ý kiến của các tác giả: lê uyên phương, văn cao, trầm tử thiêng, văn phụng, hoàng thi thơ, lê trọng nguyễn, phạm duy, lam phương, phan văn hưng, đức huy, từ công phụng, ngô thụy miên, lê dinh, tuấn khanh, phạm mạnh cương, trúc hồ, ngọc trọng, doãn mẫn, hoàng giác, phạm trọng cầu, phan huỳnh điểu, phan ni tấn nd, việt dzũng, dương thụ, phan ngọc, mai đức vinh, hoàng dương, bảo chấn, ngọc châu, huy tuấn, phú quang, bảo phúc, trần tiến, nguyễn cường, ...

 

Nhạc sĩ Phan Văn Hưng

trả lời nhá báo Từ Nhân
( nguyệt san Canh Tân 12 tháng 6-1991)

Phải thú thật , tôi chưa bao giờ đi học một trường nhạc. âm nhạc đến với tôi rất tự nhiên. Vì thích nhạc, tôi tự học tây ban cầm, mãi sau này mới đi học thêm về lý thuyết hòa âm. Nếu hỏi sáng tác thế nào, tôi không biết trả lời làm sao !

Sáng tác đối với tôi là cầm cây đàn lên và hát. Hôm nào hát ra một bài nghe được thì gọi là sáng tác. Sáng tác là bắt được một số âm hưởng tự nó đã có sẵn tự ngàn xưa. Mình chỉ là một trung gian diễn tả nó qua bàn tay và cây đàn của mình. Lấy hình ảnh như sau : ngoài bãi biển có vô số hòn đá. Người nghệ sĩ nhặt về đem trưng trong nhà. Khách đến nhà khen đẹp. Người nghệ sĩ đáp : ‘đá ở ngoài biển, không thuộc về tôi, không do tôi làm ra, công duy nhất là đứng ở đó, lúc đó và nhặt đem về’.

Nói về hòa âm thì hoà âm và sáng tác là một, là cùng một tiến trình. Khi sáng tác một bài nhạc là đã nghe ra phần hòa âm. Một bản nhạc không thể nào tách rời với phần hòa âm bởi vì cùng một bài nhạc, nếu hòa âm khác đi hoặc giả đổi nhịp sẽ đổi thành một bản nhạc khác. Trong băng nhạc ‘Trái Tim Tôi Là Bến’, tôi dùng tây ban cầm, đàn tranh, măng đô-lin và synthesizer trong phần hòa âm. Synthesizer có thể nhại tiếng đàn vĩ cầm (viola), hồ cầm (violoncello), sáo, trống sấm (timpant) vv...Tôi cố gắng sao cho mỗi bài có nét đặc sắc của nó, cần phong phú nhưng hòa âm cũng cần được thống nhất, nhạc diễn tả sát ý lời và các đoạn được liên hợp nhau không rời rạc. Tuy dùng nhiều khí cụ tây phương, tôi cố không đi quá trớn sao cho giữ được âm huởng và tinh thần Việt Nam.

Nhạc cổ truyền Việt nam không có hoà âm (harmonie), chỉ có giai điệu (mélodie) mà thôi. Nói như vậy, khi chúng ta chơi một hợp âm thì không còn là nhạc Việt Nam nữa sao? Nhưng tôi không nghĩ rằng có một kỹ thuật để làm nhạc Việt Nam, không phải cứ dùng ngũ cung là thành nhạc Việt Nam. Không phải cứ dùng những hoà âm đặc biệt mới lạ là biến thành nhạc ngoại quốc. Có những bài tân nhạc dùng hoà âm tây phương mà người nghe lại cảm thấy rất là Việt Nam, như Hội Trùng Dương của Phạm đình Chương hay Tiếng Sáo Thiên Thai của Phạm Duy. Ngược lại, có những bài đàn tranh, đàn tỳ, người Việt ta không cảm thông được thì cho đó là nhạc Tàu ! Có thuyết cho rằng muốn có âm hưởng Việt Nam, câu nhạc cần nhiều nốt láy ngân dài, giống như trong dân ca. Lại có người bảo đặc tính nhạc Việt là lời lẽ có nhiều tính chất thơ, không bao giờ lộ liễu và cộc lốc như trong một số bài nhạc sau này. Những nhận xét này đều đúng, tôi nghĩ, người nhạc sĩ trong lúc sáng tác không đặt vấn đề quy luật. Miễn mỗi nhạc phẩm phản ảnh tâm hồn mình là được . Vả lại, tiêu chuẩn ‘Việt Nam tính’ không do nhạc sĩ mà do người nghe phẩm định bằng lỗ tai của mình. Khi một bản nhạc đi quá mức độ chấp nhận của người Việt Nam bình thường thì có thể bị gọi là lai căng .

