Những Ngày Tháng 
Lấp Lánh Hương
Lê Ngọc Châu

 


Vừa viết xong hai chữ kỷ niệm, tôi bỗng khựng lại, hụt hẫng. Cái lúng túng, khó khăn của mấy mươi năm trước chợt trở về trên mấy đầu ngón tay. Những bài luận văn xưa cũ đang lấp lánh trước mặt.
 
    Sung sướng thay, tôi còn đủ cái ngập ngừng, miên man khi phải mở vào một bài viết với cái tựa đề đã định sẵn. Rõ ràng, tôi chợt ngờ nghệch, u mê.

    Kỷ Niệm. Hai chữ quen thuộc và đơn giản ấy có nghĩa như thế nào đây ?. Không dằn được, tôi vói tay và mở cuốn tự điển Việt  Nam, loại bỏ túi :

    Kỷ Niệm : ghi nhớ lại ; điều vật để nhớ lại.
    à ra thế, nhưng hình như chưa đủ lắm.

    Những gì đang nhớ lại về một mái trường, sẽ phải ghi ra cho chính tôi, cho các bạn đồng thời, đang tản lạc nhiều nơi trên các vùng đất sống, có một điểm tựa cụ thể, để hân hoan soi ngắm mình; để bùi ngùi thả khỏi tầm lòng những năm tháng tuyệt vời của một đời người. Phan chu Trinh, Trung học Phan Chu Trinh, cái tên gọi sao mà thương quá. Sao chợt ứa nước mắt. Tôi có buồn gì đâu. Bây giờ là một giờ hai mươi sáu phút, buổi chiều. Khung cửa kính rộng đầy nắng. Một màu nắng không đổi thay từ ngàn năm. Nhưng tôi,
rõ ràng không còn là tôi của những ngày xưa nữa. 

    Hãy nhìn đi, làn da tay co đùn. Những vân hoa một thời trên đầu ngón, cớ vì sao chen lấn nhau ? trốn vào nhau ? Ðâu có sự an bày  đương nhiên nào của tạo hóa, không cho phép con người chợt có phút giây hoài nghi ngờ vực ? Cái phút giây linh hiển ấy đủ để trẻ lại nhiều năm. Và tôi vẫn lặp lại, từng lặp, như hôm nay. Chuyện kể cùn mòn nhưng mỗi lần lặp lại như được lột da, làm mới thêm chút đỉnh. Vì thế, nhờ thế, tôi lại kể cùng tôi một vài cái ngộ nghĩnh nhớ đời. Bạn tò mò ? ok, chúng ta cùng nghe.

1 - Với đám bạn "dài lưng..."

    Thời ở Phan Chu Trinh Ðà Nẵng, gia tài bằng hữu của tôi sung mãn, giàu có. Nhưng đứng mãi được với nụ cười, khi có dịp, vẫn là những tên bê bối của xóm nhà lá, thời đệ ngũ 3. 

    Một Châu văn Tùng, với bản tính trầm lặng, kín đáo, cười bằng mắt  nhiều hơn bằng môi, dù cặp môi rất hồng, đủ thêm sức bảo vệ cho cái nhan sắc được bè bạn cho là đẹp trai. Tùng còn hội đủ : con nhà giàu và học trung bình. Nhưng suốt thời học sinh không lượm được một người hoa. 

    Một Trần Hữu Chí, trai lơ, hoạt bát và bay bướm.
    Một Phan Quảng, nhanh nhẹn cởi mở, sống để cười... 
    Một Trần Lục, Một Trương Phương...Một Lê Văn Phương...
    Một đám đực rực ranh mãnh, chân tình, hoạt náo...nhiều
    Nhiều không nhớ hết các chàng Ðệ Ngũ 3, niên khóa... chưa kịp nhớ ra.

    Cùng lớp bọn tôi, ở phòng khác có nhiều kiều sinh. Nhưng rực rỡ nhất trong "đám xuân ấy" vẫn là LTNH. Không đẹp, nhưng H có những nét lộng lẫy bức khỏi cái vỏ thùy mị, để đến với mắt nhìn của người chung quanh bằng những thách thức, níu bắt.

