ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Nhà thơ Như Chi 

trả lời tạp chí Văn Học 
ba câu hỏi chung về Sáng tác 
(tạp chí Văn Học số 124 tháng 8-1996) 

Hoàn cảnh thuận lợi thường không phải là điều kiện chính để chúng ta có thể thực hiện điều mình muốn, mà là chúng ta có thực sự muốn, thực sự yêu thích văn chương để cố tạo hoàn cảnh thuận lợi cho việc sáng tác hay không. 

Trường hợp của tôi, sở dĩ sáng tác chậm và ít đi vì không đủ đam mê để dấn thân vào nghiệp văn chương. 

Ðề tài không nhất định, nhưng cảm hứng tìm ở chính đời sống nội tâm của tôi. 

Tôi viết cho nhu cầu bày tỏ và tìm kiếm cảm thông. Viết cho chính mình và cho người cùng tâm trạng. 

Như Chi. 

 

Nhà thơ Khánh Trường 

trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh 
tạp chí Sóng,(Canada) số 80 tháng - 1989 

...Ðoản thi,trường thi hay quái qủi gì đó cũng là thơ. Dài ngắn đâu phải vấn đề ? Yếu tính của thơ là thơ, thế thôi. Bài thơ, khúc thơ, đoạn thơ, câu thơ chỉ thật sự là thơ khi nó được thể hiện bằng ngôn ngữ của thi ca, khi nó xuất phát từ rung động chân thật nhất của trái tim. 

Ý tôi muốn nói: dài, ngắn không quan trọng, cái quan trọng là hồn thơ, là cấu trúc của ngôn ngữ, là phong cách diễn đạt, là khai thác đúng mức hiệu năng của từng từ, là nhạc tính tổng thể...Một bài thơ hội đủ những yếu tố đó là một bài thơ hay. Ngược lại, thơ sẽ không còn là thơ nữa. Hẳn ông đã từng đọc những bài thơ rất tròn trịa, rất đúng niêm luật rất không bắt bẻ vào đâu được, thế nhưng giống như một xác ướp trong lồng thủy tinh, cũng đầy đủ mặt mày tứ chi, cũng son phấn quần áo tươm tất, vậy mà than ôi ! đó chỉ là một xác chết được ướp ! vô hồn ! 

Còn chuyện thương tích tùm lum, lính tráng dầm dề...mà thơ chẳng thấy súng thấy gươm? có chứ ! đó là một phần đời sống tôi, phần quan trọng nhất. đó là tuổi trẻ, là sinh lực, là dự phóng, là hoài bão, là ước mơ. Tôi đã chọn lựa, đã sung sướng, đã thất vọng, đã đau khổ...tất cả còn hiển hiện trong tôi. Tôi có những bài thơ như thế : nồng nặc mùi thuốc súng ngoài trận địa, nhức buốt những mãnh đạn trong thân thể, nhọc nhằn bao gian khổ trên quê hương, đau đớn những mất còn của đồng đội...Tôi đã định cho xuất bản dưới một tên chung : Thơ Của Một Thời. Nhưng để xem, còn tùy thuộc một số điều kiện khác nữa. 

...Tôi làm thơ bởi vì tôi muốn làm thơ, bởi vì tôi yêu cái tôi yêu, tôi ghét điều tôi ghét. Tôi đang cảm thụ, đang vay trả, đang nhận và đang cho, đang có được và mất đi...tất cả tác động vào tâm hồn tôi, xui khiến tôi ngồi xuống, viết : thơ thành tựu. Và những bài thơ, đoạn thơ, khúc thơ đó khi làm xong, đọc một mình, chưa đủ, chưa đã, tôi muốn nhiều người cùng chia xẻ với tôi : tác phẩm ra đời . Chấm hết. 

...Tôi thường làm thơ trong những cơn say, hình như những bài thơ...được nhất của tôi (cho tôi lếu láo tí đỉnh) là những bài thơ ủ trong hơi men. Có lẽ khi say, tôi quên hết mọi đỉnh cao, mọi thi sĩ, mọi bài thơ đã đọc. Nói cách khác, khi say tôi coi trời bằng vung! khi người ta hết mặc cảm, khi người ta trở nên mù, khi người ta không còn bị đè bởi những cái bóng, thì người ta ...dễ thở hơn ! 

Khánh Trường 

 

Nhà thơ Du Tử Lê 

1. 
Những Ngày Thương Cảm 
(tạp chí Thơ , số mùa thu 1997) 


Tôi vẫn quan niệm thơ không là sự phối hợp nghệ thuật giữa hình ảnh và ngôn ngữ. Thơ cũng không chỉ là một phối ngẫu tuyệt hão giữa tư tưởng và vần điệu. 

