Bỏ Trường Mà Ði
Phan Nhật Nam

 

Tìm mình trong "cõi người ta"
Thấy trong thơ ấu có Ðà Nẵng xưa

Ðỗ Hùng (PCT, 1955-1961)


Sau đây là trích đoạn trong Bỏ Trường Mà Ði, dựng thành kịch do Ðỗ Hữu Toàn, Võ Ý, Nguyễn Bá Trạc, Phan Nhật Nam hợp soạn, trình diễn, và Trần Nhất Hoan, Thầy Trần Ðình Hoàn điều khiển. Kịch được trình diễn vào mùa Ðông năm 1959 nơi Trường Phan Châu Trinh, Ðà Nẵng. Khán giả ngồi ở sân cát nhìn lên sân khấu gồm những bàn học kê lại ngoài trời- Nhưng không hề thiếu kịch tính, kém phần xúc động. Khán giả đêm vui hôm ấy gồm các Thầy, Cô... Nguyễn Ðg. Ngọc, Bùi Tấn, Trần Tấn, Nguyễn Tòng, Trần Ð. Tăng, Nguyễn Tg. Hối, Trần T Kim Ðính, Ðặng T. Liệu... Học trò có những, Tôn Th Tuấn-Hải, Lê T. Hỹ, Nguyễn H. Hùng, Lê Ch. Thảo, Trần G. Phụng, Thái D. Minh, Nguyễn T. Phượng, Võ T. Thương, Lê Th. Trúc, Lê Bh. Nga, Lê Nh. Hảo, Trịnh D. Tân, Hồ Cg Lộ, Lệ Hằng, Thường Quán, Luân Hoán, Nguyễn N. An, Nhật Ngân, Ðặng Hiền, Nguyễn Phụng, LêVm. Côn, Phan Văn, Ðỗ Hùng... Lẽ tất nhiên còn rất nhiều nữa, nhưng không thể kể hết cho dù vẫn nhớ rõ tên. Tổng số đông đúc trên hôm nay có mặt khắp cùng thế giới, từ lục địa Bắc Mỹ đến Nam bán cầu, Sydney, Melbourne; tận làng nhỏ ở chân đèo Aurvergne, miền trung du nước Pháp. Người còn kẹt trong nước, hoặc ở lại cùng phía bên kia như Hà Nguyên Thạch, Phan Duy Nhân, Huy Giang. Nhiều người chết trong chiến tranh, Ðặng Ng. Khiết, Trần T. Dũng, Huỳnh B. Dũng, Hồ Dg Minh.. Có người chết tận cùng khổ, hoạn nạn sau 1975, với tình cảnh Việt Nam, Phan Nh.Thức, Ðinh Hg Sa; hoặc bởi tàn nhẫn chính trị, Huỳnh B. Thành.

Bài viết lại lần thứ nhất, 27 tháng 3, 1973, ngày ký Hiệp Ðịnh Tái Lập Hòa Bình Việt Nam tại Paris - để nhớ lần lâm tử của Ðỗ Hữu Toàn, phi công A 37 trên vùng đèo An Khê, Bình Ðịnh, cũng là nhân vật chính của vở kịch - vai ông cai trường.

Nay, 2001, viết lại lần thứ hai bởi nhắc nhở từ Luân Hoán để nhớ - Chúng ta hằng được sống những ngày thắm thiết thân tình, sắc son kỹ niệm - Ngày người lớn lên với Phan Châu Trinh-Ðà Nẵng. 

Âm động của những cánh cửa gỗ khô vang từng chập đều đặn, cùng lần ánh đèn vàng đục được bật lên dọc hành lang, cửa những lớp học dần được đóng lại... Ông cai trường đi bước chậm trong yên vắng lặng lẽ của ngôi trường sau giờ tan học, khuôn mặt cắt thành những ô sáng, tối lồi lõm tùy theo khoảng cách khi đi gần, hay xa vũng sáng dọi xuống từ dãy bóng đèn gắn trước mỗi lớp. Ông cai theo thói quen di chuyễn lần lượt qua mỗi căn phòng, bắt đầu từ phòng hiệu trưởng, văn phòng, và những phòng lớp kế cận phần cánh phải của ngôi trường... Vừa đi, ông vừa lẫm bẩm những câu rời rạc, chỉ có ý nghĩa của riêng mình... Hừ, phá như ri thì làm răng mà còn bàn, ghế... cái trò Aùi lớp Ðệ Tứ 2 chớ không ai vào đây hết... hừ, cái cửa ni bị mất cái khoen rồi, mai phải thay lại mới được... ủa, răng cái bóng ni không đỏ hè, bóng mới mà... Tiếng động chùm chìa khóa len keng đệm nhịp bước đi nổi rõ giữa chập choạng bóng tối se sắt. Gió cuối năm thổi lướt thướt qua hành lang gây gây lạnh... Gần tết rồi hèn gì lạnh hung há? Ông cai liếc ngang ra khoảng sân cát loang lổ ánh sáng vàng yếu trên nền tối xám, xong trở lại câu chuyện một mình với những tiếng hừ, hừ riêng rẻ. Ông quay về dãy lớp cánh trái phòng hiệu trưởng, ba phòng học cuối cùng, những phòng học đầu tiên từ khi trường mới thành lập, mùa hè năm 1955. Người gác trường bước vào căn phòng đầu tiên, tự động đưa tay lên tìm công-tắt gắn bên trái cánh cửa, trên phần cột chìm của bức tường. Ánh sáng vàng bùng vỡ... Ông kêu tiếng ngạc nhiên thoáng chút hốt hoảng...
... Ai, ai... tại răng, tại răng... ngồi đây?
Một hình người ngồi úp mặt lên dãy bàn thứ hai, chiếc mũ cói chụp lên đầu, hình như anh ta đã ngồi với vị thế nầy rất lâu. Hình người chậm rãi ngồi dậy, đưa tay sửa chiếc mũ, kéo vành nón sát xuống mí mắt, bóng đèn hắt ánh sáng vàng lên vùng ngực. Sau phút ngắn bất ngờ, nay tuy không trông rõ mặt người, nhưng ông cai đã nhận biết...
- À trò Nhân, răng cậu còn ngồi đây? Ông đổi xưng hô, giọng thân mật, bởi thấy ra đó là người học trò thuộc lớp cao nhất của trường, những học sinh sắp thi tú tài, cũng là lớp học trò đầu tiên từ ngày trường thành lập. Họ đã quen biết cùng ông qua nhiều năm.
- Chào ông cai.. dạ tôi đây, ông cai. Gã học sinh nói chậm, mệt nhọc, gắng gượng...
Người cai trường cảm thấy có điều lạ, dựa cây chổi lên tường, lắc lắc chùm chìa khoáù, bước đến, làm ra vẻ tự nhiên,
- Lớp cậu học buổi sáng, răng giờ ni còn ngồi đây,
- Dạ phải, tôi học buổi sáng nhưng đợi tới chiều tối, khi bọn lớp đệ lục học ở đây đi về hết tôi mới vô, tôi vô từ khi bác bắt đầu đóng cửa dãy trên lầu, bên dãy kia.
- Hèn gì tui thấy chiếc xe đạp dựng ngoài cây phượng, tưởng trò mô quên xe. Vì trời tối, nên tui không nhận ra xe của ai, chớ tui biết cậu đi cái xe sơn đủ mấy màu xanh xanh, đỏ đỏ mà... Ông cai gần gũi kể lể.. À mà cậu đi ra để tui khoá cửa chớ.
Gã học sinh đứng dậy, chiếc mũ vẫn úp sâu trên mí mắt, anh đặt tay lên mặt bàn, xoa nhẹ như đụng chạm một đồ vật quý giá, lách chân lúng túng ra khỏi băng ghế ngồi. Bỗng anh nói nhanh,
- Mai tôi không còn tới lớp nữa ông cai à. Giọng nói rung rung, mặt vẫn cúi xuống, ẩn vào bóng tối. 
- Uûa... sao lạ vậy, cậu chỉ còn mấy tháng nữa là ra Huế thi, có chi mà phải bỏ học,
- Tôi bị ông hiệu trưởng đuổi. Gã học sinh nói nhỏ, chịu đựng.
