Ðể Nhớ 
Ðynh Hoàng Sa
Ng. Phương Tuấn

 

Có bao nhiêu người biết đến cái tên Ðynh Hoàng Sa? Có bao nhiêu người còn nhớ Ðynh Hoàng Sa? 
...

Mới đây trong tuyển tập Chân Dung Thơ Luân Hoán thấy tên Ðynh Hoàng Sa được
nhắc đến trong những dòng:

Cơ sở xuất bản Ngưỡng Cửa do Luân Hoán và hai người bạn thơ của anh, Hà Nguyên Thạch và Ðynh Hoàng Sa chủ trương, đã ấn hành được:

Tôi bồi hồi nhớ người bạn cũ nay đã không còn trên đời này.

Tôi quen với Ðinh Văn Qúy - tên thật của Ðynh Hoàng Sa - vào đầu năm 1968, sau cái
Tết Mậu Thân mà khói súng tiếp liền với khói pháo trong những ngày đầu năm. Tháng giêng năm Mậu Thân (tháng 2 năm 1968), tuy cuộc tổng công kích của quân đội Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn toàn thất bại, nhưng tình hình đâm ra căng thẳng, lệnh động viên được thi hành gắt gao. Bao nhiêu kẻ lượng vòng chưa chịu đi lính như Qúy, như tôi, như nhiều bạn hữu khác, phen này coi bộ khó thoát, bèn đi trình diện nhập học khóa 1/68.  

Chúng tôi học giai đoạn 1 ở quân trường Quang Trung. Khi đã yên nơi chỗ, một sáng chủ nhật, ngày nghỉ nhưng mọi người đều bị giữ lại trong trại, tôi đang đứng cùng một anh bạn mới quen, bỗng gã hất hàm bảo: " Kía Ðynh Hoàng Sa !" . Một gã tân binh nhỏ thó vừa xuất hiện nơi khúc quanh đầu dãy nhà dành cho trung đội tôi. Gã tới gần, gầy gò, nhưng vẻ mặt hiền lành, tươi cười. Gã nói giọng Quảng Nam. Và chúng tôi dẫn nhau ra dưới một gốc cây bã đậu, bên cạnh bờ hào đất mà hàng ngày chúng tôi phải chà cho phẳng phiu, láng mướt, đứng tám dóc. Gã bạn tôi mới quen gốc ở Huế, nhưng sống lâu tại Ðà Nẵng, bạn rất thân với Qúy từ thuở còn học Trung học. Rồi trong quân trường Quang Trung kế tiếp chuyển sang quân trường Thủ Ðức, tôi chỉ gặp Qúy loáng thoáng thêm vài lần.

Khoảng tháng 9, chúng tôi tốt nghiệp khóa 1/68. Ra khỏi trường Thủ Ðức tôi lang bang
trên những con đường trên những con đường đất đỏ Long Khánh, bị đưa lên Kontum, chẳng làm cái gì ra hồn. Rốt cuộc bực quá, tôi tự ý bỏ đơn vị, trở về Sài gòn, tiếp tục dạy học. Tôi không hề gặp lại Qúy, không biết Qúy làm gì, ở đâu, kịp đến cuối tháng 4 năm 75, Sài gòn mất, nháo nháo như ta đã biết.

