Ðợi Chờ
Nguyễn Phụng

Tân vừa dọn nhà đến một xóm nhỏ gần đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Thiện Thuật. Tân không có nhiều đồ đạc nên việc dọn nhà rất đơn giản, chỉ hai hay ba chuyến Honda là xong. Một năm dọn nhà mấy lần, chẳng có gì đáng nói, xóm lao động nào cũng giống nhau, ồn ào từ sáng sớm cho đến nửa đêm, con đường hẻm vào xóm quanh co náo nhiệt. Tân ở trên một căn gác nhỏ. Căn gác dễ thương, có cánh cửa sổ nhỏ nhìn xuống đường. Chim sẻ ríu rít suốt ngày trên mái nhà và trên mấy cây du sum sê trước cửa sổ. Mấy cây du là trạm nghỉ chân của bầy chim sẻ trước khi chúng bay xuống tranh nhau mấy hột cơm thừa tiệm bán cơm ném ra ngoài đường hẻm. Tiệm bán cơm là nơi tụ họp của hầu hết dân xích lô đạp và xích lô máy trong xóm; radio trong tiệm mở suốt ngày; 6 giờ sáng tin tức đài Quân Ðội, 12 giờ trưa tin tức đài Sài Gòn, 7 giờ tối, chương trình Tiếng Nói Hậu Phương. Radio của tiệm này là cái đồng hồ của mấy bà bán rau, trái cây và kẹo bên đường.

Còn mấy ngày nữa năm học mới bắt đầu, chẳng có việc gì đáng làm nên chiều nào Tân cũng ngồi bên cửa sổ đọc sách và nhìn xuống đường hẻm. Xe gắn máy, xích lô đạp chạy rất nhanh, bóp kèn inh ỏi, chẳng ai chịu nhường ai, tai nạn chắc là điều khó tránh khỏi. Sinh hoạt trong xóm khá tấp nập, người ra và vào hẻm suốt ngày. Tân quan sát từng người. Tân chẳng quen biết ai trong xóm, chẳng có ai đặc biệt, và hình như chẳng có ai quan tâm đế sự có mặt của Tân trong hẻm này.

Chiều chủ nhật, chiều cuối tuần đầu tiên trong căn gác trọ mới. Sinh hoạt trong xóm chẳng có gì khác lạ ngoài việc anh tân binh quân dịch, có lẽ là con của bà chủ tiệm bán cơm, từ giả người yêu bên hàng rào rồi hối hả nhảy lên chiếc xích lô máy. Trời trở gió, có lẽ sắp mưa to; rác bay tứ tung, bụi cuốn lên cuối đường. Ðám bụi xoáy tròn, bốc lên cao và sau đám bụi là một chiếc xe gắn máy Yamaha màu xanh với người con gái mái tóc tung bay tiến vào xóm. Tân mới ghi nhận thêm một nhân vật mới trong xóm, một nhân vật đặc biệt; nhưng tại sao đến bây giờ cô ta mới xuất hiện; hay cô ta chỉ là một khách từ phương xa đến.

Ngày đầu năm học khá vui. Tân gặp lại bạn bè và nghe đủ thứ chuyện buồn vui từ xã ấp đến thủ đô. Sau lớp học chiều Tân theo bạn xuống câu lạc bộ rồi về nhà và đến ngồi bên cửa sổ đọc sách. Ðúng 6 giờ chương trình phát thanh đài Sài Gòn vang lên từ cái radio trong quán bán cơm, tiếng xe gắn máy Yamaha rú lên nhè nhẹ, và người con gái thoáng qua rồi khuất vào cuối hẻm. Tân thấy rộn ràng, một niềm vui chợt đến. Người con gái có lẽ không phải là khách phương xa. Rồi từ đó, người con gái, sáng đi chiều về, trở thành một nhân vật sống động nhất của con đường hẻm. Con đường hẻm vì thế vui tươi hơn. Tân cảm ơn con đường hẻm đã có người con gái.

Căn gác trọ mới thuận tiện, không xa trường Hành Chánh bao nhiêu và khá dễ chịu. Tân đi học một tuần bốn ngày; buổi chiều đánh bóng bàn hay vào thư viện rồi về nhà. Buổi sáng Tân cố dậy sớm để làm vài việc cần thiết rồi ngồi bên cửa sổ nhìn người con gái đi qua. Một niềm vui nho nhỏ, một niềm vui tự nhiên như khi đọc một quyển truyện hay, nhìn một bức tranh đẹp, hay nhặt một bông hoa dại bên bờ đường. Buổi chiều, thay vì la cà ngoài tiệm nấu cơm tháng, Tân về nhà đọc báo theo dõi cô gái tinh quái Mông Cổ Triệu Minh làm điêu đứng người hùng phục quốc Vô Kỵ và chờ người con gái đi vào ngõ hẻm. Một thứ giải trí nhẹ nhàng và thi vị.

Vẻ đẹp và niềm vui đó đến cùng lúc với mấy chuyện vui nhộn trong trường, nhưng chừng một tháng sau vẻ đẹp và niềm vui đó biến thành một sự cần thiết của cuộc sống. Một buổi sáng không thấy bóng người con gái đi qua, Tân bâng khuâng không biết việc gì đã xãy ra cho cô ta. Một buổi chiều không nghe tiếng xe Yamaha nổ đều đều rồi tan biến vào cuối xóm, Tân cảm thấy chiều như chưa xuống dù con đường hẻm đã tối đen. Qua song cửa và mấy nhánh cây du la đà, hình ảnh người con gái càng ngày càng đậm nét trong tâm trí Tân. Một lần người con gái đi và về là một lần chân dung cô ta được tô thêm một đường vẽ. Hình ảnh của cô ta là một bông hoa tươi thắm đang nở dần trong Tân: khuôn mặt trái xoan dịu hiền, đôi mắt đen trong sáng, và mái tóc mây ngang vai. Tân đã nhiều lần thấy mái tóc đó tung bay trong giấc ngủ và đôi mắt đen trong sáng đó trên bảng đen trong lớp học.

Tân ít ở lại trường đánh bóng bàn, ít la cà các tiệm sách và quán nước. Tân vào lớp rồi về gác trọ ngồi bên cửa sổ chờ người con gái. Tân đổi cách kê bàn học. Bàn được kê sát vào cửa sổ, hai ghế để hai bên mé cửa. Buổi sáng Tân ngồi một bên để tiễn nàng ra hẻm; buổi chiều Tân qua phía bên kia để đón nàng về. Ra đi hay trở về người con gái lúc nào cũng hình như đang tiến gần về phía Tân và tiếng xe gắn máy Yamaha vang lên nhịp nhàng hơn qua từng đoạn của con đường hẻm. Cuộc sống Tân bây giờ chỉ xoay quanh hai thời điểm trong ngày -- buổi sáng nàng ra đi và buổi chiều nàng trở về -- và tiếng máy Yamaha thúc bách ngập ngừng. Tân nhớ lại ngày xưa và một xóm nhỏ bên sân ga xe lửa ngoài Ðà Nẵng. Sinh hoạt hàng ngày trong xóm hoàn toàn tùy thuộc vào chuyến tàu đi và tàu về. Tàu đi, dân trong xóm bán xôi, bắp hoặc đồ ăn dễ mang trên tàu; tàu về, cơm, cháo, mì, bún bày ra khắp sân ga. Thời gian giữa hai chuyến tàu đi về dân chúng trong xóm làm việc khác để kiếm thêm miếng ăn. Tiếng còi tàu nhắc họ những việc cần phải làm; tiếng còi tàu bắt đầu một cuộc tranh giành khốc liệt và đánh dấu một ngày đã qua, một ngày mờ mịt vì khói tàu.

Tân thích sự đều đặn của con đường hẻm ồn ào. Tiếng radio liên hồi từ tiệm bán cơm không làm Tân khó chịu mấy. Khi tin tức chiến sự của Ðài Phát Thanh Quân Ðội bắt đầu là nàng đi; khi xướng ngôn viên Mai Liên của Ðài Phát Thanh Sài Gòn trong chương trình thời sự quốc tế kính chào thính giả thân mến là nàng sắp về. Một sự đều đặn đặc biệt, một sự đều đặng với nhiều biến đổi vòng tròn xoay quanh chiếc áo dài, cái băng đô trên mái tóc và nét mặt của người con gái. Màu áo thay đổi bất chừng nhưng quy hợp về màu xanh; màu của chiếc băng đô là màu tương phản tuyệt đối của màu áo; nét mặt nàng cương nghị một ngày rồi đăm chiêu buông thả suốt cả tuần.