Vụ hồi sáng ấy à.. Ông cai an ủi, thông cảm... Ờ mà tại răng cậu lại làm như rứa, gây chuyện chi cho đến nỗi. 
... Ông cai không biết đâu!! Gã học sinh nói nhỏ... Cậu nói chi, tui nghe không ra. Không có tiếng trả lời. Người cai trường bước đi không xây lưng lại. 
Cả hai ra đến cửa lớp, ông cai đưa tay khép cửa, đút chìa khóa vào ổ.
- Khoan ông cai, cho tôi nhìn lớp học một lần chót. Tôi học phòng nầy từ năm năm trước, bác nhớ không? 
- Các cậu học lớp mấy, ngồi bàn nào, tui nhớ hết cả... Trường mình kỳ đó chỉ có sáu lớp, sáu phòng, lớp cậu Hy là cao nhất, lúc học đệ thất, mấy cậu lớp đó còn phải học nhờ ở trường Nam, bên Nhà Ðèn. À, nhưng cậu chỉ bị đuổi mấy ngày cảnh cáo thôi, sau đó mình đi học đàng hoàng lại, công lao ăn học bấy lâu, cái chi mà lần đầu, lần chót? Ông cai trở lại câu chuyện với cách chăm sóc, thương mến. 
Gã học sinh xa xót... Bác còn nói như vậy huống chi ai, tôi đã làm gì không phải đâu, ông cai không nhớ mấy năm trước, sau khi tan học, tôi thường ở lại phụ đóng cửa với bác, sau đó được bác chở về, nhà tôi lúc đó trên xóm Ngã Ba Cây Quăn, gần nhà bác trước vườn ương Thạc Gián, 
- Cậu nói vậy không phải bụng tui, tui quý cậu hơn mấy trò kia nhiều, họ có cha, có mẹ đầy đủ, nhà cậu chỉ có hai mẹ con, tui biết tình cảnh đó mà không nói ra thôi. Ý tui nói đàng hoàng là dù gì mình vẫn còn đi học thì phải theo kỹ luật của trường... Ðời thuở ai đi học mà mặc cái quần cao-bồi dị hợm như ri... Người cai trường nói với giọng cười vui để bớt đi phần nhận xét; ông sờ vào thắt lưng chiếc quần jean của gã học sinh, giật giật nhẹ như làm một động tác đùa cợt. Lại còn cái mũ cao-bồi nầy nữa... Ông cai chỉ vào chiếc mũ cói vành rộng của gã. 
Nhân từ từ dở chiếc mũ... Trời đất!! Người cai trường kêu tiếng lớn... Cậu Nhân, làm răng mắt cậu bầm tím, sưng vù như ri... Khổ quá, tội quá cậu ơi, bộ cậu đi đánh lộn hả? Người cai trường tỏ ý muốn sờ vào mặt gã học sinh. Người nầy khẻ lắc đầu tránh né. Y đội lại chiếc mũ. 
- Không phải đánh lộn... mà là đánh trúng. Thằng đó đánh trúng tôi mới bị như thế nầy. Nhân cố ý khối hài một tình thế thê thảm. 
- Tôi không hiểu ý cậu, mà thằng đó là thằng nào? 
- Thằng Trần bên trường Phan Thanh Giản, họ trò ông Tư Cụng, lò võ trên Tam Tòa. 
- Cậu dính vào chú đó làm chi cho mang họa?! Ông cai không hiểu được tình thế. 
- Người ta ghép tôi đánh với hắn, tôi đâu có chọn lựa được, ông cai? 
- Thiệt tui không hiểu ra. Người cai trường lắc lắc chùm chìa khóa để chia phần bối rối, tay kia gải gải lên đầu tóc hớt ngắn.. 
Gã học sinh kéo thấp vành mũ. Bỗng gã than tiếng nhỏ bất ngờ... Ông cai ơi tôi cực lắm... Tôi chỉ có cái quần nầy để thay quần xanh đồng phục, do xin được ở đồ viện trợ Mỹ của Nhà Thờ Tin Lành, cả cái áo blousson nầy nữa. Từ năm đậu trung học đến giờ, tôi có áo quần mới nào đâu, mấy bạn trong lớp cũng không phải con nhà giàu để có thể cho tôi áo quần khác, cái quần xanh thường mặc là của anh Hải cho thì đã quá ngắn, dù tôi đã xuống lai hai lần, nối thêm một miếng vải nữa. Bác biết anh Hải ngồi bên tôi không? Gã học sinh cố ý tránh né sau lần giải bày lộ liễu nỗi u uẩn. 
