Dạo Quanh Phố Chợ Ðà Nẵng
Lê Cự Hải

lòng vòng quanh chợ tìm người
ở đâu cũng gặp mặt tôi ngóng đời
LH

  par ViVi

Ðể xếp loại lớn nhỏ và tầm quan trọng của một thành phố, ngoài lợi điểm thuận tiện về địa lý, còn phải dựa vào sự sinh hoạt thường nhật của thị dân. Những sinh hoạt này bao gồm nhiều lãnh vực. Một trong những lãnh vực căn bản có lẽ là thương mại. Ðối với Việt Nam, Ðà Nẵng là một thành phố lớn. Diễn tiến phát triển nền thương mại của thành phố này như thế nào, chúng tôi không có tài liệu, đủ để trình bày qua một viết nặng tính chất biên khảo. Ở đây, với cố gắng vận dụng trí nhớ, vốn đã bị năm tháng bào mòn, chúng tôi chỉ hy vọng, vẽ ra vài nét thuộc lãnh vực thương mại, gói ghém trong một ít kỷ niệm riêng tư, hầu thân tặng một số bằng hữu Ðà Nẵng, lẫn chính mình, vài phút giải khuây.

Những nụ cười mỉm chi sắp mở ra bên dưới đây, thoáng nhìn như một lặp lại " Những Con Ðường Cõng Cỏ, Cây, Người Và..." Nhưng không, hình ảnh chắc sẽ giàu có chi tiết hơn. Và bên cạnh cái tiểu xảo của ngôn ngữ, chúng tôi tin nét trung trực không thiếu ở đây, sẽ đọng lại như một chứng tích.

Nhìn vào sinh hoạt thương mại, có lẽ nên đi thăm những hình ảnh sau:


Những Ngôi Chợ:

Tính đến đầu năm 1985, năm chúng tôi tạm biệt với quê nhà, Ðà Nẵng có những ngôi chợ lớn, nhỏ sau đây:

Chợ Hàn

Ðược khởi công xây dựng vào năm 1900 và khánh thành vào tháng gỉêng năm 1901,  Chợ Hàn tọa lạc gần bờ sông Bạch Ðằng. Mặt tiền của chợ hướng ra đường Ðộc Lập.

Cổng vào bên phải nằm trên đường Ðồng Khánh, nối dài từ Hùng Vương. (Ngày nay là Hùng Vương ). Cổng vào bên trái nằm trên đường Ðồng Khánh . Và mặt sau giáp đường Bạch Ðằng, có ít nhất hai lối vào chợ.

Vào thập niên 50, gần mặt sau chợ Hàn có trạm xe Vàng, và một dãy ngang vệ sinh với tường gạch, lợp ngói, dựng sát bờ sông, có tên gọi là Cầu tiêu Ông Phước.

Chợ Hàn là ngôi chợ chính và lớn nhất của Ðà Nẵng. Với một diện tích rộng rãi,bên trong được phân chia từng khu vực theo các mặt hàng kinh doanh. Khu hàng vải cùng với khu kim hoàn cho thấy sự hưng thịnh của khu chợ này. Khu hàng mã, nằm bên cánh trái, đi sát với khu cau trầu, đèn nhang là một nơi sạch sẽ, thoáng mát. Nổi bật trong khu hàng mã là sạp hàng của anh Ba Cu.

Anh Ba Cu họ Trần, tên cúng cơm cũng như tên đứng trong khai sinh của anh, không được biết nhiều như cái tên thân mật, hóm hỉnh Ba Cu. Anh ba khéo tay, vui tính và trẻ trung là tác gỉa nổi danh của bất cứ hình tượng nào, được thuê kiến thiết lại bằng nan tre, giấy màu. Nói không quá, mỗi công trình của anh Ba Cu là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi có một thời kỳ thường la cà ghé chơi sạp hàng của anh Ba, và từng có ý định sưu tập những tác phẩm của anh. Chỉ tiếc rằng những gì anh làm ra đều dành cho người quá cố. Vấp phải sự kiêng kỵ nên tôi đành phải bỏ ý định này.

Tại khu hàng vải, tôi có được ít nhất hai người quen. Chị Hoa, hoa khôi của chợ Hàn, vợ anh bạn Phạm Ngọc Niên, và vợ anh Thọ mập, một người bạn cùng chơi chim, cá với tôi một thời. Cũng tại khu hàng vải, tôi cũng suýt áp dụng câu "Trai khôn tìm vợ chợ đông" khi Lê Lữ, một người anh thúc bá của tôi, xách tôi đến ra mắt một cô cháu bên họ ngoại của anh. Tiếc rằng thời bấy giờ (và ngay cả bây giờ) tôi nhát gái quá, nên anh Lữ không có cơ hội đóng vai trò chim xanh.

Tôi xin lỗi đã vui tay, đi xa đề như thế, cũng chỉ vì vẽ lại một ngôi chợ lớn không thể quá đại khái, và cũng không nên tưởng tượng để bày ra những khu sầm uất khác của chợ mà tôi rất ít khi chen đến như các hàng cá, háng thịt, hàng rau cải, trái cây, hàng ăn uống nóng hổi tại chỗ vv...

 

Chợ Mới

Chợ Mới ngày nay đã cũ và đã sụt hạng trong bảng vị thứ các ngôi chợ của Ðà Nẵng.  Nhưng là ngôi chợ có tuổi thọ sắp sát sau lưng chợ Hàn. Mặt tiền của Chợ Mới nhìn ra đường Trưng Nữ Vương. Từ trung tâm thành phố đến ngôi chợ này, có thể chạy qua đường Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Ðộc Lập hay Bạch Ðằng. Chợ Mới được kiến thiết trên một vị trí dính liền với khu nhà ở. Và những ngôi nhà nối dài hai bên cánh trái và phải của chợ đều trở nên những hàng quán, cửa tiệm, giúp cho khuôn mặt Chợ Mới phương phi hơn. Mặt hàng nhiều nhất ở đây có lẽ là những sản phẩm thực vật cùng những tôm, cá nước ngọt từ miệt Ðò Xu, hoặc Cẩm Lệ đưa ra.

