Những Người Bên Tôi Thời Thư Sinh
H. Anh


Tôi vốn là người khép kín, thiếu cởi mở, lười và nhát gan. Chính vì thế tôi thuộc thành phần nghèo nàn, ngay đến những kỷ niệm riêng tư. Do đó, có được chút mến yêu, hờn ghét nào thì tôi cất giữ bo bo trong lòng. Nhưng gần đây, tôi chợt nghiệm ra kỷ niệm không phải là một lớp bụi, theo chân năm tháng đóng dày trên nhan sắc, trên tâm hồn.  Kỷ niệm chỉ là một màn thủy tinh trong suốt, có tính đàn hồi vừa nuôi dưỡng vừa cầm chân sự tàn lụn của tâm hồn. Lâu lâu, ta có thể nhẹ tay bóc ra xem, thả ra, tự động trở về vị trí cũ.

Nhân vừa tình cờ đọc được một ít tâm tình của một số bạn đã được quen biết lẫn chưa quen biết trên vài trang nhà dựng lại những cổng trường xưa , mở về những lớp học cũ , tôi gắng thử làm một việc hơi quá sức mình: nhớ và viết. 

Nhớ, không khó. Nhưng viết quả chẳng dễ dàng, dù tôi đã có một dạo lăng nhăng với chữ nghĩa, với những tờ lá cải vô thưởng vô phạt.

Cách đây trên 30 năm, tôi là một nữ sinh của trường Trung học Phan Châu Trinh Ðà Nẵng. Là con nhà thường dân, không khá giả, chen chân vào được một trường công lập có uy tín không phải là chuyện dễ dàng. Ðiều này, một phần nào đã xác định trình độ học hành của tôi thời bấy giờ. Nhưng tôi không là một học sinh giỏi. Suốt chiều dài 7 năm ở Phan Châu Trinh, tôi chưa được làm sơ mi một môn học nào. Ðó là khả năng học vấn của tôi. Còn về nhan sắc ?

Nhờ soi gương mỗi ngày, nên tôi biết, tôi không có khuôn mặt tròn đầy như người em gái chị Thúy Kiều. Tôi cũng không khiêm nhường như người tình của ông Chí Phèo. Với người Việt Nam, định gía nhan sắc, thường dành khoảng 70 phần trăm cho khuôn mặt. Tôi, thời bấy giờ như một cô gái lai Ấn Ðộ. Mũi thẳng, kín. Lông mi dài, cong. Lông mày đen, đều. Mái tóc biết vẫy gọi. Bàn tay biết nói. Và làn môi biết nhận. Cùng nước da buồn-quân. (nhưng không phản ánh đúng vế sau của cặp tục ngữ - nước da buồn quân, cởi quần không kịp - ). Tôi tìm thấy tôi trên những họa phẩm xa xưa của Lê Trung. Tôi tìm thấy tôi dưới những ngọn cọ của những Nguyễn Trung, Nghiêu Ðề, Ðinh Cường... Nhan sắc tôi là khuôn mặt của Nghệ Thuật, của Mỹ Thuật, đương nhiên phải lấn hơn những Thu..., những Qúi... những Thạch...những Lâm...những Bích...những...Quỳnh....những...nhiều lắm của Ðà Nẵng thời cực thịnh an bình thập niên 60.

Rất có thể vì nhan sắt chưa khoe khoang đúng mức trên, mà tôi có thêm một cái nghèo nữa: Tôi chẳng có được bao nhiêu bạn vàng (bạn vàng giờ đã nghe ai, gặp ta nghiêng nón ghé vai không chào). Người bạn duy nhất tôi chơi thân là Hh. Ngoài những giờ gặp nhau ở lớp. Tôi thường có mặt ở nhà Hh hình như mỗi ngày. Nhà của Hh nằm trên một con đường khá vắng. Hh là một cô gái đẹp. Một mẫu trung trực Mona Lisa của danh họa Léo- nard de Vinci, mủm mỉm. Hh có một người anh, cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai và vui tính. Anh của Hh, không học chung trường với chúng tôi. Nhìn bề ngoài, chắc nhiều người lầm tưởng tôi là người tình của Hg, anh Hh. Thú thật, cũng có lắm lúc tôi nghĩ ngợi vẩn vơ về người con trai hiền lành này. Và cũng có thể một đôi khi anh ta tơ tưởng đến tôi. Nhưng chúng tôi chẳng là gì của nhau cả. Tào lao chi sự mỗi ngày chỉ vòng vòng trong các quyển  sách , quyển vở, cái bảng đen đến cục phấn trắng tinh khôi, giản dị thế thôi. Ngoài ba chúng tôi, một khuôn mặt thư-sinh-người-dưng khác, cũng hiện diện đều đặn mỗi ngày ở nhà Hh. Anh chàng không ngồi chung lớp với ai trong chúng tôi. Sự hiện diện tưởng như lố bịch của anh ta, tưởng sẽ gây khó chịu cho gia đình Hh. Nhưng không. Tôi nhận thấy, bà mẹ khó tính của Hh rất tử tế với Ng, tên người bạn tình cờ của anh Hh. 

Ng, là một mẫu người dễ thu phục được cảm tình của những người chung quanh. Với  nhan sắc chợt lộng lẫy, chợt bình thường tùy theo mỗi góc độ. Nét cao ngạo và tính khiêm nhường của Ng, phát tiết một cách điều hòa và rất thích hợp. Tôi trở thành bạn xã giao của Ng một cách dễ dàng, vui vẻ. 

Sợi giây nối giữa Hh và Ng dẫu khéo giấu đến đâu, tôi cũng nhìn ra. Là bạn thân nhưng chúng tôi không thật với nhau ở điểm này. Về sau, tôi mới biết hai người bạn dễ thương này của tôi, luôn luôn nằm ở điểm khởi đầu. Cả hai cùng chuẩn bị, nhưng không ai chủ động  mở lối. Nằm giữa họ là những vần điệu đã được cầu chứng hẳn hoi tại một vài tờ tuần báo,  nguyệt san xa tít ở Sài gòn. 

Một ngày nọ, chắc chắn là lần đầu tiên Ng rũ Hh đi xem một ca sĩ Việt Nam thành danh tại Pháp về trình tại Ðà Nẵng, không rõ vì lý do gì Hh nhanh nhẹn, từ chối. Ng, như mất thăng bằng, chuyển lời mời lấy lệ về phía tôi. Rắn mắt, tôi nhân lời và thực hiện. Từ cuộc nghe ca nhạc vài giờ đó, tôi và Ng, hình như mở ra một quan hệ mới, không rõ rệt.  Tôi vui chân ghé nhà Ng trong mươi phút, rồi Ng cũng vui chân trả lễ. Thật không ngờ,  Hh lại đến nhà tôi, ngay trong lúc Ng ngồi khen cái bàn, sờ cái ghế một cách vô tư. Nhìn  thấy xe đạp của Ng, dựng trong hành lang nhà tôi. Hh ngồi trên yên xe, trước cửa ngõ đóng hờ, gọi tôi. Rất vụng về, tôi nín thinh và bảo Ng ra tiếp Hh. Một thoáng lưỡng lự, Ng ra cổng cười chào Hh. Chẳng hiểu hai bạn tôi nói gì với nhau. Hh vội vã quay xe, không gởi với cho tôi một tiếng chào nào. Những ngày kế tiếp, tôi có ý chờ đợi một cái gì mới mẻ trong đời mình sẽ xảy ra. Nhưng thật bất ngờ Ng, mang đến giới thiệu với tôi một khuôn mặt văn nghệ mới, bạn anh. Người anh cho tôi biết rất si tình tôi. Vì si tình nên đã dùng âm của mấy tiếng "J'aime H." để làm bút hiệu.


Tôi là nhan sắc của nghệ thuật , Ng từng cho tôi biết như vậy, Anh không xác nhận anh là một người làm nghệ thuật. Anh chỉ tham dự cuộc chơi này trong những tùy hứng tình cờ và giữ vững nguyên tắc như thế. Tôi chưa hề có anh, nhưng rõ ràng đã mất. Anh chẳng có tôi đâu, nhưng đã nhờ tôi để tồn tại với thời gian. Thật là rối rắm.  Như Thúy Kiều, vận vào mình cái hồng nhan, tôi vận vào "cái nhan sắc của nghệ thuật" để có một chút gì đó với J'aime H. Rồi với một kịch sĩ tài tử học trò về sau và điểm dừng  cuối cùng của tôi vẫn ở trên lưng nghệ thuật. Tiết thay thiếu may mắn, và cự kỳ bất hạnh.

Những người bạn, người..."tình" của tôi trong thời thư sinh mỏng mảnh, chập chờn như thế, còn qúi vị cô thầy của tôi tại Phan Châu Trinh lộng lẫy ra sao ? Trước nhất xin trải nơi đây lời cảm ơn chân thành nhất của tôi, mời qúi cô thầy không từ chối sự biết ơn này. 

Ðiểm về những nét tuyệt hảo của mỗi cá nhân cô, thầy, hình như đã có nhiều anh chị cựu học sinh khác thực hiện rồi, tôi khó lòng lặp lại một cách hồng hào toàn bích hơn. Những nhắc nhở dưới đây như những tiếng cười, thầy trò giúp nhau có thêm vài giây trẻ ra chút đỉnh mà thôi, tuyệt nhiên không có dụng ý gì khác.


Với Phan Châu Trinh, tôi có mộ cô giáo đẹp lắm. Người cô mảnh khảnh , một vóc dáng rất thích hợp với những người biểu diễn thời trang âu mỹ, ngay trong thời điểm  2001 này. Cô luôn luôn tha thướt gói thân ngà ngọc trong lớp áo dài, quần mỏng, trinh trắng. Mỗi nhịp chân của cô là một nguồn hơi thở nồng nàn. Mặt bàn, mặt ghế, mặt bảng đen, vách tường, hàng cây... tất cả chợt sáng lên khi cô đến gần, Và như thế một đàn anh, nam sinh của trường tôi, chợt một ngày bị kỷ luật từ một buổi cắm trại. Kỷ niệm riêng,có vui, có buồn đó của anh, cũng là một kỷ niệm chung một thời của trường. Chung , riêng  vốn chỉ là hai từ ngữ.

Tôi cũng có một thầy giáo trẻ.Không cao lắm, nhưng đẹp trai, Thầy giảng bài rất có duyên. Nghe đâu thầy còn sinh hoạt văn học nghệ thuật. Tôi tôi tin chắc trong đám bạn của tôi có nhiều ả tơ tưởng một cách bình thường, tự nhiên. Thầy có một thói quen rất "ngộ": trong mọi bài giảng, gần như lần nào thầy cũng xài mấy tiếng "matière refoulement" một cách trơn tru, thông thái, Chính vì thế đám nam sinh đã không ngần ngại dùng hai chữ này để đặt phụ đề cho tên gọi của thầy, khi thầm thì tán dốc với nhau.

Một ông thầy khác, hình như không viết lách gì, nhưng là một người nghiện nặng văn chương. Một bạn cựu học sinh khác đã từng nhận xét, chỉ một câu, ông có thể tán rộng cả giờ. Ðại khái như câu :"...ngõ thăm thẳm xuyên vào ruột hai hàng tre xanh..." Mấy chữ "Xuyên vào ruột" gãi đúng chỗ ngứa của thầy. Tuyệt quá, Một hình ảnh biết cử động...Một quan sát nhạy bén... vân vân và v. v. 

Cứ thế, giờ học của thầy là những giờ phong phú hình ảnh quê hương nhất. Thầy  giảng bài mê mãi có khi quên cả đám học trò, đang lặng lẽ ngồi ở dưới. Có đứa ngủ gục, có đứa thì thầm, có đứa vẽ hoạt họa từng cử chỉ của ông thầy đang lún trong ngôn từ văn hoa.

Tôi qúi và kính người thầy này suốt đời, Nhờ ông, tôi biết chú tâm mỗi khi đọc.  Và nhờ ông tôi rất cẩn trọng khi chọn một chữ, nhất là chữ đó dùng để mô tả một sự việc.  Tiếc rằng tôi có bệnh ưa rườm rà, không tròn trịa, gọn nhẹ trong mỗi một câu viết, ngay trong bài viết về một chút ít kỷ niệm này, tôi cũng quá hoa như các bạn đang đọc. Buồn năm phút.

H.Anh