- Trò Hải học giỏi nhất của lớp cậu chớ chi, nhưng tôi cũng không hiểu tại răng cậu bị chú gì bên Trường Phan Thanh Giản đánh? Ông cai cố ý tìm cho ra sự việc. 
- Tôi với hắn đánh bốc ở hội chợ Tết nơi Sân Vận Ðộng! 
- Bộ cậu hết chuyện chơi hay sao mà đi đánh bốc ở hội chợ? Ông cai mường tượng đầu mối đã gây ra điều nguy nan, khốn đốn cho gã học sinh. 
- Tôi cũng biết đau mà ông cai, ai ngu dại gì để chơi trò chịu đứng cho một thằng nặng, to hơn mình đánh tới tấp vào mặt, nhưng chỉ vì hắn ta mới cùng hạng ruồi năm mươi ký như tôi... Và tôi thì lại quá cần tiền. Gã thanh niên bỏ dỡ câu chuyện thêm một lần với cách cố ý. Thôi bác đóng cửa lớp A cho xong rồi mình về. Gã học sinh chỉ vào căn phòng cuối cùng. 
- Tôi vặn trái một cái là xong, nhưng cậu thử nói cho tôi biết tại sao mà phải chịu cực, chịu đau như rứa? Ông cai trường trở lại nguyên cớ đau thương của gã học sinh. 
- Thì như đã nói với bác lúc nãy, tôi không muốn học nữa... Tối nay, tôi đi Nha Trang. Gã thanh niên dứt khoát, cốt chấm dứt một điều khó khăn. 
- Nầy cậu Nhân, cậu nghe dùm tôi, mình lỡ làm việc gì không phải mà biết sửa chửa thì lỗi lầm đó cũng không ai kể tới nữa. Sáng nay, cậu lỡ làm bậy, ông hiệu trưởng phạt cảnh cáo đuổi cậu vài ba ngày, rồi cậu đi học lại đàng hoàng thì ai chấp nê chi... Cậu có muốn tôi dẫn qua nhà ông hiệu trưởng để xin lỗi không? Tôi sẵn sàng giúp cậu, khoá xong cái cửa ni thi mình đi, chỉ mấy bước là tới thôi. Ông cai sốt sắng, khuyến khích. 
- Vô ích thôi bác cai, bởi cũng không cần phải đợi đến việc ông hiệu trưởng đuổi, vì tôi đã có quyết định bỏ học cả tuần nầy rồi... Và như bác vừa thấy, mắt bị bầm đen như thế nầy thì tôi còn thấy được gì, nên sáng nay khi anh liên đội trưởng hô "kéo cờ.." là tôi kéo thôi, đâu ước tính được phải kéo mau, chậm như thế nào để cờ lên cùng một lần với bài bài hát... Tôi phải đội cái mũ nầy là để che ánh nắng, tròng đen, tròng trắng bị máu bầm đóng cục nhìn đèn dầu cũng đau nhức chứ đừng nói mặt trời... Tôi đã làm lỗi chi, áo quần đồng phục có đâu để mặc cho đúng nội quy, chẳng lẽ nghèo cũng là cái tội sao hở bác cai? Gã học sinh nói một hơi thống trách, trút bớt phần oán hờn không thể nói cùng ai. 
Người cai trường lặng lẽ đứng nghe, chùm chìa khoá buông thỏng, nằm im... Chừ biết tình cảnh cậu như rứa thì tui càng thêm thương, mà sao phải đi đánh bốc, cậu cần tiền như vậy để chi? 
- Ðể mua vé tàu đi Nha Trang? Gã thanh niên thở hắt. 
- Răng mà phải đi xa xôi, vô tuốt trong Nha Trang, cậu có ai bà con ở đó. Người cai trường tự giải thích nhưng không đầy đủ về mối bất hạnh của gã tuổi trẻ, ông gằn giọng rung rung như đang giận dữ về một hoàn cảnh mà ông không thể hiểu tường tận để giúp đở, gánh chịu dùm. 