Trong thơ còn có nỗi tử sinh, có hạnh phúc thất lạc, có khổ đau tưa máu. 

Trong thơ còn có âm dương, có nhật nguyệt, có kẻ đi qua, có đời sẽ tới. 

Thơ mở ra và đi về với thần linh. Thơ khép lại và quay về với con người. 

Thi sĩ do đó là kẻ tự nhân gian đi ra và vì nhân gian mà trở lại, hoặc nói theo cách của Platon thì thi sĩ "đi ra từ thần linh và trở về như thú vật" 

Mỗi nhà thơ, do đó, tự bản chất, rất mặc nhiên đã chọn lấy cho mình một cánh rừng khai phá, đã chọn cho mình một biển lớn trầm thân. 

Mỗi nhà thơ, do đó, đã chính là kẻ tự gặt những mùa lúa của mình như con sông chẳng bao giờ không là chính nó. 

2. 
Trả lời tạp chí Văn Học 
ba câu hỏi chung về Sáng tác 
(Văn Học số 111 tháng 7-1995)
 

Từ năm 1980, sau khi nghỉ việc ở hảng Rockwell Int., tôi sống hoàn toàn bằng nghề viết, hoặc, công việc liên quan tới chữ nghĩa. Thời gian nào không viết được, tôi bứt rứt cảm tưởng như mình đang ăn không, ăn hỏng của ai đó, chén cơm, điếu thuốc lá, ly cà phê ...(Ngày xưa, tôi không có cảm tưởng này). Cạnh đó, mấy năm gần đây, tôi thường suy nghĩ nhiều hơn về văn chương, về chữ nghĩa. Nên tôi hay có những bài tập(homework) cho chính tôi, như những thể nghiệm riêng. Phải chăng, nhờ đó, tôi còn tiếp tục viết ? 

Hồi nào giờ, tôi vẫn viết bằng những gì có trong tôi, dù mỗi ngày mỗi cảm thấy công việc viết lách nó mới khó nhọc làm sao ! Càng lúc, tôi càng phải vận dụng nhiều cố gắng hơn. còn viết cho ai đọc (?) thì, phần nào tôi trả lời ở trên. Tôi nghĩ mình như một người thợ. Thí dụ thợ mộc đi. Công việc của thợ mộc là gì (?) nếu không phải là việc đóng bàn, ghế...Có thể chẳng ai dùng tới cái bàn, cái ghế do tôi làm ra. Nhưng không phải vì thế, tôi tự cho phép mình được ngưng nghỉ. Lại nữa, tôi tin vẫn còn người đọc, dù chúng ta ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào.Chưa kể, chúng ta, còn ngưòi đọc ở trong nước, (có quá lạc quan chăng ?) Không hôm nay thì ngày mai. Cách gì, mỗi ngôn ngữ, mỗi chữ viết cũng vẫn thuộc về nơi nó được sinh ra. Với mức tiến bộ của khoa học hiện nay, mọi loại cây, đều có thể bứng đi, trồng lại, tươi tốt, ở một thổ ngơi khác, trừ cây ngôn ngữ. Tôi từng nghĩ, nói ra,và, tin như vậy. 


Du Tử Lê 

 

Nhà thơ Phan Ni Tấn ND 

1. 
trả lời tạp chí Văn Học Ba 
câu hỏi về Sáng Tác 
(Văn Học 116 tháng 12-1995
)
 
Tôi viết về mọi đề tài, tùy ngẫu hứng. Thí dụ như ngay bây giờ tự nhiên trong đầu tôi ngẫu hứng nảy ra bốn câu thơ có đầu đề ngay là Sinh Nhật Chuột (tuổi tôi) như : 

Nhớ tháng ba sinh nhật anh 
bốn hôm sau đã tan tành Tây nguyên 
đắp chung một tấm ưu phiền 
anh và đất nước đâm ghiền yêu nhau 
PNT 

đại khái như vậy. Hồi mới qua đây, tôi chuyên viết về đề tài văn chương chống Cộng, đến độ có lần báo chí Việt cộng (trong và ngoài nước) đã liệt tôi vào thành phần chống phá cách mạng vv.. và vv..Bây giờ tôi viết có phần nhẹ đi. Nhưng tựu chung cũng về quê hương, đất nước, về gia đình, bè bạn, về nỗi vui buồn của đời sống bản thân...đa số đều được diễn đạt trung trực trước hoàn cảnh, một sự vật phức tạp, chi li hay đơn sơ, giản dị. Cũng giống như phổ nhạc một bài thơ nếu hướng theo cái ý mình thì vẫn cố gắng không lạc mất đi cái ý thơ nguyên thủy. 