Theo tôi, đàn synthesizer là một phương tiện qúy báu để quảng bá âm nhạc. Thời nay synthesizer giúp cho người chơi nhạc tài tử biến thành nhạc trưởng mà không cần phải mất nhiều năm công phu tập nhiều khí cụ khác nhau, giúp cho âm nhạc dễ phổ biến rộng rãi. Với synthesizer, chúng ta không cần phát triển kỹ thuật chơi nhạc mà phát triển tai nghe nhạc và cách hoà âm.

Tôi có một ý nghĩ như thế này. Con người phát triển tuần tự trên ba mặt thể xác, tình

cảm và trí. Nhạc là một khía cạnh của sự phát triển này.Các nhạc khí kích tiết(instruments à percusion) như trống, chũm chọe tương ứng với giai đoạn phát triển của xác thân. Các nhạc khí thổi (instruments à vent) như sáo, tiêu, kèn tương ứng với giai đoạn phát triển tình cảm. Tùy theo hơi thở, các nhạc cụ này có thể tạo ra những âm thanh khi mạnh, khi nhẹ , khi réo rắt, lúc khoan thai, uốn éo, trầm bỗng thay đổi giống như tình cảm con người nhiều sắc thái và dễ đổi thasy. Các loại đàn dây (instruments à cordes) như vĩ cầm, hồ cầm, dương cầm vv..tương ứng với giai đoạn phát triển về trí của nhân loại vì tiếng đàn dây lúc nào cũng đều hơn, phản ảnh đặc tính chừng mực, tiết độ hơn của cái trí.

Phan Văn Hưng

 

Nhạc sĩ đức Huy

1.
trả lời nhà báo Trường Kỳ
(Tuyển tập Nghệ Sĩ 1 & 3 xuất bản năm 1995, 1998)

Mê nhạc từ hồi nhỏ, ngay từ khi ông anh họ là nhạc sĩ Nguyễn Vũ dạy cho đánh mandoline, sau đó là guitar. Hoàn toàn do mình tự khuyến khích lấy mình từ đầu cho đến giờ, tuy nhiên lúc đầu có gặp nhiều trở ngại từ gia đình 

Tự học theo sách và ‘rèn tai’từ 1963 tới 1975. Sang Mỹ học SF City College một năm về nhạc và căn bản hòa âm. Cũng nhận được sự giúp đỡ chút ít nơi bạn bè; sự giúp đỡ nhiều nhất là nơi những bạn ngoại quốc.

Nguồn cảm hứng...đến từ sự tổng hợp giữa niềm tuyệt vọng, nỗi đau khổ, những kỷ niệm, sự vui thú, lòng khát vọng, lòng yêu thiên nhiên, quê hương vv... Thí dụ như niềm tuyệt vọng (Trái Tim Ngục Tù), nỗi đau khổ (Như đã Dấu Yêu), lòng khát vọng (Một Tình Yêu), những kỷ niệm (Người Tình Trăm Năm ), lòng yêu quê hương (Khóc Một Giòng Sông) vv...

(Với khuynh hướng) ...Viết cho tuổi trẻ để nói lên những ưu tư, khát vọng, dự tính cũng như những khó khăn. Viết cho tình yêu với niềm hy vọng của chính bản thân, của đôi lứa, gia đình, quê hương, thiên nhiên và thượng đế. Một đôi khi cũng nhắm vào một giọng ca nào đó khi sáng tác, thí dụ như nhạc phẩm Thái Tim Ngục Tù cho Thảo My trình bày và do trung tân Asia thu băng.

Khi viết nhạc, áp dụng tất cả những phương thức gì giúp ích được cho mình trong lúc đó. Phải thay đổi thể điệu luôn để tránh nhàm chán hoặc lặp lại chính mình khi sáng tác.

...Một bài hát muốn dễ vào tai người nghe thì trước hết nó phải giản dị, không có cầu kỳ quá...tại vì cuộc sống của chúng ta không có nhiều thì giờ để nghe những truyện cầu kỳ...Nếu muốn giản dị mà dễ nhớ thì phải có một cái ‘melody’ dễ nhớ và một chủ đề mà chắc quanh quẩn chỉ là tình yêu thôi, đến 98 phần trăm là tình yêu, cò 2 phần trăm là những chủ đề khác...Trong 98 phần trăm tình yêu thì làm sao cũng nói một vấn đề nhưng dùng những từ mà chưa có ai dùng, đừng có dùng những cái ‘ clichés’...rồi ...thì..bởi vì mình chỉ có ba phút để lấy được sự chú ý của người nghe, thành ra nó phải thật là gẫy gọn, tức là không dư chữ nào, đừng có nên thiếu một chữ nào...Nếu có thể làm dược những điều đó thì sẽ ăn khách, thế thôi ! Khách Việt Nam tương đối cũng dễ...