Một buổi chiều thứ sáu, như thường lệ, Tân ngồi đọc sách bên cửa sổ và chờ đợi. Tin tức quốc tế vừa vang lên từ radio trong quán cơm thì một tai nạn xãy ra ngay trước quán. Người ra xem càng lúc càng đông, chật cả đường hẻm, và người con gái đi về. Nàng nép vào một bên, tắt máy xe, nhìn lên khung cửa sổ rồi cố lẫn mình trong đám đông. Xe xích lô máy đụng xe Honda, người đi Honda bị thương. Người bị thương được đưa đi bệnh viện, đám đông thưa dần; nàng nổ máy xe, nhìn lên khung cửa rồi cúi đầu chờ đợi. Chiếc xe xích lô máy được đẩy vào bên đường, nàng nhìn lên một lần nữa rồi đi vào xóm. Tân nhìn theo. Có lẽ nàng là người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Tân trong đường hẻm này. Ðêm đó Tân đọc sách suốt đêm nhưng không đọc được một trang nào.

***

Tân bị cúm nặng. Bệnh cúm đương hoành hành ở Sài Gòn và thuốc cúm hơi khan hiếm. Tân uống thuốc cả tuần mà bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Buổi sáng, tai ù và đầu đau như búa bổ; buổi chiều, trong cơn sốt, căn gác quay cuồng. Vừa bớt đau, Tân ra ngồi bên cửa sổ chờ đợi. Một tuần trôi qua, rồi hai tuần, rồi ba tuần, nhưng người con gái vẫn không thấy đi hay về. Tân thấy trống vắng chi lạ. Buổi sáng Tân không còn phải vội vàng để được nhìn tà áo trong nắng mai; buổi chiều Tân không phải về sớm để khỏi mất cơ hội ngắm mái tóc bồng bềnh. Yên lặng phủ xuống căn gác, tiếng Yamaha thôi vang lên đều đều hay thúc bách. Tân nhớ lại xóm ga xe lửa Ðà Nẵng ngày xưa khi tàu bị giật mìn. Cầu bị sập, đầu máy xe lửa tan tành, và chẳng còn chuyến tàu đi tàu về. Xóm ga thầm lặng, u buồn; chẳng có ai bán xôi hay bắp để mang lên tàu; chẳng có ai bày cơm, cháo, mì, bún ra khắp sân ga để chờ khách; chẳng có ai đưa đón người đi người về; và tiếng còi tàu không còn vang lên trong lòng mọi người trong xóm nhỏ nghèo khó.

Tân ra quán đầu hẻm để mua vài thứ cần dùng. Quán đầu hẻm là một tiệm may đồ đàn bà và bán đồ thực dụng. Người chủ tiệm, bà Tư, vừa may áo quần vừa bán hàng. Buổi chiều hay cuối tuần, con gái lớn của bà, Liên, ra giúp. Liên học đệ nhất trường Trưng Vương, dễ thương, nên có nhiều khách trai trẻ lui tới. Tân mua mấy gói đậu nành rang và đậu đen rang; đó là hai thứ đặc biệt của quán nhỏ này. Tân dùng đậu nành rang hay đậu đen rang thay cho trà. Nước đậu nành rang thơm dịu dàng, nước đậu đen rang ngọt đậm đà, uống nhiều bao nhiêu cũng được. Trả tiền xong Tân hỏi bà Tư về người con gái trong hẻm. Bà Tư biết hầu hết mọi chuyện xãy ra trong hẻm; bà nói nhiều, chuyện gì nghe được là phải nói ra, chẳng bao giờ để lâu trong bụng. Bà Tư cho biết người con gái tên Ngọc Bích, rất đẹp, có ra quán mua đồ, ở với mẹ và hai em, và đã dọn nhà về Biên Hòa. Bà muốn hỏi Tân về mối liên quan giữa Tân và người con gái nhưng may nhờ có Liên ngăn cản. Tân nhìn Liên với đôi mắt biết ơn. Tân nhìn Liên rất lâu và thấy Liên trở thành Bích. Tân chớp mắt, chào bà Tư và Liên rồi bước vội ra khỏi quán.

Tân ít về gác trọ; sau buổi học Tân vào thư viện hay câu lạc bộ đến tối mịt mới về. Tân qua lại đường Duy Tân, hồ Con Rùa và trường Luật nhiều lần nhưng không thấy Bích trong mấy nàng luật sư tương lai. Tân đến trường Văn Khoa sáng rồi chiều, đầu tuần, giữa tuần rồi cuối tuần; Tân lên lầu một, lầu hai rồi lầu ba. Bà Tư nói đúng, Bích đã bỏ con đường hẻm và Sài Gòn. Giáng sinh đến rồi tết qua lặng lẽ; Tân vẫn ngồi bên cửa sổ đọc sách nhưng không có Bích để nhìn xuống.

 ***

Còn mấy tuần nữa là đến ngày thi ra trường, Tân ở nhà học bài. Vì để nước đến trôn mới nhảy nên Tân phải thức suốt đêm rồi ngủ gà ngủ gật cả ngày. Bốn giờ chiều; Tân vừa ngủ dậy và đến bàn học tiếp. Có bóng ai ngoài hàng rào. Tân nhìn xuống nhưng tầm mắt anh bị một nhánh cây du che khuất. Tân xuống sân: một người con gái đang ôm vai và tựa vào hàng rào. Tân bước ra ngoài đường hẻm: một người con gái sợ hãi, máu loan trên vạt áo dài. Tân bước đến gần nàng:

-- Hình như cô bị thương?

Người con gái không nhìn lên, trả lời nho nhỏ:

-- Dạ, em bị xe Honda tông

-- Cô có hề gì không?

-- Dạ không sao. Em đứng nghỉ cho bớt đau rồi đi về nhà.

-- Nhà cô ở gần đây không?

-- Dạ không, xa lắm.

-- Tôi gọi taxi để cô vào bệnh viện?

-- Dạ thôi. Em nghỉ thêm một lát rồi cố đi về nhà.

Máu từ đầu gối chảy xuống chiếc guốc trắng rồi thấm xuống đường.

Cô gái dựa vào hàng rào; hàng rào xiêu vẹo, Tân đưa tay giữ hàng rào.

-- Tôi đưa cô ra bác sĩ đầu đường Trần Quốc Toản?

-- Dạ thôi, dạ thôi.

Hay là cô vào nhà tôi để lau và săn sóc vết thương?

-- Dạ thôi, em không dám.

Người con gái thở mạnh, nhắm mắt, cắn môi; hình như nàng không

còn đủ sức để chịu đựng cơn đau. Tân đến sát bên nàng:

-- Ngọc Bích, Ngọc Bích vào nhà để tôi giúp Bích săn sóc vết thương.

Hai tiếng "Ngọc Bích" là lời van xin mầu nhiệm. Người con gái mở

mắt, ngửng đầu lên nhìn Tân:

-- Cảm ơn anh, nhờ anh giúp em.

Qua sân hẹp, Tân chỉ lên gác:

Tôi ở trên gác Bích lên được không?

-- Dạ được.

Bích theo Tân đến thang gác. Bích chỉ bước được một bước rồi ôm thành thang, bất động, chờ đợi. Tân dìu Bích lên gác; hương tóc Bích thoang thoảng trong gió. Tân đặt Bích xuống chiếc ghế gỗ dài:

-- Bích ngồi đây tôi xuống đem chiếc xe Yamaha vào trong nhà.

Tân chạy xuống sân. Tân cần một phút yên lặng, một mình. Tân hoang mang, xáo trộn: mong chờ, gặp gỡ, mùi thơm của mái tóc mây, và nỗi đau trên da thịt Bích. Tân nhìn ra phía đường hẻm, phía Bích vừa mới vào, rồi chạy lên gác. Bích nhìn lên, tha thiết:

-- Sao lâu quá vậy anh?

-- Xe của Bích không có khóa, tôi phải khóa xe Bích vào xe tôi; xe gắn máy ở đây bị mất thường lắm.

Tân đưa bông gòn, rượu chín mươi độ, thuốc đỏ và băng dán cho Bích:

-- Bích cần tôi giúp không?

-- Cảm ơn anh, Bích làm một mình cũng được.

Bích bị thương ở vai, cùi chỏ và đầu gối. Vết thương ở đầu gối khá nặng, quần bị rách, thịt da nhầy nhụa. Rượu và thuốc làm Bích rên siết, Tân thấy đau xót trong lòng.

Tân đưa khăn cho Bích lau mặt và mời Bích uống nước.

-- Bích, tai nạn xãy ra như thế nào?

-- Bích bị hai người đàn ông đi Honda ép; một người cản phía trước, một người giật gói quà Bích để phía sau, Bích ngã xuống bờ lề ngoài đường Nguyễn Thiện Thuật.

-- Tại sao Bích lại vào đây?

-- Bích bị ngã nặng, thân thể chấn động dữ dội. Bích cố đứng dậy, tìm một chỗ nghỉ cho bớt đau. Chân tay đau buốt, mắt hoa vì máu đỏ, đầu óc hoang mang; Bích không biết tại sao lại rẽ vào hẻm này, rồi đến đây và gặp anh. Anh, tại sao anh biết tên Bích?

-- Tôi tìm kiếm Bích khắp nơi nhưng chỉ tìm được một âm vang, một cái tên. Bích rời xóm này khi nào?

-- Hơn nửa năm rồi đó anh. Hôm đi, Bích có ra vào hẻm mấy lần nhưng sao không thấy anh bên cửa sổ?

-- Có lẽ lúc đó tôi bị đau cúm nên không ngồi bên cửa sổ. Tại sao Bích rời xóm này và đi đâu?

-- Chuyện dài và buồn lắm anh ơi.

Mặt trời xuống thấp; một chút nắng chiều lọt qua mấy cành du và khung cửa sổ và thành một bức tranh trên tường. Bức tranh xao động và biến chuyển từng phút. Bích nhìn quanh phòng mấy lần:

-- Xin phép anh Bích về. Cảm ơn anh nhiều lắm.

-- Bích về đâu?

-- Thủ Ðức.

-- Ðường xa quá Bích đi được không?

-- Chắc được, Bích sẽ cố.

Bích chống thành ghế đứng dậy nhưng người lảo đảo và ngồi xuống lại. Tân nhìn Bích ái ngại:

-- Bích đau lắm không? Hay là Bích nghỉ thêm lúc nữa cho bớt đau rồi đi.

-- Bích hơi chóng mặt. Bích mới vừa bị cúm. Bích mới từ Biên Hòa xuống. Ðáng lẽ Bích đừng đi Thủ Ðức nhưng vì việc cấp bách nên phải làm liều. Anh cho Bích viên thuốc đau đầu, Bích nghỉ thêm một lát nữa rồi sẽ đi.

Bích uống thuốc, dựa đầu vào thành ghế và nhắm mắt. Bích thở dồn dập, rên khe khẻ rồi ngủ say như một em bé. Sắc mặt Bích biến đổi liên tiếp; đôi lông mày nhíu lại từng lúc, hình như bao nhiêu chuyện đang làm Bích bực mình; mồ hôi thấm ướt mấy sợi tóc trên trán Bích. Tân pha nước đậu nành, uống từng hớp nhỏ và nhìn Bích ngủ. Hai giờ sáng Bích thức dậy, ngơ ngác, sợ hãi, hai tay ôm mặt dường như sắp bị ai tấn công. Tân gọi tên Bích mấy lần và đưa khăn cho Bích lau mồ hôi. Bích úp mặt trong khăn và hai vai rung động.

-- Anh, mấy giờ rồi anh?

-- Hai giờ sáng. Bích hết chóng mặt và bớt đau chưa?

-- Dạ bớt. Sao anh chưa đi ngủ?

-- Anh chờ Bích dậy uống nước đậu nành; nước đậu nành rất thơm, Bích uống một chút cho khỏe.

Bích bưng ly nước và nhìn ra ngoài trời tối đen.

-- Anh nghĩ gì về người con gái xa lạ đến với anh trong đêm nay?

-- Bích đâu có phải là người con gái xa lạ. Anh không nghĩ gì hết. Anh nghĩ đến con đường hẻm từ ngày vắng Bích và vết thương của Bích. Tại sao Bích hỏi vậy?

-- Em chỉ nghĩ bâng quơ thôi. Bây giờ khuya quá rồi phải không anh? Sáng mai em về sớm. Trời gió nhiều chắc sắp mưa to.

-- Mai Bích về sớm. Ðể anh pha thêm nước đậu nành cho Bích uống.

Tân vào bếp nấu nước, rữa mặt và chải tóc. Tân thấy lòng mình thiết tha. Giọng nói Bích thật trìu mến. Bấy lâu nay Tân chỉ được nhìn Bích đi và về trong hẻm; chiều hôm qua anh mới nghe Bích nói, nhưng tiếng nói trong cơn đau và ngại ngùng; và bây giờ, tiếng nói hồn nhiên chải chuốt của người con gái biết chống chế dò hỏi, tiếng nói của trí thông minh có chiều sâu. Tân rót nước đậu nành vào bình và lắng nghe bước chân Bích di chuyển ngoài phòng khách.

Tân trở ra phòng khách; Bích ngồi ngay ngắn và hình như có chuyện quan trọng muốn nói.

-- Anh, anh Tân.

-- Sao Bích biết tên anh?

Bích chỉ đống thư bề bộn trên bàn bên cửa sổ.

-- Anh học trường Quốc Gia Hành Chánh phải không?

-- Tại sao Bích biết?

Bích chỉ kệ sách nhỏ làm bằng gạch đỏ và mấy miếng gỗ kê ở góc phòng.

-- Bích học Văn Khoa phải không?

-- Tại sao anh biết?

-- Anh chỉ đoán thôi. Người đẹp thường học Văn Khoa; Văn Khoa là bông hoa tươi thắm nhất của Ðại Học Sài Gòn.

Một giọt máu rơi xuống ghế; Tân nhìn Bích ái ngại.

-- Tại sao Bích không lau và bỏ thuốc vết thương trên vai?

-- Bích không nhìn thấy rõ phía sau vai.

Tân đến bên Bích, qùy xuống sàn nhà và nhìn vào vai.

-- Bích, áo sau vai bị sờn và lủng vài nơi, vết thương rất nhẹ, nhưng chỗ trầy da nằm dưới áo nên chắc không lau và bỏ thuốc được. Bích nên vào phòng trong lau và bỏ thuốc.

-- Thôi anh, mai Bích về nhà lau và bỏ thuốc cũng được.

-- Bích, máu thấm xuống sau lưng, lỡ khi Bích bị đau trên đường về ... lỡ khi Bích bị nhiễm độc ...

Tân với lấy chiếc áo pullover treo trên móc và đưa cho Bích:

-- Bích, lau vết thương, mặc đỡ áo này, phơi áo dài cho khô để mai về. Áo dài hàng lụa chắc mau khô.

Bích vân vê chiếc áo pullover trong tay.

-- Máu em sẽ thấm vào áo anh.

Bích vào thay áo, phơi áo dài trong bếp và ra rót nước cho Tân.

-- Anh, anh đang nghĩ gì vậy?

-- Bích, gần hết đêm rồi. Mai Bích về cẩn thận. Cảm ơn Bích đã cho

anh nhìn Bích ra vào con đường hẻm; cảm ơn Bích đã đến để anh được nghe tiếng nói và được nhìn Bích mỉm cười.

--Và bây giờ anh được nghe em khóc; em đang khóc đây anh ơi.

Ăn sáng xong Bích đến bên cửa sổ nhìn xuống con đường hẻm.

-- Bích đang nhìn gì vậy?

-- Em đang nhìn con đường em đi sáng chiều, những buổi sáng và buổi chiều, bây giờ xa xôi quá. Ðây là chỗ duy nhất anh nhìn em phải không?

-- Phải, buổi sáng anh ngồi bên cạnh cửa này; buổi chiều anh ngồi bên cạnh cửa kia, nhưng khung cửa hẹp quá, anh không thể nhìn Bích suốt cả quãng đường.

-- Nhưng em đã cố đi thật chậm, anh không nhớ sao?

-- Anh nhớ. Anh nhớ tiếng Yamaha nổ thật chậm và đều. Nhưng Bích ơi, dù chậm bao nhiêu cũng không vừa, sao Bích không dừng hẳn lại?

-- Anh, giòng đời như giòng nước lũ cứ cuốn mình đi. Thôi em đi về.

Tân xuống nhà dắt chiếc Yamaha ra sân, nhìn chiếc xe hai ba lần rồi chạy lên gác.

-- Bích, xe bị hư khá nhiều, Bích ráng chờ thêm vài giờ nữa. Anh đi sửa xe và sẽ về ngay.

-- Sửa lâu không anh?

-- Chắc khá lâu. Ðèn báo hiệu bị bể, chắn bùn phía sau bị hư, chỗ gác chân bị gãy. Rất tiếc là chiều hôm qua anh không nghĩ đến chiếc xe. Anh sơ suất quá phải không Bích? Bích có buồn không?

-- Dạ Không. Ðời là những việc xãy ra khi mình bận tâm theo đuổi những việc khác. Em đâu biết rằng bên song cửa này... Về mau nghe anh.

Tân ra đầu hẻm năn nỉ người chủ tiệm sửa xe. Ông ta nhận lời và hẹn ba giờ chiều giao xe. Tân mừng như mới thi đỗ. Tân đi mua vài thứ để ăn trưa, ghé tiệm bà Tư mua thêm mấy gói đậu nành rang và nhờ bà ta may gấp một chiếc áo dài và một quần trắng bằng cỡ áo quần của Liên. Bà Tư ngần ngừ không muốn nhận lời chỉ thích cật vấn Tân về người con gái sẽ mặc áo quần Tân muốn may. Tân cầu cứu Liên:

-- Liên, tôi may áo quần này cho một người em gái bà con. Chiều nay tôi phải đi, nhờ Liên nói bác giúp tôi.

Liên có lẽ cảm động vì lời thành khẩn và nét mặt thẩn thờ xa vắng của Tân nên nói với bà Tư như van lơn:

-- Mẹ, mẹ giúp anh ấy đi. Hay là mẹ lấy bớt một bộ áo quần của Hà đưa cho anh ấy; Hà mặc áo quần cùng cỡ với con.

Tân cảm ơn Liên hai ba lần và nhắc Liên chọn màu xanh nếu có thể.

Tân dọn mấy gói đồ ăn ra bàn và mời Bích lại ăn trưa. Bàn ăn là cái bàn học nhỏ, rộng chừng nửa thước, nên dù cách nhau cả chiều ngang của cái bàn, đũa Tân vẫn vướng vào tóc Bích. Tân gắp từng món ăn cho Bích.

-- Anh, bao giờ anh ra trường?

-- Chừng một tháng nữa.

-- Anh sẽ làm ở đâu?

-- Anh học dỡ, nên chắc phải đi làm xa, cao nguyên hay một quận hẻo lánh.

-- Bao giờ anh lập gia đình?

-- Không biết.

-- Anh có người yêu chưa?

-- Chưa.

-- Anh yêu ai chưa?

-- Có, và yêu say mê.

-- Yêu say mê nhưng tại sao anh không có người yêu?

-- Vì đó là mối tình thầm lặng.

-- Nhưng rồi anh sẽ lập gia đình?

-- Chẳng biết nói sao. Cuộc sống ở tỉnh lẽ quạnh hiu lắm.

-- Có yêu mới lập gia đình. Khi tình yêu đến anh mới lập gia đình phải không anh?

-- Tình yêu chắc sẽ khó đến với anh.

-- Tại sao vậy anh?

-- Vì chắc khó có tình yêu nào thay thế được tình yêu thầm lặng hiện tại. Anh chìm đắm quá xa trong tình yêu này.

-- Bích học năm thứ mấy rồi?

-- Dự bị, nhưng em nghỉ học rồi, em mơ ước được đi học lại.

-- Tại sao vậy? Chuyện gì xãy ra?

-- Chuyện dài lắm anh ơi.

-- Bích sẽ làm gì?

-- Em buồn lắm anh ơi.

-- Bích, Bích sẽ về đâu?

-- Em chẳng biết.

Ðúng ba giờ Tân đem xe và áo quần về. Vừa vào trong hẻm, Tân đã thấy Bích ngồi bên cửa sổ nhìn xuống đường hẻm. Tân mở cửa bước vào. Chồng sách báo bề bộn trên bàn và kệ sách được sắp xếp lại ngay ngắn; đồ ăn sáng và trưa còn thừa được đậy lại cẩn thận.

-- Bích đảm đang ghê. Bích sẽ là một người vợ hiền. Xe đã sửa xong, xăng đã đổ đầy, sẵn sàng cho Bích về.

-- Cảm ơn anh.

Tân đưa cho Bích một gói nhỏ:

-- Bích thay áo quần trước khi về. Anh mới đi may cho Bích một áo dài và một quần trắng.