    Một hôm, sau tiếng kiễng ra chơi, chúng tôi rề rà trong hành lang, ra cái dáng bọn này đã đủ lớn, thì LTNH xuất hiện cuối hành lang và đang rất mực khoe khoang đi về phía chúng tôi. Quảng, anh chàng xuề xòa, ngõ ý thách thức Hữu Chí. Làm cách nào chạm vào được ngọc thể  người đẹp, nhất là tại những " đỉnh cao...không trí tuệ". Chí cười mỉm, và lập tức thi hành.

    Một pha vờ vấp ngã quen thuộc, được Chí áp dụng, ngay trong lúc LTNH, vừa yểu, vừa điệu đi ngang. Rủi cho Chí mà chợt may cho tôi. Cái kỷ thuật diễn xuất của Chí quá lành nghề đến nỗi từ giả thành ra thật. Và bạn ấy húc cả người vào tôi trong khi tôi chưa kịp né tránh. Mất đà, cả hai vai của tôi chừng như nghiêng xuống và chạm vào đâu đấy trên lớp áo mịn mỏng, đang gói bọc một khối thịt da ấm áp. Dĩ nhiên, những cảm biết đột xuất bất ngờ này, về sau , tôi mới chập chờn nghe ra. Cũng  may, cái va chạm bất kỳ diệu ngẫu nhiên ấy chưa đủ để hành tôi như  những lần đã xảy ra, sau này

    "...nhớ thời lã lướt dông solex
    đụng phải một người yêu mấy năm"


    Vào niên khóa tôi ngồi chung lớp với Nguyễn Hữu Nuối, Lê Văn Nghĩa...Các bạn này đang thành lập bút nhóm , thi văn đoàn, viết lách ,tán chuyện rất ư nhộn nhịp. Sáng tác thơ văn của các bạn ấy gởi đăng ở vài tạp chí tại thủ đô Sài gòn . Cùng thời điểm này, tôi cũng đã bắt đầu đến với các nguyệt san, tạp chí. Nhưng với bản tính, nhút nhát, hay mắc cở. Tôi sinh hoạt đơn độc, âm thầm. Ngoài Châu Văn Tùng biết tôi dan díu với cô bé Thơ, các bạn khác tuyệt đối không hay biết gì. Thế nhưng trong ban báo chí của lớp, tôi được các bạn Nuối, Nghĩa...kéo vào. Họ không chọn tôi để viết bài cho báo lớp, mà chọn chỉ vì tôi có một chút giống Ông Ðồ của nhà thơ Vũ Ðình Liên: "chữ đẹp như rồng bay"; đồng thời có một lối trang trí, trình bày khá bắt mắt. Trong một buổi tụ họp để làm báo tại nhà Tô Yên, (bút hiệu của ông thiếu tá thiết giáp Lê Văn Nghĩa sau này), tôi vẫn cặm cụi ngồi chép truyện của Lam Hồ, (bút hiệu của Nguyễn Hữu Nuối).  

    Ðể mỗi cột báo cân phân, đều đặn như in, đầu dòng cũng như cuối dòng, từ trên xuống phải ngay hàng, Tôi rất quen mắt lẫn quen tay với điểm này. Không hiểu sao, trong câu : ..."Minh bậc cười nói"...khi viết dứt u, chưa kịp bỏ dấu ư, tôi phát hiện đã thẳng hàng và lập tức sang dòng, tiếp tục viết cho hết truyện.

Khi Nuối đọc thử lại, anh chợt cười òa. Minh bậc cười nói...đã trở nên Minh bậc cu cười nói...Từ đó, tôi được các bạn đặt có cái biệt danh : thằng "bậc cu cười".

    Những biệt danh ngộ nghĩnh, thường khởi đi bằng một giai thoại tương đối dí dỏm. Trường hợp của bạn Lê Thái Gía, khi anh chưa chậm chân, ngồi lại  cùng lớp Nhị C với tôi cũng khá hào hứng.