Lời ca phải rất là giản dị, bình dị cho người ta dễ hiểu. Thế nhưng cũng tùy là cái người viết bây giờ muốn ‘đánh’vào thành phần khán giả của mình, thuộc nhóm nào mới được, anh thấy không ? Nếu bây giờ anh muốn ‘đánh’ vào đại đa số khán giả tức là những người thích nghe nhạc bình dân đó, mà anh dùng những điển cố, hán văn nhiều hoặc dùng những danh từ về triết học tây phương cao siêu quá người ta sẽ không hiểu...và đồng thời nếu anh muốn viết nhạc cho giới trí thức, như sinh viên hoặc là giới ‘ yuppy’ mà anh lại dùng những từ quá bình dân thì họ lại không cảm thấy gần gũi...cho nên anh phải dùng cái ngôn ngữ mà không có ai họ cảm thấy bị gán cái bảng hiệu đó (như ‘bình dân’hoặc ‘trí thức’)...tức là nghe qua họ cũng tưởng là cái bài này viết riêng cho mình.

Nhạc bình dân, theo tôi nghĩ, có nghĩa là nhạc mà được đại đa số khán giả chiếu cố đến. Nhạc bình dân của Mỹ là nhạc ‘Country music’, còn nhạc bình dân của Việt Nam là những bài hát vọng cổ hoặc những bài hát tân nhạc mà thường theo tôi nghĩ có đến 90 phần trăm là boléro...Boléro và những ‘ton’thứ và những cái ‘gammes’thứ...và cái ngôn ngữ của nó cũng rất giản dị...đó là cái nhận xét của tôi thôi, có thể là tôi sai, tại vì tôi không có nghiên cứu về từ chuyên môn mà người ta dùng để diễn tả nhạc Việt Nam, thành ra có thể là tôi không đúng...thế nhưng mà tôi nghĩ là tôi cũng khó sai lầm ! Ba chục năm trong nghề rồi !

...Nhạc của tôi có người nói là có thể thỏa mãn khách từ 9 tuổi đến 90 tuổi...tôi thấy cũng tùy bài thôi...Nhưng mà đa số thì tôi có thể nói là nhạc của tôi có thể..à à...tùy lúc có thể làm vừa lòng khán giả từ 17 đến 57 thì là chắc ăn...

Lời ca của tôi có tầm quan trọng đến 90 phần trăm trong một nhạc phẩm...Người nào viết nhạc mà chưa nhận thức được điều đó thì sẽ còn mệt lắm ! Anh nên nhớ là nhạc Việt Nam không phải là như nhạc Mỹ. Người Mỹ có nhạc Jazz, nhạc hòa tấu, nhạc Classical, là những nhạc không có lời mà được mọi người yêu mến vì người ta đã theo truyền thống đó rồi. Còn Việt Nam mình không có những loại nhạc đó. Nếu có nhạc hòa tấu chăng thì cũng là những lúc đệm để ca sĩ nghỉ thôi. Thành ra cái lời phải rất quan trọng..Khi cái lời nó hay rồi thì nhạc sẽ tự động đến. Khi tôi làm nhạc tôi phải ‘make sure’là không giống bất cứ ai, kể cả những gì mà tôi đã viết.

Thói quen...Ngày, đêm, thức, ngủ...nhiều kết quả khi được một mình trong im lặng.

2.
trả lời nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
(qua vidéo Thúy Nga Paris số 50)

(Về diễn tiến và thời gian sáng tác) :

Cái đó (sự sửa đi, sửa lại) không phải là một lề thói mà là một khúc mắc, tôi chưa giải quyết được, bởi vì tôi thường viết 4, 5 bài hát trong cùng một lúc, đến chỗ nào tôi cảm thấy hơi khựng lại, thì tôi để sang một bên, viết tiếp bài khác. Cho đến khi nào viết xong một bài mà tôi nghĩ là tạm xong, thì cho qua một thời gian thử thách. Tôi hát đi hát lại nhiều lần trong vòng 3 cho đến 6 tháng, và sau khi hát, tôi cảm thấy như là không còn điều nhỏ đáng sửa nào mà tôi bỏ qua, thì tôi mới dám đưa ra. Như anh anh đã nói, có những bài 4, 5 năm mới hoàn tất, nhưng cũng có bài mà 25 năm tôi viết đi viết lại, và sau cùng vẫn phải giữ y như thế, không thay đổi gì được cả. Bài đó là bài Vườn địa đàng , cùng thời với bài Cơn Mưa Phùn. 

(về bố cục) 

Cái điều mà anh tìm thấy ở trong bài Bay đi Cánh Chim Biển, cũng không có gì mới lạ. Bởi vì người ta đã tìm thấy những hình thức tương tự ngay ở nhạc cổ điển. Tức là cái dạo khúc, phần đầu thì tôi cũng viết ra như một bài hát riêng một khúc. Rồi đến cái phiên khúc, cũng như cái điệp khúc, cũng như cái chuyển khúc đã được soạn trước.

 (về sự rung động với thiên nhiên)

Tôi thấy là trong cuộc sống này, mình không thể nào tách ra khỏi yếu tố thiên nhiên. Mặc dù đã có một số người nói ‘Nhạc đức Huy mưa từ đầu đến cuối’, thế nhưng mà thường thường trong những ngày mưa tôi mới được ở nhà, có nhiều dịp để viết, thành ra không tránh khỏi ảnh hưởng những thời điểm, hoàn cảnh thiên nhiên xảy ra chung quanh...

(về những bài hát thương mại)

Sau một thời gian viết những bài hát cho riêng chính mình, cho những cảm xúc và ý riêng, cuối năm 1989, tôi có dịp nói chuyện với một anh chị em , cũng nghệ sĩ sáng tác ở niềm Nam Cali, đã nói đến và bàn đến những yếu tố để cho một bài hát trở nên rất phổ biến, ăn khách về phương diện thương mại. Thường thường những bài hát Việt Nam phải hội đủ những điều kiện như là : điệu Slow Rock, Cha cha, Boston., thường thường những bài thành công ở cung thứ và nhất là lời lẽ phải vì một chữ tình éo le. Và sau một tuần, bài Như đã Dấu Yêu ra đời, như một thử nghiệm.

(về ca khúc Một Giòng Sông)

Bài này tôi viết lên cảm hứng từ những người bạn của tôi . Lúc đó vào khoảng 1985, tôi có một số bạn bè từ Việt Nam sang. Và những người này có một hoàn cảnh rất giống nhau là họ sang đây một mình, họ xa gia đình, thành ra tôi đã viết lên Một Giòng Sông để diễn tả lại tâm trạng đó của một số đông tị nạn.

 (về bài đầu tay)

 Bài Cơn Mưa Phùn, đã được lấy hứng từ một cuộc đi chơi ở đà Lạt, khoảng giữa năm 1969, là lúc thời gian tôi mới lên đại học và như anh đã biết, đà Lạt thường mưa, mưa nhiều, và trời u ám, lúc đó tôi lại mới lớn lên, thành ra rất nhiều mơ mộng

 (về nét đặc thù)

 Có lẽ cái nét giản dị của nhạc và lời; cũng như cái điểm nói thẳng về vấn đề. Và thêm một điểm nữa mà tôi nghĩ, có lẽ vì đa số đều có chủ đề nằm ngay ở tựa bài hát

đức Huy

 

Nhạc Sĩ Từ Công Phụng

trả lời nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ sĩ 1 xuất bản năm 1995)

Vì đam mê âm nhạc nên tìm đủ mọi cách để tự học. Họ theo sách từ Pháp gởi về, Nghe nhạc, tự xướng âm một mình. Nói tóm lại, một mình tự mò mẫm để đi tới.

Khởi viết vào năm 1960, do ngẫu hứng và thích thú. Nhạc phẩm đầu tay: ‘Bây Giờ Tháng Mấy’. đứa con đầu lòng bao giờ cũng ngây ngô, lãng mạn và chân chất, nhưng lúc nào cũng yêu vì ‘Bây Giờ Tháng Mấy’ là nhịp cầu đầu tiên đưa tên tuổi tôi đến với quần chúng.

Những sáng tác thường phát xuất từ tâm tư, sự suy nghĩ và cuối cùng là khát vọng đạt tới. Tôi ‘open’chỗn này, muốn hiểu sao cũng được.

Tôi viết nhiều hơn số lượng đã ấn loát. Có những bài lâu quá tôi không nhớ hết, hoặc những bài gần đây không ưng ý lắm, tôi đã bỏ đi. Khi tôi quyết định cho in vào các tuyển tập là những sáng tác mà tôi ưng ý. Những bài nào được quần chúng ưa thích là những bài tôi ưng ý. ưng ý nhất hiện nay là các bản : Trên Ngọn Tình Sầu, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, ơn Em, Mắt Lệ Cho Người Tình. Hiện nay tôi có 3 tuyển tập nhạc, được sáng tác dài dài từ 3 thập niên qua :

- Thập niên 60: Tình Khúc Từ Công Phụng, gồm 12 tình khúc; có các bài Bây Giờ Tháng Mấy, Mùa Thu Mây Ngàn, Lời Cuối, Tuổi Xa Người, Mùa Xuân Trên đỉnh Bình Yên...được nhiều ca sĩ trình bày nhất.

- Thập niên 70 : Trên Ngọn Tình Sầu, được trình bày nhiều nhất là bài Giọt Lệ Cho Ngàn Sau.

- Thập niên 80 : Giữ đời Cho Nhau, Như Chiếc Que Diêm được trình bày nhiều nhất.

Viết nhạc trước hoặc song song với việc đặt lời. Tôi thích diễn tả bằng lời hơn là gò bó vào thể điệu nhanh ; viết bất cứ lúc nào. Tôi thích viết nhạc tình hơn những loại nhạc khác, vì tình ca vẫn là đê tài muôn thuở của nhân loại. ít khi tôi nhắm vào một giọng ca nào trước khi sáng tác vì tôi luôn luôn sáng tác vì cảm hứng, không vì đặt hàng...

Từ Công Phụng

 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

mạn đàm cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
(vidéo Thúy Nga Paris 38 : Tình ca Ngô Thụy Miên)

Tôi sáng tác nhạc từ khi còn rất trẻ, những ngày tôi còn theo học trường Quốc Gia âm Nhạc, có lẽ vì thế, những nhạc phẩm đầu tay của tôi đã chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển tây phương rất nhiều. Cho đến năm 1965, tôi bắt đầu chuyển hướng, và từ đó những tình khúc Ngô Thụy Miên được ra đời. Như vậy, bài ‘Mùa Thu Cho Em’ không phải là nhạc phẩm đầu tay của tôi. Nhưng đó là bài tình ca đầu tiên được thu dĩa, bài đầu tiên đã mang tên tuổi Ngô Thụy Miên đến qúi vị khán, thính giả.

Tất cả những bản nhạc trong cuốn Tình Ca Ngô Thụy Miên đã được tôi viết từ năm 1965 đến năm 1972. Bản nhạc đầu tiên được hoàn tất trong năm 65 là bản ‘Chiều Nay Không Có Em’ và bản cuối cùng, tôi viết trong năm 72 là bản ‘Mắt Biếc’.

‘Giáng Ngọc’ chỉ là cái tên tôi đặt cho một người con gái có thực. Cô có một vẽ đẹp lãng mạn, kiêu sa, và ngày đó cô là một nữ sinh của một trường trung học nổi tiếng ở Sàigòn. Còn tôi là một anh sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài ‘Dấu Tình Sầu’và dĩ nhiên bài ‘Giáng Ngọc’.

‘Từ Giọng Hát Em’ là một trong những bản nhạc mà tôi thích nhất. Một bản nhạc, tôi đã bỏ ra rất nhiều công phu, cũng như thì giờ để viết, trau chuốt từ lời ca đến ý nhạc. Bản nhạc, như anh nhận xét có mang một chút âm hưởng nhạc cổ điển tây phương, là bởi vì tôi xử dụng vài hợp âm giống như những bài aria, tức là những bài nhạc đạo của Bach,

Mỗi một nhạc sĩ, thưa anh, có một phương cách riêng biệt để viết về tình yêu. Với tôi, anh nghe trong nhạc của tôi cũng thấy, cũng có những chia lìa, tan vỡ. Nhưng với tôi, tình yêu luôn luôn trong sáng và nhẹ nhàng. Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc sống tình cảm của tôi bằng phẳng như anh nghĩ đâu, cũng gập ghềnh vất vả lắm anh ạ.

Giữa thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không hề có liên hệ nào ngoài sự cảm thông giữa hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nhà thơ Nguyên Sa là một trong những nhà thơ có những bài thơ tình mà tôi ưa thích nhất. Và kể từ ngày tôi quen biết anh (NS) ở Sàigòn cho đến bây giờ thì trong nhạc của tôi, thơ của anh luôn luôn có chỗ đứng rất đặc biệt.

Và tôi rất đồng ý với anh (N.N.N) là Sàigòn của chúng ta, không phải chỉ có một Nguyên Sa. Chúng ta còn rất nhiều những nhà thơ nổi tiếng khác đã viết những bài thơ tình rất tuyệt vời. Nhưng cho đến bây giờ, thì hình như nhạc Ngô Thụy Miên chỉ có duyên với thơ Nguyên Sa thôi. Và nhờ cái duyên này, mà tôi có được áo Lụa Hà đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13.... 

‘Trong thời gian đi học, thơ của Nguyên Sa mình đọc nhiều nhất, ngâm nhiều nhất thành ra nó đã thấm vào hồn mình...Trong tất cả 4 thập niên viết nhạc của tôi thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc của tôi’(tuyển tập Nghệ sĩ 5-Trường Kỳ).’

Mặc dù tôi học violon từ bé, nhưng hầu hết tất cả những bản nhạc của tôi thì đã được viết bằng đàn piano, bởi vì, thưa anh, đàn violon là một nhạc cụ rất khó xử dụng, nhất là khi dùng để sáng tác nhạc. Thật sự là tôi không biết là gần đây có những nhạc sĩ nào đã dùng violon để sáng tác hay không.

Vời tôi, chiến tranh chỉ là giai đoạn. Tình yêu mới là vĩnh cửu. Từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã chọn cho mình một hướng đi, đó là tình ca. Và trước tôi cũng như sau tôi đã có nhiều nhạc sĩ viết về chiến tranh, về quê hương, về thân phận vv..Tất cả chúng tôi đều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, mỗi người một khuynh hướng khác nhau. Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca không hơn không kém.

Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc....Nếu đời hay người chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui. Lẽ dĩ nhiên tôi viết cho mình và cho đối tượng của mình nữa, nhưng tôi không viết cho mọi người (T.T.N.S 5- Trường Kỳ)

Ngô Thụy Miên

 

 

Nhạc Sĩ Lê Dinh

trả lời nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ sĩ 1 xuất bản năm 1995)

Rất thích âm nhạc. Học hàm thụ với trường Ecole universelle de Paris (Pháp). Không ai khuyến khích lúc ban đầu nhưng không gặp trở ngại nào lớn lao...Bắt đầu sáng tác năm 1956. Nhạc phẩm đầu tay ‘Làng Anh Làng Em’(Tinh Hoa xuất bản) , cho đến bây giờ vẫn còn hài lòng với nhạc phẩm đó. Những nhạc phẩm hài lòng nhất : Tấm ảnh Ngày Xưa (1964), Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (1964), Cánh Thiệp Hồng (1963), Xác Pháo Nhà Ai (1963), Ngang Trái (1962), Ga Chiều (1961), Thương Về Xứ Thượng (1961), Một Chuyến Xe Hoa (1971), Biển Dâu (1971), Nỗi Buốn Châu Pha (1974)...

Không có chủ trương hoặc một khuynh hướng nào đề ra trong việc sáng tác. đôi khi có nhắm vào một giọng ca nào đó để sáng tác, như trường hợp bài ‘Tiếng Ca U Hoài’viết cho Thanh Thúy hát.

Nguồn cảm hứng sáng tác thường đến bất chợt, từ kỷ niệm, từ một quyển sách, từ một bài thơ, từ hoàn cảnh của bạn bè...Thường cảm hứng sáng tác khi lái xe đến sở làm hoặc lúc ban đêm (chỉ cần một tách trà sữa nóng )...Thường sáng tác nhạc song song với lời ca , một câu nhạc là một câu lời. Sáng tác đủ mọi thể điệu, nhưng thích Boléro và Tango.Chiều hướng sáng tác không bị ảnh hưởng ai....Những giọng ca thích hợp có thể kể : Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Trang Mỹ Dung.

Lê Dinh

 

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

tài liệu của nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ Sĩ 4 xuất bản năm 2000)

Tập tễnh sáng tác vào khoảng 53, 54, Thuở đó còn là thuở học trò, cứ làm ra rồi để đấy thôi, chưa có phương tiện để lăng xê, phổ biến, chưa có cái phương tiện đó mà cũng không nghĩ tới cái chuyện đó.

Ngày xưa khi tôi viết loại nhạc mà mình gọi là nhạc không được đại chúng, nói chung là loại nhạc viết cho một giới, thí dụ cho những người cầu kỳ thích nghe loại nhạc chọn lọc...thì tôi lấy tên là Tuấn Khanh. Còn một cái loại đại chúng, viết những bài đại chúng, thật là đại chúng, chúng không được chải chuốt lắm thì tôi đổi tên, tôi lấy tên Trần Kim Phú, rồi Kim Phú. Lý do là tại vì xấu hổ, cho là tại sao mình lại viết các loại nhạc này, nó bình dân, nó đại chúng, không phải là cái loại nhạc gọi là sang.

