ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...

 

Nhà văn Hoàng Nga

trả lời nhà thơ Triều Hoa đại
(tạp chí Văn, 46 tháng 10-2000)

Mỗi khi ngồi vào bàn viết, Nga hay bảo mình, Hoàng Nga ơi, phải viết nhanh nhanh lên kẻo ý nó bay đi hết, tới khuya đi làm về là quên hết ! Nga viết, vì thích viết, không vì điều gì cả nên chẳng biết trả lời tại sao, giải thích như thế nào về những điều anh hỏi.

Chao ơi, Nga không biết ai ra sao, chứ Nga thì viết khổ như...đi làm. Nga thường rị mọ bằng tất cả những thời gian hiếm hoi có được để viết. Nga khoái làm thơ lắm, nhưng làm ra bài nào (dĩ nhiên là khổ gấp đôi viết văn) cũng thấy dở, thấy tầm thường, nên chỉ dành...đọc một mình. Nga có dăm bài đăng ở Làng Văn , hoặc có đem vài trích đoạn cho vào bài viết, nhưng đó là những bài thơ Nga làm thời mười bảy, mười tám, và thời còn ở trong nước. Gửi cho chị chủ nhiệm đọc chơi, ai dè chị ấy cho đăng lên báo đấy chứ. Bên Uc, buồn, cũng có rặn ra được vài bài, mà chẳng ra gì...

Hoàng Nga

 

Nhà văn Thảo Trường

trả lời Nguyễn Mạnh Trinh
(tạp chí Văn, 163 tháng 12- 1996)

Tác phẩm là sáng tạo, nhưng đây đó có những chuyện giông giống người này người kia, hay nhân vật trong truyện xưng tôi thì cũng không có nghĩa nhân vật là tác gỉa. Tất cả những gì mà cuộc sống của tôi trải qua, những gì mà tôi chứng kiến, những gì mà tôi nghe kể lại và những gì mà tôi nghe kể lại và những gì tôi đọc được ở sách vở thì đều có thể là chất liệu dùng làm chất xúc tác khi xây dựng tác phẩm. Có khi tôi lượm nhiều mẫu đời vụn ở nhiều nơi nhiều lúc sắp đặt vào một nhân vật . đã có một người anh họ nói đùa với tôi :’coi chừng kể cho nó nghe nó lại ‘phang ‘ mình vào trong truyện thì bỏ mẹ ’Cũng có đôi khi tôi đem những cái của mình gán vào một nhân vật nào đó, như là mình cho

mượn vậy ; bởi vì chính mình, đã có khi phải đi mượn những mối tình của người khác đặt vào chỗ của mình. Riêng đời tôi, tôi chưa làm tác phẩm nào tự thuật. Tôi không có ý định viết hồi ký.

Hình như đầu tiên là nhân vật. Tôi vớ được một nhân vật nào đó ngoài đời làm cho tôi chú ý, nó bắt tôi phải suy nghĩ xung quanh nhân vật đó về những sự kiện, lời nói và hành động tình tiết cùng những băn khoăn, mang những ý nghĩa của đời sống, có lý hay phi lý...Rồi có khi những ý nghĩ của mình bay về quá khứ mịt mùng ở một nơi xa xôi nào đó, ý nghĩ bay đi lộn lại, quần thảo một hồi xong có khi xếp xó để đấy, rồi một lúc nào đó nó lại xẹt ra, lại quần thảo. Những cơn vật vã như thế sẽ nảy sinh ra những vấn đề, nói cách khác là có lúc nó sẽ nẩy ra đề tài, một đề tài hay nhiều đề tài, loại bỏ và chọn lựa...cho đến khi sự xúc cảm đem đến cho mình niềm thích thú thì dùng bút pháp riêng của mình mà thể hiện nó ra. Cũng có khi phải çất’nó nằm yên trong ‘bộ nhớ’ở trong đầu mình nhiều năm, thời gian cất để dành này có thể ‘nó ‘còn được nhào nặn thêm qua nhiều suy tư nữa. Trường hợp những truyện hình thành mà tôi phải ‘cất đi ‘lâu nhiều năm là những hình thành trong thời gian tù CS. Qua Mỹ tôi mới thể hiện nó. Bây giờ tôi cũng vẫn đang đi tìm nhân vật. Tôi tìm trên đường phố, ngõ hẻm, và các thành phố Mỹ. Ngồi nói chuyện với ông có lúc tôi cũng chợt tự hỏi hay là mình ‘bắt ‘người này về làm nhân vật.

Tôi làm việc có dự trù cẩn thận, tôi còn có bản ghi chép những ý tưởng và những chi tiết cần ghi nhớ sẽ cho vào trong truyện, khi làm việc tôi thường phải rà xét lại những ghi chép đó để xử dụng nó vào đoạn nào trong truyện. Nếu lái xe mà chợt nảy ra ý tưởng gì đó, tôi ấn nút ghi chép bằng máy ghi âm nhỏ, vì sợ quên, về nhà tôi chuyển nó sang bản ghi chép giấy. Những ghi chép này người khác đọc không hiểu vì tôi ghi theo cách vắn tắt và nó là một mẫu giấy chằng chịt ngang dọc gạch xóa những chữ có khi rất vô nghĩa. Có khi đang viết tôi cũng phải ngừng lại để ghi chép. Có khi đang nằm lơ mơ sắp ngủ tôi cũng phải vùng dậy lấy bút ghi chép. Thảm lắm ! Và như tôi đã nói, mặc dù có dự trù như

thế nhưng trong lúc làm việc những ý tưởng nảy sinh bất ngờ sẽ làm cho tác phẩm phong phú thêm, và đó là sáng tạo.

...Kỷ thuật viết một truyện ngắn thường phải xúc tích, ngắn gọn, các tình tiết cần phải được gạn lọc, lựa chọn lấy những gì là điển hình nhất để đưa vào xử dụng mà thôi.

Khi hành văn thì càng ngắn càng tốt. Với truyện dài có hơi khác, vì một đề tài mình muốn viết thành truyện dài là do vấn đề mình muốn nói trong đó cần phải có một cốt truyện dàn trải ra với những tình tiết diễn tiến để dẫn tới điều mà mình muốn tác phẩm ấy phải đạt tới...Tôi không biết nói sao thêm vì tôi không có khả năng lý luận văn học. Tôi chỉ thấy là có khác biệt khi mình làm một tác phẩm ngắn và khi mình xây dựng một tác phẩm dài. Nhưng tôi không có ý nói một tác phẩm lớn phải là truyện dài hoặc thật dài còn một tác phẩm nhỏ thì không thể lớn. Một người bạn Mỹ cũng là độc giả của tôi đã đọc những truyện dài trước 75 và mới đây, sau khi đọc những truyện ngắn của tôi viết trong năm qua thì ông ta có nhận xét vui vui rằng :’Ngày xưa anh sản xuất rượu bia, ngày nay anh nấu rượu mạnh’

Thảo Trường

 

Nhà văn Song Thao

1.
Trả lời tạp chí Văn Học
ba câu hỏ chung, về sáng tác
(Văn Học số 125 tháng 9-1996)

Tại sao tôi viết ? Tất cả những gì chui qua tai, qua mắt và bắt cái đầu nghĩ ngợi, không viết nó ra, nó cứ bám cứng trong đầu chịu gì nổi.

Viết cho ai ? Cứ coi tôi như một anh đầu bếp. đi chợ mua thịt cá, lựa rau lựa dưa, bắt thêm củ hành củ tỏi mang về xào xào nấu nấu. Cứ coi người đọc như những thực khách vào một nhà hàng. ông thích thế này, bà thích thế kia, bá nhân bá tính, mặn nhạt tùy người Tôi dọn ra một món ăn, người khen người chê, người thích người không thích. Tôi cố nấu nướng sao cho mọi người đều hài lòng, càng nhiều càng tốt. Nhưng anh đầu bếp cũng có vấn đề của anh đầu bếp. Nấu nướng lâu ngày ngửi mãi thức ăn mình nấu cũng đâm chán. Chán mà chẳng bỏ được.

Ví von như vậy thôi chứ thực ra ở ngoài đời tôi là người nấu ăn rất dở. Dở tàn canh!

2.
trả lời cô Lê Quỳnh Mai
tạp chí Nghệ Thuật, Montréal

số 65 tháng 8 năm 1999 - phát trên đài tiếng nói VN tại Montreál ngày 27-6-1999)

Từ 8 năm nay tôi chuyên viết truyện ngắn. Tại sao ? Có lẽ vì tôi không có tài làm thơ, lại không có đủ kiên nhẫn để viết truyện dài chăng ? Thực ra tôi thấy thể loại truyện ngắn rất thích hợp với tôi. Có lẽ tôi còn ở với truyện ngắn trong một thời gian dài nữa, dài tới bao lâu thì tôi chưa rõ, nhưng cho tới nay tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phụ bạc nó.

đã có lần, trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn Học, tôi đã ví việc viết truyện như làm nhà hàng ăn. Nhà hàng đi chợ mua cá thịt, rau về rồi xào nấu chế biến, thêm mắn, thêm muối vào mới thành được những món ăn hấp dẫn thực khách. Trong văn chương, thêm mắm thêm muối, đó là hư cấu.

Việc dựng những nhân vật cũng vậy, có phần thật mà cũng có phần hư cấu. Mà phần thật nhiều khi không phải của một người duy nhất, mà là những điểm của nhiều người góp lại . Mượn của ông này một chút, ông kia một chút. Cầm đỡ khuôn mặt của bà này lồng vào tính tình của bà khác. đó là cách tôi mượn phần thật vào nhân vật của tôi. Phần hư cấu mới là phần quan trọng hơn. Chính hư cấu mới cho tác gỉa làm đậm cá tính của nhân vật đẩy cốt truyện chuyển một cách tự nhiên và hợp lý.

Nhân vật của tôi như cô nhận xét, phần lớn là những người Việt tại hải ngoại hoặc là người bản xứ, vì truyện của tôi thường xảy ra quanh cuộc sống của chúng ta hiện nay tại hải ngoại. Có hai lý do để tôi chọn khung cảnh của truyện như vậy.

Thứ nhất là tôi muốn truyện của tôi gần gũi với người đọc. đưa ra một cảnh sống, một tình huống quen thuộc để được độc giả chấp nhận và thích thú hơn, từ đó mình ký gửi những suy nghĩ của mình dễ dàng hơn. Tôi vẫn nghĩ rằng thành công đầu tiên và quan trọng nhất của một truyện là giữ được độc giả theo dõi truyện cho tới những dòng chữ chót.

Thứ hai, khi chọn khung cảnh truyện, tôi muốn ghi lại cho mai sau (nếu truyện của tôi may mắn còn sống được với thời gian) cuộc sống của lớp người lưu vong thế hệ thứ nhất chúng ta. Chúng ta đã ngỡ ngàng làm sao, sinh tồn làm sao sau sự chia lìa phủ phàng với nơi chôn nhau cắt rốn, sau khi bị nén vào một xã hội khác, một lối sống khác, một phong tục khác, một trật tự khác, một nhân sinh quan khác.

 

 

3.
trả lời Cô Quỳnh My
nguyệt san Hồn Quê
www.honque.com <http://www.honque.com> 
(15-10-01)

Thói quen sáng tác của tôi, ngẫm ra, đều là những thói quen xấu, nên tránh. Tôi viết rất tùy hứng, nay vài trang, mai vài trang. Có khi vứt đó cả tuần hoặc nhiều tuần mới viết tiếp. Rất nhiều lần tôi phải đọc lại những gì mình viết trước đó rồi mới viết tiếp được.

Nghĩ lại, hình như chưa bao giờ tôi hoàn tất được một truyện ngắn trong vòng một tuần thì phải! Lai rai như vậy đâu có gì tốt, phải không cô? Rồi lại còn cái thói ngả ngớn: chẳng bao giờ ngồi vào bàn viết cho đàng hoàng cả. Cứ vớ vội lấy vài tờ giấy, ngồi trên ghế dựa ( đúng ra là nửa nằm nửa ngồi! ),kê một cái bìa cứng lên đầu gối để vi?t.Thời buổi bây giờ, có ai chậm tiến như vậy không? Thường thì các người viết khác, theo chỗ tôi biết, họ viết thẳng vào máy điện toán. Tiện lợi và văn minh biết chừng nào! Vậy mà tôi thì quê mùa, ngồi trước màn hình ( cái anh mặt vuông đó! ) thì chữ nghĩa chạy trốn đi đâu mất tiêu, lấy

gì mà viết ? Bá láp như vậy thì truyền được kinh nghiệm gì cho ai? Nặn mãi thì tôi cũng chỉ có thể tự nhủ với mình như thế này: sống với nhân vật và không khí trong truyện mình định viết một khoảng thời gian đủ cho mọi sự đã chín rồi hãy cầm viết. Và trước khi cầm viết, nhớ nắm cái kết truyện trước cho chắc ăn!

Truyện của tôi thường lấy bối cảnh trong cuộc sống lưu vong của chúng ta trong xã hội này, vào thời gian này. Có lẽ cuộc sống của chúng ta hiện nay là những điều dễ ghi nhận, dễ hòa mình, dễ xúc động hơn. Tính tôi hơi lè phè, cứ tìm những cái dễ mà làm.  Hay là cái óc tưởng tượng của tôi hơi èo uột nên chẳng thể ném mình vào cuộc sống của một thời đại khác, một nơi chốn khác ?

4.
trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
ba câu hỏi chung dành cho 20 nhà văn, nhà thơ Việt tại hải ngoại
(Hợp Lưu số 38 mùa Xuân 1998)

Tôi vốn là một công chức nên sự cần mẫn đã thành nếp. Nay nhào vào chuyện viết lách, tôi trở thành một con kiên cần mẫn. Mỗi ngày tôi tha một chút. Cứ cắm đầu tha đều đều thì cũng có lúc đầy một truyện ngắn.

Anh hỏi về ảnh hưởng của đời sống đến sự cầm bút là anh xoáy đúng nỗi thương tâm của tôi. Quả thật, để làm đầy cái bao tử, thời giờ của tôi nó trốn chạy quá kỹ. Nói thực với anh, tôi tiếc lắm nhưng xoay làm sao cho nó thoát khỏi cái nợ áo cơm đây ?

Còn về dự định tương lai ? Viết lách tà tà bằng những mảnh thời gian đầu thừa đuôi thẹo thì dự định cái nỗi gì ? Cứ viết tới đâu hay tới đó. Khi nào đủ truyện, có nhà xuất bản nào ngó ngàng tới thì in. Thế là vui rồi.

Tôi nghĩ rằng cái gọi là văn học hải ngoại chỉ là một tình trạng nhất thời. Trước sau gì nó cũng phải nhập vào một dòng văn học duy nhất là văn học Việt Nam. Hiện nay sự hội nhập này đang bị những người cầm quyền trong nước ngăn sông cách chợ. Nhưng sự ngăn cấm phi lý nào tồn tại được lâu với thời gian?