Tôi lại có một kỷ niệm rất đáng nhớ với Chợ Mới. Vào đầu năm 1954, với bản tính tò mò ham vui, tôi đã theo chân một đoàn biểu tình, đòi chồng, đòi con của thị dân Ðà Nẵng kéo lên hướng phi trường. Khi đoàn biểu tình đến Chợ Mới, quân lê dương Pháp đã nổ súng...chỉ thiên. Trong cảnh tan hàng khá lộn xộn, tôi đã cùng năm bảy người lớn trốn vào một trại hòm, nằm sát mặt đường, bên cánh phải Chợ Mới. Sau khi tình thế đã an toàn, tôi lò dò ra đường để về nhà thì phát hiện cái mũ bê rê đen đội trên đầu đã biến mất. Hoảng hốt, tôi lật đật chui trở vào trại hòm tìm kiếm. Quanh quẩn một hồi bên các chiếc quan tài gỗ mới, tôi chợt nhớ đến những con ma đâu đây, nên dù tìm chưa thấy cái bê rê yêu dấu nơi đâu, cũng đành ra về, vừa đi vừa soạn sẵn trong đầu những câu cần phải nói dối với cha mẹ.
  
Chợ Cồn

Ðược xây dựng vào khoảng năm 1955. Chợ Cồn có hai mặt chính. Một mặt ngó ra đường Hùng Vương, một mặt ngó ra đường Khải Ðịnh. Ðây là hai con đường tấp nập vào bậc nhất nhì của thành phố. Hai mặt còn lại của chợ tiếp giáp với khu nhà dân, được cách khoảng bởi một con đường hình chữ T khá rộng, đủ để xe chở hàng hóa vào ra. Liền với con đường này là những nhà dù (kiosque), được dựng để cho thuê kinh doanh. 

Chợ Cồn mỗi ngày dung nạp một số lượng khách hàng có lẽ còn lớn hơn chợ Hàn. Và phần đông người đến Chợ nằm trong thành phần bình dân hơn khách chủ yếu của chợ Hàn. 

Nhận xét này có thể không xác thực, nhưng riêng tôi vẫn cứ tin như thế. Ðặc diểm của Chợ Cồn là không chịu yên phận sinh hoạt trong khu vực của mình, mà luôn vươn xa ra, Không khí chợ bao gồm một khoảng đường Ông Ích Khiêm, Lý Thái Tổ và Khải Ðịnh. Bến xe nội thành nằm gần đó càng tạo cho Chợ Cồn nhiều ưu thế. Những mặt hàng tại Chợ Cồn dĩ nhiên cũng sung mãn không kém gì Chợ Hàn.

Tôi cũng là một khách nhẵn mặt của cà phê Xướng trong Chợ Cồn. Nhưng tôi không có kỷ niệm lạ nào với ngôi chợ này, ngoài năm bảy bận ngồi gác chân lên honda bên lề đường, chờ cô Lý Phước Ninh vào chợ nhấm nhí quà vặt. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi mấy đó...có một vụ gài lựa đạn trong một kiosque bên cánh phải chợ, (lấy chuẩn từ hướng mặt Khải Ðịnh), làm thiệt mạng một vài tay anh chị.

Ở Chợ Cồn cái màn rạch ví, móc túi có phần dồi dào và đều đặn hơn các ngôi chợ khác trong thành phố.

 

Ngoài ba ngôi chợ chủ lực với tầm vóc bề thế trên, Ðà Nẵng còn có :

Chợ Vông Ðồng: Nằm ở Nại Hiên, cách Cổ Viện Chàm non năm trăm thước. Chợ Vông Ðồng là ngôi chợ thoáng mát nhất thành phố, có lẽ nhờ đứng cạnh bờ sông. Chợ không thu hút được nhiều khách nhưng hàng quán lai rai mở suốt ngày. Tôi cũng lắm lần ghé ngôi chợ này, vì quanh quẩn không xa, có khá nhiều người đáng cho ngồi vào cõi thơ, đại khái như những Trân Châu, Kim Uyên, Như Thoa...
  
Chợ Cây Me: Nằm trên một đoạn đường ngắn không quá hai trăm thước. Ðầu chợ là cây me gìa đường Hoàng Diệu. Cuối chợ là con đường nhỏ Trần Bình Trọng. Chợ họp trễ từ khoảng bảy giờ sáng và lai rai tan vào xê xế trưa. Chợ bán chủ yếu những thứ hàng lặt vặt, nhắm vào một nhúm dân lười đi xa . Vài gánh rau quả, vài mặt bàn thịt, cá chen với ít gánh chè ngọt, đậu hủ, xu xoa, những gốc mía, những rỗ me chua và ruồi nhặng.

Có một thời, mỗi ngày tôi đều đi luồn vào cái chợ be bé này, chỉ vì muốn cắt ngắn bớt lộ trình cần phải đi, nói minh bạch hơn là đi tắt. Những câu thơ từ "Cây Si Ở Chợ Cây Me" hoặc một đoạn của " Qua Ngõ Mỹ Nhân" đúng là phát xuất từ ngôi chợ này. Tuy vậy, nhân vật trong thơ chỉ là một điểm tựa cho sự khởi đi của thơ mà thôi.
  
Chợ Tam Giác: Nằm ở giao điểm của ba đường : Nguyễn Hoàng, Khải Ðịnh, Ðống Ða. Từ một trạm đổi đường tàu, nơi một nhà thơ từng ở, ngó về hướng ga lớn sẽ gặp một vạt đất hình tam giác; nơi đây không rõ từ nguyên cớ nào, từ thời điểm nào, những hàng gánh đã rũ nhau tụ tập lại, để tạo được một danh xưng : Chợ Tam Giác. Tôi tin rằng không có nhiều người Ðà Nẵng biết đến cái chợ dã chiến này. Ấy vậy, mà tôi cũng có được một chút kỷ niệm với nó.   

Vào năm, bảy hôm sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, chưa có lệnh vào Ngô Văn Sở.  Những đồng nghiệp của tôi tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín như anh Trương Xếp, Phan Minh Khóa...ngồi không vừa buồn vừa lo, nên mới rũ nhau chạy xe thồ. Sẵn có honda tôi tích cực tham gia. Cuộc hành nghề đi thồ của tôi kéo dài được non non vài tiếng đồng hồ. Theo mách nước của anh Xếp, lúc bấy giờ anh đang cư ngụ tại đường Thanh Sơn, tôi chọn địa bàn tại chợ Tam Giác.

Khởi nghiệp từ 3 giờ chiều, tôi nghiêm chỉnh ngồi gác chân lên xe đợi khách, trong đầu thì lòng vòng làm thơ. Tôi nhớ có khá nhiều quang gánh đi ngang qua trước mặt tôi để lên một xe thồ khác. Vài người, rồi bốn năm người, cả những chiếc xe vừa trờ tới đã được vẫy gọi. Còn tôi, dưới mắt đám dân buôn gánh, bán bưng chẳng chịu nhận ra giùm là một anh chàng chạy xe thồ. Tôi định bụng sẽ lên tiếng mời như một vài người khác.