Nhưng sau 7 năm , sống dưới sự thay đổi của đất nước, vỡ ra nhiều điều, mình không có quyền làm như thế , Mình phải làm đủ, mình có thể làm được cái loại nào thì mình vẫn cứ phải làm. Cái này tuy rằng bạn nghe nó kỳ đấy, hay bạn không thích cái loại nhạc này nhưng có một số người khác người ta thích thì mình cũng phải đáp ứng đầy đủ cho nó công bình. Người ta không có tội tình gì cả, có khi chỉ có cái gia đình nghèo không được học nhiều để thành những người trí thức, mà bây giờ mình bỏ rơi người ta vì cái tội đó thì như là bất công quá ! mình không nên làm như thế.

Những tình cảm đến với cuộc sống riêng tư của một người nghệ sĩ thì mới tạo nên được những tác phẩm...

Sau 75, mỗi một năm cứ tết đến, đến đêm giao thừa, sáng mồng một thì tôi khai bút đầu năm. Tôi viết một câu nhạc, chỉ viết một câu nhạc thôi. Viết xong rồi nhẩm nhẩm hát lại thì thấy còn được, thấy mình hãy còn viết được chưa bị khô cằn, chưa bị rơi vào tình trạng không thể viết được nữa. Viết xong rồi thôi, tôi lại bỏ đi hết.

...Nếu còn sáng tác được thì phải có một cuộc sống riêng tư, phải được tự do trong cuộc sống riêng tư đó thì mới có thể sáng tác được.

Tôi cũng phải nói tới cái vấn đề là dù sao cũng cảm ơn gia đình. Gia đình tôi đã để cho tôi có hai cuộc sống riêng biệt : một cuộc sống trách nhiệm với gia đình và một cuộc sống riêng tư của tôi. Vì phải có những cuộc sống riêng tư, phải có những thời gian riêng tư, có những sự gặp gỡ quen thuộc riêng tư của mình thì mới có cái nhiên liệu để thôi thúc cho mình sáng tác được những nhạc phẩm có thể để đời được hoặc là được dài lâu... Còn nếu như sống mà suốt cuộc đời mình chỉ có trách nhiệm với gia đình, thì không biết người khác ra làm sao nhưng theo tôi rất là khó có các nhạc phẩm xuất sắc hoặc là hay để đưa tới cho quần chúng được

Tuấn Khanh

 

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương

theo tài liệu của nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ Sĩ 5 xuất bản năm 2001)

Hồi đi học, là tôi đã thích, đã mê nhạc lắm rồi. Tôi nhớ lúc còn đang đi học, trong nhà có một cái radio cổ lỗ sĩ mà cứ ráng bắt cho được những đài Pháp á, đài Hirondelle ở Hà Nội...Nghe cứ ù ù mà thích lắm. Thời đó tôi mê loại nhạc thời danh của đoàn Chuẩn-Từ Linh , nghe được những bài ‘Tà áo Xanh’, ‘Dang Dở’hay ‘Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay’thú vị lắm. Thời ấy làm như mình bị thấm cái nhạc đó cho nên khi sáng tác, mình phải làm sao có cái ‘air’ nhạc cho nó như vậy.

Phạm Mạnh Cương tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Huế...dạy Việt văn, Sư địa và Triết học tại Sàigòn...kể từ năm 66 , Phạm mạnh Cương có thể coi như là một trong những người đã đưa việc thực hiện băng nhạc vào lãnh vực kinh doanh dưới nhãn hiệu Tú Quỳnh...Nhạc phẩm Thương Hoài Ngàn Năm là nhạc phẩm đầu tiên ông viết tại miền Nam ...Phía sau mỗi nhạc phẩm đều ghi dấu một kỷ niệm đã tạo nên nguồn cảm hứng, từ đó ông liên tiếp tung ra những ca khúc : Thung Lũng Hồng, Mắt Lệ Cho Người Tình, Tóc Em Chưa úa Nắng Hè....Tuy nơi PMC có hai con người khác biệt, một con người mô phạm, và một con người nghệ sĩ, nhưng ông không để cho hai sự tương phản đó xáo trộn hoạt động của mình...- Trường Kỳ)

Với tôi, tôi thu xếp đâu ra đó. Dạy học vẫn làm tròn bổn phận của một nhà giáo, còn nghệ sĩ thì hoạt động hoàn toàn là một nhạc sĩ...Có lẽ tôi mang một tính chất nhà giáo để qua hoạt động bên văn nghệ.....Tôi quan niệm, lời ca phải làm cho người ta cảm, chứ đừng viết một cách cao xa quá. Hình ảnh trong âm nhạc phải cụ thể, nhưng không phải cụ thể một cách tầm thường, nhưng là một cụ thể có thi vị...

