ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...

 

Nhà văn Hà Thúc Sinh
trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác
(tạp chí Văn Học số 122 tháng 6 năm 1996)

Viết vì thói quen ; vì không thể phụ lòng trời cho mình điều kiện quá thừa thãi so với các bạn văn bên nhà; và vì có thể yếu đuối, không chống lại nổi việc tự chiều lòng mình trước sự bất ưng những gì đã in và sự thách thức mới nhất đang ẩn nấp trên trang giấy trắng luôn hứa hẹn nhiều gai góc lẫn kỳ thú hơn.

Trước tôi viết những gì cụ thể mà tâm hồn cảm thấy bối cảnh sống va chạm trực tiếp vào mình và đồng loại ; mấy năm gần đây biên giới mộng thực như động đất ấy, khi không nhích lại gần nhau quá trời, mà từ lâu tôi ngưng làm thơ, có phải vì vậy những truyện của tôi sau này có vẽ hơi ...thơ và tôi từng băn khoăn tự hỏi đó có là một khuyết điểm cho người viết truyện ?

Hà Thúc Sinh

 

Nhà văn Lê Thị Huệ
trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác
(Văn Học số 110 tháng 6 năm 1995)

Trong ý nghĩ thô thiển của tôi. Thời giờ không phải là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc thành tựu một tác phẩm. Có khi ta có cả đống thời giờ mà vẫn không sáng tác nổi thì vẫn không sáng tác nổi. Tôi tin điều nhiều người vẫn nói là người ta sẽ kiếm cho ra thời giờ để làm việc này việc nọ, nhất là nếu đó là việc ta yêu thích thì sẽ trằn ra mà làm. Viết văn cũng tốn thời giờ như bất cứ sinh hoạt nào khác. Vấn đề là tùy sự chọn lựa và xếp đặt ưu tiên dành cho việc này hơn việc nọ của mỗi người.Văn chương chữ nghĩa là hàng xa xỉ. Ðúng.Ðúng quá sá! Bản chất của nghệ thuật là xa xỉ.Phải yêu bản chất xa xỉ của nó thì mới đi làm nghệ thuật. Tôi hơi yêu cái mùi xa xỉ của văn chương chữ nghĩa. Chắc vì vậy mà khoái viết. Mặc dầu cái công việc viết nó chiếm đoạt nhiều sự sống của tôi. Nó là một thứ đam mê vắt nhừ những tế bào óc và tế bào tim một cách tàn bạo.Ðàn ông đàn bà ai mà muốn giữ gìn nhan sắc tươi mát lôi cuốn thì chớ đi vào con đường viết. Những suy tư về sống và viết nó chuyển ra ngoài nó lộ lên trên khuôn mặt của mấy ông bà này. Càng già càng thấy góc nào cạnh nấy trên những khuôn mặt này càng dễ sợ. Và còn sự cô đơn của hành động viết nữa, Tôi ghét điều này nhất. Có một điều nói ra nghe cho nó bảnh là tôi cũng mê tiếng Việt và cũng hơi bảo vệ nó một tí nên mới xông xáo viết tiếng Việt..

Viết cái gì ? Tôi vẫn còn cảm thấy mình có nhiều điều chưa viết.

Viết như thế nào ? không có câu trả lời

Viết cho ai đọc ? Viết cho những đọc giả nào tìm đến với tác phẩm của tôi.

.....

Lê Thị Huệ

 

Nhà văn Trần Vũ
trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác
(tạp chí Văn Học số 114 tháng10 năm 1995)