Những năm về sau này thơ hải ngoại ở đâu mọc ra nhiều đến độ người đọc không còn lấy làm tha thiết, qúi trọng như xưa nữa. đã vậy có người coi thơ như một phụ bản, trám chỗ, một thứ minh hoạt bằng chữ. Và thảm đến độ tác phẩm thơ đã bị một số tiệm sách và nhà phát hành từ chối không nhận phát hành hoặc bán ra. Vậy thì viết cho ai đây ? Rốt cuộc rồi cũng thây kệ mọi sự. Sống trong một hoàn cảnh bon chen, hối hả như hiện tại , còn cầm bút viết được đã là điều may mắn, an ủi lắm rồi. Hãy quên đi những câu hỏi. Quẳng gánh lo đi mà vui sống. Cứ viết. Cố gắng viết sao cho tới. Viết để chia xẻ với chính mình trước đã, rồi cho bằng hữu, cho người đọc, những người đồng điệu cảm thông hiểu được những điều mình thổ lộ ra. 

2. 
Trả lời Nhà văn Tưởng Năng Tiến 
tạp chí Nhân Văn số 59 tháng 7-1989 


Tôi không biết người rôbô có biết làm thơ hay không ; còn thì vạn vật thiên nhiên không thể...làm thơ. Nghĩa là thơ vĩnh viễn là công việc của con người, của trái tim. 

Là người hễ cái gì thật thân yêu, thật qúi giá mà mất đi, không còn tìm lại được nữa cái đó thường gây cho người ta sự tiếc nuối. Tôi mất quê hương, mất làm lính, tôi xa gia đình bè bạn anh em tất phải nhớ thương. ở hải ngoại...khó mà xảy ra tình huống một thời để yêu, một thời để chết, vì vậy tìm về xưa, đào xới kỷ niệm là một cách để an ủi quảng đời còn lại nơi xứ lạ quê người. Từ đó tôi mới sanh chuyện viết hồi ký bằng thơ. 

Phan Ni Tấn ND 

 

Nhà thơ Trang Châu 

Trả lời tạp chí Văn Học Ba 
câu hỏi chung về Sáng tác 
(Văn Học số 115 tháng 11-1985) 


Viết chỉ là nghề tay trái. Tuy tay trái nhưng có lẽ vì nằm phiá trái nên gần con tim hơn do đó đam mê nhiều khinhơn cả nghề tay phải. Viết vì đam mê. NHưng chỉ viết khi thấy có gì đáng viết hơặc nếu không viết sẽ mất ăn mất ngủ. 

Viết về cái mình đã sống mà còn gây xúc động mãnh liệt cho mình như chiến tranh, như thuyền nhân với bút ký; viết về cáu gì mình đang bị dồn nén hay đang khát khao ước mơ như tình yêu với thơ , truyện ngắn. 

Về văn, bao giờ tôi có đoạn kết trong đầu rồi mới ngồi vào bàn viết. Viết chừng nửa trang nếu tôi bằng lòng thì mới viết tiếp. Những dòng đầu đối với tôi rất quan trọng, vô cùng quan trọng. 

Về Thơ thì khác hẳn. Tôi rất sợ làm thơ vì cái tứ thường đến bất chợt, nó đến chứ tôi ít khi đi kiếm. Nhưng khi nó đến rồi thì tôi quên hết chung quanh, quên hết thì giờ. Có đêm tôi không ngủ và phá giấc ngủ của người thân. Những bài thơ tôi viết nhanh nhất, thường được viết ở phỏng mạch. Vào những lúc đó tôi muốn mọi người không ai bệnh hết, cho phòng mạch trống vắng để tôi được rảnh rỗi mà viết. Cho nên tôi rất sợ làm thơ vì nó tác hại cái nghề tay phải của tôi vô cùng. Dính vào thơ như dính vào ma túy. 

Viết cho những ai thích đọc thơ văn. Tôi tin giới trẻ hải ngoại thành phần nào thích văn chương nói chung sẽ tự tìm cách trau dồi tiếng Việt để viết hay đọc văn chương Việt. Nhưng phải nghĩ một cách rộng rãi hơn : văn chương hải ngoại không phải chỉ để cho người ở hải ngoại đọc và ngược lại. 