Những sáng tác của chúng ta, tuy chỉ rả rích thẩm lậu được về quê nhà, cũng đã được người đọc trong nước thích thú đón nhận. đó chẳng phải là một tín hiệu vui sao ?


Song Thao

 

Nhà văn Lê Minh Hà

trả lời nhà báo Minh Nguyệt
(đài phát thanh Australia)
đăng trên Văn Học 147, tháng 7-1998

Văn chương có tính giải trí và chúng ta không nên phủ nhận điều này như nhiều nhà lý luận văn học mác-xít trong nước từ trước đến nay. Thế nhưng, đối với riêng tôi, nếu viết chỉ để giải trí - cho mình hay cho người đọc - thì đó là một thảm họa. Văn học không bao giờ có thể trở thành một kỹ nghệ giải trí được. Tôi chưa bao giờ hình dung một nhà xuất bản lớn như nhà xuất bản Văn Nghệ ở Mỹ hiện nay, hay nhà xuất bản Văn Học trong nước lại có thể thay thế vai trò của một Thúy Nga Paris chẳng hạn. Ngoài ra, theo tôi, sáng tác cần được bảo đảm như một hành vi tự thân và tự do, vì khi đó người viết mới thật sự là mình. Nếu không thật sự là mình, không cá biệt hóa được phong cách sáng tạo của mình thì người viết khó mang lại cho văn chương một cái gì đáng nhớ. Và như thế nên tìm một nghề khác, để chí ít khỏi làm mất thì giờ của những người thiết tha với văn chương.

...Tôi nghĩ, trong một chừng mực nào đó, tác động của một tác phẩm văn chương có khi còn lớn hơn cả một lời hiệu triệu thuần túy chính trị. Người ta đã nói đến những điều này nhiều rồi. Tấn trò đời của Balzac chẳng hạn, đã được nhiều chính trị gia thừa nhận. Và không phải chỉ một Balzac mà cả hiện tượng rất nhiều nhà văn trên thế giới, đặc biệt trong những nước độc tài, bị chính quyền truy đuổi. Thực sự đó không còn là chuyện văn chương nữa mà là chuyện chính trị. Và như thế ta phải thấy rằng văn chương thực sự là một động lực thúc đẩy đời sống chính trị.

Trong sáng tác của tôi, cốt truyện không đóng vai trò lớn. Nhân vật, hiểu theo nghĩa là một số phận có sự phát triển, cũng không hẳn là mối bận tâm của tôi. Tôi viết như phải viết. Thế thôi. điều này có thể là một chọn lựa riêng, mà chính tôi cũng không ý thức được hết.

Lê Minh Hà

 

Nhà văn Kim Lefèvre

trả lời nhà báo ánh Nguyệt
(tạp chí Văn, 16 tháng 4-1998)

đúng là đa số các nhà văn đều bắt đầu con đường sáng tác bằng cách viết tự truyện. đó là cách thổ lộ những điều thầm kín của lòng mình, nó dễ dàng hơn là tưởng tượng ra một câu chuyện với đầy đủ yếu tố của một cuốn tiểu thuyết. Tôi viết Métisse Blanche cũng để kể lại chính cuộc đời tôi. Tuy là viết tự truyện nhưng tôi chọn lọc những chi tiết nào làm người đọc phải chú ý. Hai nữa tôi tự bảo đã có nhiều nhà văn khác viết về Việt Nam, tất nhiên cái nhìn của họ về Việt Nam phải khác với cái nhìn của chính người Việt Nam, Vì thế tôi viết để độc giả Pháp thấy một quan điểm khác về Việt Nam, về con người nơi đây và tâm tình của họ. Chứ không kể chuyện mình thôi thì có lẽ tôi đã không đủ can đảm viết hàng ba, bốn trăm trang.

Tôi có cảm tưởng (chưa chắc đã đúng) những người đọc Métisse Blanche và thích nó có lẽ vì trong đó những gì viết về Việt Nam đã được viết với sự chân thành, âu yếm, khác với các tác giả khác đã viết về Việt Nam trước đó. Riêng tôi, trong Métisse Blanche tôi không viết về những đoạn đời qua của chính mình mà thật ra đã lựa chọn những chi tiết cho độc giả biết về Việt Nam, về người mẹ Việt Nam, địa vị của họ trong nền văn hóa Việt Nam. Từ đó, độc giả mới hiểu được đứa con lai bị phân biệt như thế nào. đứa con gái trong Métisse Blanche không phải chỉ đơn giản là đứa con hai dòng máu mà đó là đứa con của kẻ thù, của người Pháp xâm lược. Tôi nghĩ những đứa con lai Pháp thời trước cũng như những đứa con lai Mỹ sau này đều chịu chung cái nhìn của xã hội Việt Nam.