Nhưng khi có một người khệ nệ thúng gióng đi qua, tôi lại ríu lưỡi, nói không được. Cuối cùng, không biết ánh mắt tôi đã nói những gì, mà một cô gái đi ngang nhìn tôi cười cười hỏi nhẹ : anh chở em đi phải không ?. Dĩ nhiên tôi lật đật gật đầu, và lọng cọng cho xe chạy theo hướng chỉ của người khách. Trên đường đi, mặc dù tôi cảm thấy một hơi ấm thật dễ chịu ngay sát sau lưng, nhưng tôi không nghĩ gì khác hơn là suy tính phải lấy bao nhiêu tiền cho phải khi cô gái hỏi. Tôi cứ lo và cứ ngại cho đến khi điểm phải đến đã đến.  Và cô gái không khách sáo trả công cho tôi bằng một nụ cười khá tươi : ngày mai gặp lại anh nghe !. Tôi hú hồn và thật sự mừng rỡ, đã thoát được cái màn phải nói gía và nhận tiền.  Tôi vui vẻ dông xe về, sau này tính lại lời được một bài thơ.
  
Chợ Tăng Bạt Hổ: Chợ được thành lập sau tháng 3 năm 1975 tại một khúc đường Tăng Bạt Hổ, khởi từ ngã ba Triệu Nữ Vương. Chợ sinh hoạt trong vòng vài tiếng đồng hồ, khởi từ năm hoặc sáu giờ sáng. Hàng bày bán vội vã ở đây thường là những vật dụng trong gia đình đã được xài qua. Về sau còn thu hút những người bán thuốc tây và các phụ tùng mới về xe đạp chủ yếu là sên, líp...
  
Chợ Tam Tòa: Nằm bên phải con đường Trần Cao Vân, nếu đi về hướng Thanh Khê.  Ðây là một khu chợ, gần như được dành riêng một xóm đạo Thiên Chúa Giáo, mang cùng tên. Thời học Phan Châu Trinh, tôi có vài người bạn học là cư dân của xóm đạo này, như Thảng, như Cường, như Lê Thị Quỳnh Như...nhưng tôi chưa hề bén mảng đến ngôi chợ này. Một phần không có việc gì để đến, một phần lạng quạng ở đấy dễ bị ăn đòn như chơi.  Dù vậy, khi có dịp đi ngang, tôi cũng đảo mắt và nhận ra vóc dáng khiêm nhường của khu chợ. 
  
Chợ Ðống Ða: Chợ họp hai bên lề đường Ðống Ða, con đường đưa đến trại nhập ngủ số 1, và cũng đưa đến nhà của anh em Lê Thái Gía, Lê Qúi Phẩm. Chợ đông vào buổi chiêu với một ít rau trái, và chủ yếu là các loại cá biển được đưa vào từ hai xóm đạo Ðức Lợi, Thanh Bồ. Ðường Ðống Ða là con đường tôi đi qua rất nhiều lần, nhưng thỉnh thoảng mới nhằm vào lúc chợ đông. Sự hiện diện cái chợ thật nhỏ này ở đây là nhờ nhắc nhở của nhà thơ Phan Xuân Sinh, một người có may mắn hẹn hò người yêu đầu đời của mình tại gần khu vực này. Anh cho biết khi nhắc nhở tôi, đã chợt nghe ra mùi tanh tanh của những con cá một thời. Hẳn nhiên Phan Xuân Sinh còn nghe một mùi hương khác đậm đà hơn nhiều. Mừng cho anh, bên đời còn thoảng hương em...
  
Chợ Vườn Hoa: Nằm giữa bốn con đường Hùng Vương, Trần Hưng Ðạo, Yên Báy, và Duy Tân. Khu vực này trước kia là đài tử sĩ Diên Hồng. Chợ được xây thành 4 dãy nhà hình chữ nhật, song song từng đôi. Giữa đôi này cách đôi kia là một khoảng đất rộng, đủ để thành một bến xe lam. Xe thồ và xe xích lô cũng tấp nập đón, thả khách ở nơi này.  Ngoài 4 ngôi nhà chính, sát mặt đường Hùng Vương và trên lề đường Trần Hưng Ðạo còn được dựng một số nhà dù giống nhau để cho thuê buôn bán. Những mặt hàng chủ yếu của chợ Vườn Hoa : Vải lụa, áo quần đã thành phẩm, giày guốc, mũ , dù, nón lá, ví xách, kính đeo mắt (uy tín nhất là tiệm Ðức Sinh), đồng hồ (bán và sửa chửa). Một số mặt hàng ẩm thực cũng được bày bán ở đây. Sau năm 1975, thích ứng với cao trào dùng xe đạp, chợ Vườn Hoa có nhiều sạp bán sĩ phụ tùng xe đạp. Lớn nhất là sạp của anh chị Tâm. Một vài quán ăn thu hút được đông đảo thực khách . Chen chân trong sinh hoạt này, còn có một vài rẽo đất, sửa chữa xe đạp. Một vài lon nhựa cũ, được đặt trên một ghế đẫu, để sát lề đường, báo cho bộ hành biết có bán xăng lẻ ngay địa điểm đó. Tóm lại chợ Vườn Hoa rất sinh động.
  
Chợ Quân Tiếp Vụ: Thật ra không ai xài chữ "chợ" cho trung tâm bán lẻ nằm trong tổ chức của quân đội Việt Nam Cọng Hoà này. Nhưng cơ sở cùng hình thức sinh hoạt của nó không khác là một cái chợ bao nhiêu. Do đó, chúng tôi cũng không thể không nhắc đến ở đây. Chợ hay quày hàng quân tiếp vụ Ðà Nẵng, nằm đối diện với chợ Vườn Hoa, và chuyên bán các nhu yếu phẩm cho các gia đình quân nhân, như đường, sữa, dầu ăn, thuốc lá...Và dĩ nhiên, cơ sở này ngưng hoạt động sau tháng 3-1975.
  