Trang Châu 

 

Nhà thơ Thái Tú Hạp 

Trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh 
(tuyển tập nhiều người viết về Thái Tú Hạp Sông Thu xuất bản năm 1999)


 ...Thơ phải sáng tác theo cảm hứng. Cảm hứng là linh hồn của bài thơ. Tôi sáng tác rất nhiều, song giữ lại chẳng bao nhiêu. Nhiều khi cảm hứng bất chợt đến, tôi viết một mạch xong bài thơ, đọc lại vài lần thấy không cần thiết sửa chữa xem như chấp nhận sự hoàn chỉnh , nhưng cũng có trường hợp phải sửa chữa vài ba lần tôi mới bằng lòng, dĩ nhiên phải đạt hơn chớ. Có nhiều đoạn trong một bài thơ gần cả hai chục năm sau, đọc lại vẫn còn cảm thấy thích thú. Cũng có trường hợp ngược lại, một số bài viết gần đây đọc lại cảm thấy không vừa ý mấy. 

Khi cảm hứng chợt đến, mình vội vã ghi lại thành thơ. Sự sáng tạo của thơ xảy ra một cách đột nhiên và không suy tính. đôi khi có trường hợp ngoại lệ, nguồn cảm hứng của thơ triền miên dẫn dắt nhà thơ cuốn hút vào sự mê đắm và cấu trúc nên thể điệu thơ có vần hoặc thơ tự do tùy ý. Chỉ ghi lại cảm xúc rồi biến hoá thành thể loại sau. 

Khó mà nhận định một bài thơ hay theo nhận xét tuyệt đối chung của nhiều người, có thể có người cho rằng thơ của Cao bá Quát, của Thanh Tâm Tuyền, bà Huyện Thanh Quan hay, có nhiều người cho thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản đà, đinh Hùng , Nguyễn Bính xuất sắc. Có nhiều người không thích đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà chỉ thích Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãì. Nhưng ở đây, tôi muốn nêu lên trường hợp tương đối, một bài thơ hay phải chuyên chở hồn tính, có nhạc điệu, dễ truyền đạt cảm xúc từ tác giả đến độc giả. Nhận xét và phát biểu một cách nhà quê : Một món ăn hợp khẩu vị được chấp nhận là món ăn ngon chứ không phải do cách thức trình bày món ăn đẹp đẽ màu sắc hấp dẫn trên những chén đĩa chạm trổ ngọc ngà sang trọng. 

..Thơ đối với tôi bây giờ như hơi thở hay nồng nhiệt hơn như nha phiến đối với một người đã nghiện lâu năm. Bằng mọi cách tôi phải cố gắng sắp xếp một khoảng thời gian nào đó để sống riêng cho mình. Những giây phút cõi riêng đó, tôi mới cảm thấy mình thực sự hạnh phúc. Vì đã bỏ quên tất cả những dị hợm dối trá của đời sống, trở về nơi chốn an bình tĩnh lặng nhất của tâm hồn. 

Thái Tú Hạp 

 

Nhà thơ Lưu Nguyễn 

1. 
Trả lời tạp chí Văn Học 
ba câu hỏi chung, về Sáng Tác 
(Văn Học số 133 tháng 5-1997) 


Tôi rất thích đọc sách báo. Văn chương chữ nghĩa nhiều lúc đã như một người bạn chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, hay nói khác hơn, một cách chủ quan, văn chương vốn là một phần của đời sống. Còn thì giờ, với một công việc mà chính mình đã ưa thích, thì thế nào cũng có cách để sắp xếp. 

Bất cứ vấn đề nào cũng có thể là một đề tài của văn chương, điều quan trọng là phải trung thực với những gì mình suy nghĩ và rung cảm. Chỉ viết khi nào thực sự rung động. Và viết đầu tiên là cho chính mình, và sau đó hy vọng chia sẻ với những người đồng điệu. 

2. 
Trả lời tạp chí Thơ 
về thơ vần 
(số mùa xuân 1997) 


Nói chung, thơ vần dễ làm, dễ đọc, dễ phổ biến. đó là ưu điểm mà cũng là khuyết điểm của thơ vần. Trong nhiều năm qua, những người làm thơ đã có nhiều cố gắng làm mới thơ văn, nhưng có thành công hay không là do khả năng của mỗi người. Với riêng tôi, thơ vần hay không vần không quan trọng. điều quan trọng : Thơ phải là thơ. Và thơ hay không lệ thuộc ở hình thức có vần hay không vần. 