Tôi sang Pháp năm 1961, đã đi dạy học, đã sống trên sàn diễn sân khấu. Năm 1982, tôi viết những dòng đầu tiên của Métisse Blanche, nghĩa là đã hai mươi năm sống ở Tây phương trong không khí rất tự do, rât cởi mở. Khi viết Métisse Blanche, tôi không bao giờ nghĩ rằng những trang sách ấy, mẹ tôi ở Việt Nam có thể đọc thấy được, cho nên tôi đã viết hết sức thoải mái, không che đậy những sự thực về mẹ tôi, về bản thân tôi những ngày sống ở quê nhà. đi xa hơn nữa , trong tận cùng suy nghĩ của người cầm bút, đó là người viết những thông điệp, những vấn đề muốn tỏ cùng người đọc. Người viết tự cho mình cái quyền cần thiết phải viết về những điều áy và khi đã bắt đầu viết họ không nghĩ đến

bất cứ điều gì khác, bất cứ ai khác.

Kim Lefèvre

 

Nhà văn Khánh Trường

1.
trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
(trích đoạn phần phụ lục trong
tập truyện Chung Cuộc, Tân Thư xuất bản 1997)

Theo tôi, không có tiêu chuẩn nhất định nào để định giá một tác phẩm văn chương.

Nó hoàn toàn tùy thuộc vào đối tượng độc giả. Nghĩa là hoàn toàn tùy thuộc vào tuổi tác, trình độ, tâm tính, bản chất, thành phần xuất thân, vị trí quá khứ, nền móng văn hoá, khuynh hướng đạo đức được hấp thụ của mỗi độc giả. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa phủ nhận sạch mọi tiêu chuẩn. Thật ra, nếu không có một số tiêu chuẩn nào đó, thì làm sao một bản văn trở thành một tác phẩm được ? Chữ ‘tiêu chuẩn’ở đây phải được hiểu như ‘điều kiện ắt có và đủ ’ của toán học. Qua đó, nhờ đó, bản văn sẽ hình thành.

Trở lại với ví dụ ngôi nhà. Muốn xây một ngôi nhà, ‘điều kiện ắt có và đủ’ là nền, là móng là cột, là kèo, là mái, là tường, là cửa sổ, cửa cái vv...Có tất cả những thứ ấy, ngôi nhà thành hình. Nhưng ngôi nhà ấy to, nhỏ, đẹp, xấu, xưa cũ, hiện đại...còn tùy thuộc ở túi tiền (được hiểu như là nội lực) và khả năng sáng tạo của chủ nhân, tức tác giả, hắn có bằng lòng với kích thước tổng thể, màu sơn, đồ đạt trang trí, độ xuôi của mái, mặt bằng của sân, chiều sâu của hồ tắm, độ cao của vòm cổng...hay không, lại là chuyện khác. Tôi biết, tiền bạc anh thừa thải, ngôi nhà anh xây đồ sộ, sang trọng, đắc giá, mới tinh. Nhưng , bản chất tôi yêu thiên nhiên, chỉ thích nhà tranh vách đất, gió thông thống từ cửa trước ra vườn sau, trăng thoải mái dội ánh sáng vào chấn song những đêm hè thanh vắng...thì sao ?

Vậy mỗi truyện ngắn hay là một truyện ngắn làm cho tôi thích thú, rung động, gợi mở được trong tôi những chân trời mới, những màu sắc lạ..Còn tại sao nó hay, lấy tiêu chuẩn nào để bảo rằng nó hay, thì...thì...anh chê tôi dốt, tôi chịu, thật tình tôi thấy nó mênh mông quá. Có lẽ anh nên tìm hỏi ông....Bùi Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Hưng Quốc...

Có người viết truyện nào không kể ? Khác chăng, chọn cho mình cách kể nào đó thích hợp với mình. Hắn có thể kể lớp lang sau trước phân minh, theo kiểu ‘ trăm năm trong cõi người ta...’để cuối cùng ‘ mua vui cũng được một vài trống canh ’. Hắn cũng có quyền chọn một kiểu kể tân kỳ, mới lạ, đại loại như các nhà văn thu?c nhóm ‘metafiction’ (siêu tiểu thuyết), hay ‘deconstructive fiction’ (tiểu thuyết giải cơ cấu ) đang làm. Nhưng dù ‘kể’ theo cách nào, thì kinh nghiệm sống, chất liệu cuộc đời vẫn là vôi vửa quan trọng, rất quan trọng đối với người viết, và kèm theo đó cũng khôn g thể thiếu một trí tưởng tượng phong phú. Cái này bổ sung, tác động cái kia. Có vốn sống, có trí nhớ tốt, anh có thể trở nên một tay viết hồi ký giỏi, nhưng có thêm trí tưởng tượng dồi dào, anh sẽ là một nhà văn đa dạng, phong phú, sâu sắc. Nhìn đóm lửa toả sáng từ đầu điếu thuốc, có người nghe thấy tiếng lách tách của củi khô trong lò sưởi, giữa đêm đông lạnh lẽo ngập ngụa bão tuyết ngoài trời, lại cũng có kẻ cảm thấy da mặt nóng rát vì những lưỡi lửa khổng lồ vươn cao lên bầu trời mù mịt khói than của một đám cháy rừng..