Chợ An Hải: Nằm bên kia sông, bên Hà Thân, bên quận 3. Ðây là một ngôi chợ khá rộng nằm không cách xa bến phà bao nhiêu. Từ phía xa nhìn khu chợ, tôi có cảm tưởng như một bãi cắm trại. Thế đất của chợ hơi thấp so với mặt đường. Tôi chưa có duyên la cà đến sát ngôi chợ này, nên thú thật không hình dung lại nổi. Một vài lần ghé thăm nhà thơ và cũng là bạn học đồng lớp, anh Nguyễn Ðông Giang (Nguyễn Văn Ngọc) tôi có đi ngang và tiếc đã không gặp được một bóng hồng nào. Vào năm 1989, khi đã cư ngụ tại Montréal, bạn văn Hồ Trường An, có giới thiệu qua thư tín với tôi một cô bạn sinh sống tại Pháp. Thư đi thư lại ,cô ấy cho biết cô là dân chính cống Hà Thân. Tiếc rằng, ngày nay, do luời biếng, tôi làm lạc mất địa chỉ, nếu không có lẽ sẽ nhờ cô ấy mô tả lại ngôi chợ này rõ nét hơn.

Tại quận 3 Ðà Nẵng, dĩ nhiên còn một vài khu chợ nữa, nhưng quả thật đã nằm ngoài trí nhớ của tôi. Mong qúi bạn, ai có may mắn nhớ nhiều hơn xin vui vẻ bổ sung cho toàn bộ sưu tập chợ này được đầy đủ hơn.  Cảm ơn.

Trung tâm thương mại, cửa hiệu, hàng quán...

Cũng như những thành phố khác, sinh hoạt thương mại của Ðà Nẵng lớn mạnh nhờ vào sự phối hợp, hổ trợ nhịp nhàng giữa các thành phần : đại thương gia, thương gia, tiểu thương, và những người buôn gánh bán bưng.

Ðại Thương Gia:
Những khuôn mặt đại thương gia của Ðà Nẵng thời bấy giờ tiêu biểu như:
  • Nam Long, Trần Thúc Lũy
  • Dũ Thái
  • Dũ Xương
  • Trần Duy Ân
  • Vĩnh Cơ
  • Nghĩa Lợi
  • ...

 

Thương Gia:
Những Thương gia phát đạt nhất thời bấy giờ :
  • Hồng Lợi
  • Huỳnh Thị Tâm (Duy Tâm)
  • Hoàng Ðặng Nhơn (Kim Chi)
  • Hoàng Ðăng Lân (Kim Lân)
  • Kim Khánh (người Hoa)
  • Kim Thành (người Hoa)
  • Kim Quy
  • Nghĩa Tín
  • Hoàng Ðăng Qua
  • Phan Kỳ (Kiến Thành)
  • Ông Ðẫu (Tín Dụng)
  • Mỹ Châu
  • Phúc Thái Sinh
  • Tân Việt
  • Trương Côn
  • ...

 

Tiểu Thương :
Là thành phần chiếm đại đa số. Họ kinh doanh đủ loại mặt hàng. Và những cửa hiệu này được mở cửa trên nhiều con đường , tạo nên khuôn mặt linh hoạt của thành phố.  Lát nữa đây, chúng ta sẽ ghé qua một số cửa hàng tiêu biểu mà chúng tôi từng có ít điều kiện giao dịch.
  
Thành phần buôn thúng bán bưng :
Sinh hoạt này dành cho đại đa số thị dân nghèo khó, tuy vậy, theo chúng tôi, tại Ðà Nẵng, thành phần này may mắn không được đông đảo lắm. Ngành khai thác của họ,ngoài những gánh chiếu lát Yến Nê, những gánh mua bán ve chai, phế liệu đồng thau, còn lại đa số nghiêng về ẩm thực mà chủ yếu là ăn vặt. Trong 24 giờ, các mặt hàng tuần tự được rao mời. Sớm mai với : bánh mì nóng dòn, xôi đậu xanh, xôi bắp,xôi vò, các gánh bún mắm, bún thịt heo quay, bún chả cá, thỉnh thoảng có khoai sắn. Xê xế trưa có các gánh chè ngọt, xu xoa, đậu hủ, bánh tiêu, bánh bèo chén, bánh tráng đập dập, bánh bao, mía khúc..... lai rai bán suốt ngày. Buổi tối, thường có hột vịt lộn, bánh mì nóng, các xe mì gỏ, bánh ú...đại khái là những món vừa ăn chơi vừa làm ấm bụng, dễ ngủ.

 


Như đã hẹn trên, trước tiên,chúng tôi xin mời qúi bạn cùng ghé qua một số hàng kinh doanh sách báo, bút chỉ văn phòng; đây là một sinh hoạt của giới tiểu thương, xét ra gần gũi với chúng tôi nhất.

Hiệu Sách Nguyễn Hữu Uẩn:
Nằm trên đường Hoàng Diệu, nếu đi về hướng Chợ Mới, sau khi qua khỏi Ngã Năm độ vài trăm thước, sẽ gặp hiệu sách Nguyễn Hữu Uẩn. Hiệu sách không lớn lắm, nhưng bán đầy đủ những vật dụng cần thiết cho học sinh, cùng một số sách báo. Hiệu sách này, một thời đã ăn bớt tiền quà sáng của tôi, bằng những bộ kiếm hiệp, trinh thám : Lã Mai Nương, Ðảng Bàn Tay Máu, Ðảng Sọ Người, Con Tàu Máu Lê Phong Phóng Viên...vv. Và cũng chính nhờ những bộ sách giải trí này đã giúp tôi bắt đầu biết thiết lập một tủ sách gia đình. Chỉ tiếc sau này, khi lớn khôn hơn, tôi đã loại bỏ gần như tất cả những gì đã mua, đã đọc lúc bắt đầu đến với sách báo.
  
Hiệu Sách Ngày Mới:
Thời gian thứ nhất, tọa lạc tại ngay ngã năm, vị trí của những bán chè sau này. Thời gian thứ hai, dời về đường Khải Ðịnh, nếu từ trong kho đạn cũ đi ra, hiệu sách Ngày Mới, nằm bên tay phải. Sau khi chợ Cồn phát triển hiệu sách này ngoài việc bán sách báo, dụng cụ văn phòng hình như còn có thêm một mặt hàng khác. Ðây là một hiệu sách có vị chủ
nhân dễ tính và vui vẻ.
   
Hiệu Sách Kỳ Sơn:
Nằm trên đường Hùng Vương, sát nhà của giáo sư Lê Văn Hảo (cơ sở Lê Văn Tập), là một hiệu sách nhỏ. Mặt hàng chính là dụng cụ học sinh. Khá ít sách báo. Nhưng là một hiệu sách có tuổi thọ lâu bền vào bậc nhất Ðà Nẵng.
   
