ý kiến của các tác giả: lê uyên phương, văn cao, trầm tử thiêng, văn phụng, hoàng thi thơ, lê trọng nguyễn, phạm duy, lam phương, phan văn hưng, đức huy, từ công phụng, ngô thụy miên, lê dinh, tuấn khanh, phạm mạnh cương, trúc hồ, ngọc trọng, doãn mẫn, hoàng giác, phạm trọng cầu, phan huỳnh điểu, phan ni tấn nd, việt dzũng, dương thụ, phan ngọc, mai đức vinh, hoàng dương, bảo chấn, ngọc châu, huy tuấn, phú quang, bảo phúc, trần tiến, nguyễn cường, ...

 

Khởi điểm một số bài hát tiền chiến
(trích từ ‘Những Tình Khúc Vượt Thời Gian’
do Kim Lợi Productions, 2471 Alvin Ave San Jose CA 95121 USA
sản xuất năm 1996)

Nhạc sĩ Doãn Mẫn
tình khúc ‘Biệt Ly’

Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt Ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt Ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 39, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại cái đề tài này. Có những buổi biểu diễn ở các rạp, một phần nữa do các anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên cái bài đó (Biệt Ly) mới được phổ biến. 

 

Doãn Mẫn

 

 

Nhạc sĩ Hoàng Giác
tình khúc ‘Mơ Hoa’

Chúng tôi, lúc bấy giờ, phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt....Lúc bấy giờ trong cái lớp anh em, hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ Hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Năm ấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp trường Bưởi, thì ở gần nhà tôi có một thiếu nữ ở trong Hà đông ra, cô ở tuổi 16 thôi. Dáng người cô ấy thon nhẹ, tóc dài. Tôi liên hệ như những người thiếu nữ Việt Nam mới lớn lên, và tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường tôi đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi.

Hoàng Giác

 

 

Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu
tình khúc ‘Mùa Thu Không Trở Lại’

 

đối với tôi...là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi tôi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi.

Phạm Trọng Cầu

 

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh điểu
ca khúc ‘Trầu Cau’ 

 

Nhân dịp tôi được đi xem nhạc kịch Tụy Lụy; nhạc của Lưu Hữu Phước, thơ của Châu Vinh và Thế Lữ biểu diễn tại thành phố đà Nẵng lúc bấy giờ...tôi thấy hay. Từ xưa đến giờ mình chưa được xem một cái kịch có hát, mà tôi rất là mê âm nhạc, cho nên tôi về nghiên cứu...

Nghĩ mình học nhạc chưa đến đâu, nhưng mà mình mê cái nhạc kịch Tụy Lụy, thấy các cảnh trong Tụy Lụy đóng rất hay, ước là làm thế nào mình kể một câu chuyện cổ tích, nó cũng có những cái tình tiết, tình cảm như Tụy Lụy.

Lấy chuyện cổ tích ra đọc, thì tôi thích nhất là chuyện Trầu Cau. Nó là cái truyện tình giữa hai anh em ruột và một cô gái hàng xóm. Trong đó nói cái tình vợ chồng chung thủy và cái tình gắn bó yêu thương của hai anh em...

Tôi mượn cái mandoline về, vội vào trong buồng, giấu không cho ai biết, vì mình không là nhạc sĩ, nên cũng hơi xấu hổ, mình mà nói nhạc sĩ, thì người ta cười cho vì mình đã học trường lớp nào đâu mà nói nhạc sĩ. Cho nên cố mày mò viết, viết thử thử. Lúc bấy giờ tôi viết theo cái lối những bài hát hướng đạo. Tức là một điệp khúc mà có 3 lời khác nhau. Lời người em, lời người anh, lời người vợ....Ba lời, tức là ba người cùng hát một giai điệu nhưng chỉ khác nội dung thôi.

