nó cũng xắn cao lên, cởi áo rồi nhảy ùm xuống nước. Tắm xong, xả ống quần xuống, cứ thế ướt nhẹp đạp xe về nhà, gọn khô !

 

        Một lần cả đám ra đây chơi, bọn con gái ngồi chuyện trò râm ran, con trai tắm đã đời rồi lên bờ dần dần, thằng cuối cùng vẫn thả ngửa dưới nước lâu thật lâu. Chúng tôi gọi nó lên nhưng nó cứ lần lữa làm mình hơi ngạc nhiên. Chốc sau, một đứa con gái trong nhóm bỏ nhỏ: “ Về, nhanh.” Như một mệnh lệnh, cả đám con gái đứng lên, phủi quần, vội vàng chạy theo con nhỏ ra lệnh, mặt  đứa nào cũng ngơ ngác. Khi đã đi xa một khúc, bà “xếp” hỏi :

 

-     Tụi bay có biết tại sao thằng Bá không dám lên bờ ?

 

        Cả con gái trố mắt, hồi hộp rồi khúc khích nghe con “xếp” phán:

 

-     Nó mặc quần vải mỏng quá....

 

        Má ơi, cả đám công chúa đỏ mặt, khoác vai nhau chạy quíu giò, bỏ lại sau lưng tràng cười ngặt nghẽo của mấy ông giặc.

 

        Một đêm trăng sáng vằng vặc, trời quang, gió mát, nước sông dâng tận mép bờ, năm đứa con gái rủ nhau ra đây đàn hát. Ò e í ưởng chán, con “xếp” lôi trong túi ra một điếu thuốc 555, xúi cả bọn hút thử xem có gì ngon mà mấy thằng con trai khoái thế.

 

        Ngần ngừ nhưng cũng thấy hay hay, cả đám nhập cuộc.

 

        Thở khói bằng mồm , bằng mũi. Tìm kỹ trong khói thuốc lờ mờ có hình ảnh, bóng dáng huyền diệu nào đó, hoa hoét, hoàng tử công chúa hoặc món gì ngon...Có cóc khô ! 

 

        Ho sặc sụa. Đắng cả mồm. Tim đập thình thịch.

 

        Năm con ranh chuyền tay nhau vậy mà chỉ hút được nửa điếu thuốc rồi vứt đi. Vậy mà thằng nào trong đám cũng hút sách. Rách việc !

 

        Căn nhà giáp mé sông lúc này bật đèn vàng ngoài sân và trên ban công tầng một. Hàng hoa Huỳnh Anh vàng, lá xanh leo kín hàng rào. Tò mò nhướng mắt lên phía trên, ban công bằng thủy tinh, cửa cái khép hờ, chiếc quạt trần quay nhè nhẹ bên trong... phòng khách – đoán thế- chúng tôi tưởng tượng, nhà giàu như vậy chắc các vị chủ nhà đang ngồi trên mấy cái ghế sa lông sang trọng, uống nước ngọt, ăn bánh, xem ti vi hay nghe nhạc.... Hôm nào nực nội chắc họ sẽ bắc ghế bố ra ban công hóng gió, ngắm trời mây, sông nước....Chúng tôi ước được ngồi trong căn phòng đó, trên cái ban công đó....Quý tộc hết sẩy !

 

        Ủa, từ căn nhà đến chỗ chúng tôi ngồi chỉ cách nhau cái hàng rào hoa vàng. Thiên nhiên, cây cỏ, sông lạch khác gì nhau, mắc mớ chi phải ước không biết ? Đúng là con nít.

 

RIÊNG TA

 

        Từ lúc mấy đứa bạn đi vượt biên, đứa bỏ học lo kiếm kế sinh nhai, đứa lo bồ bịch, những đứa còn lại không tha thiết đến bờ sông ngày cũ nữa. Kỷ niệm đầy ắp, quay lại làm chi ?

 

        Bẵng đi một thời gian, cứ mỗi độ thủy triều lên, nước sông tràn bờ, ngập vào nhà dân làng. Ngõ đi xuống mé sông lau lách, cỏ dại mọc um tùm chắn lối. Căn nhà mơ ước của chúng tôi thành căn nhà hoang không ai ở được, bẩn thỉu, mốc meo. Mấy cái ghế đá biến mất. Bờ sông thơ mộng lúc thiếu thời không còn nữa. Dòng sông vẫn vắt vẻo ngang làng nhưng chỉ nhìn thấy từ xa, thật xa, hết với tới.... Giống như đám bạn ngông nghênh ngày bé vẫn còn đấy nhưng chúng tôi chỉ  nhìn thấy nhau từ xa, thật xa....hết với tới...

 

        Tôi đã ngồi ngắm nhìn bao nhiêu bờ sông, bờ biển nổi tiếng, tàu bè qua lại. Có những nơi đầy trai gái xuống bơi với thân hình bốc lửa, săn chắc. Có nơi trẻ con thả diều vi vu, chỗ thấy máy bay lên xuống nhịp nhàng....Đẹp lắm !

 

        Ký ức vẫn còn nguyên bờ sông ngày cũ không tên, ít ai biết tới, thậm chí nói ra, mọi người  tưởng mình phịa.

 

        Có sao đâu. Bến sông ấy thành của riêng ta, tha hồ bơi lủm chủm.

 

 

Nguyễn Đình Phượng Uyển

15/02/20