Hiệu sách Ngày Mai:
Nằm trên đường Trần Hưng Ðạo, sát vách nhà của Nguyễn văn Thung, một người bạn học thời Hoàng Diệu của tôi. Tôi không còn nhớ nhà bố mẹ của Thung, kinh doanh mặt hàng gì nhưng cái bảng hiệu mang tên CoCo thì tôi chưa quên. Hiệu sách Ngày Mai về sau đóng cửa, thay vào đó là nơi ở và phòng chửa trị cùng trồng răng gỉa của anh ba tàu, rất vui tính, có với tôi rất nhiều kỷ niệm vui.
   
Hiệu sách Minh Tâm:
Cũng nằm trên đường Trần Hưng Ðạo. Một quán sách chuyên bán các loại truyện cổ, dành cho đa số các bà vừa bán hàng vừa đọc giải trí như "Chàng Nhái Kiễng Tiên"' "Phạm Công Cúc Hoa","Châu Tuấn Thoại Khanh", Lão Trượng Tiên Bửu"...v..v..Hiệu sách này cũng có hai cô con gái rất đỏng đảnh, làm dáng...
   
Hiệu sách Ðông Hải:
Quán này chủ yếu buôn bán văn phòng phẩm, sách báo đại khái. Và sau khi từ Ðồng Khánh, dời lên khúc Hùng Vương, thì thay đổi mặt hàng kinh doanh, không còn là hiệu bán sách. Cơ sở nhà của thầy Phạm Hữu Khánh.
   
Hiệu Sách Lam Sơn:
Nằm bên phải đường một chiều có tên Ðộc Lập. Ðây là trong ba hiệu sách lớn nhất của Ðà Nẵng, nằm ngay trung tâm thành phố. Một chỗ dừng chân khá lý tưởng của các anh chị học sinh tà tà bát phố. Mặc dù chủ nhân khá nghiêm nghị, nhưng vì số lượng khách hàng nhộn nhịp, nên việc đọc báo cọp ở đây tương đối dễ dàng. 
   
Hiệu Sách Sông Ðà:
Nằm bên trái, cùng đường với hiệu sách Lam Sơn. Cách chợ Hàn chừng vài trăm thước. Cơ sở bán sách báo, văn phòng phẩm này cũng ngang ngửa với hiệu sách Lam Sơn.  Mặc dù hai hiệu sách Sông Ðà, Lam Sơn không xa nhau quá 500 thước, nhưng cả hai đều thu hút được nhiều khách hàng. Chủ quán sách tương đối khó tính. Hình như ông có sinh hoạt văn học nghệ thuật ? Những khuôn mặt thường hiện diện chuyện trò với chủ nhân là các vị giáo sư trung học, thường xuyên nhất là thầy Trần Ngọc Quế, tục danh là Quế móm. Trên lầu của hiệu sách Sông Ðà có một thời gian là chỗ tạm trú của các nhà văn Lưu Nghi, Phong Sơn, Trang Thế Hy. Rất ít anh chị học sinh đọc sách báo cọp ở đây.
   
Hiệu Sách Văn Hóa:
Ðặt bản doanh tại đường Khải Ðịnh, gần sát với ngã tư Hùng Vương. Ðây là một vị trí rất thuận tiện cho việc kinh doanh sách báo, văn phòng phẩm theo chủ trương của chủ nhân : đặt nặng vấn đề bán sĩ, cung cấp và đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cho các quán sách nhỏ trong thành phố cũng như các quán sách từ các quận huyện nông thôn. Ngoài ưu điểm địa thế, đầy đủ mặt hàng, Hiệu sách Văn Hóa còn có một bà chủ và những nhân viên bán sách vui tính, hòa nhã. Có thể nói đây làm một quán sách bận rộn suốt ngày trong dịch vụ của mình. Khai trương sau những Sông Ðà, Lam Sơn, nhưng Văn Hóa có vẽ sung sức và phồn thịnh hơn. Ðiểm đặc biệt : mẳc dù bảng hiệu mang tên Văn Hóa, nhưng đa số những người có giao dịch buôn bán thường xuyên với hiệu sách này, như gia đình Ngôn Ngữ của Lý Phước Ninh, vẫn gọi hiệu sách này là hiệu sách Chợ Cồn
  
Hiệu Sách "không bảng hiệu":
Nằm trên đường Hùng Vương, nếu từ Chợ Cồn xuống chợ Hàn, quán sách này nằm bên tay phải, không xa đoạn đường rầy nằm vắt ngang qua đường Hùng Vương bao nhiêu. Quán sách này không bán dụng cụ học sinh, cũng rất ít sách, báo, kinh doanh chuyên nghiệp với nghề cho thuê các loại sách giải trí cũ, chủ yếu là sách chưởng. Quán sách này về sau trở thành Quán Ngủ Bình Dân. Một căn cứ địa tôi có ghé thăm một vài lần.
  
Hiệu Sách Hoa Mai :
Tọa lạc trên đường Trưng Nữ Vương, gần khu vự Chợ Mới. Ðây là một địa điểm thu hút được nhiều học sinh thuộc khu vực này. Hiệu sách không lớn lắm nhưng đầy đủ sách báo và dụng cụ cần thiết cho học đưòng.
  
Hiệu Sách Ngôn Ngữ : 
Thuộc loại sinh sau đẻ muộn và non yểu . Khai trương năm 1970 tại đường Hùng Vương, trước trường trung học Y tế. Hiệu sách không dồi dào văn phòng phẩm, khan hiếm báo, nhưng khá nhiều loại sách nặng nề về tư tưởng. Bà chủ Lý Phước Ninh, mới vừa 19, hình như chưa có chút kinh nghiệm nào về kinh doanh. Quán sách qui tụ khá đông nhóm cầm bút hiện có mặt tại Ðà Nẵng.
  
Quán Sách Bình Dân :
Nằm ở ngã tư đường Hùng Vương và Ðông Kinh Nghĩa Thục. Cơ sở khiêm nhường thích hợp trong các dịch vụ khai thác : Cho thuê truyện chưởng, bán nhạc bản rời và các tuần báo chuyên trị về thể thao. Quán sách này hình thành trước ngày 29 tháng 3 năm 1975 không lâu, là một chỗ dừng chân lý tưởng của những vị ghiền bóng tròn, vì không xa sân vận động Chi Lăng quá một trăm thước. 
 

 

Trên đây chỉ là một số cơ sở thương mại khai thác về sách báo và dụng cụ học đường trong khu vực quận I Ðà Nẵng. Tại quận 2 và quận 3, chúng tôi chỉ nhớ một  cách mập mờ nên không dám đề cập đến. Cũng nằm trong phạm vi tiểu thương, dưới đây là một số tụ điểm chuyên phục vụ ăn uống .

