ý kiến của các tác gỉa: nguyên sa. văn cao. đỗ qúy toàn. tô thùy yên. quỳnh thi. huệ thu. trần mộng tú. nguyễn thị thanh bình. hoàng lộc. triều hoa đại. hoàng xuân sơn. khánh hà. luân hoán. như chi. khánh trường. du tử lê. phan ni tấn. trang châu. thái tú hạp. lưu nguyễn. chu vương miện. đỗ kh. lâm chương. hà nguyên du. song hồ. nhất linh. yên thao. cao thoại châu. hoàng hương trang. xuân tùng. thương hoài thương. hà nguyên dũng. đỗ bạch mai. trịnh bích ba. phạm việt bằng. phùng thanh chủng. vũ huy long. băng sơn. huỳnh minh tâm. khắc thạch. dương thuấn. trương sĩ hùng. đặng nguyệt anh. trầm hương. lê khánh mai. nguyễn hoài nhơn. nguyễn lương ngọc. vĩnh nguyên. lê quốc hán. lê kim giao. hoàng việt thắng. nguyễn trung hiếu. văn trọng hùng. trương nam hương. nguyễn tấn sĩ. lê lâm. trần xuân an. lê hoài nguyên. trinh đường. ngô tịnh yên. chân phương. tường linh. phan xuân sinh, hoa thi, trân sa, đỗ trung quân, phan thị thanh nhàn, nguyễn quang thiều, thanh thảo, tuyết nga, phan huyền thư, ly hoàng ly, song vinh, vũ duy thông, trần huiền ân, thanh thảo, song hào, bằng việt, ...

 

Nhà thơ Phan Xuân Sinh
trả lời Lê Bảo Hoàng

Câu hỏi thật đơn giản mà cũng thật khó. Khi chưa có ai đặt cho tôi câu hỏi nầy, thì trong đầu tôi "chẳng có quan niệm" gì cả, thơ miễn sao làm cho hay thì được rồi. Thế nhưng cái khó của người làm thơ là làm sao mình biết được thơ mình hay? Một nhận định khách quan thường phải do người đọc nhận xét. Tâm lý chung chung người làm thơ nào dù mới chập chững, cũng đều cho rằng thơ của mình thuộc thiên hạ đệ nhất. Không thể nào dở được, nếu ai chê thì người đó ganh ghét, hoặc lòng dạ hẹp hòi. Chứ mình thì không thể nào chấp nhận thơ mình dở được. Cái mâu thuẩn đáng ghét đó chính là cái nguyên nhân tạo nên những nhà thơ, họ lầm lì sáng tác, chai mặt sáng tác, bất kể búa rìu dư luận. Bài thơ sau hay hơn bài thơ trước, bước đi lúc đầu chập chững, nhưng về sau vững vàng. Họ làm mãi, trau chuốt dần dần, sửa tới sửa lui, câu kéo không còn lòng thòng mà trở thành cô đọng. Ðúng là văn ôn võ luyện. Thơ không thuộc loại tuyệt phẩm, thì ít ra cũng thuộc loại hay. Sự thành công của những người nầy, rất ít trong giới cầm bút. Những người làm thơ hay phần đông họ có năng khiếu. Bài thơ của họ chào đời được đón nhận ngay. Họ được ưu đãi và trọng vọng.

Tôi không thuộc vào hai lớp người trên, không có cái khiếu làm thơ, khi đọc thơ của thiên hạ tôi thấy những điều tôi nghĩ, họ đã nói giùm tôi hết rồi, mà lại nói hay hơn những điều tôi nghĩ. Tôi không nhẫn nhục can đảm ngồi lì để trau chuốt từng chữ, từng ý, như những người không có năng khiếu nhưng biết học hỏi, biết nhận thức. Nên tôi ngại không dám viết. Trong đời sống thường nhật không dễ gì đọc được những bài thơ vừa ý, số nầy ít ỏi quá. Thường thì đọc các bài thơ lẩm cẩm thì nhiều. Buồn tình tôi ngồi làm thơ cho mình tự đọc chơi, dần dần trở thành thói quen. Tôi thì làm thơ "phang" đại, tới đâu thì tới, không giống ai hết. Nói lên cái ý của mình muốn nói. Gửi gấm chút tâm sự, chút lòng mình ao ước. Nên thơ tôi cục mịch, chữ nghĩa rẻ rúng, không chắt lọc, không cao siêu. Thơ của tôi dành cho những người dễ dãi đọc chơi rồi bỏ qua. Còn đối với những người khó tính, thì họ không chấp nhận loại thơ như thế nầy. Loại thơ bình dân, không cân não, không trí tuệ.

Cho nên quan niệm về thơ của tôi cũng thật đơn giản. Thơ phải dễ hiểu, chữ dùng đơn giản, ý thơ đâu đó rõ ràng. Tôi biết thơ mà như vậy thì không "thơ mộng" chút nào. Thế nhưng quen rồi không đổi được, cái quan niệm cổ lỗ sỉ nầy đã trở thành một cái rãnh quá sâu, không sao khỏa lấp được. Kính mong quí độc giả lượng thứ cho.