Vào một năm nào đó tôi đang lơn tơn trên đường phố Lê Lợi, bỗng đụng một gã bạn
học cùng chung khóa 1/68, gã cũng làm thơ, bút hiệu là Sương Biên Thùy. Trong câu chuyện Sương Biên Thùy chợt nói : " Ê cụ, còn nhớ Ðinh Văn Qúy, Ðynh Hoàng Sa không ? Thằng bây giờ giàu lắm nghe. Chắc chắn giàu nhất trong mấy anh em mình." Tôi biết vậy, và chia tay với Sương Biên Thùy. Một thời gian lâu sau nữa, năm 1982, một chiều mưa vừa tạnh, tôi  ra ngoài ngõ cư xá tôi ở, đứng ngó trời ngó đất chơi, thì gã bạn tôi quen ở quân trường, gã bạn thân của Ðynh Hoàng Sa tôi đã thuật ở đoạn trên, đạp xe đạp lọc cọc chậm chậm tới ngang mặt tôi. Hai thằng ngó nhau, nhận ra nhau, kêu tên nhau ầm ĩ giữa đường. Gã này, hồi tôi thoạt gặp ở quân trường, năm 1968, còn trẻ có nét hao hao giống Jean-Paul Belmondo.  Gần mười lăm năm trôi qua, có lúc gã đi đánh trận, sau năm 1975 gã đi vào trại tù Cộng Sản, gặp lại thấy gã già sọp hẳn đi, cái nét Jean-Paul Belmondo biến đâu mất. Gã kể trong một đêm gã nằm liệt, nghĩ là mình tiêu rồi, cái chết đã ở đôi chân, nó đang đi lên, gã thấy rõ ràng như vậy, nhưng rồi gã phục hồi, sống lại được. Có phép lạ. Gã tin tưởng chỉ nhờ  phép lạ thôi, không cắt nghĩa làm sao cho rõ hơn. Vài ngày sau gã lại đưa tôi tới nhà Ðynh Hoàng Sa. hóa ra hai tay vẫn liên lạc mật thiết với nhau. Ngoài điều là bạn thân, cả hai đều theo đạo Tin Lành, hàng tuần mỗi sáng chủ nhật thường tới một trung tâm Tin Lành đường Tô Hiến Thành sinh hoạt Ðạo.

Nhà Qúy ở quận 11, một ngôi nhà ba tầng, kiên cố đồ sộ nằm mặt tiền đường Phú Thọ.

Tôi ngạc nhiên quá sức.

Mình thì thân bại danh liệt, trong nhà có cái gì bán cái đó, kể cả món cuối cùng là chiếc
giường ngủ của hai vợ chồng cũng bay vèo ra đường, mạt đến vậy, mà sao gã Qúy này chỉ là nhà giáo, viết lách tài tử mà lại giàu lên nổi trong chế độ Cộng Sản?

Gặp nhu tay bắt mặt mừng, Qúy lấy từ trong nhà ra một chai đế thứ thiệt - không phải
loại đế kinh khủng được cất từ mật mía phế thải, châm thêm thuốc rầy cho trong vẫn bày bán đầy rẫy ngoài các lề đường SàiGòn thời bấy giờ - đoạn ba thằng ba chiếc xe đạp, Qúy đưa chúng tôi tới một cái quán do một người Hoa làm chủ, chuyên trị bò viên, lưỡi bò, gân bò, tim bò, dế bò, kêu ba tô, ngã đế ra nhậu. Ðó là bữa nhậu thống khoái nhất trong đời tôi.

Qúy vừa khề khà hớp rượu vừa kể chuyện của anh từ sau tháng 4-75. Chuyện chính do
đâu anh có tiền mua nhà cửa ngon lành như thế. Thoạt Cộng Sản mới chiếm Sài gòn, thành phố nhanh chóng xuống dốc, dân chúng không đủ gạo ăn , phải ăn hạt bo bo, hoặc mì sợi được bóp vụn nấu chung với gạo thành cơm trộn mì. Thời gian này, Việt Nam được một số nước Âu châu gởi bột mì qua cứu đói. Gửi nhiều. Và nảy sinh ra nghề mới toanh : buôn  bột mì. Không biết Qúy mần mò thế nào biết được nghề này, biết chỗ bán bột mì do các viên chức Cộng sản có quyền hành chận hớt bán ra ngoài phần lớn số bột viện trợ. Qúy mua bột mì từ gốc đó, chở vào Chợ Lớn, bán lại cho thương gia người Hoa kiếm được một số vàng quan trọng. Thực không ngờ, nhưng quả đúng như vậy, vì tôi biết một số anh em trẻ khác cũng lanh lẹ kiếm được nhiều vàng trong hơn cả năm rộ lên vụ bột mì này.