Mì Quảng:
Ðiều nhận thấy trước nhất của chúng tôi : Ðà Nẵng là một phần da thịt của Quảng Nam, Nhắc đến Quảng Nam, về ẩm thực, thường được nghĩ ngay đến món Mì Quảng.  Nhưng thực tế tại thành phố khá rộng lớn này gần như không có một tiệm mì Quảng nào, khả dĩ để khoe khoang nét ưu tú của một món ăn từng được nhìn nhận là đậm đà quê hương. Trên đường Ông Ích Khiêm, cách đường xe lửa chừng vài chục thước, có dạo có một quán bán mì Quảng. Nhưng thời gian kinh doanh không bao lâu. Mãi về sau, trên đường Lê Lợi, gần nhà cô giáo An Hà Châu, mới mở một quán khác. Không hiểu có phải vì cơ sở khá khang trang đã làm sút giảm tính chất tinh túy của Mì Quảng ? Dù vậy, quán này cũng kéo dài đến sau 29 tháng 3 được mấy tuần. Tôi và nhà thơ Hoàng Quy, quản đốc đài phát thanh Ðà Nẵng thời bấy giờ, chia tay nhau ở đây; nhà thơ một mạch lên Kỳ Sơn, còn tôi ra về, thong dong thêm một thời gian nữa.

Mì Quảng, ăn khá nhất ở Ðà Nẵng nằm trên đường Hoàng Diệu, gần cư xá công chức, nơi nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn cư ngụ. Ðây là một gánh mì Quảng, nhưng có một địa điểm cố định trong một chái hiên, và giờ bán cũng nhất định : từ sớm mai đến non non mười giờ. Gần như tuần nào tôi cùng Lý Phước Ninh cũng ngồi chồm hỗm ở đây ít nhất một lần.
   
Bún Bò Huế:
Sát cạnh sau lưng Mì Quảng là Bún Bò Huế. Món ăn này di chuyển vào Ðà Nẵng,có lẽ hợp thổ ngơi, đã trở nên vô cùng xuất sắc. Nhiều người gốc Huế đã nhìn nhận rằng, bún bò Huế tại Ðà Nẵng, ngon hơn bún bò Huế tại Thừa Thiên rất nhiều. Sự khác biệt rõ nét nhất là hình dạng sợi bún. Cái đẫy đà của con bún tại Huế khi vào đến Ðà Nẵng đã trở nên thanh cảnh và gọn nhẹ hơn. Một ghi nhận khác: những chỗ bán bún bò Huế ngon nhất tại Ðà Nẵng cũng không nằm trong một cơ sở tươm tất. Phần lớn vị trí thương mại thường nằm ké dưới một hiên nhà nào đó. Buổi sáng thị dân Ðà Nẵng có thể tìm đến với bún bò Huế tại đường Pasteur, ngay trước nhà Nguyễn Thanh Ngân, giáo sư trường kỷ thuật Ðà Nẵng. Buổi chiều có nhiều chỗ ngồi hơn, quen thuộc nhất là tại ngã ba Triệu Nữ Vương, Lê Ðình Dương hoặc một góc đường Trần Bình Trọng, ngã dẫn vào mã Tây. Ăn bún bò hoặc ăn mì hoành thánh, đa số có thói quen : ăn xong một tô căn bản thường gọi một "tô ăn thêm". Ðiều này, vừa bày tỏ "cái chưa đã" vừa như là những tràng pháo tay tán thưởng, người biểu diễn nghệ thuật nấu nướng cần lặp lại với khán gỉa (những người ăn) một chút tinh túy nữa.
   
Phở Bắc:
Quán phở ngon nhất tại Ðà Nẵng, có lẽ là quán phở Cấp Tiến, thứ đến là quán Ngọc Lâm. Phở Cấp Tiến trước 1975, nằm trên đường Yên Báy gần ty thông tin. Sau ngày Ðà Nẵng đổi chủ, Cấp Tiến dời về Phan Thanh Giản. Gia đình chúng tôi có quan hệ suôi gia với quán Phở này, kể từ ngày Giang, con trai ông chủ trở thành cháu rễ gọi tôi bằng chú, Và cũng kể từ đó tôi rất ít khi ghé lại quán phở này. 
Phở Ngọc Lâm, nằm bên rạp ciné Kim Châu. Con gái của Ngọc Lâm là Tuyết, có hỉ danh là Tuyết Ðen, một người đẹp của Ðà Nẵng. Tuyết trở thành vợ của đại úy biệt động quân Ðặng văn Ngoạn, bạn tôi, nên rồi chúng tôi cũng không mấy khi ghé lại như trước đó. Bởi vì bác gái mẹ chị Ngoạn quá rộng rãi ,cứ xem bọn tôi như con cháu..."-khỏi, khỏi, các cậu ghé chơi với "anh chị" nhà tôi là qúi rồi !" 
  
Mộc Tồn:
Món cờ tây này muốn ăn ngon phải chịu khó qua quận 3. Ðó là, tôi chỉ nghe những dân ghiền "cây còn" nói vậy thôi. Chứ chưa có kinh nghiệm "đi thực tế", vã lại, tôi cũng không hão món số "một của đương gian" này. Quán cầy tơ độc nhất, tôi có nễ lời bạn bè nếm thử vài miếng dồi, là quán Mộc Tồn ngoài Thanh Bình. Chúng tôi đặt tên cho quán này là quán mộc tồn cô Mừng. Cô Mừng là con của chủ nhân nhờ có nhan sắc mà được chúng tôi tự động sang tên cho cô làm chủ. Thịt cầy của quán cô Mừng, ngon dỡ tôi không rõ nhưng thực khách rất đông. Một lần, bọn tôi gồm Vương Thanh, Ðynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Châu Văn Tùng, Hoàng Trọng Bân và tôi, ngồi hí hửng tán dốc chờ món ăn đem lên, tôi thoáng thấy mẹ của Vương Thanh đi ngang qua đường, và bà hình như có liếc nhanh vào. (Trong đám tôi chỉ có mình Ðynh Hoàng Sa là tâm đắc với mộc tồn). Sau khi rời quán, chúng tôi tiện chân, ghé nhà Vương Thanh, nằm trong một đường hẽm, gần sát biển Thanh Bình. Và chúng tôi lặng lẽ lãnh đủ những lời bất bình về việc ăn thịt cầy của bà mẹ Vưong Thanh. Thì ra không phải người Bắc di cư năm 1954 nào cũng ghiền cầy tơ.
   
Bánh Bèo Huế Lê Lợi:
Chỗ ngồi thơm miệng này, tuy không dành riêng cho phái nữ, nhưng tôi thấy đa số nữ sinh của các trường Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ...xúm xít tại đây rất đông . Thẩm quyền khen chê chắc chắn phải dành lại cho các chị. Một điều tôi có thể nói: khác với bún, bánh bèo Huế nhỏ xác hơn bánh bèo Quảng Nam . Một bên chọn sự thanh cảnh, nhỏ nhén , một bên chuộng cái chắc bụng làm đầu. Một chén bánh bèo Quảng, nếu chia ra có thể được cả chục cái bánh bèo Huế. Nhưn nhị của bánh bèo Huế cũng kiểu cách hơn Quảng nam . Cái thú khi ăn bánh bèo Lê Lợi là được nghe những tiếng khúc khích cười của các kiều sinh. Ở đây, họ ỷ số đông, thường tỏ ra dạn mồm, dạn miệng hơn. Những mái tóc thề đen mượt thỉnh thoảng cụng vào nhau, những tà áo dài trắng buông trùm cả những cái ghế nhỏ, thỉnh thoảng rung lên vì gió, vì tiếng cười tạo nên những nét chấm phá đẹp mắt. Sau ngày 29 tháng ba, ngôi nhà trong sân bán bánh bèo nơi là nơi cư trú của chị Lưu Ái Liên, kế toán trưởng ngân hàng Quảng Nam Ðà Nẵng.

Và vì đồng nghiệp, chúng tôi vẫn thường lui tới nơi đây, thỉnh thoảng ngậm ngùi nhớ vài vòng eo, nhớ một câu thơ tha thiết của Huy Giang..."Tay mở vòng ôm một khoảng không" 
  
Bánh Cuốn Tiến Hưng:
Tôi có thêm một chú cháu rễ từ gia đình chủ nhân tiệm ăn này. Nhưng điều này không là lý do để chúng tôi ít ghé để thưởng thức món nhà nghề của gia đình Việt. Bởi vì trước đó, chúng tôi cũng không mấy khi ghé đến. Tôi thật sự chưa biết được cái ngon của bánh cuốn. 
Và hình như dân chính gốc Quảng cũng không mặn với món ăn này lắm. Nhưng tôi nhớ hình như ở Tiến Hưng có một món chả rất ngon.  Loanh quanh phục vụ cái dạ dày, chúng ta còn gặp những bánh xèo, cháo lòng tại đường Lê Ðình Dương hoặc những thịt bò tái ở Ông Ích Khiêm , những quán mì xào dòn ở cạnh rạp hát bội Hòa Bình, những tô mì khô, mì xá xíu, tại khu vực bến xe nhỏ đi Huế, An Lợi...Tâm hồn ăn uống của tôi cũng không hẹp lắm. Nhưng tình trạng tài chánh vẫn cầm chân, nên món ngon vật lạ của Ðà Nẵng, tôi không được may mắn biết nhiều. Thời tôi cùng Nguyễn Thanh Ngân (dân Lycée B. Pascal, bạn chí thân của nhà phê bình Ðặng Tiến), Vĩnh Kha (cựu chủ tịch sinh viên Huế) đi đấu thầu xây dựng, địa bàn ăn uống của tôi có mở rộng ra những khu vực ngoài thành phố. Nhưng các món hợp khẩu số một của tôi vẫn chỉ là những loại chè ngọt. Từ khi những quán chè ở Ngã Năm dẹp tiệm, tôi mất một chỗ ngồi thường trực. Là một người hão ngọt, đúng nghĩa đen của nó, tôi tìm lại hương vị này ở ngã ba Lê Ðình Dương Triệu Nữ Vương, chung đụng dưới mái lều của bún bò giò heo.

 

Nhắc đến các quán ăn mà không nhắc đến các nơi ngồi để vừa uống vừa tán dốc là một thiếu sót. Không phải Ðà Nẵng nghèo nàn quán giải khát, mà tại tôi thiếu lịch duyệt, bay bướm nên lòng vòng cũng không qua khỏi mấy địa điểm:

Cà Phê Thành Ký :
Nằm trước nhà thờ chánh tòa, con gà trên đường Ðộc Lập, Chăm sóc và ân cần với khách là một cô Tàu rất mặn mà, có duyên. Có một thời kỳ, tính đổ đồng, mỗi ngày , tôi, Hoàng Trọng Bân, Châu văn Tùng đến đây một lần. Ba tách trà cúc, ba cái paté chaud đủ để qua đi bốn mươi lăm phút...chừng mực. Tôi là chuyên viên ăn chực hai anh bạn con nhà khá gỉa này. Món nợ ngày nay vẫn chưa muốn trả. Cả hai bạn tôi đều còn ở quê nhà, và tôi vẫn chỉ lăm le : "quốc nạn đành lạc bạn già, lấy ai ăn chực xót xa của mày ?"
  
Cà Phê Rách (Rừng):
Quán được thành lập bởi Trai, một người bạn cùng vui chơi trong nghành nghệ thuật, nhưng không thân lắm. Trai có khiếu về thiết kế nên trang trí quán của anh khác hẳn với những quán cà phê khác. Khởi đầu quán mang danh xưng Rừng. Ðể ăn ý với tên gọi, trong quán được trưng bày nhiều loại đá lớn nhỏ. Bàn ghế thô sơ cũng được đặt trong tư thế ẩn núp, đánh lừa khá cầu kỳ. Theo thời gian Rừng trở thành Rách, khung cảnh trong quán cũng được đổi thay...nhưng cuối cùng Trai cũng phủi tay. mặc cho con đường vào chùa Hải Châu bớt đi ít nhiều những cái đầu bù tóc rối.
  
Cà Phê Lộng Ngọc :
Thêm một quán của người bạn văn nghệ. Hai vợ chồng chủ nhân đều tốt nghiệp cao đẳng Mỹ Thuật Huế : Trinh và Lâm Quang Phước. Lộng Ngọc nằm trên đường Phan Ðình Phùng. Ðây là quán cà phê có dáng dấp lẫn không khí trang trọng. Tôi ít khi ngồi vào bàn mỗi khi ghé chơi ở đây. Những ngày đầu tháng 4-75, tôi và Phước hay bàn chuyện "tìm đường binh" trên gác quán. Gia đình Phước Trinh vào Sài gòn sau đó, Và sau nhiều chuyến không may, Phước vĩnh viễn bỏ cuộc chơi. Nhân đây, nhắc anh bạn Thái Tú Hạp đừng quên thêm tên Lâm Quang Phước vào tượng tưởng niệm vượt biên sắp dựng tại Hoa Kỳ.
  
