Ngày Dài Nhất
Nguyên Vũ

 


Ðà Nẵng, ngày 24-3-1975
Chuyện phải đến đã đến. Ngày qua, Chủ nhật 23.3.1975 Huế thực sự đã bỏ ngỏ. Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn I Bộ Binh, Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến đã rút ra cửa Thuận An, tây bắc Huế cách 20 cây số, xuống tàu vào Ðà Nẵng. Những nguồn tin kiểm thính cho biết cảnh triệt thoái cực kỳ hổn loạn. Hàng ngàn quân xa, chiến xa, vũ khí và trang dụng bị vứt bỏ ngổn ngang trên bãi cát. Có những chiếc sáng loáng nước dầu bóng, ngất ngưởng hai ba cột ăng-ten đã bị "chủ nhân" hốt hoảng bỏ lại không kịp tắt máy.  Nhiều binh sĩ Thiết Giáp liều lĩnh phóng chiến xa xuống biển, đuổi theo tàu, để chết chìm giữa làn nước trong xanh, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Người ta liên tiếp được nghe báo cáo của các sĩ quan Hải Quân là đủ loại súng của Bộ Binh và Thiết Giáp đã bắn xối xã về hướng những chiếc tầu đổ bộ, được xử dụng trong cuộc di tản. Trong khi đó, từ những cao địa, pháo địch bắn cầm chừng xuống vụng biển, ngăn chận cuộc triệt thoái, gây hàng trăm, ngàn thương vong. Nhiều đơn vị Sư Ðoàn I Bộ Binh cũng bị chận đánh trên đường rút quân về cửa biển. Nguồn tin sơ khởi cho biết khoảng gần hai trung đoàn thất tán và mất liên lạc. Thành phần được di tản hoàn hảo nhất hầu hết là những đơn vị yểm trợ và Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn, trú đóng tại căn cứ Dạ Lê và vùng phụ cận Huế. Khi những chiếc tàu đổ bộ cuối cùng tách bến, các binh sĩ bị bỏ rơi đã phẩn nộ nã súng bắn theo những chiếc trực thăng cuối cùng rời căn cứ. Lựu đạn, cối , đại liên và phóng lựu M79 cũng nổ vang trên bến tàu, gây thương vong cho hàng chục ngàn người già trẻ, lớn bé.

Tỉnh lỵ Quảng Tín cũng đang sống những giờ phút rẫy chết. Pháo địch khởi sự nã vào tỉnh từ 1 giờ sáng nay. Tiếp đó lực lượng Bộ Binh, có Thiết Giáp yểm trợ, tràn vào tỉnh.  Công điện cuối cùng nhận được hồi 10 giờ sáng cho biết sự chống trả của quân chính phủ đã hoàn toàn bị dập tắt. Và như thế, trọn vùng giới tuyến chỉ còn lại thị xã Ðà Nẵng và Hội An, hai mươi cây số hướng Nam Ðà Nẵng.  

Ở một góc nhìn qua địa thế, một vài người đã gợi nhắc tới ba tiếng Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, người ta không khỏi tự vấn: 100 ngàn quân nhân, gồm sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, ba sư đoànI, II, III Bộ Binh, năm Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân cùng các lực lượng Ðịa Phương Quân và bán chiến đấu khác, rồi sẽ làm được gì khi tinh thần đã hoàn toàn rữa mục.  Ðó là chưa kể gánh nặng nửa triệu thị dân và hàng triệu dân lánh cư khác đang khiến Ðà Nẵng ung thối dần...

Dù không có một con số thống kê chính xác, tổng dân tị nạn tràn về Ðà Nẵng đã vượt qua con số hàng triệu. Tình trạng gia cư, thực phẩm và vệ sinh công cộng đang ở mức báo động đỏ. Các trại tỵ nạn Non Nước và Hòa Khánh (được thiết lập vào mùa hè 72, và đã được tháo gỡ "làm thịt" tận tình từ đầu năm 74, khi chiến dịch hồi cư dân chiến nạn phát động) đã được mở lại, nhưng vẫn không đủ thỏa mãn nhu cầu. Sân vận động, trường học, sân chùa, và bất cứ một khoảng trống nào có thể tạm thời dựng lên một tấm bạt che mưa nắng đều đã bị xâm chiếm. Tuy nhiên, mối đe dọa khẩn thiết nhất là đói khát và bệnh tật.  Một vài dấu hiệu bệnh thời nhiễm cũng mới phát hiện. Ðạo quân ăn mày, vốn đã thặng dư quân số, cũng được tăng cường hàng ngàn "tân binh" bất đắc dĩ.

Một bầu không khí ngột ngạt kinh hoàng phủ dầy trên cảnh vật. Công sở, doanh trại bỗng vắng lạnh, như những mồ ma. Góc mắt người Ðà Nẵng mờ tối hơn khi đối mặt sự thật: Ở những giờ phút tuyệt vọng cuối cùng, không chút liêm sĩ, các cấp Tướng, Tá đã hối hả leo lên trực thăng bỏ rơi cả những thuộc cấp thân tín nhất.

Trọn một buổi sáng, cơn mưa lớn đột ngột cầm chân tôi tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh. Gần 12 giờ trưa, khi mưa vừa ngớt hạt, tôi cùng Sâm phóng xe về Ðà Nẵng. Chúng tôi cần ít vật dụng trước khi vào Quảng Tín làm phóng sự bằng đường bộ. Vừa qua khỏi ngã ba Phước Tường, đã bắt gặp đủ loại xe chất đầy dân tỵ nạn đang hối hả đổ ra Ðà Nẵng. Ðông đảo nhất vẫn là loại xe gắn máy Nhật. Ðủ loại người, loại lính. Súng ống tua tủa. Dây đạn, dây lựu đạn quấn chằng chịt quanh người. Nhưng chẳng hiểu ai trong đám bại binh đã bắn được một viên đạn khi đối diện với địch quân?

Trước doanh trại Tiểu Ðoàn I Quân vận, một đoàn GMC của tiểu đoàn 22 Pháo đang buồn bã nằm đợi lệnh. Các binh sĩ áo quần ướt đẫm nước mưa, run rẩy, tái xanh vì lạnh và sợ hãi. Những khẩu pháo nhem nhuốc bùn lầy như chừng cũng cúi đầu hổ nhục.

Trong khi đó hàng ngàn dân Quảng Tín đang tụ tập trong bến xe ngã Ba Cây Lan thăm hỏi tin tức người thân. Theo lời một đoàn trưởng Nhân Dân Tự Vệ, đêm qua, giữa lúc cơn mưa lớn ào ạt trút nước, pháo địch bắt đầu nã vào tỉnh lỵ. Tuy nhiên, không ai nghĩ có thể bị tấn công. Ðã lâu, đặc biệt sau ngày Tiên Phước thất thủ, dân quân Quảng Tín được tập làm quen với những cuộc pháo kích mỗi ngày của địch. Hơn nữa, sự hiện diện của một lực lượng quân đội đông đảo tại Hương An và Hà Lam cho mọi người ảo giác chính phủ sẽ không "tái phối trí" Quảng Tín, và sẽ biến tỉnh lỵ thành một tiền đồn của vòng đai bảo vệ Ðà Nẵng.

Vẫn theo người Ðoàn Trưởng Nhân Dân Tự Vệ, ở phiên họp tham mưu hồi 9 giờ sáng, Ðại Tá Xuân, tỉnh trưởng Quảng Tín, còn cho lệnh "Tử thủ". Nhưng ngay sau đó ông ta lên xe "đi hội tại Hương An", và khi bóng dáng cán binh Cộng Sản vừa xuất hiện trên đường phố các binh sĩ cùng lực lượng Cảnh Sát vội trà trộn với dân chúng, bỏ chạy. Cuộc đào thoát bị cắt đứt khi Cộng quân phá hủy cây cầu dẫn ra ngoạo ô vào khoảng 11 giờ trưa. 

Một sĩ quan khác thuộc Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cho biết tất cả các sĩ quan cao cấp, các giới chức hành chánh và Cảnh Sát đều "thoát nạn". Số dân chúng lọt vào tay Cộng Sản ước chừng chục ngàn. Phần đông đã quyết định ở lại. Nghèo quá, Và, họ chẳng thấy dấu hiệu sáng sủa nào khi dấng thân vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc.

- Bi đát thiệt rồi anh

Sâm buồn rầu nói để phá vỡ bầu không khí im vắng tẻ lạnh phủ vây chúng tôi từ lúc
chiếc xe già nua rời bỏ Ðà Nẵng. Sâm tiếp:

- Mất Quảng Tín, dân Hội An bắt đầu run. Ðà Nẵng mình thì chẳng mấy ngày nữa....

Tôi vẫn im lặng. Khói thuốc vương cay trên rèm mi. Tầm mắt không hồn phóng trải quanh cảnh vật dọc đường. Không một bóng người trên những thửa ruộng vàng ươm lúa chín. Xóm thôn lạnh vắng, mặt lộ trải dài hun hút về phía trước như đường về địa ngục.

Không một bóng xe, dù là những chiếc xe ngược chiều, không thể chất đầy hơn người và vật dụng, đã quen thuộc đến nhàm chán.

Qua khỏi Vĩnh Ðiện, mới bắt đầu thấy bóng dáng sự sống, dù chỉ những đoàn dân chúng bồng bế , giắt dìu nhau chạy giặc. Xen lẫn giữa đám đàn bà, con trẻ cùng ông gìa, bà lão là đủ loại lính, quần áo tả tơi, súng đạn lếch thếch. Kẻ đi chân đất. Người vỏn vẹn một manh áo trận, một chiếc quần xà lỏn. Biệt Ðộng Quân anh hùng mũ nâu- Ðịa Phương Quân chiến sĩ nông thôn- hay Cảnh sát bạn dân, lúc này cũng chỉ hiện thân những con người trốc chết, rủ mỏi, dại khờ hoảng kinh.

Từ ngã ba Hương An, hàng trăm binh sĩ đang tụ tập, ngóng đợi tin tức. Một chiếc xe jeep dân sự sơn trắng của một toán phóng viên truyền hình Mỹ vừa trở đầu ngược về Ðà Nẵng. Phóng nhìn về hướng nam, hàng trăm dân lánh cư cùng đám binh sĩ thất lạc đơn vị vẫn lũ lượt rời bỏ vùng lửa đạn.

Dừng xe tại trạm kiển soát đầu cầu, một sĩ quan thuộc tiểu khu Quảng Tín cho biết Trung Ðoàn 56 còn đóng tại Hà Lam (cách Hương An 6 cây số). 

Cối địch bỗng rải đầy hai lề đường khi chúng tôi qua khỏi Hương An chừng một cây số. Ðám dân chạy giặc vội hốt hoảng phóng xuống ruộng, run rẩy men theo lề Quốc Lộ ngược về hướng bắc. Tiếng kêu khóc, than kể vang lên, xen lẫn trong những tiếng xoáy rít ớn lạnh và tiếng oà vỡ kinh hoàng của những đầu đạn vòng cầu. Ðôi lúc những những mảnh đạn bốc theo đất bụi, phủ chụp lên mũi xe. Tuy nhiên, tôi cương quyết tiếp tục cuộc phiêu lưu. Có một chút rồ dại nào trong quyết định đó, tôi hiểu.

Tiến thêm về phía Nam được khoảng hai cây số, một chiếc xe jeep mang dấu hiệu Sư Ðoàn III chạy ngược chiều, xua tay ra dấu cho chúng tôi quay trở lại. Trưởng xe là Trung tá D. thuộc trung đoàn 56.

- Tụi nó mặc gỉa lính mình, mới bắn moa xong, Trung tá D. nói lớn. Quay lại đi.

Giữa lúc đó hai quả cối nổ ngay trên mặt đường cách mũi xe chừng 50 thước, mảnh đạn rải quanh chúng tôi như mưa rào. Trung tá D. vội tống ga chạy thẳng. Một cuộn khói xámđục khác lại vừa bùng nổ ở một bờ tre trên lề đường. Một nhóm binh sĩ từ dưới ruộng phóng lên nhào về phía xe tôi. Chú tài xế vội bẻ hết tay lái, quay ngược đầu xe về hướng Hương An. Thêm nhiều tiếng nổ muốn xé rách màn nhĩ tôi cùng lúc với tiếng rú thảm thiết của một nạn nhân nào đó. Ngoái nhìn lại, một thây người đẫm máu đang rẫy rụa, lăn lộn trên mặt đường. Và ở phía sau xe, bốn năm binh sĩ đang lóng cóng tìm cách đu lên. 

Chẳng biết cách nào khác hơn, khi trở lại Hương An, tôi cho lệnh ghé qua Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 2, Trung tá Tấn, Trung đoàn phó, cũng là người Tiểu Ðoàn trưởng duy nhất của Trung đoàn 2 đã dẫn đơn vị về tới Việt Nam sau trận Hạ Lào, đón tôi với nụ cười cay đăng quen thuộc:

- Mày biết sao không? Tấn nói. Chỉ có hai đại đội du kích huyện Thăng bình và hai chiếc Tăng pháo lạc đường, Vậy mà cũng mất Quảng Tín,

Tôi nhìn Tấn ái ngại: Kontum, Pleiku, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi mất khi chưa có bóng dáng một người lính Cộng Sản. Hai đại đội, dù Du kích huyện đội, đã quá nhiều cho Quảng Tín. Nhưng dĩ nhiên không chỉ riêng mình Tấn phẩn nộ. Hàng trăm ngàn người khác đã và sẽ có những phẫn nộ tương tự. Vì chưa ai muốn chấp nhận thua cuộc. Vì ai cũng đã dầy công hãm mã cho cuộc chiến mệnh danh bảo vệ Miền Nam Tự Do. Nhưng thực chất...

Giữa lúc đó, Ðại tá Xuân, từ phía xa đi lại. Thấy tôi, ông ta vội rẽ sang hướng khác. Tấn nhìn theo, chép miệng:

- Bây giờ thì thằng nào cũng mọp xuống như chó bị đòn. Cứ tình hình này, chẳng biết tới đâu...Vấn đề quan hệ nhất là tinh thần. Nhưng...mẹ kiếp !

Tôi nhìn về hướng Quảng Tín, đang rung chuyển dưới bom pháo. Bờ mắt cợm nhức khi phóng tầm mắt dài theo con hương lộ xoáy trúng ổ gà về hưóng tây. Bỗng dưng, tôi nhớ đến tô mì Quảng chợ Ðàn. Ông lão 70 với gánh củi độ nhật dưới cái nắng Hạ gay gắt. 

Bà lão 80, gù lưng trên mặt cát sỏi mót những rễ khoai không lớn hơn ngón tay cái. Những đứa trẻ gầy còm, đỏ nắng trong khu tái định cư Quế Sơn. Bây giờ họ ở đâu? tôi nhớ đến những chuyến bay dài mệt nhọc, não buồn của mùa hè 74, những sáng mưa pháo Ðức Dục nhìn về phía Nông Sơn. Những chiều Ðại Lộc nhớ tiếc Thường Ðức. Mới 5 tháng qua bao thay đổi. Không chỉ những phố chợ, hay quận lỵ bị lấn chiếm, mà từng tỉnh, từng miền "tái phối trí". -"ta đang dồn địch vào những cái túi, chờ cột lại", Võ Nguyên Giáp, đã tuyên bố như thế, trong trận Hạ Lào. Hầu hết các tỉnh lỵ, và ngay thủ đô Sàigòn, cũng đang là những cái túi chờ ngày cột miệng. Ngày nào...?

Tấn cười chua lạnh tiếp:

- Mấy ngày nay moa lẩm cẩm như một ông già. Ðêm nằm một mình lan man nghĩ lại từng trận đánh lớn nhỏ, từ ngày trên cổ còn vàng choé nước mạ cặp lon Chuẩn úy. Biết bao nhiêu thằng bạn, bao nhiêu thuộc hạ của mình đã thương vong, bị ném trả về gia đình với tấm thân tàn phế...Ai ngờ mười lăm năm mồ hôi, xương máu để có ngày này...

Chiều xuống thấp dần. Dàn pháo trí trên phi trường vẫn tiếp tục nã đạn vào Quảng Tín.  Những đỉnh núi mờ xa đã trắng lạnh khói sương. Buổi chiều thất trận nào cũng buồn và ảm đạm.

- Ở đây với tao đêm nay, Vũ - Tấn lưu luyến cầm giữ khi tôi ngỏ ý định trở lại Ðà Nẵng.

- Kẹt. Có hẹn gọi điện thoại cho gia đình

Tấn thở dài. Tôi cố tạo cho mình giọng bỡn cợt :

- Ở đây một đêm rủi cắt đường về thì sao. Ôi ! cái thằng ta có chết đi chẳng quan hệ. Nhưng chiếc jeep của quân đội, của chính phủ qúi hơn. Bạn đồng ý ?

Tắm rửa cơm nước xong đã gần 10 giờ đêm. Tôi sang An Hải thăm gia đình. Một người bạn cùng đơn vị cũ đã hứa dành cho tôi 6 chỗ trên chiếc tàu sẽ chở toán hậu trạm của Sư Ðoàn Dù từ Ðà Nẵng về Sàigòn, theo dự định sẽ nhổ neo vài ngày tới. Sáu chỗ cho hơn 100 người giả trẻ- nhưng khả năng tôi chỉ có thế, biết sao hơn ? Hy vọng các anh tôi tại ngủ, sẽ tìm được phương tiện riêng. Ghé qua bến tàu Ðà Nẵng, đón Lưu, một nhân viên cũ ngày còn ở Pháo Dù. Mọi người đang tụ họp trong nhà bác Tư tôi, bàn bạc việc di tản vào Sàigòn. Vali, hòm xiểng đã chuẩn bị sẵng sàng.

Tôi báo tin xin được 6 chỗ, dự định dành cho vợ chồng bác Tư, người con trai út của bác, hai bà bác dâu khác, và anh Ngọc, người anh họ, giáo sư Phan Chu Trinh Ðà Nẵng.  Lưu sẽ có nhiệm vụ thông báo khi tàu cập bến và lo lắng cho mọi người.  Cả nhà bà bác dâu tôi đều mếu máo đòi ở lại, đi chung với các con, các cháu.

- Mang nhau vào đây, tới ngần này tuổi, bỏ chúng nó mà đi sao được - Người bác dâu thứ tư vụng về chấm nước mắt nói - Ðể bác trai với thằng Oanh đi trước. bác Tư tôi cười nhợt nhạt, lạnh buồn:

- Ai ngờ 20 năm còn phải di cư thêm một lần nữa. Tôi cúi đầu im lặng, nhờ anh Ngọc ghi tên tuổi và số thẻ căn cước mọi người. Rồi để tránh cảnh tượng buồn thảm và cũng cần gởi bài về Sàigòn, tôi đứng dậy cáo từ về khách sạn.

Gần nửa đêm, giữa lúc tôi đang viết những dòng cuối của bài phóng sự, tiếng đập cửa bỗng vang lên thúc bách. Một toán lính đồ rằn đứng lố nhố trước hàng hiên khách sạn. 
Chúng thuộc đám tàn quân đầu tiên vừa từ Huế kéo về, hay một toán Biệt Ðộng Ðội Cộng sản ? Quản lý và bồi phòng tái xanh khiếp đảm, vội chui vào phòng riêng, khóa cửa thật kỹ.  Bọn lính chửi thề tục chưởi, xô đạp cửa sắt, gây náo động trọn khu phố, kông kênh nhau leo lên ống máng lên lầu.

Dưới áp lực của súng đạn , quản lý phải đưa chúng đi khám xét từng phòng. Ðàn bà, con gái, ngoại trừ những bà già, dĩ nhiên, được chúng lùa vào những phòng trống, bất kể gái ăn sương, hay dân tị nạn. Tội nghiệp nhất là một gia đình Huế, đang chờ phương tiện vào Sàigòn, Người con dâu và hai cô con gái đã bị chúng luân phiên hãm hiếp suốt đêm.  Bao nhiêu vốn liếng mang theo cũng bị lũ qủi dữ vét sạch.

Gần sáng chúng mới bỏ đi. Khách sạn như qua cơn ác mộng. Ngồi trước những trang giấy trắng, lòng tôi chừng sát muối. Những ngày giờ ngột ngạt kinh hoàng của Huế trong dịp Mậu Thân 68, rồi mùa Hè 72, với những cảnh cướp bóc, hãm hiếp cũng do chính những tên bại binh đốn mạt tương tự khiến tôi rùng mình hoảng kinh. Ở một thoáng sát-na tâm động, qủa thực chẳng còn một phép lạ nào cho Ðà Nẵng. Bọn tàn binh kia khi nghe tiếng pháo đã run rẫy hãi kinh, cắm đầu trốn chạy. Nhưng ở đây, lúc này, đã và đang biến thành những kẻ cướp có vũ khí của chính phủ, ra sức phá vỡ những ảo tưởng cuối cùng về Tự Do, và hy vọng được che chở, bảo vệ mà hàng triệu người dân giới tuyến mong đợi. Những con chiên ghẻ "Cọp biển", "Cọp rừng"- từng được ngợi ca không tiếc lời trên báo chí, trên các hệ thống truyền hình, truyền thanh bao năm qua- đang mang theo với chúng về thành phố sự hung bạo khởi sinh từ một mặc cảm hèn nhát, bại trận. Can nguyên sát nhân, trộm cướp của những bản án trong dĩ vãng- dưới lớp áo trận, và bên ngoài vòng thành tù ngục mà chúng mới được tạm phóng thích để bổ sung quân số - đã đưọc hồi sinh. Nên sẽ không chỉ có ba người con gái Huế bị hãm hiếp đêm nay. Không phải chỉ dăm bảy người bị lột đồng hồ tay, nhẫn cuới cùng tiền bạc. Sẽ còn nhiều thảm cảnh khác nữa cho trọn nghĩa đau thương, khổ nhục một đời da vàng, trong cuộc chơi tàn nhẫn của những gã phù thủy không tim.

Nguyên Vũ
(trích bút ký Xuân Buồn Thảm)