Lưu Nguyễn 

 

Nhà thơ Chu Vương Miện 

trả lời nhà văn Tưởng Năng Tiến 
(tạp chí Nhân Văn số 54 tháng 12 - 1987 )


Thường thường thơ là tình cảm ; công việc của trái tim ; đúng như Mallarmé tâm niệm ; nhưng tôi không phải là một nhà thơ đúng nghĩa một trăm phần trăm, mà chỉ dùng thơ như một phương tiện diễn đạt , dụng văn nhiều hơn cảm hứng. Tôi bị ba cái Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳngnó cầm chân, dù học chương trình Pháp. Bảy năm ở Saint Joseph Hải Phòng, gần 26 năm cầm bút tôi cứ lẩn quẩn mãi về vấn đề quê hương, dân tộc, lý do giản dị, năm thi tú tài 1 (niên khóa 58-59) gì đó, gặp 4 câu thơ của á Nam Trần Tuấn Khải như sau : 

Phải nên thương lấy giống nòi 
đừng ham phú qúi mà phai tất lòng 
kiếp luồn cúi đỉnh chung cũng nhục 
thân tự do chen chúc mà vinh 
(Lời Cha đặn) 

Bài này là một bài dài , trích trong cuốn Bút Quan Hoài, bối cảnh là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt về Tàu, và Nguyễn Trãi là con đi theo tiễn. Năm nay tôi 47 tuổi, đọc thơ cũng không nhiều, nhưng thích thì thích 4 câu thơ trên và hai câu nữa của Thạch ẩn đăng trong Phong Hoá Ngày Nay của Nhất Linh như sau : 

Dù cho tha thiết yêu nòi giống 
cũng đến đau thương ngắm cõi bờ 
(1957) 

Ba mươi năm sau (1987) thì tâm trạng của Thạch ẩn và tâm trạng của tôi cũng y như vậy. không khác gì. 

Trí nhớ hoàn toàn không phải là năng lực của thi ca ; vì nếu đưa trí nhớ vào computeur rồi xếp lại trí nhớ để thành thơ thì hoàn toàn không đúng nghĩa của thơ, vì thơ là sáng tạo; không phải là ghi chép các sự kiện lẩm cẩm của quá khứ. Trong thơ tôi hay nhắc lại quá khứ đầy ắp kỷ niệm, nhắc lại những ngày chân không đi bộ, hay 13 năm lính, chẳng qua là nhắc lại cái tình con người... 

Tưởng tượng và cảm hứng là hai cái cơ bản cần thiết phải có để xây dựng nên một bài thơ (dù thơ xoàng không hay). 

Thơ chỉ có hay và dở, chứ làm gì có thơ cũ và mới... 

Chu Vương Miện 

 

Nhà thơ Ðỗ Kh 

1. 
trà lời tạp chí Văn Học 
ba câu hỏi chung, về Sáng tác 
(Văn Học số 121 tháng 5-1996) 


Văn chương có lẽ như cái quần lót lụa, chính tính cách xa xỉ này tạo nên cái khêu gợi (kín đáo ?) , của nó. 

Tôi viết. Tôi không viết (về cái gì ? như thế nào ?) Cho ăi đọc ? Phố Bolsa có thể đất chật người thưa nhưng viết là để cho những 300 năm về sau. Văn học Việt Nam Hải ngoại chúng ta chỉ mới có 20, còn đến 280, nghĩa là rất nhiều cơ hội, người đọc và thì giờ. Xin gởi đến số đặc biệt Tạp chí Văn Học một sáng tác mới nhất của tôi, tuy không ưng ý lắm nhưng cũng rõ được rằng : 

a/Tôi đã có đi nhiều nơi và 

b/ học (lóm) được vài ba chữ của nhiều thứ tiếng 

Hai mươi năm qua, người Việt nước ngoài có phải 

a/đã đi được nhiều nơi và 

b/có học được nhiều thứ tiếng ? 

2. 
Vần Vè 
Là Chuyện Vớ vẩn 
(tạp chí Thơ số mùa Xuân 1997) 


"Ðẹp trai đi bộ không bằng mật rỗ đi xe". Nói một cách trắng trợn, đây là tình trạng thê thảm của thi ca (theo định nghĩa truyền thống của nó) hiện nay trong cũng như ngoài nước, ở đông cũng như ở tây, sau những thiên niên kỉ làm mưa làm gió nhờ bộ mã. Hiện tượng này tất yếu và cũng dễ hiểu. Thế kỉ sắp hếtđã chứng kiến sự biến thái của các phương tiện truyền đạt ngôn ngữ một cách ào ạt đến độ bộ lạc hóa trở lại nền văn minh nhân loại (Mc Luhan) : Văn hóa, nói chung và phần lớn, đã bỏ rơi cái trung gian mờ ảo của giấy mực để về với thính, thị trong khi toàn cầu trở thành thu hẹp như một thôn làng với kích thước của hành tinh. 

Lãnh vực của chúng ta dĩ nhiên không thoát khỏi bàn tay tia sáng (300.000 km/giờ) của thời đại. Tôi không cần thí dụ lải nhải ví Christiane Amanpur với cái bà Ba Lan mà tôi không thể nào nhớ tên hay Keanu Reeves với cái ông gì đó nhà văn Do Thái. Anh cao bồi quảng cáo Marlboro giờ oai hơn Từ Hải và khắp nơi trên thế giới người ta giải trí nhiều hơn với thằng gù của Disney là với Salvotore Quaimodo. Phương tiện (chính) là thông điệp, ông bạn của ta bảo. đầu video và cái uốn rốn của Lynda Trang đài đã tác động văn hoá ở trong nước hơn là ngòi bút và cái ngồi ngắm chính rốn mình của 300 nhà văn thơ Việt Kiều hai mươi năm vừa qua. Thơ, dưới dạng thức chúng ta được biết, ngày càng tách rời với hiện tại và đời sống để trở thành thú vui bệnh hoạn của những chuyên gia bảo tồn xác ướp trong những căn phòng kín. 

Trong bối cảnh nhổn nháo của cuộc triệt thoái toàn diện của ngôn ngữ hiện naỳ (mà điển hình cực đoan là phong trào xâm mình và body piering, đeo vòng ở vú hay đeo vàng ở lưỡi), chuyện người xuôi kẻ ngược cũng dễ hiểu. Giống như những kẻ nhà cháy chỉ lo chạy cái nồi cơm điện hay xuống tàu di tản không mang theo con mà chỉ mang mỗi cái gối ôm, một số các nhà thơ vung vẫy Vần như thứ vũ khí cuối cùng để tự vệ. đây là trường hợp giỏi cho lắm tắm cũng ở truồng của những người ngồi chọn màu cà vạt trong một trại (một thế giới ngày càng) khỏa thân. 


Ðể điển hình, theo xin phép được dùng Vần để thắc cà vạt cho một số bài thơ tự do (tự nhiên) trích trong số vừa rồi (mùa đông 1996) của tạp chí Thơ : 

hãy tách rời nàng khỏi tôi: 
những năm du hành / những thế hệ 
những sông ngòi / những lục điạ. Những sách vở / thành phố 
vách tường 
nhưng mà tôi luôn canh chừng nàng 
từ khe hở nơi cánh cửa 
(Người Tìnhbản dịch Al Bayati của Lê Thị Thấm Vân)

tách nàng ra khỏi cùng tôi 
tháng năm / lục địa / sông ngòi / viễn du 
vách tường / sách vở / xích đu 
đong đua thế hệ, điệu ru phố phường 
nhưng tôi vẫn mãi canh chừng 
từ nơi khe cửa ngập ngừng dõi em 

Tuy đây đã có xích đu đong đưa nhưng chắc chắn là chưa đủ, xin bạn kiên nhẫn đọc thêm vài đọan nữa, thí dụ :

 này những cánh cửa đã khép 
hồi ức 
sao bỗng mở toang 
khi hồn vắng bóng 
tôi kiếm người 
như tìm cây súng lục 
vỡ đời mình 
hay tự sát bên trong 
(Một Hình Thức Tự Sát Nguyễn thị Thanh Bình) 

cửa nào đã đóng từ xưa 
tại sao ký ức lại ùa vỡ toang 
hồn đi phiêu dạt gió ngàn 
trở về tiếng súng nổ đoàng trong tôi 

đến đây ta thấy không phải người làm thơ vần lúc nào cũng lải nhải bị mê hoặc mãi bởi những câu kinh của chính mình mà thỉnh thoảng cũng giật mình trước điệu nghệ bất ngờ của bản thân. Họ có khả năng làm mới lục bát : 

Sáng nay đồng hồ bỗng đứng 
tôi đôi khi 
nổi hứng 
cũng muốn 
tháo hết pin ra khỏi cuộc đời 
thênh thang đứng 
khơi khơi 
như đồng hồ 
(Nổi HứngNguyễn thị Hoàng Bắc) 

Sáng nay bỗng đứng đồng hồ 
con tim cũng muốn có giờ nghỉ ngơi 
giải lao 
mệt rồi 
ra chơi 
tháo pin ra khỏi cuộc đời 
thênh thang đứng đó khơi khơi đồng hồ 

Tốt hơn hết, có lẽ tôi nên tự lôi thơ tôi ra mà nắn nót và uốn éo : 

đêm Hà Nội váy chùng em 
đít ấm và tôi dương vật ngỏng (.... đỗ kh) 

Hà Nội đêm phủ váy chùng 
tôi dương mình cứng ấm cùng đít em 

Các ví dụ vừa rồi cho thấy, làm thơ cho Vần, thật ra cũng chỉ là mẹo vặt. Có kẻ thấp người cao. Tài vặt ở trên đời chẳng bao giờ được phân chia đồng đều nhưng càng cao thì lại càng hại. Vào lúc mà người ta đã biết là hút thuốc làm hại phổi mình và hại cả phổi người khác thì đáng sợ nhất là những người nhả khói rất tròn. Khi ngôn ngữ đã chứng tỏ sự bất lực, nói rộng ra hơn vấn đề vớ vẩn của vần vè (áo dài có nên hở cổ kiểu Trần Lệ Xuân ?). Thơ phải trở về với đời sống, khi mà đây đó đã bắt đầu vang tiếng hú vô ngôn thân thương của các thiền sư. 

Tải thơ bằng phương tiện mới hay dưới một hình thức khác không phải là xúc phạm đến nàngcủa Ngu Yên (Vần) mĩ miều trên những trang giấy hoa vân. Thơ vần đã lên lịch như hoa hậu áo tắm, oai nghiêm như những di ảnh bàn thờ. Tôi cúi đầu lạy một cách kính cẩn. Nhưng để sống. Thơ phải là hơi thở, không thể là bàn thờ, phải ( linh tinh dung tục) bài tiết, không thể là uy nghi bài vị. Vần, ở đây là biểu dương thếp vàng của một thời kì đã mất, là chất song trật tự của một căn nhà không còn. ôm cái cửa sổ sắt trên một bãi đất trống, tình trạng ngớ ngẩn này dân gian gọi là tâm thần, những cụ từ quyét mãi trước cổng của những miếu đền đã được xếp hạng di tích lịch sử. 

Thoạt tiên là ngôi lờinhư Phan Tấn Hải nhắc lại trong bài Tại Sao Thơ Vần ? (Thơ số 8). Rồi Tân ước có những kẻ đầu tiên sẽ là những kẻ sau cùng. Trong trật tự ngày nay đang định hình, lời hụt hơi hớt hải đuổi theo cuộc sống. Như cái bóng của chàng cao bồi hí họa Lucky Luke (Người rút súng nhanh hơn bóng của mình) không còn phản ảnh kịp hình, tho truyền thống bắn chậm...thì chết. Ngay nay, truyền thống không còn ở sau lưng ta nữa mà ở trước mặt. 

đỗ Kh 

 

Nhà thơ Lâm Chương 

tác gỉa, tác phẩm, chân dung tự họa 
(Hợp Lưu số 37 thá ‘thơ’, thế &11-1997


Nhiều người coi chuyện làm thơ như một cái nghiệp. đối với tôi, làm thơ cũng là một cách chơi. Thích thì làm, không thích thì thôi. Có khi mười lăm năm không làm bài nào, thấy đời vẫn vậy . 

Tôi chẳng bao giờ bận tâm suy nghĩ : viết gì, viết thế nào, viết cho ai ? Hỏi như thế là đặt mình vào một vị trí quan trọng, tự coi mình có sứ mệnh hướng dẫn tư tưởng người khác. Vì không cảm thấy mình quan trọng, nên tôi muốn viết gì thì viết. Không chịu trách nhiệm nào, với ai cả. đầu tiên, tôi viết cho tôi , không xu hướng theo ý người khác. Viết xong, gởi báo đăng chơi, thấy tên mình xuất hiện cũng vui vui. Người khác có thích hay không, tôi đành chịu. 

Thời tuổi trẻ, tôi thường làm thơ thất tình và rên la cho thân phận kiếp người. Tất cả đều là láo hết. Giả dối với chính mình. Sở dĩ có hiện tượng này, vì tôi bắt chước theo trào lưu lúc đó, cố nhồi nhét những loại tiểu thuyết tai hại vào đầu. Tưởng tượng mình đau khổ, rồi làm thơ. Mấy mươi năm sau, đọc lại những bài thơ này, tôi mắc cở ! 

Hiện tại, thơ tôi phản ảnh đời sống tôi, cô đọng và bình dị. Bình dị cũng là một dụng công. Nếu không dụng công, dễ bị rơi vào lối mòn, sáo ngữ. Tôi tránh lối làm thơ dùng nhiều chữ bóng bẫy, đem ghép thành vần, đọc lên nghe thật êm tai nhưng rỗng tuếch. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, đã học và đọc thơ người khác, vô tình bị ảnh hưởng. Bây giờ, muốn thoát ra khỏi cái hơi hướm quen thuộc , là điều không dễ. 

