Cơn Hấp Hối Của Ðà Nẵng
Nguyên Vũ

 

Ðà Nẵng 25/3/1975
Như một bệnh nhân ung thư máu ở thời kỳ cuối cùng, chỉ hai ngày qua Ðà Nẵng đã bạc nhược, suy kiệt một cách thảm não.  Thành phố đang ung thối dần vì bọn tàn binh và những diễn biến dồn dập.

Sự kiện chấn động lòng người là việc đóng cửa Tòa Lãnh Sự Mỹ sáng nay. Người Mỹ e ngại một trường hợp tương tự của Pleiku, hay một nguyên do bí ẩn nào?  Chỉ chắc xương máu đã dạy người ta một bài học thật đắt giá: Sự hiện diện của người Mỹ là bảo đảm vững chắc nhất cho một tiền đồn hay một thành phố. Bởi vậy, trên hai con tàu chất đầy xe hơi, tủ lạnh cùng những vật dụng qúi giá rời hải cảng Ðà Nẵng chiều nay, người ta bắt gặp rất nhiều khuôn mặt quen thuộc của Ðà Nẵng. Giới chức hành chánh. Cảnh Sát. Thương Gia và ngay cả một số sĩ quan, binh lính.

Từ vài ngày trước, một số dân tị nạn Huế, Quảng Trị và Thừa Thiên đã được di tản vào Nha Trang và Cam Ranh. Nhiều tàu nhân đạo cũng đang hướng mũi về Ðà Nẵng. Dân chúng đông đảo xuôi ngược, nổ lực một cách tuyệt vọng tìm kiếm những cơ quan sẽ phụ trách việc di tản. Nhưng cơ quan nào? Ở đâu?

Buổi chiều, tôi ghé trạm Hàng Không đổi vé về Sàigòn. Nhân viên quày vé đã biến dạng.  Hàng trăm dân chúng đang phẩn nộ nguyền rủa, la hét trong phòng đợi. Lực lượng an ninh xuất hiện nhưng bất lực. Những cô tiếp viên chẳng lấy gì làm xinh đẹp vẫn mù tăm. Quày vé đóng cửa. Và dân chúng, dĩ nhiên chỉ còn biết nhẫn nhục chờ đợi, thắp lên hy vọng nó sẽ được mở cửa vào ngày mai - Ngày mai hẳn còn nhiều chuyển biến.

Tìm sang Bộ Chỉ Huy I Tiếp Vận. Phòng chuyển vận đã bỏ trống. Hồ sơ ngổn ngang trên nền nhà. Những quân nhân phụ trách điều hòa chuyển vận biệt tích. Họ lánh mặt, đã lên một chiếc C130, xuống một con tàu biển nào, ai hay?

Trở lại phòng ngủ, Hiển báo tin K, - em một người bạn - đã vào tới Ðà Nẵng đêm qua.
Lại tất tả phóng lên Hòa Khánh, nơi K, tạm trú nhà một người anh họ. Một lần vượt chết khiến nó như già thêm vài tuổi. K cho biết phải bơi ra biển gần trăm thước mới được vớt lên tàu. Cũng theo lời K. Cảnh tượng diễn ra ở Thuận An cực kỳ thương tâm. Ðoàn tàu Hải Quân cứu nạn không kịp cập sát bờ, nêu lý do sợ mắc cạn. Nhưng nguyên do chính là trong cơn trốn chết khiếp đảm, bọn tàn binh, đào ngũ bỗng hung dữ khát máu như bọn sài lang. Ðể có thuyền ra tàu, chúng hạ sát tất cả những ngư dân lân cận, xả súng bắn giết mọi quân nhân khác binh chủng đuối sức, bám vào thành thuyền nghỉ mệt, hay lạy lục, năn nỉ xin một chỗ quá giang. Không còn chút nhân tính hay dấu vết lương tâm con người trong những cặp mắt đỏ ngầu màu máu, những khuôn mặt đen đúa, những bờ môi mím chặt lạnh lùng của bầy thú điên đó.

- Ðù má, buông tay ra. Nghe không? Gã lính trên thuyền gằn giọng hét lớn

- Em lạy các anh. Các anh cho em nghỉ mệt một lát - lời năn nỉ của gã bộ binh không thể thảm não hơn.

"Chát" Ðế sùng của gã lính trên thuyền phóng ghim xuống những ngón tay đang bám vào thành thuyền của gã lính dưới nước.  Nạn nhân rú lên đau đớn, Nhưng bản năng cầu sinh khiến gã vẫn níu chặt lấy những thớ gỗ ẩm ướt.

- Em lạy mấy anh mà...- Gã rên rỉ như một con thú.

"Chát" Thêm một đế súng thứ hai. Thêm một tiếng rú thảng thốt, bi thương. Nhưng những ngón tay bầm dập, tím máu của nạn nhân vẫn chưa chịu rời bỏ niềm hy vọng sống còn cuối cùng.

- Thằng này lì "goá" ta - Gã lính trên thuyền hực cười lạnh lẽo. Khẩu X.M 16 trên tay gã chúc xuống. Ngón tay trên cò súng không chút ngần ngại. Một tràng tiếng nổ vang chát chuá. Ba tiếng "sao anh ác" của nạn nhân bị cắt đứt nữa chừng, dồn ngược vào cuống họng. Máu óc hắn dập dềnh loãng tan trên mặt sóng.

- Ðù má, còn thằng nào nữa? - Gã lính trên thuyền cao giọng hỏi đồng bạn.

- Còn mấy thằng đèn cầy kia (*)

- Ðể tao.

Một gã tàn binh khác hí hửng nối lời, chỉ về hướng bốn năm gã bộ binh vừa hốt hoảng buông tay rời khỏi thành thuyền. Rất khéo léo và nhanh nhẹn, một quả lựu đạn M.26 xuất hiện trên tay gã, và rồi được ném vụt về phía đám bộ binh. Chỉ vài giây sau, một tiếng nổ khủng khiếp âm vang, bùng dậy những tua nước trắng xóa. Máu, thịt và nước biển vung khắp lòng thuyền, trong tiếng cười tanh lạnh của bầy qủy dữ.

Không chỉ một vài gã đào binh biết bắn súng, tung lựu đạn. Cũng không chỉ năm ba người bộ binh đuối sức, còn nuôi ảo vọng về nhân tính cùng tình chiến hữu. Bạo lực cũng không chỉ diễn ra ở Thuận An, trên những thước biển trốn chết ô nhục. Mỗi con tàu về tới Ðà Nẵng là một địa ngục sống. Hàng chục sĩ quan, binh lính không rõ đơn vị đã bị thảm sát, quăng xuống biển. Hàng trăm người khác bị đánh đập tàn nhẫn, hãm hiếp hay cướp đoạt chút vốn liếng nhỏ mọn cuối cùng.

Chưa hết. Như một lớp sóng dầu thô ngút lửa, bạo lực theo đám tàn binh tràn về, thiêu hủy những hy vọng cuối cùng thiết lập vòng đai tử thủ Ðà Nẵng. Cướp bóc, hãm hiếp, ấu đả, thanh toán diễn ra trên đường phố từng phút, từng giờ. Ðã có nhiều vụ chạm súng giữa Quân Cảnh và đám tàn binh. Tuy nhiên thiệt thòi nhất vẫn là những người dân vô tội.

Một nhóm đào binh chừng mười người, mười lăm người kéo nhau vào quán. Bia đâu? Thuốc lá đâu? Rồi lươn um, ếch chiên bơ, cá hấp, chim sẻ rô ti. Rồi cơm chiên Dương Châu. 
Rồi tráng miệng bánh Flan, vải hộp Ðà Loan. Chè chén say sưa xong, một tên đại diện đứng lên.

- Bao nhiêu ông chủ? - Nụ cười trên môi gã đầy tình quân dân cá nước.

- Dạ thôi, xin ủng hộ anh em

Chủ quán khôn khéo trả lời. Vì không ủng hộ cũng chẳng hy vọng thu được một đồng của chúng. Thái độ của người chủ quán khiến gã tàn binh ngỡ ngàng. Nhưng rồi con mắt gã lóe lên những tia gian xảo.

- Cảm ơn ông chủ nhé. Ông điệu ghê !

Gã nói qua tiếng cười gằn. Hơi ngừng lại để nhìn thẳng vào mắt chủ quán, gã tiếp :

- Tụi này kẹt quá. Cho mượn ít chục ngàn xài chơi, ông chủ.

Nét mặt chủ quán tái xanh. Ông ta lắp bắp :

- Mấy anh nghĩ lại thương dùm chúng tôi...

Tên tàn binh hực cười lạnh lẽo. Cóp ! Một vật cứng, tròn được gằn mạnh xuống mặt quầy tiền. A, một quả lựu đạn. Văn hoa hơn , trái na nở bốn mùa.

- Ông giữ cái này làm tin, rồi cho mượn đỡ chục ngàn. Mai mốt tụi này chuộc lại.