đóm lửa đầu điếu thuốc là một thực thể, tiếng nổ của củi trong lò sưởi và trận cháy rừng là bước phiêu lưu của óc tưởng tượng. Hai kích thước, hai cảm giác và hai tâm cảnh khác nhau.

 

2.
trả lời tạp chí Văn Học
ba câu hỏi chung, về sáng tác
(Văn Học số 122 tháng 6 năm 1996)

a/ Tôi viết cái tôi đang nghĩ

b/ Bằng mọi kiểu cách tôi biết và thích

c/ Cho tôi (để sướng), và cho độc giả của tôi (như bất cứ nhà văn hạng A, hạng B hạng C, hạng F, hạng G nào...tôi cũng có một số độc giả quan tâm, ái mộ. Nồi nào úp vung nấy mà !)

Khánh Trường

 

Nhà văn Tâm Thanh

trà lời nhà thơ Nguyễn Xuận Thiệp
(tạp chí Phố Văn, số 7 tháng 3-2001)

...Tôi chưa thành nhà văn, mặc dù rất mơ ước, vậy làm gì có ‘con đường sáng tạo?’

Nhưng tôi có một nguyên tắc viết rất đơn giản, đó là : cảm tới tha thiết mới viết, khi viết bỏ xúc cảm ra ngoài.

...Hồi còn trẻ, do ảnh hưởng sách giáo khoa, cứ chờ một cái gì ‘muôn thuở’. Không, vì sau tôi thấy khả năng của mình chỉ là những cái nhỏ nhoi trong đời sống. Những cái nhỏ nhoi đó tâm hồn mình có sức chứa, và mắt mình còn một khoảng cách để quan sát, chữ nghĩa nghèo nàn của mình có khả năng diễn đạt, và mình truyền tới được nhiều người đồng cảnh ngộ. Và tôi bắt đầu viết về những điều nhỏ nhoi trong nhân sinh. Nếu nhiều truyện của tôi thiên về bi kịch có lẽ là vì đời sống nhiều bi kịch; lẽ khác là vì con người vốn sẵn lòng cảm thương mà cũng không thiếu bản năng ghen tị, dễ chia xẻ với nỗi đau của con người khác hơn niềm hạnh phúc,

Anh Giác (Nguyễn Mộng Giác) chỉ so sánh lối kết cấu bất ngờ của tôi với các truyện của hai bậc sư phụ truyện ngắn đó thôi. (O Henry và Anton Tchekov) Phải nói lại để khỏi hiểu lầm. Nhưng anh Giác khích lệ tôi rất khéo. Bởi vì O Henry gần như là cha đẻ của bộ môn truyện ngắn, một người mới tập viết như tôi cần theo những mẫu mực cổ điển của truyện ngắn. Còn Tchekov thường viết về bi kịch, có lẽ vì thế mà tôi vô tình bị ảnh hưởng của ông. Về điểm anh gọi là ‘lụa’ trong văn tôi (...có phải truyện của anh có cái êm của lụa, nhiều chất thơ, nhưng đau như một lưỡi dao bén cắt vào hồn ?-Nguyễn Xuân Thiệp), thì tôi nhớ : cũng Tchekov, trong những điều Tchekov khuyên Maxim Gorki về kỹ thuật

viết, có một câu đại khái : ‘ Tính anh hiền lành thì đừng chửi thề trong văn của mình, hãy xóa mấy câu chửi thề trong cuốn Cuộc Sống của anh đi ’. Khi đọc các nhà văn Việt Nam có bản lãnh cao viết bạo, tôi rất khoái, tôi thử bắt chước, đọc lại thấy thô, gượng ép, tôi trở về cái bản tính nhu mì. Tóm lại không thể viết khác bản chất mình được.

 

Tôi luôn luôn khổ tâm vì những điều ác con người làm cho nhau, và cảm động - nhiềukhi quá đáng - khi nhìn một điều lành, dù rất nhỏ. Tôi viết ra. Không mang một kỳ vọng nào cả. Văn chương trước hết phải là cái đẹp. Rất may, trong tinh túy của cái đẹp có cái thiện. Trong cái thiện có cái đẹp. Tôi khao khát điều thiện, nhưng rất ngại ngùng nói ra, một phần vì tâm mình còn lem luốc và lời thì vụng về. Khi anh còn thấy được tôi định đưa thông điệp là tôi còn vụng về lắm. Sẽ ráng sửa.

Tôi đã nhận ra truyện ngắn không đủ sức tải để chuyên chở hết những điều cần phải nói. đó là lý do một vài truyện ngắn của tôi mang nội dung những truyện dài rút ngắn, điều đó là một khuyết điểm kỹ thuật. Vì thế tôi sẽ thử viết truyện dài, chừng vài trăm trang xem sao. Hy vọng sang năm xong.