Lúc bây giờ tôi viết xong, thực tế chỉ cho đoàn Sói Con (Lúc bây giờ chúng tôi có tổ chức Sói Con) hát, để diễn kịch trong những đêm lửa trại....Nói chung anh em hướng đạo chúng tôi rất thích cái loại nhạc như vậy. Những bài hát kể chuyện có tình, có nhạc. Thật ra, cái bài Trầu Cau, tôi viết, không nghĩ để cho người lớn hát, mà cho trẻ em hát, các cháu Sói Con hát. Và cũng không ngờ cái bài hát đó đi vào lòng quần chúng. Khi được đưa lên sân khấu có rất nhiều người thích. Cho đến nỗi có một kỷ niệm rất vui.

Năm 1991, khi tôi được những người Việt kiều bên Pháp mời sang. Trong cái đêm ca nhạc của tôi, tôi không để cái bài Trầu Cau, bởi vì tôi cho bài hát đó lâu quá rồi, cũ quá rồi, mình không nên đưa vào chương trình. Khi đêm diễn xong, có mấy cụ già 60, 70 gặp tôi hỏi :

- Nhạc sĩ Phan Huỳnh điểu đây là nhạc sĩ từ năm 45 đến giờ, hay là nhạc sĩ Phan Huỳnh điểu mới đây ?

Tôi nói : tôi là...tôi, từ trước đến nay Việt Nam chỉ có một Phan Huỳnh điểu, chứ làm gì có hai nhạc sĩ PHđ. Mấy ông bà ấy bảo : - Trời ơi, có một nhạc sĩ...tại sao cái đêm nhạc này không có cái bài Trầu Cau ? Tôi bảo: dạ cái bài đó lâu quá.

- Khi chúng tôi qua Pháp, chúng tôi hát cái bài Trầu Cau rất say sưa, và bây giờ khi nhắc đến Phan Huỳnh điểu, chúng tôi vẫn nhớ đến Trầu Cau. Mà đêm nay, không có ‘Trầu Cau’ tức là một thiếu sót rất lớn của nhạc sĩ.

đêm sau, tôi bổ sung ngay bài ‘Trầu Cau’vào và nhờ các anh chị em ở bên Pháp, nhất là các bác sĩ, kỹ sư đóng vai Tân Sinh, Lang Sinh và cô vợ. Sau cái đêm thứ hai, các bạn đến xem, vỗ vai tôi nói :

- đã có Phan Huỳnh điểu là phải có ‘Trầu Cau’ không có ‘Trầu Cau’là không phải Phan Huỳnh điểu..

đối với tôi, rất là vui và tôi nghĩ cũng là một vinh dự đối với một nhạc sĩ..

Từ cái bài ‘Trầu Cau’khai sinh ra cái tên Phan Huỳnh điểu cho đến bây giờ, điều đó tôi rất mừng.

 

Phan Huỳnh điểu

Nhạc sĩ Phan Ni Tấn(ND)
trả lời Quỳnh My

Thập niên 60, thỉnh thoảng ba tôi vẫn hay tổ chức các buổi đờn ca với các nghệ sĩ cổ nhạc địa phương hoặc vài đào kép chính của đoàn cải lương miền Nam lưu diễn tại thị xã Banmêthuột. Thời đó bà mẹ hiền đảm đang của tôi lo phục dịch rượu chè và đồ nhắm; còn đám thiếu niên tụi tôi vẫn hay tò mò đứng lấp ló bên cửa lắng nghe. Có lẽ đó cũng là một cơ duyên để những bản nhạc của tôi được thành tựu sau này.

Kể cũng lạ, trước 75 ở bên nhà mỗi khi có dịp nhắc tới tên tôi người ta ai cũng đều nhắc đến cái danh nhạc sĩ. Ra hải ngoại tôi lại được đón nhận vai trò Thi Sĩ hơn là Nhạc Sĩ . Nhiều bạn bè trong nước ra hải ngoại sau tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về sự thay đổi vị trí chức năng này.

Thay vì ảnh hưởng tới vọng cổ thì tôi lại hướng sang tân nhạc. Những ca khúc

đầu tay tôi viết về Mẹ và Quê Hương trong chiến tranh Việt Nam.

Nhạc của tôi thời đó (năm 1969 tới 1975) chỉ phổ biến bằng cách ôm đàn cùng bạn bè rong ca, về sau có một số thành nhạc truyền khẩu; còn lại đều rơi vào lãng quên. Bạn bè, anh em hay người nào khác quên đã đành, chính tác giả cũng quên luôn những đứa con tinh thần của mình một cách đáng tiếc .

