Truyện Ngắn
Trần gia Nam

Vào Thành

xin nhấn giòng này:
http://www.thewriterspost.net/Viet_Vaothanh.htm
http://www.thewriterspost.net/tra_fit5.htm

Thở Với Trời Xanh

xin nhấn giòng này:
vanxuoi

 

Bà Mẹ Quốc Tế

Chị Trương từ chái bếp lom khom bước lên nhà trên, vô ý vấp phải cây đòn gánh, ngã chúi về phía trước. Hú ba hồn bảy vía, chị chụp kịp cái chân chõng tre, hai tay đè trên ngực, chị định thần.

- Quỉ, rõ ràng đã giấu kỹ cái của nợ này dưới giường, dịch vật đứa nào tọc mạch...

Vừa rủa, chị Trương vừa đẩy cái đòn gánh trở vào dưới gầm giường. Tiện đà, chị đặt mông lên mảnh chiếu hoa còn thơm mùi lát. Chị co chân, nhìn vào chỗ đau. Không vết trầy sướt, nhưng cái nhói ở đầu ngón chân cái vẫn còn rần rần. Chồm người lật chiếc gối tìm ve dầu cù là , chị thoa bóp nhè nhẹ. Chất dầu nhờn trắng, lợn cợn khỏa trôi lớp cáu bụi trên mấy đầu ngón chân chị qua một bên. Ðã già một năm nay, khởi từ ngày đất nước thống nhất, chị đi chân đất đã quen. Cái gì cũng có ưu điểm của nó. Chị tiết kiệm được tiền mua nước sơn móng chân, và guốc, dép cũng chậm mòn.

Sau cái ngã bất ngờ, chị Trương như tuồng quên phứt những chuyện chị đang định làm. Chị im lặng ngó những ngón chân mình, rồi bất thần bung người nằm dài ra giường. Ngày có lẽ đang bước vào giờ thứ mười. Hương nắng của mùa hè vỡ ra, vãi cái nóng hừng hực trấn áp mái tôn (tôle). Chị Trương cố nhướng hai hàng chân mi. Một lọn gió rúc từ chái bếp chui lên, mang theo cả mùi phân heo của nhà ông Luận. Chị Trương thiếp đi, dễ chừng có đến năm phút. Tiếng chửi thề thô bạo của ai đó ngoài đầu hẽm khiến chị Trương ngỡ ngàng mở mắt. Chị vớ vẩn thả cái nhìn trôi quanh chỗ nằm.

Bộ phản gỗ thô nhám, lem luốt màu vàng đất dính liền với cái giường tre chị đang nằm, cả hai như rủ nhau dựa sát vào bức vách gạch không được trải láng xi măng (ciment). Ðối diện, nằm song song với bộ phản, cái bàn gỗ tạp vuông, ôm sâu dưới bụng ba cái ghế đẩu, nước gỗ bóng đen. Mặt bàn được phủ một tấm nhựa láng có in những cái hoa to màu đỏ bầm. Ðây là nơi chị Trương thường tiếp những vị chức sắc của phường khóm, nên ngoài cái bình tích thủy, còn có một bộ ấm trà không đồng nhất, nghiêm chỉnh đứng giữa bàn.

Chị Trương đổi thế nằm. Tay phải lót dưới đầu tóc thả lỏng. Chân phải chị duỗi thẳng, thân nghiêng, đè lên một vệt nắng, lọt vào từ một kẻ hở ở hai đầu mí tôn. Con hẽm đã trở lại im vắng. Chị Trương nhắm mắt, nhưng giấc ngủ chưa chịu trở lại. Trong giây phút tĩnh lặng ru mình, chị Trương nghe rõ nhịp máu xê dịch dưới tay gối, nhè nhẹ như những vết chân rệp rình rập, mơ hồ. Không gian chật hẹp của căn nhà dần dần rộng ra, cao mãi lên, và lòng người đàn bà đang ở tuổi bốn mươi trải dài, bát ngát. Chị Trương đang gói mình vào những giấc mơ ? Không. Chị đang thả hồn ra để cùng sống lại những tháng ngày đã qua. Có một dĩ vãng để soi mình, hạnh phúc biết bao nhiêu, cho dù dĩ vãng đó vướng những nặng nề, u uất. 

Là con thứ ba trong một gia đình chín miệng ăn, chớm lên bảy, chị Trương đã biết làm quen với những việc lặt vặt trong nhà. Dần dà những cái lờ, cái đó, cái nơm...theo thời gian đến với chị cùng những chú cá diếc, cá rô...Chị không còn nhớ những cái vất vả, mỏi mệt. Nhưng không bao giờ quên những niềm vui hiếm hoi của một thời ấu thơ.

Giòng sông Cái trong như gương. Mây chìm sát lòng nước. Chị ngồi một đầu xuồng. Người anh Cả cố tình lơi tay chèo. Xuồng lửng lơ như đám bèo dại, trôi trong gió mát. Trên đầu chị trắng mây, dưới chân chị mây trắng. Chị nhìn mây, mây nhìn chị. Chị chợt thấy những cọng rong lang thang. Chúng tinh nghịch đè lên bóng môi chị, rối bời những sợi chỉ xanh mướt. Có tiếng cá móng rõ to. Không biết là cá gì. Còn có tiếng của những chú cu đất gọi nhau, ấm cả đất trời làng chị dễ gì mà quên được . Nhà cha mẹ chị nằm cuối xóm Lưới, mái rơm, vách đất. Ði về bằng nhiều ngã, nhưng ngang qua cây đa làng vẫn mát chân hơn.
Tây ráp xóm trong, tây lùng xóm dưới . Nhà ông Cửu Thuật ngất ngưởng ở đầu làng, mái ngói ngóng lên trời xanh, ló khỏi những ngọn tre già nhốt gió. Từ những vồng ngói âm dương rêu nâu, rêu tím, bầy se sẻ vụt bay liền với ngôn ngữ của vài họng súng. Mấy nia thóc phơi trong sân gạch nhà bà Hội Du bị lật úp. Ðám gà tham ăn còn không dám liều mạng tranh mồi, thế mà chị Trương, con bé hạt tiêu ngày nào đã ngóng theo tiếng kêu khóc mà lần tới xem. Tây xì lô, xì la, bắn chỉ thiên, mặc kệ. Nhớ có lần thằng Tín Em, con nhà Trung, một thằng cu, cỡ tuổi chị, mãi mê đứng nhìn đàn vịt vừa trổ xong lông ống, rúc mỏ tìm mồi dưới các gốc rạ mới gặt. Hắn tinh nghịch móc cây sào giữ vịt vào trong hai chùi chõ, cho nằm ngang sau lưng. Vừa nhìn vịt ăn, vừa lắc qua, lắc lại cái thân như que tăm. Thế là bị nắm đầu về đồn. Mày làm liên lạc ? ra dấu cho du kích ? Gớm, du kích, cán bộ tìm đâu ra ở cái làng nằm sát nách cái đồn có cái ông quản Chiếu ?
Mười đêm như một, hỏa châu từng loạt năm ba trái nổ cầm chừng. Sáng còn hơn đêm có trăng. Nếu không nằm trong hầm nổi, nhìn ra, đủ kịp thấy những ngọn tre chợt oằn hoặc bung lên vì một giòng gió lượn. Ðêm nào có tàn hỏa châu rơi làm cháy nhà, làng có dịp vỡ ra những hơi người ơi ới , các chú chó cũng thừa cơ hội sủa vang trong tiếng canon bên đồn tây bắn đi ầm ầm. Dĩ nhiên đêm vẫn còn nhiều khoảng hở im lặng, dành giới thiệu những điệp khúc triền miên buồn của ếch nhái, dế than...Chị Trương không lớn lên bằng những giọng ru của mẹ, của chị. Chị lớn lên bằng những hòa âm của các loại côn trùng cho đến ngày chị líu quíu bỏ làng mà đi. Cái ngày đó chị không muốn nhớ.

Ðang bơi lội trong giấc chiêm bao dịu dàng như vậy, không biết ai đã ẵm chị Trương quăng qua cả một đoạn thời gian dài. Lại trở mình, co duỗi chân tay, chị bỗng chạm mặt cái Lan, ấn bản đầu lòng của chị. Con bé không giống mẹ, cũng chẳng có nét nào của cha. Nhưng tức khắc, khuôn mặt bảnh trai của Thiện sờ sờ ló ra. Tay nói, miệng cười, hắn cõng cả cái xóm Chuối vè với chị Trương.

Nằm giữa bốn mặt phố, xóm Me với đám nhà tôn có, lá có, chen chúc. Giang sơn của những cây chuối bị xâm lấn đến tận cùng, chì còn sót lại cái tên. Ðêm đầu tiên với ánh sáng thị thành chị Trương đã chính thức trở thành đứa con cùa xóm Chuối. Cuộc đời bán trôn nuôi miệng đến với chị một cách suông sẻ, không có gì đáng nhớ. Hơn ba năm, đã thành thục tay nghề, chị Trương mới chợp được Thiện. Hắn là cậu học trò của một trường trunh học nam cach xom me khong xa. Ði về ngày bốn bận, mắt gặp mắt mươi lần để mở vào một đêm, chị Trương trở thành cô giáo dạy thực hành những bài tình yêu và giúp một cậu trai tơ mở mắt. Cuộc vui chơi trôi thơm theo tháng ngày. Không toan tính bền lâu, nhưng sẵn hơi mệt mõi, lại đã dành dụm được chút ít tiền, Chị Trương thuê một chái lá ở ngay trong xóm, ra riêng và hạn chế thời gian đi khách. Thiện ghé đều mỗi ngày, sau giờ học. Chị Trương mất kinh. Không hiểu suy nghĩ ra sao, chị Trương tự ý lẫn tránh người tình nhỏ hơn mình những năm tuổi đó, để đến một địa bàn khác. Ngày bé Lan ra đời, dĩ nhiên không có Thiện ngồi chờ trong nhà thương thí. Không ăn nước mắm nướng, không uống rượu dầm thuốc, chị Trương nuôi bé Lan bằng sữa ông thọ. Không khai sinh nên chẳng cần có họ. Có cái tên gọi, đồng nghiệp tặng cho con bé là đủ rồi. Thiện rơi tuột khòi đời chị Trương không gợn một chút buồn.

Mặt trận miền nam Việt nam bắt đầu sôi động. Lính Mỹ dược đổ vào nhiều nơi chị Trương không để ý, cũng chẳng cần quan tâm, nên khó nhớ chính xác những căn cứ của người Hoa Kỳ. Chị chỉ thấy những ngôi nhà trong thành phố nơi chị cư ngụ chợt vươn cao, những mặt lộ rộng dần đựng vô số xe xuôi ngược. Thị dân tăng nhanh, ỉa đái cũng đủ lấp những đống rác để dựng thêm vài khu chợ tấp nập quang gánh. Honda đến để thế chân cho những solex, xe đạp. Và những chiếc jeep lùn, GMC vẽ cho bộ mặt thành phố lốm đốm màu ô liu.

Chiến trận không nằm trong thành phố, nếu mặt trận miền nam không tặng cho dân chúng những quả đạn pháo kích hạng nặng.

Dựa vào sự phồn thịnh chung, chị Trương thuê một mái nhà tương đối sáng sủa. Phương thức làm ăn của chị được thay đổi. Những đấng râu mày da vàng mũi thấp không được hoan nghênh. Những anh bạn đồng minh trắng, đen đủ nuôi chị và bé Lan một đời sung túc. Ðiều kiện ắt có và đủ của chị là áo mưa, một thứ hành trang an toàn xa lộ. Phiền thay, chỉ một đêm, chiều một chú đen, cho chú đi nước vét lúc về sáng; một phần vì mệt mõi, một phần mặc kệ sự rủi may, ngờ đâu lại lòi ra một cột nhà cháy.

Cũng vui thôi, con Lan có bạn chơi, chị thầm nhủ. Ngộ một điều, Kể từ khi có cậu con trai khác màu da, chị Trương không còn khắc khe trong mỗi lẫn đi khách, nên chỉ một năm rưởi sau, thằng Ðen có một cô em gái da trắng nõn, mắt xanh lơ, đẹp tuyệt. Chị Trương cưng qúi cái Hoa này vô cùng.

Chiến cuộc Việt Nam dường như có nhiều thay đổi, số lượng các anh GI càng ngày hình như càng giảm. Cũng may, bù vào đó còn các chú củ sâm. Tiếc rằng các chú còn rủng rảnh đạo đức bên mình này, chị Trương thường phải nhờ vào mối lái. Và những chuyến giao hàng cũng không mấy thoải mái. Phải chăng vì vậy, chị Trương không có cơ hội làm mẹ thêm một dân tộc ? 

Chị Trương lại trở mình, mở mắt. Như trực nhớ ra điều gì, chị ngồi bật dậy, đưa cả hai tay lên bới lại đầu tóc. Trời đã đứng trưa. Ba ngày nghĩa vụ lao động, đào kinh Phú Ninh vào tuần tới chị đã thuê được người thay. Ném cái nhìn ra trước hiên, chiếc xe bò chở củi bán dạo của chị đứng chổng gọng, trống không. Con hẽm cụt vắng hoe. Chị Trương bỗng thèm nghe những tiếng nói chuyện, tiếng ruồi nhặng bay...Con khướu ô nhà ông Luận đã chết rồi sao ? Lẽ ra vào cái giờ này nó đã đỗ tiếng om sòm. Còn nữa, mấy con chào mào của thằng cha Nôi đâu ? Sao hòan tòan hoang vắng ? Chị Trương thấy lạt miệng, chậm rải nhón về phía cái bàn. Ba đứa con của chị giờ này đang ngồi trên ghế nhà trường. Dù gì , sau ngày 30 tháng tư ít lâu, chị đã nhờ làm khai sinh cho mấy đứa con. Vàng, đen, trắng đều mang chung một họ mẹ. Bọn chúng ngoan biết thương chị và thương lẫn nhau. Chỉ vài giờ nữa , cả gia đình chị sẽ quây quần bên chiếc xe bò. Chị kéo, ba đứa con đẩy, lò dò đến vựa củi nhà bốn Ngôn, rồi sau đó là những bước kéo qua các ngã đường. Cuộc đổi đời của gia đình chị, so ra có chiều đi lên về mặt tinh thầncòn Vật chất thì na ná như mọi người, chờ xuống hố cả nước (XHCN).
Chị Trương trực nhớ đến ngón chân vấp đau khi nãy. Chị co lên, dòm và nắn bóp, hoàn toàn bình thường. Tự dưng, chị cảm thấy bùi ngùi. Mấy ngón chân trau chuốt một thời nay sao thô nhám quá. Từ bàn chân, chị lần tay lên bắp vế, vén cả ống quần, nâng niu từng cọng lông nhỏ. Cảm giác lâng lâng chạy loạn dưới da. Dễ chừng có hơn cả năm chưa được ai mó tới. Hội hộp , nghĩa vụ, kiếm sống chiếm hết cả thời gian, đường kinh hàng tháng còn trồi sụt , có, tắt thất thường, lấy giờ đâu mà rạo rực. Chị Trương khẽ thở ra. Ðúng ngay lúc đó, chị giật nẩy mình, một bản mặt đàn ông chần vần trước cửa dòm vào. Phải mất mấy giây, chị Trương mới kịp nhớ ra lão Lang, phường trưởng. Cái lão gìa hống hách, bị dao đạn chê trong suốt một đời chui rúc trong rừng rú, nay chó ngáp phải ruồi, về đây làm cha mẹ thiên hạ.

Khác với thường lệ, cái miệng ồn ào đi trước, lần này lão Lang im ĩm ấn cái thây mật ú của lão qua cánh cửa chống thấp một cách nhanh gọn. Chị Trương lúng túng , vội vã kéo cái ghế đẫu, lí nhí mời lão phường trưởng ngồi. Không hiểu tại sao, chị có cảm tưởng như mình vừa phạm tội, bị bắt quà tang.

Lão Lang đứng im, vờn mắt quanh nhà , khịt khịt hai cánh mũi, đánh hơi, chẳng có cái tỏ vẻ đánh phá cách mạng cả.Lão khoan khoái nhăn răng cười, hỏi trổng:

- mới ngủ dậy ?

Chị Trương ú ớ. Cách mạng cấm ngủ trưa đấy nhé. Liệu hồn, ở đó trốn lao động. Chị đọc thấy trong đôi mắt đùn đục của lão đùn lên những lời hăm dọa.
Trước sự lúng túng của người thiếu phụ, lão Lang ung dung thả cái mông mầu mỡ của mình xuống giường. Con mồi mà lão chăm bẳm lâu nay đang nằm trong tầm tay. Và hơn lúc nào hết, lão cảm thấy lão thật sung sức, trẻ trung; mặc kệ cái vỏ mật mạp, chảy phệ bên ngoài đã hết thuốc chữa, dù những sợi dây thần kinh khích dâm đang ráo riết cổ động .

Chị Trương đã lấy lại bình tĩnh. Trực giác cho chị biết, con cáo gìa trước mặt đang trổ chứng. Chị vênh mặt chờ. Lão Lang liếc nhanh về phía cửa, không bỏ phí một giây vàng ngọc, lão nhích ra. Trước khi đụng tay vào cây chống cửa, lão không quên ló chút xíu cái đầu bạc ra ngoài, nghe ngóng, Chị Trương cố kìm giữ những tiếng rên. Mồ hôi chị vải ra, nhưng không thấy nóng. Cả hai tay chị bấu cứng vào tấm lưng dày cợm lớp vài kaki. Sợi dây nịt nhựa trong lồng trong lưng quần màu cứt ngựa cấn ngang bốm đầu gối càng làm chị Trương thêm náo nức. Qua cơn đờ đẫn, chị Trương phát hiện lão Lang đã ra về từ bao giờ. Chị chợt xấu hổ thấy một ngón tay mình còn ấn sâu trong chỗ kín, nhơm nhớp ướt. Lão Lang quả thật đã quá gìa. bụ bẫm mà chẳng dẫn được chị tới nơi. Dù gì, nguồn sinh lực trong cơ thể bốn mươi của chị cũng vừa được nhen lại bởi một gã ngấp nghé lục tuần.

Ngày đẩy tháng lững thững đi qua . Hết họp tổ đến họp phường. Kinh Thủy lợi rồi ao cá bác Hồ, cứ dẫn miết chị Trương đi vụng bên lão phường trường. Diễn tiến những trận thi đấu có phần khá hơn , nhưng số tổ chức gặp mặt thưa thớt, càng khiến chị Trương bức rức, nóng nảy.

Xóm Bầu, nơi gia đình chị Trương cư trú hiện nay có khá nhiều nóc gia, buồn thay nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động đã nạo vét hết cả đàn ông. Chị Trương soát đi, kiểm lại chẳng còn mống nam nhi nào ra hồn. Người tình gìa của chị, đã không xài ngon lại khó xài bền, buộc lòng người đàn bà hồi xuân phài động não, thao thức.

Ðối tượng để chị Trương tranh thủ lúc này, là gã công an khu vực. Chị đã lên kế hoạch phấn đấu trong đầu. Trở ngại nào cũng phải vượt qua, khó khăn nào cũng phải khắc phục, huống hồ chi chị còn trên thân thể những búp thịt căn bản còn gợi mở, gọi mời. Dân xóm Chùa đã gặp lại một chị Trương ăn mặc càng ngày càng sạch sẽ, tươi mát hơn. 

Trực, gã công an khu vực, con mồi ngon của chị Trương chưa nhón tới tuổi hăm lăm. Không rõ gã đã bò đến đâu trong chế độ học vấn của miền bắc, nhưng miệng lưỡi khá giảo hoạt. Chỉ tiếc, những gì gã có thể nói quá ít ỏi, cọng thêm số từ ngữ lạ tai gã dùng, cứ lặp đi, lặp lại đâm ra cùn mòn, đến nổi đám nguỵ dân khi gặp, chưa cần nghe đã hiểu gã sẽ nói gì. Chị Trương không quan tâm đến cái bệnh tật chung chung của đám cán bộ ấy, nhất là đám công an áo vàng. Chị chỉ biết Trực khá bắt mắt.

Răng không vẩu, trán không vồ, mắt không lé, nước da lại ngâm ngâm rắn chắc. Gã cao chừng bằng cái chống cửa ra vào nhà chị. Tuy không ú như lão Lang, nhưng có thể liệt vào hạng có thịt, chắc là nhờ chế độ bồi dưỡng của ngành công an khá tốt. Với một thân thể như thế, lại nhỏ hơn mình những mưởi năm,chị Trương còn đòi gì nữa ? Nhưng đến được với gã là cả một vấn đề. 

Chị Trương cầm cái gương lổ chổ tróc thuỷ soi mặt. Mắt đen, mày rậm, mũi thẳng, môi dưới hơi dày, má căng , đó là một chị Trương chưa trang điểm. Thật ra, mỹ phẩm hiện tại của chị chỉ vỏn vẹn: một thau nước sạch, nhúm bông gòn và một ít bột phấn thoa trè em , dùng cho bé Hoa ngày nào còn sót lại. Mặc dù đã trải qua hơn cả năm lao động chân tay, sau mỗi lần tắm rửa kỷ lưỡng, trông chị Trương vẫn tươi mát và nhất là trẻ hơn số tuổi chị đã tiêu xài. Chị không đẹp, nhưng trời cũng không bắt chị xấu.Phần quyến rũ của huôn mặt chị là cái duyên. Có duyên, có thịt lúc này, lại ỡm ờ một chút, chị Trương, rồi ra sẽ bắt cậu công an Trực trả bài dễ thôi. Vấn đề khó khăn chị đã có phương pháp.

Nhờ vào những điếu thuốc lẻ ba số năm, nhờ vào những tô bún gánh, chị Trương gây tình cảmvà san bằng dần sự chênh lệch tuổi tác với Trực. Ba đứa con chị không để ý, mắc mứu gì đến việc làm của mẹ. Chúng giúp chị mỗi ngày, chiều chiều đẩy xe bò củi đi bán rong. Cuộc đời hiện tại của chị Trương nếu rộng lạc quan , cũng ví được như bài thơ có vần, có điệu đàng hoàng.

Cho chiếc xe đạp dựa sát hàng rao kẽm gai nhà ông Luận, Trực lồng khóa giây ngang khung xe móc vào một cọc sắt hàng rào, khóa lại. Quay đi, gã còn nhìn lui, đắn đo cho chắc bụng. Chiếc xe của gã vừa được má Bích cho một ổ rô líp trung quốc thay vào. Má Bích trẻ măng, nhưng thường biết phải không với đám thuế vụ, công an khu vực, khi thì sợi sên Nhật, lúc cái trục Liên Xô, nên được đám cán bộ quan hệ tôn làm má ngon lành. 

Cũng như những lần trước, Trực lên tiếng gọi chị Trương, không quên thấp giọng đùa một câu : kiểm tra hộ khẩu, Chị Trương đón Trực vào nhà bằng cái cười của cặp môi lẫn cái cười của cả thân thể.

- Ông phường trưởng có ghé đây không ? 

Chị Trương thoáng cau mày

- Lâu nay có thấy bóng dáng ông cụ ấy đâu. 

Chần chừ một chút, chị phân bua :có việc chi đâu mà phải tìm ông phường trưởng. Trực biết rõ quan hệ không bình thường giữa chị Trương và lão Lang, nhưng gã vờ như không biết. Cũng chính vì biết rõ, Trực mới bạo dạn tìm cách thực hiện ý đồ dứt chị Trương đã loé lên trong lòng gã từ lâu mà không sợ bị phê bình kiểm thảo rằng quan hệ linh tinh với nguỵ dân. Nhưng gã ghé nhà chị Trương lần này với một lý do khác. Sau khi ngồi vững vàng trên ghế đẫu, hít mấy hơi liền khói ba số, gã hất hàm hỏi:

- Chị có thích đi ra nước ngoài ?

Chị Trương ngạc nhiên lẫn hết hồn lắp bắp: 

- Tôi..tôi làm gí dám thích...đi ra nước ngoài, anh đừng nói dỡn. 

Trực sợ chị Trương hiểu lầm gã có ác ý, nên nhanh nhẩu giải thích;

- Không phải tôi nói chị định đi vượt biên đâu...số là nhà nước ta nay đã có chủ trương cho nhưũng ai có con lai xuất cành.