Cà Phê Ngọc Anh :
Quán Ngọc Anh nằm trong kiệt số 38 đường Ðộc Lập. Chủ nhân bày trí trong quán nhiều loại cây kiểng khá mỹ thuật. Có thể nói nơi đây là một chỗ ngồi thanh lịch và yên tĩnh, khung cảnh rất thích hợp cho những cặp tình nhân mới bắt đầu tập yêu nhau. Những người làm thơ viết văn lai rai cũng rất thích ghé ngồi thư giản tinh thần tại quán này. Và hình như họ không quên dòm chừng một bóng hồng mượt mà thỉnh thoảng chợt hiện sau một ô cửa. Tên quán Ngọc Anh hẳn phải xuất phát từ dáng ngọc này ?
  
Cà Phê Quỳnh Châu :
Nằm trên đường Phan Chu Trinh, dưới dạng một quán giải khát sang trọng và mang nhiều nét nghệ thuật, được trang trí họa sĩ Hạ Quốc Huy, vừa thay nhà thơ Lê Vĩnh Thọ phục vụ tại tiểu đoàn 10 chiến tranh chính tri. Cá nhân tôi ít ghé quán này. Nhưng lần gặp gỡ chớp nhoáng giữa tôi và nhà thơ Du Tử Lê tại quán này. Hình như lần đó Du Tử Lê đọc thơ của anh tại đây. 
   
Cà Phê Chiều Tím :
Tọa lạc tại khu nhà gần biển Thanh Bình. Là một rập khung trong cao trào cà phê văn nghệ. Không khí của Chiều Tím hơi lạnh. Một cái lạnh không phải từ gió biển, mà một cái lạnh rất vô cớ, nếu bạn đến đây không có một người đẹp nào đi kèm. Không khí của quán giúp khách dễ nhớ nhung một cái gì đó phảng phất thơm mùi kỷ niệm.
   
Cà Phê Từ Thức :
Nằm trên đường Hùng Vương, được gầy dựng , chăm sóc bởi ngủ qủi : Xuân,Ngọan, Nôi, Bân và Châu. Giai đoạn đầu, quán là một chỗ thu hút gần hết khách của các quán khác nhờ ưu điểm : cà phê ngon, thu ngân viên đẹp và các ông chủ hết sức nghệ sĩ. Quán thu tiền ào ào. Nhưng tính đi tính lại mỗi thằng chia được mấy bộ " cái nồi ngồi trên cái tách" và ít bộ bàn gỗ, khó dùng vào việc gì khác hơn là tạm bỏ ngoài hiên.
   
Cà phê Thạch Thảo :
Nằm trong vườn nhà của một gia đình khá gỉa, cạnh đường Lê Ðình Dương 

 

Ngoài những quán giải khát trên, cón khá nhiều hàng quán cà phê nước ngọt nằm rải rác trong thành phố, nhưng chúng tôi xin tạm dừng ở đây, để nhìn phớt qua những cơ sở sinh hoạt vừa có tính cách thương mại lẫn dịch vụ, sản xuất, tiêu biểu với một ít khuôn mặt được đông đảo người biết:

Ngành gỗ, mộc:
Với những Nguyễn văn Phước, Lê Hữu Yến...
  
Ngành xây cất, kiến thiết:
Với những Lê Ðình Tiếng, Lê Diên, Lâm Quang Tự...
  
Ngành Ðiện Nước:
Với những Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Ðệ...
  
Ngành Xe Hơi Có Cơ Sở Buôn Bán Phụ Tùng:
Với Bảo Vân, Ðào Hoa Nam, Nguyễn Niệm (nghiêng nhiều về tạp hóa) Trần Văn Tịnh, Lê Ngọc Hiển (chuyên về sửa chửa và mua bán xe hơi
cũ)
  
Ngành Thuốc Tây:
Với DuPon (kỳ cựu nhất), Tân Việt, Nguyễn Khắc Niệm, Lê Tiên, Võ văn Tùng...
  
Ngành Thẩm Mỹ:
Với những Lê Nẫm, Các cơ sở hớt tóc đàn ông (đa số gọn nhỏ)
  
Ngành Nhiếp Ảnh :
Với những Lê Hậu, Phấn, LyLy, Lux, Huỳnh Sau, Tân Mỹ, Phụng Ký, Uyên, Thanh Phương, ...
  
Ngành May Mặc, Giày Dép:
Với những Phan Cháu, Song Châu, Hoàng Lộc, Hưng, Văn Hai, Minh, Hồng Loan (tiện giày)
  
Ngành Phục vụ giải trí:
Với 2 rạp hát bội:  
  • Hoà Bình : nằm trên đường Phan Chu Trinh, hoạt động cho đến giữa thập niên 60.
  • Vĩnh Lạc : nằm ở ngã ba đầu đường Triệu Nữ Vương và đường Hùng Vương. rạp này về sau trở thành rạp ciné Tân Thanh, rồi đổi chủ thay tên thành Ciné Chợ Cồn

Các rạp chiếu phim: 

  • Eden, sau thành LiDo
  • Morin sau thành Kinh Ðô,
  • Kim Châu
  • Kim
  • Trưng Vương

 

Ngành Sinh hoạt có tính chất kinh doanh gián tiếp:
Là các ngân hàng:
  • Việt Nam Thương Tín
  • Việt Nam Công Thương Tín
  • Tín Nghĩa Ngân Hàng
  • Kỷ Thương Ngân Hàng
  • Kỷ Thương Ngân Hàng
  • Trung Việt Ngân Hàng
  • Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp

 

Ngoài ra các cửa hàng tạp hóa rất đông, không thể nhớ hết và đặc biệt còn có quán bán thuốc lào Quỳnh Lâm trên đường Hùng Vương và quán bán thuốc xắc của bà giáo Cơ trên đường Thành Thái.

Nhìn chung sinh hoạt của thương nhân Ðà Nẵng cũng giống như hầu hết các thị xã, thành phố khác tại Việt Nam. Với những kể lễ vụn vặt như trên, thật ra không nên cho dùng mấy chữ "Dạo Quanh Phố Chợ Ðà Nẵng" , nhưng quả thật chúng tôi chưa biết chọn một cái đề bài nào cho thích hợp. Hy vọng với tình trạng hiện nay của cá nhân chúng tôi "Mỗi giờ thêm một lẩm cẩm" Một tên bài mới sẽ bất ngờ đến để thay đổi. Hoặc với cái lười bẩm sinh, xin tha thứ, khi cứ để DQPCDN nằm hoài như hiện tại.kính.


Lê Cự Hải