-- Thôi anh, em mặc áo quần này về cũng được.

-- Bích thay áo quần đi. Anh phải năn nỉ hết lời mới có áo quần mới cho Bích.

Bích vào phòng tắm thay áo quần rồi bước ra. Tân nói thật nhỏ như chỉ muốn mình anh nghe:

-- Áo đẹp quá, và Bích đẹp quá.

-- Anh, tại sao áo và quần vừa đúng cỡ em, rất sít sao?

-- Ðó chỉ là một sự may mắn. Anh tả hình dáng Bích cho người thợ may.

-- Tại sao anh chọn màu xanh?

-- Vì Bích thường mặc áo màu xanh.

Bích gói áo quần cũ trong một tờ báo rồi nhìn Tân như muốn giã từ. Tân nói như thì thầm:

-- Bích cho anh chiếc áo dài cũ của em.

-- Áo đã rách và loan máu anh giữ làm gì?

-- Áo này Bích mặc khi ra vào đường hẻm và vết máu là cuộc gặp gỡ định mệnh hôm nay.

Tân đưa cho Bích một gói nhỏ khác:

-- Nhà này chỉ có lược đàn ông, anh mới mua một cái lược con gái. Tóc Bích rối bời, Bích chải tóc đi rồi hãy về.

Bích cầm lược, bước sát đến bên Tân, ngữa đầu cho mái tóc chảy về sau, và hai giọt nước mắt lăn tròn trên má.

-- Bích khóc vì thương hại cho người si tình phải không Bích?

Bích để hai tay trên vai Tân, thổn thức:

-- Không, em khóc cho riêng em. Suốt đời, em chưa bao giờ được một phút thương yêu, trìu mến, và qúy trọng như ngày hôm nay.

Tân ôm Bích vào lòng. Chiều xuống mau, gió lao xao trên mấy cây du ngoài cửa sổ ... Bích lau mắt và nói trong tiếng thở dài:

-- Em đi về. Em sẽ tìm đến thăm anh và sẽ nói cho anh nghe dù chuyện vui hay buồn. Em đi về.

Tân đưa Bích xuống thang gác rồi lên ngồi bên cửa sổ nhìn theo Bích cho đến khi tà áo xanh khuất vào cuối đường hẻm.

* * *

Tân ra trường và đi nhận nhiệm sở. Ðúng như lời Tân nói với Bích, Tân phải đi làm xa. Tân vào trường đưa địa chỉ nhiệm sở của anh cho phòng nhân-viên dù biết rằng đó là một việc không cần thiết vì phòng này có đầy đủ nhiệm sở của các sinh viên vừa tốt nghiệp. Tân giả từ chủ gác trọ, tặng bà ta một món quà với lời căn dặn cẩn thận về địa chỉ nhiệm sở của anh và người con gái sẽ đến tìm anh. Tân ghé quán bà Tư mua thêm đậu nành rang, lên Pleiku rồi về thẳng quận được giao phó.

Sắp đặt xong công việc ở quận, Tân làm mấy việc cần thiết trong căn nhà trọ mới. Căn nhà trọ dễ thương, cũng có cánh cửa sổ nhìn ra con đường dài xa tắp và mấy cây sum sê xào xạc suốt ngày. Tân pha nước đậu nành, uống từng ngụm nhỏ. Tân chia đậu nành mới mua ở quán bà Tư ra làm hai phần, một phần để ở nhà, một phần đem lên quận. Tân gói riêng mấy gói để dành cho Bích. Anh gói thật kỹ, khí hậu cao nguyên có thể làm đậu hết dòn, nước đậu hết thơm và vì thế Bích sẽ không thích mấy. Tân nghĩ tới con suối nhỏ gần quận. Nước rớt xuống từ mấy tảng đá xanh, trong veo và ngọt lịm. Ðậu nành rang pha bằng nước suối sẽ thơm đậm đà và sẽ làm Bích say mê ...

Hương đậu nành, nước suối trong ngọt, cơn gió chiều cao nguyên và Bích đưa Tân vào giấc ngủ mơ màng ... Chiều xuống mau trên mấy cây cao trước cửa sổ và con đường dài xa tắp hoang vắng trước nhà trọ.

Nguyễn Phụng
(Sài-Gòn tháng 2/1969. Xa cách Như-Ý)