...Tôi viết truyện trước nhất cho chính mình, giống như chơi nintendo, trước màn ảnh, một mình với thế giới virtuel riêng của mình. Từ đó thêm nhiều người bạn cùng sáng tác, chúng tôi viết truyện như một cách thức trao đổi, khám phá và thân nhau. Tôi theo dõi tất cả sáng tác của bạn bè, Ðỗ Kh, Trân Sa, Hồ đình Nghiêm, Sĩ Liêm, Phạm Chi Lan, Phạm thị Hoài,Nguyễn Quang Lập, Phạm thị Ngọc...Còn độc giả ? Rất thành thật là tôi không bao giờ nghĩ đến họ. Họ không có mặt, không hiện diện. Người đọc bao giờ cũng chín người mười ý, có nghĩ đến họ cũng không chìu lòng được hết. Hơn nữa ở nước ngoài, khối độc giả quá ít, một tác phẩm in thành sách, bán chạy hay không tác quyền cũng một ngàn đô la chẳng là bao nhiêu, không đáng cho người viết truyện phải quan tâm đến thị hiếu người đọc. Ðây là sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ cầm bút trưởng thành sau 75 ngoài nước và những người viết văn đi trước, lớp người viết sau không chuyên nghiệp và không sống chết vì văn chương.

Anh viết điều gì ? Thông thường tôi chịu nhiều ám ảnh : Chiến tranh, lịch sử và tính dục. Nhưng sau này tôi nhận ra cả ba chỉ là một : Con người. Con người : động vật ăn thịt. Với tất cả văn hóa vẫn còn tồn tại bản năng săn bắt. Mối quan hệ giữa người trong cuộc săn đầy thú tính. Do đó trong các truyện ngắn đã viết, tôi luôn cố diễn đạt những hung bạo giữa người, đặt biệt người Việt. Nếu chiến tranh là phương tiện, tính dục là bản năng, thì lịch sử là dấu vết của hung bạo.

Anh viết như thế nào ? Bao giờ cũng cần một ý chính làm xương sống cho toàn truyện, các nhân vật mọc quanh làm xương sườn cho xương sống đó. Ban đầu là thời gian tạo cốt truyện. Rồi tìm tựa, phân cảnh, thử hai ba lối nhập khác nhau, song song tìm kết, có kết rồi mới viết, như vậy chi tiết đầu và cuối có thể liền lạc. Tôi đặt trọng tâm vào kỹ thuật, kế là giọng văn và cốt truyện. Cuối thế kỷ hai mươi, tiểu thuyết hay truyện ngắn đã khác thời Nhất Linh tin không cần cốt truyện chỉ cần tả thực. Tất nhiên cốt truyện bây giờ không lớp lang như ngày xưa.

Trong khi viết tôi luôn dựa trên hư cấu. Viết về một đề tài nào đó mà mình không sống qua, chưa có kinh nghiệm; chẳng hạn lịch sử hay chiến tranh, tôi tìm đọc sách sử và địa lý nhân văn của thời đại đó. Ðọc bốn năm cuốn và đọc đi đọc lại cho đến lúc tất cả chi tiết phong thổ lịch sử thấm vào mình, tưởng như mình đã sống qua, trông thấy, chứng kiến; lúc ngồi vào bàn viết chúng sẽ hiện lên trở lại một cách tự nhiên. Xây dựng truyện trên tưởng tượng còn cho người viết những tự do mà thật sự đã tước đi . Gần đây tôi tin lối thoát của mình là từ bỏ con đường hiện thực. Viết lại sử Việt cận và hiện đại bằng kỹ thuật huyền ảo của Marquez sẽ là một cuộc phiêu lưu kỳ thú.

Trần Vũ

 

Nhà văn Ngự Thuyết
trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác
(tạp chí Văn Học số 125 tháng 9 năm 1996)

Tại sao viết ? Câu hỏi mở ra nhiều cách trả lời khác nhau. Một trong những câu trả lời trung thực là viết để giải toả cái ám ảnh nào đó. Hay lại càng luẩn quẩn trong ám ảnh ? Nhưng đó là ý muốn, còn làm được hay không lại là chuyện khác.

Viết cái gì ? Bất cứ cái gì đang ám ảnh.

Viết cho ai ? Viết thế nào ? Cho bản thân trước tiên. Sau đó, nếu gặp được "tâm hồn đồng điệu"càng tốt.

Ngự Thuyết

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp