Bằng Hữu Một Thời
Lê Văn Phương

 

 

       Rạng sáng thứ bảy ngày 23 tháng 3 năm 2002, tôi nhận được một cú điện thoại từ Canada gọi về. Người ở đầu giây xứ tuyết vừa nói : Phương, mày đó hả là tôi  nhận ra ngay giọng một thằng bạn đã không gặp nhau hơn 27 năm. Bạn tôi có một giọng nói khá đặc biệt, tôi chỉ cảm biết vậy, nhưng không diễn tả được.

        Chuyện của những người bạn cũ, lâu ngày nói với nhau, dĩ nhiên rất nhiều và khá lộn xộn. Có lúc gần như cả hai thằng đều tranh nhau hỏi han, kể lễ. Khi cuộc điệm đàm chấm dứt, tôi lại bàn viết, uống một tách trà, do một người cháu cũng vừa pha sẵn. Gọi là bàn viết, nhưng tôi chẳng viết gì nhiều, ngoài việc ngồi duyệt lại các hóa đơn và ký tên vào một số giấy tờ linh tinh, cần thiết. Tôi đã là một người của ngành thương mại tư nhân từ mấy năm nay.

        Khói trà hình như đã dẫn hơi thở tôi thông suốt nhẹ nhàng hơn. Mùi hương sớm mai của Sài gòn hôm nay bỗng dưng như thơm hơn hôm qua rất nhiều. Tôi nhìn quanh, cố ý tìm kiếm một điều gì đó đang thay đổi, nhưng tuyệt nhiên không nhận ra. Mắt tôi chợt dừng lại trên mặt cái đồng hồ để bàn. Tôi không quan tâm đến những con số nằm vòng quanh đầu hai mũi kim. Tôi không để ý sự chuyển động của hai cây kim. Tôi nhìn mà không thấy ra giờ khắc lúc bấy giờ là bao nhiêu. Nhưng tôi chợt thấy lại cả một thời xa xưa. Câu chuyện với người bạn cũ  ở phương xa, đang dẫn tôi về một miền đất cũ với bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào.

        Ngoài chuyện thăm hỏi, tường thuật vắn tắc một đoạn đời, bạn tôi còn đề nghị tôi tham gia một việc. Chuyện bạn tôi đề nghị nằm ngoài khả năng của tôi.

        Viết, dù chỉ ghi lại những kỷ niệm  bằng những dòng vụn vặt cho chính mình đọc chơi, tôi cũng khó lòng làm nổi, huống chi thằng bạn tôi có ý đồ đưa lên một trang web nào đó, trong cái thú tiêu khiển mới của hắn.

        để dụ khị, bạn tôi không quên nhắc :

       - Viết về kỷ niệm, nhất là kỷ niệm học trò, không cần nhiều văn hoa, chỉ cần chân thành, vẽ lại được những hình ảnh cũ là ngon lành lắm rồi.

        Hắn còn bảo : 

       - Chỉ cần mày nhắc lại một số tên bạn bè với một ít nét đặc biệt ngày xưa của chúng là ok. 

        Bạn tôi quên rằng, chính hắn cũng chưa hoặc không làm nổi công việc này. Dĩ nhiên tôi đã từ chối không cần suy nghĩ, và bạn tôi cũng biết trước, việc hắn đề nghị không được đáp ứng.

        Thế nhưng, hôm nay xấp hóa đơn đặt hàng hình như mỏng đi. Những cái ngóay tay thuần thục của tôi chưa được thả xuống  mặt giấy thỏa mản lắm. Tôi thèm thấy viết vu vơ một cái gì đó. Và trong cơn mộng du bất ngờ, tôi viết một lá thư, sau trên hai mươi năm gần như quên mất chuyện viết thư.

                                 oOo

       Ch. thân,

        Không có chuyện thăm hỏi ở đây, vì bọn mình vừa nói chuyện với nhau. Chuyện mày đề nghị, tao đã từ chối. Nhưng không phải vì vậy mà tao yên tâm. Có một cái gì đó rất lạ cứ làm tao bùi ngùi. Cảm ơn mày đã tạo cho tao cơ hội, để thảnh thơi nhớ về một thời, không vàng son lắm, nhưng cũng rất bãnh, chữ của mày quen dùng.

         Tao đã chợt nhớ ra rất nhiều khuôn mặt, nhân dạng, một thời ở dưới mái trường trung học Phan Châu Trinh đà Nẵng. Nhớ thì nhớ vậy, nhưng vẽ lại từng thằng thì đành chịu. Mày có lý khi gợi ý : nêu lên những nét đặc biệt của mỗi đứa là dựng lại được một thời. Nhưng nét đặc biệt của từng nhân vật, được nhiều người từng biết đến và dễ nhớ ra nhất, chính là những nét ngộ nghĩnh, nếu không muốn nói, là những tật riêng của họ. đại khái như mày chẳng hạn. Hồi đó mày thuộc loại gầy yếu. Gía trị thẩm mỹ của mày tập trung ở khuôn mặt. Tao không làm bài luận tả người ở đây. Nhưng phải nhắc, ngoài mái tóc lộn xộn một cách nghệ thuật, mày còn có một đôi mắt thật lắm lời. Mày không dùng môi, lưỡi để nói nhiều (mày vốn ít nói), nhưng hình như mày dùng tầm nhìn để bày tỏ . Sự việc này tạo cho mày có một cái tật khá ngộ. Bình thường, miệng mắt mày không sao. Nhưng khi mày gặp một bóng hồng nào đó, hoặc mày phải ở trong tư thế chú tâm, yên lặng để chụp ảnh thì dứt khoát, mắt mày có vẽ lim dim, và môi dưới của mày hơi nghiêng về một bên, gần như... méo. đó là một cử chỉ... làm điệu, rất dễ nhận ra khi nhớ đến mày. Nếu không tin, mày có thể xem lại các ảnh cũ, biết chừng đâu những ảnh mới của mày cũng vậy.

       Bốc ra thêm một đứa nữa để dẫn chứng, ví dụ như thằng Phan Quảng. Tao không vẽ nó. Chỉ nhắc với mày, cái tật khó quên của nó. Khi nói chuyện, cứ vài chục phút, Quảng  làm động tác : kéo một bên cằm và hàm dưới  xuống, cùng lúc cánh vai bên đó nhún xuống một cái nhẹ nhàng, tự nhiên. Mày có nhớ cử chỉ đó của Phan Quảng không ? Nói chung, nhắc lại những cố tật của bạn bè cũ để gợi nhớ là chuyện tốt, nhưng có lẽ không nên, bởi rất dễ bị hiểu lầm.

       để chìu theo ý mày, tao  thử lên lại bảng danh sách liên lớp của bọn mình năm xưa. Tao cũng nói trước sở dĩ tao gọi là liên lớp, bởi vì có thể có những bạn không ngồi chung trong một phòng học với bọn mình, chỉ cùng thời và quen biết trong hành lang, trong sân trường. Tao cũng chọn năm đệ ngũ để làm chuẩn, vì năm này, bọn nam sinh được tách riêng, tạm hết bị những cõi âm ám một bên.

        Với bốn lớp đệ ngũ trong niên khóa 1957-1958, mỗi lớp tối thiểu 55 người, vị chi có đến 220 hảo hớn . Việc điểm danh bất đắc dĩ này, chỉ gọi tên một cách tượng trưng, tuy vậy vịnào còn có mặt đâu đó trên cõi sống, nhớ hô giùm một tiếng có. Tiếng có của những ngày xa xưa ấy. Chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ cùng nghe được. Vách lớp vời vợi cách xa  kia cũng nghe ra được. Dù những cái tên đậm đà Việt Nam, thời nào và ở mọi miền quê hương đều có sự trùng lặp. Nhưng chả sao, mỗi người sẽ nhận ra chính mình. Căn cước riêng ở đây là sợi giây tình cảm, khởi từ mái trường nối nhau trong đơn vị nhỏ : cùng một niên khóa.

       Cho phép tôi  được gọi  :

       Hoàng Trọng Biền(absent),Trần Ngọc Giao(absent), Trương Phương(absent),Lê Văn Nghĩa(absent)..., Châu Văn Chính, Châu Văn Tùng, Hoàng Trọng Bân, Huỳnh Viết Xê,

Huỳnh Văn Sỏ, Hứa Bút, Lê Cao Qúy, Lê đình đức, Lê Ngọc Châu, Lê Văn Phương, Lê Văn Quảng, Lê Viên Côn, Lý Năng để, Lý Trực Ninh, Mai Bá Trạc, Ngũ Hồ Hải, Nguyễn Chí Thiệp, Nguyễn đại Thuật, Nguyễn đình Tiến, Nguyễn Hữu Nuối, Nguyễn Hữu Sử, Nguyễn Kim, Nguyễn Phụng, Nguyễn Văn Cho,Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Văn Khá,Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Sào, Nguyễn Văn Thơ,Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Vững,Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Thạch,Nguyễn Viết Xu, Nguyễn Thản, Nguyễn Thế Oánh, Nguyễn Trung Thu, Phan Chánh Dinh, Phan Quảng, Phan Văn Cho, Tán Giản, Trần đình định,Trần Hữu Chí, Trần Hữu Lân, Trần Lục, Tôn Thất Phú Sĩ, Vũ Bội Hoàng...

        Còn nữa, còn sót nhiều nữa, những người bạn của niên khóa 1957 - 1958..

       Những học sinh của thời điểm này, gần như không phản ánh đúng câu : nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò. Bởi vì đại đa số đã vô cùng chững chạt. Một phần vì điều kiện chiến tranh, một số bắt đầu đến trường hơi muộn. Vì vậy những năm về sau, nhiều vị giáo sư trẻ được bổ về, có vị tuổi đời cũng sàn sàn như học sinh. Thêm vào đó cái cà vạt, một phần nào đã cầm chân những sự nghịch gợm, vô tư. Dĩ nhiên cũng có một số ít bạn đùa vui hơi quá đà, ví dụ như có bạn  đã dùng cây viết riêng của mình để làm mưa trên một vài chiếc nón lá...

        Nhắc đến bạn bè trong sân trường, có lẽ không nên hạn chế ở một năm học, một niên khóa nào. Bởi vì ở dưới sự dìu dắt, thương yêu của cô, thầy, của tiếng kiễng, của hành lang...tất cả những học sinh đều đã là anh em của nhau. Sẽ rất thiếu sót nếu không gọi lại

một lần để nhớ hơn, những cái tên rất thân quen khi nhắc đến trường trung học Phan Châu Trinh đà Nẵng. Họ nổi tiếng nhờ học giỏi, nhờ vào những sinh hoạt thể thao, văn nghệ...đóng góp một cách tích cực và hữu hiệu cho nhà trường, hoặc chính vào những nhan sắc. đàn anh, đàn chị trên chúng tôi một lớp, thời đó có những Võ Thị Thương, giỏi toán, lý hóa, lấn lướt cả đám mày râu. Trần Trí Dũng, một chân bóng tròn xuất sắc. Phan Nhật Nam, một kịch sĩ bất ngờ...

       Lớp đàn em, với những tài năng hiếm thấy như Nguyễn Tùng,(hiện nay ở Pháp) một học sinh, luôn luôn đứng đầu mọi môn học, từ Vẽ, nhạc, toán, lý, sinh ngữ... Phạm Vũ Thịnh,(hiện nay ở Uc), cũng gần tương tự như Tùng.

      Dĩ nhiên còn rất nhiều tên tuổi học giỏi, tài hoa  khác mà nhất thời, tôi chưa kịp nhớ ra.

      Về thế giới người đẹp của Phan Châu Trinh thì quá nhiều . Ai đã từng là cư dân đà Nẵng hẳn đã biết . Tôi không dám nhắc tên bừa bãi ở đây.

       Ch. ơi,

       Mày thấy ra sao sau khi đọc lại một số tên bạn cũ ? Có gợi được trong mày những manh mối kỷ niệm nào không ? Tao hy vọng là có. Và như vậy, ít ra tao cũng đã làm được một cái việc vớ vẩn nào đó nhưng không đến nỗi tào lao.

       Kỷ niệm với trường cũ, tao nghĩ, mỗi học sinh đều có rất nhiều, đều nhớ được một số. Tuy vậy, chắc chẳng mấy ai có dịp nhắc lại, hoặc không muốn nhắc, dù là một kỷ niệm vui, đẹp. Riêng tao, thời  ở Phan Châu Trinh là thời kỳ gạo bài. Tao không làm văn nghệ, không tham gia sinh hoạt thể thao và rất mực lành. Nhưng không phải vì vậy mà tao cù lần đâu nhé.

       Trên đường đi học, từ nhà tao, ở cống Mê Linh Chợ Mới, tao phải qua nhà mấy em Hường lận đó. Hai Hường của trường mình (một Hường không được cao, học giỏi, một thời Nguyễn Hữu Nuối-Lam Hồ nhà mình, để ý . Một Hường sống mãi trong thơ Nguyễn đăng Trừng - Huy Giang, cũng dân PCT, sau bọn mình hai năm. Hường này phải công nhận là đẹp) và Hường của Phan Thanh Giản. Còn nữa, những Hồng Hạnh, Ngọc Lan, những Phước... nằm giăng trên đường Hoàng Diệu. Dĩ nhiên tao và thằng Hứa Bút, thằng Lê Văn Nghĩa đi về trên tuyến đường này, đều có đôi phút thao thức. Rồi về sau, như mày biết ...

       Năm ngoái, tao có về đà Nẵng, có cùng Châu Văn Tùng và Nguyễn văn Pháp đảo xe qua trường cũ. Dẫu có một ít đổi thay, nhưng căn bản trường mình vẫn vậy, trầm lặng, bao dung, luôn luôn là một người cha đứng đợi những đứa con không hẹn trở lại. Mày nhớ về thăm trường một lần đi. Dẫu chỉ chạy vòng quanh ngoài bờ rào cũng là một hạnh phúc. Thôi nghe Ch. Chúc mày và gia đình sức khoẻ tốt, làm ăn tốt. Thật nhiều cái tốt.

bạn mày,

Lê Văn Phương
Sàigòn

Tái bút : Thư này mày dùng được việc gì thì dùng. Mọi chuyện đều chỉ vì tình bạn. Hy vọng với đầu mối này, chúng ta liên lạc được thêm nhiều bạn cũ.

Lê Văn Phương