Khách ăn rần rần bỏ chạy khỏi quán, Chỉ riêng những gã tàn binh vẫn nhởn nhơ nói cười, chờ đợi kết quả cuộc thương lượng. Chủ quán đành méo mặt nạp tiền. Gã tàn binh đại diện cười thật tươi, vẫy đồng bọn kéo ra đường. Nét mặt ai nấy đều rạng rỡ, hả hê. Chủ quán phải đuổi theo, lạy lục đứt lưỡi, mấy gã tàn binh mới chịu thu lại quả lựu đạn làm tin. Một nhóm tàn binh khác đang kéo nhau đi nghênh ngang giữa đường phố, bỗng dừng lại trước một biệt thự. Một gã mặt mũi khôi ngô nhứt gõ cửa.

- Bác cho con miếng nước. Tụi con mới từ Huế vào đây.

Gã lễ phép với ông lão vừa xuất hiện. Ông lão hơi do dự, rồi miễn cưỡng mở cửa. Lũ tàn binh tràn vào nhà, mắt láo liêng nhìn quanh. Chẳng vật gì đáng giá. Nhận xét ấy khiến chúng thoáng thất vọng.

- Chưa vào Sài gòn sao bác?

Một tên gợi chuyện để định gía chủ nhân. Ông lão ngậm ngùi kể lể mới từ Quảng Tín ra tuần trước, được một người bà con xa cho ở nhờ đợi phương tiện vào Sài gòn.  Gã đào binh gật gù nói vài câu đãi bôi, rồi nhập đề trực khởi.

- Chạy giặc, chắc bác cũng mang theo được ít tiền. Chia cho tụi con vài ngàn xài. Tụi con chưa có lương bổng gì cả.

Ông lão giật mình sửng sốt, mếu máo năn nỉ. Bốp ! Chát ! Ðế súng, mũi bốt-đờ-sô tới tấp phủ lên thân thể ông lão. Những cặp mắt và bàn tay đầy kinh nghiệm cũng bắt đầu lục soát, đập phá khắp biệt thự, như một ngày nào đã vô cùng xa, mỗi lần bọn gã tiến chiếm mục tiêu lục soát tìm chiến lợi phẩm. Cuối cùng, hai chục ngàn vốn liếng ăn đường của ông lão, dấu kỹ trong lớp áo lót, bị lũ tàn binh cướp đoạt.

Thúc mạnh mũi bốt-đờ-sô vào cái hình hài đẫm máu, mềm như sợi bún đang phủ phục trên mặt gạch, một gã dài giọng:

- Ð.M ! Có hai chục ngàn mà cũng dám chạy giặc...

Khi lũ tàn binh bỏ đi đã lâu, ông lão còn nằm thiếp lả trong căn phòng mờ tối. Ông không còn nước mắt để khóc. Hai người con ông đã tử trận. Người con rễ là một sĩ quan ở Sàigòn, binh chủng Biệt Ðộng Quân. Ông không còn nước mắt để khóc. Cũng không một lời nguyền rủa, hay một tiếng oán trời trách đất. Nước mắt, nguyền rủa hay những tiếng than thở làm được gì hơn cho đống tro tàn, củi lạnh của niềm tin trong ông về Tự Do hay sự che chở bảo vệ của chính phủ cùng quân đội.  Rời căn cứ Hoà Khánh khi bóng tối đã phủ đầy cảnh vật. Tôi ghé ngang Phước Tường thăm một người bạn.

- Tuyệt vọng rồi !

Người bạn chán nản tâm sự. Mọi nhờ vả tìm kiếm phương tiện vào Sàigòn chẳng đuợc gì hơn những lời hứa đầu môi và những bồn chồn, thao thức. Tàu biển đã ngưng bán vé ngày qua. Dẫu bán được căn nhà , một ảo vọng giữa tình thế này, cũng không đủ tiền máy bay cho chín người già, trẻ.  Kéo nhau về Ðà Nẵng . Hối hả sống những giờ phút mật ngọt cuối cùng trong bầu không khí hỗn loạn của một thành phố đang rẫy chết. Ðôi mắt người bạn sâu hơn biển đêm lúc chia tay.

- Có lẽ chẳng bao giờ mình gặp nhau nữa. Nhưng lòng tôi lúc nào cũng hướng về bạn.

Giọng ẩm nước mắt, và tính tình đàn bà bén nhạy của người bạn, phơi căng tôi trên những kẽm gai hổ tủi của sự bất lực. Tôi làm được gì, ở cảnh huống hiện tại, ít nhất, cho những người thân qúy...

Nguyên Vũ
(trích từ ký sự : Xuân Buồn Thảm / Văn Hoá xuất bản 1992)

(*):Ðèn cầy: Huy hiệu Sư Ðoàn I Bộ Binh giống ngọn đèn cầy