Tâm Thanh


Nhà văn Lệ Hằng

trả lời tạp chí Văn Học
(số 119 tháng 3- 1996)

Nhà văn có thể viết để gửi cho đời một thông điệp. Chà nghe hách dữ. Này nhé, văn chương dấn thân của trường phái Hiện Sinh ở Pháp ngày trước, rồi rầm rộ một dòng văn học ý thức hệ giữa hai phe lâm chiến ở Việt nam trước năm 1975, nó lác đác dây dưa cho đến bây giờ. Cái hay của văn chương dấn thân này là người cầm bút có thể yên lòng với câu hỏi viết cái gì và vìết cho ai, khỏi cần suy tư khắc khoải gì nữa, nhưng cũng rất tai hại, bởi nhà văn có nguy cơ trở thành nhà truyền giáo hay văn công lúc nào không hay.

Như thế không có nghĩa nhà văn là giới value free, chỉ viết ‘vị nghệ thuật’. Các ông bà nhà văn làm sao tránh khỏi một chọn lựa nào đó trong cuộc đời và từ cuộc đời. Tôi nghĩ phần việc chính của nhà văn vẫn là tặng cho đời một cái gì để người đọc bay bổng lên, yêu thương cuộc sống này hơn một chút. Như vậy ý tưởng để ném vào đời không chưa đủ, mà còn phải nói đến tài năng, kinh nghiệm và...một vận may nào đó nữa!

Trước năm 1975 hả ? Trời ơi, tức cười lắm, tôi đúng là chiếc xe mới ra lò phóng vun vút trên xa lộ Biên Hòa, văng cả khói vào mặt người khác, chắc nhiều người bực lắm.

Tránh sao nổi cái màn vượt tốc độ, rồi lạng quạng sang lane ẩu. May quá, nhờ phước đức ông bà để lại, tôi không húc ai toi mạng. Tôi cũng ân hận, đã viết nhanh, viết ào ào nhưng vẫn không nói hết được những điều mình muốn nói. Bây giờ nhờ ơn thời gian, nhờ uống quá nhiều chén đắng ở bên nhà cũng như ở xứ người, tôi cảm thấy mình người lớn hơn, tự thưởng cho mình một chút thong dong tự tại để viết một cách...chà tôi thuộc loại gà tồ ăn nói không khéo lắm, thôi nói đại...viết một cách vừa nghiêm chỉnh vừa ngông đời.

được chưa ?

Chỗ dựa sống chết của nhà văn là độc giả. Cho nên , tương lai của văn học hải ngoại tùy thuộc hai câu hỏi sau đây : ở hải ngoại, trong vòng hai mươi năm tới nữa, nghĩa là bốn mươi năm sau cái mốc mắc dịch 75 còn có ai thưởng thức tiếng Việt nữa không ? nếu trời thương, còn có người đọc. Chúng ta làm gì để nuôi dưỡng và phát triển nhu cầu thưởng thức văn học tiếng Việt đó ? Câu hỏi thứ hai, nếu hoàn cảnh đất nuớc cỡi mở, nhà cầm quyền trong nước tự tin hơn, để văn học hải ngoại có thể nhập cảng một cách công bằng và chính đáng như quyền dân đòi hỏi, chúng ta có đủ tác phẩm xứng đáng để nhập về Việt Nam, và làm sao cho món hàng đánh kính trọng này được đón nhận và tiêu thụ rộng rãi không ? Tôi nghĩ cả hai câu hỏi trên, đều tùy thuộc vào người viết. đó là một thách thức lớn cho người cầm bút. Thời kỳ nhân loại ngu ngơ sắp hàng theo trật tự quốc tế lưỡng cực đã qua rồi, loài người đang phải quay về với dân tộc của mình, với tất cả cái tốt và cái xấu của từng dân tộc. Với chiều hướng này, tiếng Việt vẫn còn có một tương lai đáng kể nào đó, người cầm bút vẫn có hy vọng, và dĩ nhiên phải nhận lấy trách nhiệm của mình.

Dĩ nhiên văn học càng ngày càng bị truyền hình, vidéo, CD ROM, báo chí...giành lấn đất. Nhưng văn học vẫn còn có riêng cho nó một cõi cao hơn ba thứ lẻ tẻ kia. Chỉ sợ mình viết không hay hoặc ngủ quên trên những cái mệm mút mềm mại của quá khứ.....

Nhà văn là kẻ bất công nhất với những đứa con tinh thần của mình. Nếu phải viết lạithì cuốn nào tôi cũng sẽ sửa be sửa bét cả. Nhà văn cũng có cái bất công khác là cưngcon út hơn. Do đó tôi có thể nói đứa con của tôi cưng hơn những đứa con khác bị tôi đẩyvào đời là quyển ‘Nghề Làm Vua’.

Lệ Hằng



Nhà văn  Trần Diệu Hằng

trả lời nhà văn Tưởng Năng Tiến
(tạp chí Nhân Văn số 49 tháng 8 năm 1986)

...Thường thì tôi ít khi nghĩ trước đề tài. Tôi ghi nhận đời sống một cách tự nhiên, từ những cảm xúc, như nhạc sĩ buồn tình cầm cây đàn lên so giây dạo phím chơi...