Hồi đó ’’nghệ sĩ’’ đến độ viết xong bản nhạc nào tôi đều ‘’quăng’’ cho bạn bè

muốn giữ lấy mà hát không thì thôi không cần biết, dĩ nhiên là mất tất thôi.Thành ra sau này ra hải ngoại nhạc của tôi có nằm trên hay nằm dưới thi ca tôi cũng đều trân trọng hết .

Ngoài những ca khúc thuần túy, có dịp đọc thơ của các anh Bắc Phong, Nguyễn Nam An, Du Tử Lê,....tôi thấy hay thì phổ nhạc. Dĩ nhiên, bài thơ phải có hồn. Tượng thanh tượng hình trong ý tứ cộng thêm phần nhạc tính và sự cảm xúc của người đọc cũng là một trong những yếu tố quan trọng . Có điều, tôi mắc phải cái ’’bệnh’’ rất khó tánh khi chọn thơ để phổ, nên bài nào đã được soạn thành ca khúc hát lên tôi cũng đều... ưng ý ráo .Thí dụ như bài Hãy Em Là Thị Lộ thơ Bắc Phong...vv.. đã từng phổ biến ngoài đời chút đỉnh. Bài Ðất Nước thơ Nguyễn Nam An cũng vậy, dù mới phổ biến quanh bạn bè, lại thêm phần hòa âm của nhạc sĩ Trần Duy Ðức nên ai... lỡ nghe qua cũng lấy làm phấn chấn.

Với tôi làm thơ, viết nhạc đều rất khó. Tuy nhiên làm thơ dễ hơn viết nhạc nhiều. Nói trắng ra là viết nhạc khó hơn làm thơ gấp hai lần, vì lời nhạc cũng là một phương thức làm thơ vậy.

Viết nhạc là một trò chơi phức tạp của tinh thần. Ôm cây đàn hay ngồi vào máy để viết nhạc có khi hoàn tất trong vòng một tiếng đồng hồ, có khi cả năm không xong một câu. Phức tạp là ở cái chỗ đó.

Phan Ni Tấn (ND)

 

Nhạc sĩ Việt Dzũng
trả lời nhà báo Trường Kỳ
(T.T.N.S 1- 1995) 

Nhạc phẩm nào viết ra cũng được coi là một đứa con, cho dù đứa con đó xấu xí, què quặt. Vì thế nên không có một tác phẩm nào ưng ý nhất. Tất cả đều ưng ý như nhau và tất cả cũng có những khiếm khuyết khiến tác gỉa không hài lòng.

đã viết rất nhiều, trên 400 bài hát. Phổ biến nhất là những ca khúc về tỵ nạn trong hai tập tỵ nạn ca, ấn hành năm 1980 là tập Kinh Tỵ Nạn và Lưu Vong Khúc. Qua hai tập này, những nhạc phẩm đã nổi tiếng và được nhiều ca sĩ thu thanh là các ca khúc : ‘Một Chút Quà Cho Quê Hương’, ‘Lời Kinh đêm’, ‘Mời Em Về ’...Tất cả những sáng tác này được viết ra như một thôi thúc về những điều phải nói trong những năm lạc lõng của đời sống lưu vong nơi xứ người. Sau này ca khúc viết cho thân phận người tỵ nạn cũng được phổ biến nhiều.

Số nhạc còn lại là tình ca, đã sáng tác nhiều, nhưng phổ biến giới hạn, và theo thiển nghĩ của tác giả là ‘chưa phải lúc’. Những nhạc phẩm đã được phổ biến cũng tạo thành công như các ca khúc : ‘Bài Tango Cuối Cùng’(Lệ Thu), Thung Lũng Chim Bay (Khánh Ly) và nhiều ca sĩ khác, ‘Khóc Ru đời Trinh Nữ’(thơ Nguyễn Bính/ - Ý Lan), Bên đời Hiu Quạnh (thơ Hoàng Ngọc Ẩn/- Lưu Hồng)vv...

Việt Dzũng

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp