Ngu Si
Lê Thị Bạch Nga


Chúng tôi có năm chị em gái, đứa nào xem ra cũng cò vẻ đẹp đẽ thông minh, trí tuệ hơn người, mà thật ngu không có chỗ chê. Cái ngu này sửa không được, bởi vì nó đeo chúng tôi từ vô thỉ vô chung, từ thuở khai thiên lập địa, đời này tiếp nối đời khác, ló mặt sinh ra trên cõi đời này là ngu rồi ! Hồi cha tôi bằng tuổi con tôi bây giờ, thi đậu"Diplôme" xong là được bổ đi làm lục sự ở tòa án Thừa Thiên Huế liền tức khắc. Hồi đó trong làng đâu chỉ vài ông tú, một ông cử về hán học, còn về tây học , lứa cha tôi hồi đó chỉ có vài ba người. Trời ơi thật là "le"ta ! Cho nên khi đem cau trầu đi hỏi vợ, bà ngoại tôi chịu gã mẹ tôi liền, dù rằng mẹ tôi lúc đó còn nhiều người gấm ghé nữa...

Nhưng sau hơn mười năm lăn lộn trong nghề, soạn hằng vạn hằng ngàn vụ án ở tòa... ba tôi xin nghỉ việc, bỏ ra làm thương mãi, cùng mẹ tôi buôn bán, nuôi đàn con ăn học, khôn lớn nên người.

Sau này trong những khi rỗi rãi, ngồi kể chuyện đời cho chúng tôi nghe, ba tôi thường tỏ ý xót thương cho thành phần nghèo khó, không được học hành, chịu cảnh cường hào ác bá, trên đe dưới búa, vì không học cho nên mới bị hà hiếp lừa đảo, áp chế, bị cầm đầu, xỏ mũi, phải sống đời tối tăm. Ba tôi thương xót mà không làm gì được. đâm chán bỏ ra thương trường.

Thật ra, đó chính là những năm quyết định nhân sinh quan của thân phụ tôi. Cha mẹ dù sinh ra một hơi cả đàn năm đứa con gái, cũng không vì câu " nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" mà bỏ bê, hất hủi chúng tôi, trái lại, nhất định nuôi chúng tôi ăn học lên đến  đại học, học cho nên người, học cho hết ngu si...

Ông cụ chẳng bao giờ giải thích cho chúng tôi biết ngu si là gì, tại sao, vì đâu mà có ngu si ! Ông chỉ thấy rõ bằng kinh nghiệm bản thân, với chuyện đời xảy ra trước mắt, xung quanh mình, trong suốt cuộc đời ông...và tuyên bố ngu si là khổ, ngu dốt thì bị đè ép, vì ngu dốt mới bị hà hiếp, bị đè đầu đè cổ, bị đô hộ, khống chế...và ông nhất định hành động giúp cho đời con cháu mình, thế hệ sau mình hết ngu si. Ông lấy quyền làm cha ra lệnh cho chúng tôi, các con không được ngu si, ngu si là khổ, khổ lắm.

Than ôi, đến mãi hôm nay, tuổi đời đã non nửa, tóc trên đầu chỗ trắng chỗ đen, còn người cha yêu qúi năm xưa, nay đã ra người thiên cổ...mà tôi nhìn lại tôi, thấy ngu vẫn hoàn ngu. Và còn thấm thía, thấy rõ rệt rằng ngu là khổ, khổ lắm ! đúng y như lời ba tôi phán bảo ngày xưa.

Từ ngày được duyên may học Phật, tôi vừa bớt ngu mà vừa thấy ngu nhiều hơn, tại  sao vậy ?? Tại vì nhờ học Phật học, nghe kinh, nghe các thầy giảng dạy mà vỡ lẽ ra rằng có nhiều chữ đồng nghĩa với chữ ngu si trên cõi đời này, ví dụ chữ vô minh.

Vô minh là không sáng, là mờ mịt, là u mê, là không tỉnh giác, là mất chính niệm, là tối tăm, là ngu độn, là sai lầm, cái này mà tưởng cái kia, là cứng đầu : tin rằng vô thường mà nghĩ là thường hằng, muôn năm bất biến...

Cứ vậy, cuộc đời mãi mãi lăn trôi trong vòng sinh tử 6 đường...chỉ vì không thoát ra được ngu si.  

Nhưng tại sao lại thấy vừa bớt ngu mà lại ngu nhiều hơn ?!? Câu nói này có vẽ không đầu không đuôi, hậu tiền bất nhất Thật ra chữ ngu thứ hai là ngu si đối đãi với trí tuệ. Các thầy dạy rằng có trí tuệ thì hết ngu si. Phật vì có trí tuệ nên được giải thoát, dứt lìa sinh tử còn mình (là kẻ phàm nhân) vì không có trí tuệ (như Phật) nên mới làm người trôi nổi trong 6 đường , 3 cõi...Tôi nhìn chữ Trí Tuệ hiện ra to tổ bố trước mặt...lòng tham nổi dậy ! Chứ  sao ! Phật cũng là người như chúng sanh, sinh ra lớn lên cho đến ngày...Nhưng Phật có trí tuệ, sau khi quán xét thế gian, biết mọi sự có hình tướng đều là vô thường, có sanh có diệt, có đó rồi mất, nên Phật thành bậc đại giác, đại trí tuệ, đại giải thoát...Tôi học như vẹt cắm đầu cắm cổ mà học, mà nhồi vào óc những lời giáo hóa sâu xa, khó hiểu của bậc đại sư, tôn sư và mơ màng, tưởng mình cũng sắp thành Phật tới nơi...tôi nhắm mắt, mở mắt cũng chỉ thấy chữ Trí Tuệ mạ vàng sáng rực mà Quên mất chữ Vô Minh. Thật ra Vô Minh nó nằm ràng ràng bên chữ Trí Tuệ, như cái bóng với hình. Vô minh nằm đâu là Trí Tuệ có đó, vậy mà tôi chỉ thấy cái này, quên cái kia, có thấy cũng ráng quên. Vô Minh là không sáng, không sáng thì tối tăm. Vì tối tăm nên đi đâu vấp đó, bước đâu ngã đó, làm gì hư đó, sống gặp khổ não hoài... Không phải NGU tận mạng là gì???

Vậy là bỗng dưng, khi sanh ra đời tôi chỉ có NGU SI, mà với thời gian tôi lại mang thêm cái THAM., càng lớn càng tham, xem nhé ! Nhỏ thì tham hơn chị hơn em, lớn thì tham hơn bạn hơn bè, ra đời thì tham của cải danh vọng, ăn trên ngồi trước người ta, già thì tham sống lâu, tham khỏe mãi, đẹp mãi như tuồi 20, tu thì tham thành Phật, chết thì tham phút trước phút sau Phật hiện ra rước về ở chung nơi an lạc quốc, toàn những cái tham vô phương cứu chữa, hết nói...Ngồi mà quán xét sâu xa, tỉnh tỉnh lặng lặng mà nhìn lại cho rõ, cho tận tường, cái THAM này nó không lộ liễu như cái Ngu Si, trái lại nó trầm trầm, khi ẩn khi hiện, nhưng nó có thể theo tôi đến tận cuối đời, cho đến lúc hết hơi thở, buông tay, ngoài ra nó còn có thể dắt tôi đi vào đời khác, trôi lăn hoài vào trong lục đạo như dắt người mù đi chơi.

Miệng tôi nói thì ngon lành, phân tích đâu ra đó, nhưng nếu ai chỉ thẳng mặt tôi mà  mắng rằng : - Thì ra bà này tham thiệt, tham hết cở, tham không có chỗ chê...sức bà mấy hơi đâu mà đòi tu, ăn chay một ngày không nổi còn đòi...gì gì mà bất lập văn tự, một niệm kiến tánh thành Phật vv và vv...

Thì chắc là tôi phát giận run lên, cố tìm tất cả những danh từ cao siêu trong nhà thiền  vừa học được ra mà cải cho tới nơi...cải không nổi thì từ mặt không thèm lui tới thăm viêng vài ba năm...cho bỏ ghét..cho hả giận. Vậy là vừa NGU vừa THAM, tôi lại nổi SÂN ! đủ bộ "làm người" luân hồi sinh tử cứ vậy mà đi, chuyện này qua chuyện khác, đời này qua đời khác..đi mê man, đi dài dài...gốc cũng tại NGU SI !

Năm nay con tôi sửa soạn vào đại học, nhớ đến chữ Ngu Si, nhớ đến cuộc đời "làm mà chẳng nói" của người cha yêu qúi năm nào, tôi nhẩn nha tâm sự với con tôi:

- Con ráng học cho thành người, cho hết ngu si nhé con, cho mẹ vui...vì mẹ biết ngu si là khổ lắm, vì ngu cho nên cứ trôi lăn...

Tôi nói thành tâm, đứng đắn, nói với cả tấm lòng thương yêu thành thật...nhưng có lẽ  biện tài của tôi chưa đủ :"dose"(phân lượng) hay là tại lời tôi đưa ra không hợp khế hợp cơ hợp người hợp cảnh...Con tôi đang bù đầu với mấy phương trình hóa học hắc búa, mò cả buổi chiều không ra đáp số, đâm tức ngang hông, nổi cáu với mẹ:

- Ngu sao nổi mà ngu ! Mẹ thiệt ! Hồi xưa ông ngoại bắt mẹ học cho hết ngu chứ bây giờ, thời buổi này, ở xứ Canada này, mẹ không cho con đi học là police đến nhà hỏi tại sao liền ! Chính phủ Canada đưa mẹ ra tòa liền !

Nó thở dài:

- Con đâu muốn học mà cứ phải học, khổ muốn chết !

Thấy tôi ngơ ngẩn, xìu như lốp xe xì hơi. Con tôi áy náy hạ giọng an ủi:

- Nhưng mẹ yên tâm, thế nào con cũng học cho nên người, cho mẹ vui, con cũng phải học cho con nữa chứ, không học thì ngu, ngu khổ lắm, kiếm tiền không ra, chết đói nhăn răng, lại bị đè ép khinh bỉ...

Hai mẹ con tôi trao đổi trong hai phút ngắn ngủi phù du, chỉ có mấy lời mà con tôi đã trải qua những cảm giác Sân (vì mẹ cho mình ngu, bắt mình học) Tham (vì lập tâm quyết chí học cho hết ngu) và Si (vì con tôi nói hết ngu mà vẫn ngu).

Cái ngu của con tôi là nó không biết, chưa biềt đến cái chữ Trí Tuệ, hay nó có biết mà nó không phân biệt được cái trí tuệ thế gian và trí tuệ bát nhã của những người học Phật. Có ai đem thâm thắc mắc hỏi tôi thêm câu nữa :

- Bà học Phật, bà biết trí tuệ bát nhã, trí tuệ thế gian...đủ thứ, vậy mà bà ngu hay  không ?...

Thì tôi cũng đành lắc đầu , mượn lời của thầy tôi dạy mà trả lời :

* Khi chưa học Phật tôi thấy tôi ngu, ngu thiệt là ngu, vì ngu cho nên mới phiền não, khổ sở, than thân trách phận oán trời oán đất, đổ thừa cho cái số...

* Khi học Phật được chút chút tôi thấy ngu này không phải là ngu thiệt

* Khi học Phật được sâu sâu chút nữa, tôi thấy tôi ngu vẫn hoàn ngu.

Cái ngu này là ngu về trí tuệ bát nhã, vì ngu vẫn hoàn ngu nên tôi vẫn học hoài, hành hoài, áp dụng vào đời sống hoài mỗi ngày những gì tôi học được trong Phật pháp... học hoài vẫn còn ngu... nghe đến đây chắc ai cũng buồn cười:

- Ngu hoài vậy mà học làm gì cho mệt thân nhỉ...ngu quá là ngu ! Phần thắc mắc đúng lý này tôi xin hẹn lại hạ hồi phân giải...thật ra, phân giải cũng bằng thừa...Sức như tôi,  thầy dạy tới đây thì chỉ biết lắc đầu...cái đó bất khả tư nghì, ai uống nước vào miệng, nóng lạnh tự biết, ai ăn cơm vào bụng, người đó no...tôi ngu dốt, chịu thua !

Lê Thị Bạch Nga
(Ðạo Và Ðời)