Không những tôi không phải là một người cầm bút ‘nhà giàu’, mà tôi còn ‘nghèo’ hơn cả một người cầm bút ‘nhà nghèo’. Tôi chưa bao giờ có được một quảng thời gian rảnh rang để làm điều tôi thích. Tôi liên tục đi học, đi làm, hoặc cả hai, từ ngày đặt chân lên đất Mỹ. Bây giờ thì kiêm thêm ‘chức vụ’ trở thành một ‘bình nước’ sẽ rót hoài lên hai cái cây nhỏ nhắn xinh đẹp của đời tôi. Tôi bắt đầu thực sự viết văn năm 1983, lúc đang cưu mang đứa con gái đầu lòng . Khi ‘nặng nề’như vậy thì đời sống bắt buộc phải chậm lại. Xã hội tư bản cấp tiến tới mấy cũng không thể dạy tôi đi nhanh hơn. Tôi gõ vào ‘terminal’ điện tử ở sở, trong những giờ rảnh rỗi, vừa ‘gõ’vừa ngại xếp vào thăm, vừa nghĩ truyện vừa chạy program trong máy tính. Tôi vừa nghĩ về truyện ngắn, vừa nẩy ý khi đi chợ, lúc làm bếp, có khi trong lúc chờ lên chiếc ghế nhổ răng của nha sĩ, có khi trong lúc xếp hàng dài trước nhà băng vào một thứ sáu cuối tuần. Tôi không có đủ giờ sống...với tôi càng không có giờ ‘xông’ vào đời các nhân vật trong truyện để thật sự sống với họ. Thường thì tôi chỉ nghe loáng thoáng vài câu đối thoại, vài lời thở than, nhìn thấy một nếp nhăn, đọc một lá thư ngắn, vậy là đủ dựng truyện. Có những độc giả gặp gỡ tình cờ vẫn thường hỏi tôi sao tôi ‘viết’như họ ‘sống’, tôi mừng húm vì mình ‘gặp may’, kiểu ‘mèo mù vơ cá rán’, cùng lúc, tôi lại ‘cảm’ mất mấy ngày. Và cũng vì thế, người cầm bút ‘không bình thường’lại có thêm can đảm tiếp tục con đường của mình. Tôi nghĩ rằng khi hết phải thay tả cho con và bị nó chèo kéo muốn đứt hơi, tôi sẽ có cơ hội ngồi thảo một truyện dài để có một ‘buổi chiều trong ngôi nhà của đời tôi ’ngồi đọc đỡ buồn.

Nói đùa mà chơi thì ‘xấu đẹp tùy người đối diện ’ (tôi vẫn thích hóm hỉnh đôi chút cho đời bớt nặng nề). Nói nghiêm chỉnh để trả lời một cuộc phỏng vấn ‘nhà văn’ thì tôi không nghĩ rằng tôi viết đối thoại qua ‘tiểu thuyết’ . Có những truyện, tôi ghi nhận những đối thoại của nhân vật rất gần với đời sống thực.’Chiều Trong Ngôi Nhà Của Mẹ’, gồm toàn những câu đối thoại ngắn, gọn, bình thường chúng ta vẫn nghe hàng ngày. Chẳng hạn trong Ngày Tháng Qua đời , hai cô bạn gái cải cọ , tâm tình, than thở , chê bai hết như những mẩu đối thoại tôi đã nghe (hoặc tham dự) ngoài đời. Tuy nhiên, ngay cả trong những mẫu đối thoại gần với đời sống thực này, tôi vẫn cho rằng nên có phần nào sự gạn lọc. Làm thế nào để viết khác với nói, mà vẫn ‘viết’ được cái hồn nhiên của ‘nói’. Nếu hoàn toàn không có sự khác biệt, ta sẽ không viết, mà ta ...ghi âm. Sự gạn lọc ở đây, tôi muốn nói đến sự chỉnh đốn về văn phạm vì tiếng Việt rất phong phú và tự nhiên đến độ lỏng lẻo trong ngôn ngữ hàng ngày.

Ngoài ra, trong một số truyện, tôi cố tình chau chuốt đối thoại vì muốn nói lên chất ‘thơ’ của truyện hay nhân vật trong truyện. điển hình là Vũ điệu Loài Công hoặc Bên Ngoài Khung Cửa (Những nhân vật này nếu có thật chắc cũng sẽ...qua đời sớm) Bên cạnh loại phim khoa học giả tưởng là loại phim xã hội tâm lý thời đại, bên cạnh những truyện thanh toán chém giết có những truyện kể thần tiên, thì ngoài những truyện ngắn lột tả đời sống thực tế hàng ngày , cũng nên có những cánh cửa sổ nhỏ mở vút về một khung trời nào khác. Cái chau chuốt của đối thoại trong vài truyện đó là để diễn tả nỗi dằn vặt của những kẻ ở nhân gian nhưng không có tâm hồn trần thế. cái thảm trạng dằng xé giữa mộng và thực, tin và nghi, gánh nặng và sự thanh thoát, đẹp và xấu. Tôi nghĩ và tin rằng cách viết đó diễn đạt được, một cách tương đối điều tôi muốn nói là tôi đã không đủ sức để viết ‘t?i’ hơn.

Trần Diệu Hằng

Xin bấm vào đây để xem tiếp