- Mẹ tôi ở trong đó. Bà đang nằm nhà thương... Gã thanh niên hụt hơi, câu nói bỏ dỡ nửa chừng. 
- Uûa, rứa là bả không ở với cậu sao, hèn gì cái nhà của mẹ con cậu đầu đường Hoàng Hoa Thám bấy lâu ni tui thấy mấy người lạ nào ra vô không à... 
- Mẹ tôi bán cái nhà đó, và đi vào Sài-gòn đã hơn hai năm nay, nay vì bệnh nặng nên phải ra lại Nha Trang, thật ra mẹ tôi muốn về đây, về Ðà nẵng, về với tôi, nhưng bởi quá kiệt sức, đến Nha Trang đành phải vào nhà thương. Mẹ tôi nằm bệnh viện suốt tháng nay, từ lúc bắt đầu mùa Ðông. 
- Bà má cậu bệnh ra làm sao, có ai ở Nha Trang để săn sóc bả... Người cai trường muốn chia bớt khối nặng quá lớn của gã tuổi trẻ. 
- Không có ai hết, nằm nhà thương thí mà bác. Tôi cũng không rõ mẹ tôi hiện ra sao, nhưng chắc phải nặng lắm, tôi nhận được điện tín nầy từ thứ hai tuần trước, do một người nào ở phòng cấp cứu bệnh viện gởi giùm, hôm nay đúng một tuần. Sáng nay, tôi định vào xin nghỉ học thì xẩy ra chuyện kéo cờ... Thế nên, dù không bị đuổi học, đêm nay tôi cũng phải đi. Tôi đến đây ngồi lần cuối mà chẳng biết bao giờ trở lại... Cũng thấy không tính trở lại làm gì. Ngày mai còn không biết ra sao, đừng nói chi tương lai đâu xa xôi. Ðây, cái điện tín đây ông cai, tôi không dám đọc thêm lần thứ hai... Biết đâu mẹ tôi đã chết trước khi tôi tới Nha Trang. Gã học sinh rút từ túi quần sau lưng ra tờ giấy màu xanh xếp nhỏ, cong queo. Anh hậmhực, xót xa, đứt khoảng.. 
Người cai trường đón lấy, ông đến dưới ngọn đèn điện, nheo mắt đọc chậm rãi... Tôi không đọc ra cậu Nhân, chữ không có dấu, cậu đọc cho tôi biết được không? Người cai trường ngần ngại. 
- Biết làm chi hở bác, người ta báo tin giùm mẹ tôi đang ở phòng cấp cứu, chờ đưa vô phòng mỗ... Mẹ tôi bị cái cục gì trong bụng từ lúc trẻ, mỗi lần lên cơn đau, mắt bà chỉ còn tròng trắng mà thôi, mấy năm trước tôi đã biết như vậy, nay chắc là bệnh cũ tái phát mà thôi!! 
Ông cai thở dài, trút phần u uẩn trong ngực. Ông lắc đầu chậm rãi... Ôi, tình cảnh cậu như rứa thì tui biết làm chi đây, cậu đi là phải thôi... Ðây, tui có mấy chục bà giám thị đưa khi chiều để mua đinh, mua bóng đèn, các thứ chuẫn bị làm sân khấu cho các trò liên hoan cuối năm, tui biếu cậu chút đỉnh đi đường. Xin lỗi cậu, mới đầu, tui cứ nghĩ vì bị đuổi học nên cậu bỏ trường mà đi, chớ ai ngờ cậu tội đến như ri... Ðây cậu Nhân, cậu cầm ít tiền nầy lấy thảo. Ông cai run run xếp những tờ giấy bạc rút từ chiếc ví da cũ gài kỹ ở túi trên áo ka ki lính... Tội cho cậu quá, tội cậu quá... Ông chống thân hình trên cán chổi, nhìn gã học sinh cảm xúc, thương yêu...