Những bài như ‘Loài Hoa Không Tan Vỡ’, có gì triết lý trong đó đâu. ‘Thương Hoài Ngàn Năm’ có gì triết lý trong đó đâu, không có. Có một vài bài như bài ‘Mắt Lệ Cho Người Tình’thì cũng phong cảnh thôi, như bài ‘Tóc Em Chưa úa Nắng Hè’có thể dùng một vài chữ nó có văn chương, bóng bẫy chút vậy thôi, không phải danh từ triết’

...Mỗi nhạc phẩm là một bức tranh, Thí dụ như bài ‘Thung Lũng Hồng’tả thung lũng của đà Lạt, buổi sáng mặt trời lên đẹp lắm, sương và ánh nắng hồng chiếu. Rồi từ Thung Lũng Hồng đó tôi nghĩ tới đà Lạt có thung lũng gọi là Thung Lũng Tình Yêu...thường thường một nhạc sĩ nói về tình cảm dành cho một mối tình chẳng hạn thì làm một bài thôi. Một bài có dính líu đến mối tình đó. Còn đa số nghệ sĩ khi nào cũng có cái tưởng tượng phong phú. Nhiều người cô độc nhưng vẫn viết được nhạc tình yêu rất hay..

Phạm Mạnh Cương

 

Nhạc sĩ Trúc Hồ

trả lời nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ sĩ 1 xuất bản năm 1995)

Bắt đầu sáng tác nhạc phẩm đầu tay ‘Giòng Sông Kỷ Niệm’ lúc 16 tuổi, khi mới biết yêu lần đầu ,và hiện vẫn hài lòng với nhạc phẩm đó ,vì đã khơi lại được một khoảng thời gian đầy thơ mộng và thú vị.

được rất nhiều khuyến khích nơi ba (nhạc sĩ Trúc Giang, xử dụng trống) là người dạy chơi trống từ khi mới lên 4.

Chỉ sáng tác tùy hứng, hoàn toàn không đề ra một khuynh hướng hay một chủ trương nào. Không nhắm đặc biệt vào một giọng ca nào cả, tuy nhiên về giọng ca nữ thì thấy thích hợp với những sáng tác của mình, về phía nam thì có Duy Quang.

Nguồn cảm hứng đến từ cuộc sống hằng ngày, từ những điều nhìn thấy được trong cuộc sống hoặc chính mình đã đóng một vai trò trong đó.

Không có thói quen nào đặc biệt. Việc sáng tác đến bất chợt và tự nhiên...Không nhất định là viết nhạc trước khi đặt lời, hoặc ngược lại. Thường viết những nhạc phẩm chậm và buồn, đôi khi cũng sáng tác những nhạc phẩm nhanh và vui, nhưng chỉ dành cho phần hòa tấu..

Trúc Hồ

 

Nhạc sĩ Ngọc Trọng

trà lời nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ Sĩ 1 xuất bản năm 1995)

Vào đường nghệ thuật chỉ do sự tình cờ, trước đây chỉ mê đàn và hát. Sau đó thử sáng tác một loạt nhạc phẩm và thành công ngay.

Bắt đầu sáng tác vào năm 1986 tại Calgary, Canada. Những nhạc phẩm dầu tay là loạt bài trong băng nhạc đầu tiên ‘Buồn Vương Màu áo’ do trung tâm Diễm Xưa thực hiện. Chưa hài lòng vì lúc đó chưa có kinh nghiệm nhiều.

Nguồn cảm hứng, đa số từ những kỷ niệm của các cuộc tình cũ.

Thói quen sáng tác tùy hứng. Thường sáng tác khi đi hát xa (lúc ở trên máy bay để giết thì giờ)....Có lúc viết nhạc trước lời sau, hay ngược lại, có khi nhạc và lời đến cùng một lúc.

Có khuynh hướng, Muốn nâng cao trình độ thưởng ngoạn của khán giả, tung ra những sáng tác có giá trị cao. Những giọng ca thích hợp với nhạc Ngọc Trọng là ý Lan, Khánh Hà, Ngọc Lan...

Ngọc Trọng

Xin bấm vào đây để xem tiếp