Tôi làm thơ rất khó khăn. Cân nhắc từng chữ. Nhiều khi làm câu sau, thấy không phù hợp với câu trước, hoặc ý không liên tục, xóa bỏ, làm lại. Hoàn thành một bài thơ, tôi phải trải qua rất nhiều bôi xóa. Dù coi chuyện làm thơ như một cách chơi nhưng không vì thế mà dễ dãi với mình. Càng gạn lọc để cô đọng được ý chính, tôi càng thích. 

Tôi làm thơ rất chậm. Làm thơ không giống như sản xuất, nên không cần đại số lượng, chỉ tiêu. Vài tháng mới xong một bài là chuyện thường. 

Khó nói hết ý nghĩa của thơ. đã có nhiều người đặt vấn đề lý giải về thơ. Người nào cũng có lý, dù lý của người này, nhiều khi tương phản với ý ngườu kia. Với tôi, tôi nhìn thơ rất đơn giản. Yếu tính của thơ là truyền cảm và những khám phá bất ngờ. Thơ có thể thiếu một trong hai yếu tính này, nhưng nếu thiếu cả hai, thơ khó đi vào lòng người.. 

Tôi không thích loại thơ tối nghĩa. Có thể tác giả muốn làm dáng, muốn lập dị. Dù muốn làm gì thì làm, nhưng tôi vẫn thấy nơi họ một sự bất tài, vì không đủ khả năng diễn đạt cho người đọc hiểu được những gì tác giả muốn gởi gấm qua bài thơ. Tôi nói lên ý này trong một bài (bài này không đủ yếu tính làm thành một bài thơ, nhưng cứ ngắt câu, xuống hàng cho nó có hình thức như bài thơ), trích vài câu : 

có cõi tối tăm nào 
nhìn thấy được cõi tối tăm kia 
qua những bài thơ 
như bài thần chú ? 

nếu không lập dị 
họ không thành thi sĩ ! 

Tôi nói thế, sẽ có người hỏi: Thi sĩ Bùi Giáng làm thơ có những câu cũng tối nghĩa sao đọc vẫn thấy hay?. Câu trả lời rất đơn giản :thơ Bùi Giáng có yếu tính truyền cảm và những khám phá bất ngờ trong cách dùng chữ, cách nhìn sự việc (nhưng không phải bài nào cũng hay đâu ) . Ưu điểm lớn nhất để người đọc cảm được là Bùi Giáng làm thơ bằng tấm lòng chân thật của một kẻ không bình thường. Từ khi có hiện tượng Bùi Giáng, đã có nhiều người lấp lững bắt chước làm thơ kiểu Bùi Giáng, nhưng tất cả đều thất bại. Người đọc nhìn thấy họ giả điên một cách lố bịch. Khó lòng cảm thông được với kẻ giả trá. 

Về những nhà phê bình. Có những người tôi rất thích, nhưng chợt một hôm nào đó, tôi cảm thấy bị lừa. Một trong những người đó là Nguyễn Hưng Quốc. ông có cái nhìn sâu sắc , bén nhạy về thơ, nhưng đôi khi ông đi quá đà. đọc bài đêm trong Liên đêm Mặt Trời Tìm Thấy, của Thanh Tâm Tuyền, tôi không hiểu gì cả. Thế nhưng, ông Nguyễn Hưng giải thích rất dễ dàng, sáng sủa. Chẳng biết ông Thanh Tâm Tuyền nghĩ sao về lời giải thích này ? Chứ tôi, tôi không tin ! Tôi cũng thích nhà phê bình đặng Tiến, nhưng qua bài phê bình tập thơ Bóng Chữ của Lê đạt, tôi cảm thấy bị ông dẫn đi quá xa. ông tán hươu tán vượn đủ điều để khoe kiến thức của mình về những bài thơ làm dáng rất tầm thường của Lê đạt. Còn một người nữa, nhà phê bình Thụy Khuê. Hình như bà đọc quá nhiều, nhưng không tiêu hoá được. đọc xong những bài luận giải về thơ của bà, người yếu bóng vía, không ai dám làm thơ. Kể cả người đọc thơ cũng cảm thấy từ lâu mình không biết thưởng thức thơ là gì. 

Nội dung của bài này, không phải là bài phê bình những nhà phê bình nên không thể dài dòng. Tôi chỉ muốn nói một điều đơn giản. đừng làm cho thơ trở thành một vấn đề rắc rối, điên đầu thiên hạ. 

Lâm Chương 


Xin bấm vào đây để xem tiếp