- Ông cai hiểu lòng tôi là đủ, tôi có ai để sống cùng nơi đây nữa đâu, ngoài mấy bạn cùng lớp, rộng ra cùng trường, tôi nhớ mỗi người, mỗi cách... Người học giỏi như các bạn Hùng, Hỹ, Hải; nghịch phá như Thông "ngọng", Minh 'trịt", Aùi "đen"... Tôi với họ lớn lên ở trường nầy, lúc phượng mới được trồng, cao chưa quá đầu gối mà nay lên cành lá sum sê như kia... Ngoại trừ thầy hiệu trưởng, và hai thầy Trần Tấn, Bùi Tấn là đã đi dạy lâu, còn các thầy, cô khác chỉ đến trường mình sau khi mới ra trường sư phạm, và lúc đó, ông cai vẫn còn mạnh mẻ, trai tráng, đội mấy chục cái bàn học từ lầu dưới lên lầu trên bên dãy kia... 
Người cai trường cười nhỏ... Cậu nhớ thì tui cũng nhớ chứ bộ, ngày các cậu đậu vô đệ thất, tui ra mởû cổng trường, các cậu vòng tay lễ phép... Thưa ông cai... Nói thật, lúc đầu tui cũng không để ý tới cậu mấy, cho đến khoảng tháng mùa mưa, chiều chiều đạp xe về, thấy cậu lũi thủi đi một mình, đường Nguyễn Hoàng thì chưa có điện, chiều mưa gió thấy đứa con nít không có áo tơi... Tui cho cậu ngồi sau yên, chùm vô chung áo với tui... Rứa mà đã năm năm cậu Nhân hỉ... Ơ, mà liên hoan năm ni ri là không có cậu đóng kịch cho cả trường coi nữa. Thầy, cô và mấy trò đó không còn dịp để cười lăn ra trên sân khi thấy cậu bắt chước ông Sạc-Lô mặc áo đầm nhảy múa. Ôi chao, chẳng ai biết được khi cậu đóng kịch vui như rứa mà phải khổ cực như ri... Tội cậu quá cậu Nhân ơi! Ông cai thả chiếc chổi, cầm tay gã học sinh... Cậu không bỏ trường mà đi, nhưng phải đi xa vô tận Sài gòn, Nha trang, thì coi như cậu phải ra đời. Cậu ra đời mà không biết ngày mai ra sao... Tộâi cậu quá đi cậu Nhân ơi, tui biết nói với cậu điều chi bây chừ đây... 
- Tôi ra đời... Ông vừa nói vậy hả ông cai, thật ra, phải nói là tôi bị đi xuống cuộc đời... Phải đó bác ơi, tôi bị đi xuống cuộc đời mà không chuẫn bị gì cả, không có gì cả... Ðêm cuối cùng ở trường nầy, nơi tôi đã thành người, nay bất đắc dĩ bỏ trường mà đi, không bạn bè, không thầy cô, chỉ có bác cho tôi những lời an ủi, thương yêu... Cám ơn bác lắm, bác cai. Cám ơn bác lúc nhỏ chở tôi đi học. Tôi không quên bác đâu. Bác tin như thế nghe bác cai. Tôi không quên bác, tôi không quên nơi nầy, Trường Phan Châu Trinh ở Ðà Nẵng, từ đây tôi đi xuống cuộc đời...
.... Ờ, ờ.. cậu đi nghe cậu Nhân.. cậu đi bình yên... Ông cai trường đứng dựa vào bức tường hành lang nhìn xuống sân cát, theo dõi gã học sinh dẫn xe đạp đi theo lối chính ra cổng trường. Ngang cột cờ, Nhân ngững mặt thoáng nhìn lên, anh thấy những ngôi sao mùa đông sáng loáng trên vũng trời tối đen. Gió cuối năm luồn qua tàng phượng rung rinh gây gây rét. Anh như nghe văng vẵng... Tội cậu quá cậu Nhân ơi... Anh nhìn lui. Bóng ông cai hiện rõ, im lặng dưới ánh đèn vàng ấm. Ðến giờ nầy mình vẫn không biết ông cai tên gì... Nhân lên yên, đạp xe về phía ga theo đường Nguyễn Hoàng... Con đường nầy mình đi lần đầu lúc mười hai tuổi, sáng mùa Thu năm 1955.

Phan Nhật Nam