    Lần đó, trong đêm lửa trại tại Mỹ Thị, Gía nghiêm chỉnh đứng giữa vòng  tròn bạn học toàn trường để trình bày bản Tình Anh Lính Chiến của Lam Phương.  Không hiểu vì quá hồi hộp hay vì một sơ suất kỷ thuật, anh bắt giọng khá cao và chỉ gởi đến đám thính gỉa học sinh có ba chữ "Xuyên Lá Cành.." 
Vầng trăng quả thật rắn mắt , hành Gía đến lượt thứ ba mới chịu "Trăng Lên Lều Vải."


Lúc đó, bọn tôi chưa được quen biết nhiều với Gía, nên để dễ nhớ, chúng tôi đặt ngay cho Gía cái tên : Anh "Xuyên Lá Cành". Nói cho ngay, Gía được chúng tôi chú ý nhiều, vì anh có cô em gái tuyệt sắc, Lê Qúi Phẩm, cũng đang là học sinh Phan Chu Trinh. Biệt danh của Gía, không biết theo anh được bao lâu ? Cái ngộ danh "Bật Cu Cười" của tôi thì khá yểu mệnh. Tôi vốn là một thằng lụt lịt...cứ phớt lờ nên mọi chuyện rồi cũng qua.

    Nhắc về kỷ niệm với bạn bè, có lẽ càng nói càng nhớ ra nhiều cái lẩm cẩm rất thân thương. Nhưng chẳng lẽ một lúc, mê man nói hoài. Tôi xin được rẽ qua một nhánh khác, bằng cả sự trân qúi, cung kính.

2 - Với một vài giáo sư :

    Vào thập niên 40, câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư " hẳn nhiên không còn được xác thực  như xa xưa. Nhưng cái tình nghĩa thầy trò thì vẫn đậm đà, trân trọng. Có thể nói chắc, cá nhân tôi, không khi nào quên ơn dạy dỗ, dìu dắt của tất cả cô, thầy đã dành cho. Thời gian và sự thăng trầm của cuộc sống chỉ đủ sức đẩy dồn cái tình thầy trò vào một góc khuất nhỏ nào đó trong trái tim, chứ không thể làm tan mất. Nhưng bày tỏ nguồn tình cảm này bằng ngôn từ hoặc bằng chữ nghĩa, không phải là một việc dễ dàng. Tôi làm thơ đã lâu, nhưng hình như chưa có được một đôi bài, khả dĩ để vinh danh những cô thầy đã trực tiếp cho tôi những vốn liếng. Tình cảm dành cho cô thầy không những vừa mong manh mà còn có vẽ mơ hồ, trong suốt. Sự quan hệ thường trực nằm ở mặt tinh thần.

Có lẽ chính điều này tạo ra khoảng cách. Trong giao thiệp, sự tôn kính luôn luôn đứng trước sự thương mến. Câu thơ sẽ rất vụng và sẽ hỏng nếu cứ mãi lo ngại tình cảm làm mòn đi một chút ít kính trọng. Có lẽ điều này giải thích được phần nào sự thiếu vắng những bài thơ nói về tình thầy trò của tôi.

    Tôi nhớ hình như năm 1959 (?) trường Phan Chu Trinh chịu một cái tang bởi sự ra đi của thầy Toại cùng người bạn gái của thầy trên đường đèo Hải Vân. Ngày chúng tôi đi tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng, nằm trong ngày Tết nguyên đán. Sự tiết thương, niềm ngậm ngùi chỉ thoáng qua. Bọn chúng tôi, những thằng chơi thân với nhau nhất, sau khi đi đưa thầy Toại, đã ghé lại photo Phụng Ký, nằm trên đường Hùng Vương để chụp chung một tấm ảnh. (tấm ảnh này, tôi còn giữ và đang được trình, khoe ở mục: Góc Kỷ Niệm Riêng). Tấm ảnh không có chủ đích để tưởng nhớ ngày mất của một vị giáo sư, dẫu vậy lần nào khi xem lại tấm ảnh này, tôi cũng luôn luôn nhớ đến người thầy khả kính của tôi. Người thầy đã chết trong một mùa đẹp nhất, bên cạnh một người ông yêu thương nhất. Thảm nạn của thầy Tọai nằm ngoài tầm vóc những câu thơ của tôi thời bấy giờ. Và hạnh phúc của thầy cũng vượt ngoài khà năng diễn đạt, sắp xếp vần điệu của tôi. Bài Thơ tôi tưởng nhớ thầy mãi đến bây giờ vẫn là sự im lặng, mỗi khi xem lại tấm ảnh đã chụp cùng Tùng, cùng Lục, cùng Chí, cùng Quảng cùng Thơ ...

    Một người thầy khác cho tôi một kỷ niệm vui hơn. Thầy Lý Châu.  Hình như thầy Châu chuyên dạy Pháp văn, nhưng đứng trong lớp chúng tôi, thầy dạy Anh văn . Giữa một giờ giảng, nhìn ra nét vui cười của thầy tôi đã mạnh dạn cho thầy xem một bản chuyển bằng văn vần của tôi qua một bài thơ Anh ngữ (bài The Wind). Thầy Châu đã ngạc nhiên và thích thú gật gù :" Anh có tương lai làm thi sĩ lắm" . Nguyên văn lời của thầy không y bon như vậy, nhưng đại ý thì không sai. Thầy Châu không làm công việc tiên đoán, nhưng thầy đã mở cho tôi thêm một ít niềm tự tin.

    Với thầy Nguyễn Ðăng Ngọc, tôi có được cái kỷ niệm ngộ nghĩnh hơn. Trong một bài Nghị Luận Văn Chương. Tôi đã nhập đề bằng hai chữ : "Khai quật".....Trong giờ trả bài lại cho học sinh, thầy Ngọc đã phang cho tôi một trận , thẹn chín người. Thầy bảo, đại ý, văn chương không phải nghĩa địa, anh đi đào mã hay sao mà " khai quật". Dĩ nhiên lúc bấy giờ, tôi giận thầy dữ lắm, và thầm chê : thầy chưa theo kịp sự thay da lột xác của ngôn ngữ. Nhưng chẳng bao lâu, tôi hiểu ra, tôi mới là người chưa tiêu hóa kịp những gì mình tiếp thu từ báo chí với khuynh hướng hiện sinh, sáng tạo thời bấy giờ. Thầy Ngọc là vị thầy cuối cùng , giúp tôi chuyển tiếp lên một bậc khác. Ơn thầy tôi không quên. Ơn trường tôi không quên. Rất may, ngay thi phẩm đầu tiên,  trước bạ cùng làng văn, tôi đã được đón nhận. Và theo thời gian, tôi được giới làm văn học nghệ thuật Việt Nam nhìn nhận là thành danh trong lãnh vực thi ca. Sự thành công này, xin cho tôi xem như một món quà nhỏ, chính thức tạ ơn thầy, tạ ơn trường, hôm nay.

    Hãy còn nhiều kỷ niệm muốn nói về các cô Phạm Thị Bội Hoàn,  Trần Kim Ðính...các thầy Trần Tấn, Búi Tấn, Phạm Hữu Khánh... nhưng hãy cho tôi hẹn...cho tôi hẹn...

    Trước khi đóng lại những dòng chữ vội vã cho có bài dán sớm lên  "trang Ðà Nẵng Ngày Xưa Chưa Mất " với mục đích làm cò mò, cù rũ tất cả các bạn cựu học sinh Phan Chu Trinh khác, không phân biệt niên  khóa, cùng gởi những chồi kỷ niệm đến đóng góp cho thêm ngát hương.
Tôi muốn được thăm hỏi cái góc rào sân trường ở ngã tư Duy Tân, Thống Nhất. Cái góc rào ngày chưa kịp dựng thành ấy, tôi từng có dịp chui vào trong một đôi lần trốn chào cờ mỗi buổi sáng thứ hai ...Bây giờ cái chéo góc rào tường thân mến kia, có biết nhớ một "bạn vàng" đã đi quá xa, không biết có còn kịp trở về, sờ lại một lần ?

    " Quê hương nhắm mắt như sờ được
    Ðà Nẵng muôn đời trong trái tim..."


Lê Ngọc Châu