Ðối với tôi thói quen thì có, còn kinh nghiệm thì không. Bởi lẽ làm thơ đối với tôi như một trò chơi, một trò chơi không cần phải có đối thủ hoặc người đồng hành. Sống ở nước người tìm một người chơi những trò chơi khác với mình thì quá khó, ai cũng bận bịu công chuyên, chưa đến tuổi hưu trí để ngồi tán gẫu cả ngày. Thôi thì chơi thơ vậy. Tôi chỉ còn chập chững, chưa có chút kinh nghiệm nào khi làm thơ, cho nên không tiện đề cập đến cái "kinh nghiệm". Thói quen thì như thế nầy, không biết có nên gọi là thói quen hay không? Khi công việc bề bộn, thì tự nhiên muốn làm thơ. Mấy người bạn của tôi hay nói đùa rằng " đó là lý do trốn tránh công việc". Còn tôi thì cho rằng căn thẳng với công việc, nên "thơ" tự nhiên đến để làm thư giản tinh thần, nếu không có thơ chắc điên mất. Trước đây tôi có một hiệu buôn nhỏ, bên cạnh máy tính tiền tôi đứng, bao giờ tôi cũng đặt sẵn một tờ giấy trắng và một cây bút. Khi khách vừa vắng vắng là tôi làm được vài câu thơ. Thế là tôi đi ngược với anh Luân Hoán, đọc ở đâu đó lâu rồi chị Lý vợ anh thổ lộ cho biết, anh Luân Hoán khi làm thơ nằm trên giường. Còn tôi thì làm thơ phải đứng. Nói cho vui vậy chứ tôi chẳng có thói quen nào hết, lúc ngồi trên xe đậu ở parking chờ vợ đi chợ, chẳng biết làm gì lấy viết làm vài câu thơ để đó. Vài tháng sau vô tình tìm được móc ra làm tiếp. Vài ba tháng có khi không làm được bài thơ nào, nhưng cũng có lúc một tháng làm được vài bài. Tôi lái xe mà miệng lấp nhấp là bà xã tôi biết tôi đang bị thơ hành, bà vội vàng lấy tập vở ghi một vài câu tôi đọc. Nửa đêm ngủ không được, nhè nhẹ ra ngoài phòng khách ngồi làm thơ, nhiều khi chẳng rặng ra được câu nào. Thơ thì làm nhiều, nhưng vài ba ngày đọc lại thấy không giống ai đành xé bỏ, số lượng xé bỏ nhiều hơn gấp bội số lượng giữ lại. Một năm chỉ được vài ba bài trình làng xóm cho vui, cho nên tôi rất phục những người làm thơ nhanh và nhiều. Ngoài chuyện làm thơ, thỉnh thoảng tôi cũng hay viết truyện, tùy bút v.v... Có lẽ viết văn xuôi dễ dàng hơn làm thơ. Thơ đòi hỏi phải có cảm hứng thì mới làm được, còn văn thì không cần điều nầy. Hình thành được cốt truyện trong đầu, thì bất cứ lúc nào đặt bút xuống cũng viết được.

Phan Xuân Sinh

 

Hoa Thi :

thơ không phải là
tùy bút
truyện ngắn
hay truyện dài
thơ không phải là
bài diễn văn
thơ sống bám vào mọi thứ kể trên
ít hay nhiều
còn tùy vào tài hoa của tay bút
thơ sống chung
mà riêng
như nụ thịt dư
nhưng không thừa
như búp ruồi duyên trên vành môi
thơ bao giờ cũng đẹp
nhưng thơ ít khi được vui
ai đọc thơ cũng được
ai làm thơ cũng được
nhất là người Việt Nam
ai không làm được thơ kể như có tội
ai không biết đọc thơ
tội càng nặng hơn
hình phạt dành cho những người không yêu thơ
là sống trọn sung sướng
sống như đất
sống như đá
thơ không có thơ dỡ
vì dỡ không còn là thơ
thơ không có thơ hay
vì từ hay chưa đủ chở
thơ không cũ
vì bao giờ thơ cũng mới
lục bát, ngũ ngôn, bảy, tám chữ, tự do
tự nhiên
tự tiện
đều đứng vững
nếu trong từng gân chữ bát ngát hơi thở người
và thơ tôi
là hơi thở tôi

Hoa Thi
(trích từ : <http://www.geocities.com/hoathi>2002)

 

Trân Sa :

thơ
là hơi thở của tôi
là hai con mắt của tôi
là mũi là miệng tôi
là tiếng cười tiến khóc tiếng nói
là âm thanh mạnh mẽ và yếu ớt
phát ra từ tim não tôi
thơ
không phải là trò đùa ngôn ngữ tôi
mà chính là máu trong thân tôi
đang vận chuyển
thơ
chính là tình yêu của tôi
chua xót đau đớn
nồng nàn âu yếm
thơ là sự liên lạc của tôi
với con người

Trân Sa
(trích từ thi phẩm :điểm Tâm Cho Người Tình)


Xin bấm vào đây để xem tiếp