Chị Trương há miệng, chưa hiểu. Chị dòm sững Trực. Không biết có phải chị chợt bỏ rớt nét tươi mát gợi cảm của mình trong sự kinh ngạc, tối dạ hay không mà Trực tỏ ra rất nghiêm chỉnh, đúng với bản chất công an nhân dân, để giải thích chính sách của đảng về diện con lai, với những gì gã nắm được. Khi ra về, gã được nguyên một gói ba con năm chưa khui.

Kể từ hôm chị Trương biết gia đình chị có thể xuất ngoại, Trực ghé đến nhà chị đều đặn mỗi tuần, Lão Lang thình thoàng cũng ghé đến. Một hôm có đến năm, bày người Hoa Kỳ, cả nam lẫn nữ đến tham quan nhà chị . Chị Trương đã được báo trước để lo thu xếp một bữa cơm đàng hoàng. Dĩ nhiên không phải để đãi khách. Ðúng vào cái phút bốn mẹ con chị ăn dở chén cơm thứ nhất thì phái đoàn người Mỹ đến.Chắc chắn họ đã rất hài lòng trước một thiếu phụ và ba trẻ em tươi xinh trong những bộ áo quần lành lặn, sạch sẽ. Họ thu hình, chụp ành rối rít vui vẻ trước hàng chục cặp mắt hiếu kỳ lẫn ngưỡng mộ của bà con xóm Chùa bu quanh .Cảnh sắp xếp trình diện con lai một cách ngoạn mục này, chắc chắn là lần đầu tiên được thực hiện trên toàn cõi đất nước Việt Nam thống nhất.

Thời gian chờ đợi coi vậy mà khá lâu. Hẳn chị Trương không phải qua thủ tục đầu tiên ? Tiền đâu mà chị có thể rải được qua từng khâu, họa chăng có thân xác chị. Dẫu sao, mấy mẹ con chị đều mừng ra mặt. Thằng Ðen, cái Hoa sáng hẳn lên, nhất là con bé xinh đẹp này. Chỉ tội cho bé Lan, mặc dầu vẫn được nghe ông phường trưởng và chú công an nói chắc nó cũng được đi, nó thấy vẫn lo lo.
Ðùng một cái, ngày lên đường qua Mỹ chưa tới, chị Trương đã phải trở lại bệnh viện để sinh thêm một thằng cu da vàng, mũi thấp nghiêm chỉnh, đúng với sự xầm xì dị nghị của dân lối xóm dẫu chị có khéo léo ngụy trang che giấu.

Hôm đi xin khai sinh cho con, để bổ túc hồ sơ, từ cổng ngoài trụ sở phường, chị Trương đã trông thấy lão Lang đứng uống nước trong một góc phòng, Tụ dưng, chị chùng bước. Kỳ, chuyện chi phải sợ lão? vẫn ủng hộ đều đều cho lão đấy chớ. Thóang nghĩ suốt, chị mạnh dạn bước vào cơ quan. Lạ, lão Lang đã lánh đi đâu mất.

- Ðứa bé con ai đây bà mẹ quốc tế ?

- Con tôi, Chị Trương cười lấy lòng

- Tôi hỏi cha nó kia

Chị Trương ngập ngừng thấp giọng

- Anh cho nó họ Nguyễn

Viên thư ký hộ tịch chẳng lạ gì con mụ Nguyễn Thị Trương này, y cũng vờ nhìn thẳng chị, ngẫm nghĩ 

- Ưng tên chi ?

- Dạ Thang

- Lang Thang à, hay lắm, hắn vừa nói vừa lộ răng cười thú vị. Chị Trương không kịp nhìn ra cái đễu của hắn nhưng cũng giật mình đính chính

- Thôi, anh cho tên Vàng đi, Vàng đúng hơn

Viên hộ tịch khụng cười như cụt hứng, hắn cau mày đặt ngòi bút lên trang giấy

- Có G hay không ?

Chị Trương ngơ ngác

- Tôi hỏi Vàng ưng viết có G hay không ?

- Dạ không biết. Vàng như chó vàng đó thưa anh.

Chị Trương nhanh nhẩu giải thích, tiện đà chị bổ túc thêm đặt tên xấu cho dễ nuôi. Viên hộ tịch nghiêm mặt viết, chị Trương chợt cảm thấy ngay sau gáy mình nhột nhột như đang có một cặp mắt cú vọ dò xét, soi mói.

Trần Gia Nam