Qúy đạp xe đạp chở bột, về sau mua chiếc Honda dame, dùng Honda chở bột. Qúy kể:
"Moa ham quá, moa khiêng từng bao bột nặng, hì hà hì hục chạy xe phải né tránh bọn công an trên đường phố khỏi bị chận xét, tịch thu, có khi vào tù. Moa khiêng bột mệt lữ người, bây giờ bệnh đau lưng đây. Moa lấy bột, giao bột, hết chuyến này tới chuyến kia, có khi đến 12 giờ khuya, vì càng khuya càng đỡ bị công an chận xét. Moa phờ râu ra, nhưng kiếm được bộn tiền, ngày nào cũng mua vô năm phân hoặc cả chỉ "

Tiền kiếm được, Qúy cũng mất vào chuyện vượt biên khá nhiều, bị lừa lung tung. Sau
cùng mới lo được hai anh con trai đi thoát qua Mỹ định cư ở Seattle. Năm tôi tới nhà Qúy, thấy có hai vợ chồng Qúy, bà má vợ và đôi khi mẹ Qúy ngoài Ðà Nẵng vào. Sau vụ bột mì tới lúc không còn bột viện trợ dồn dập nữa, lúa gạo dần dần có nhiều hơn trước, lúc bấy giờ Qúy mới xin đi dạy Anh văn cho trường nhà nước, cốt lấy cái tiếng cho công an địa phương khỏi làm khó dễ, chứ lương dạy học lãnh ra chỉ đủ ăn tiêu vài ngày. Lợi tức thêm vào giúp gia đình Qúy sống thong thả là nhờ vào số vàng còn cất dành được, dùng làm vốn mua qua bán lại một số mặt hàng đa dụng như vải vóc, quần áo, thuốc men...Chính vợ tôi mỗi khi lãnh từng thùng đồ từ Mỹ gởi về vẫn đưa phần lớn cho vợ Qúy tiêu thụ. Xem ra cả hai đều có lợi. Một bên không bị mua hàng với giá rẻ, một bên thu được hàng, bán lấy lời. 

Những năm 1982, 1983, Qúy và tôi đều quá rảnh. Cứ chiều chiều, vài anh em tụ tập 
tại nhà Qúy, trên tầng lầu ba. Thằng đem tới vài khúc cá khô, thằng thủ theo một gói phá lấu, thằng đùm một bọc lòng heo luộc. Rượu đế tốt thì bao giờ đàn anh Qúy cũng sẵn có. Vậy là rỉ rả nhậu. Nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhắc lại chuyện văn thơ ngày trước.   Ðiểm những cuốn sách đọc được đang bán. Phân tách nhận định về chính sách Cộng Sản, sự thật về Cộng Sản, những vụ bắt bớ giam cầm, cảnh khốn khổ trong các trại giam. Ngồi nhậu ở nhà, trên lầu ba, xa khuất kín đáo, nói chuyện dễ dàng, an toàn hơn ngồi quán. 

Trên lầu ba ngôi nhà Ðynh Hoàng Sa, từng khoảnh khắc, chúng tôi cũng tạm quên đi
nhiều phiền muộn trong cảnh sống tù túng eo hẹp. Ngoài ra, tới nhà Qúy thì sách vở nhiều vô kể. Qúy chịu khó lùng mua được nhiều sách hay, sưu tầm được nhiều bài thơ nổi tiếng trước năm 1975 ở miền Nam. Bạn bè mượn đọc thong thả. Về sau khi hãng bia Sài Gòn sản xuất ra bia hơi, với số lượng lớn, chúng tôi không tói nhà Qúy uống đế, mà đi tìm uống bia hơi loanh quanh vùng SàiGòn. Chỗ nào có bia hơi là chúng tôi mò tới, kêu vài lít ra uống. Có khi Qúy nói : Chuyện tụi mình đi uống bia hơi có thể viết thành một thiên ký sự dài dòng, nhiều chi tiết rất hay.

Gần như không chiều nào là Qúy và tôi không đi uống bia. Lại có anh Thành Tôn nhập bọn nữa mới càng thêm hứng khởi. Thành Tôn là một anh bạn rất tốt. Làm việc ở Chợ Lớn, anh khám phá ra một nơi bán phá lấu tuyệt cú mèo. Phá lấu anh Thành Tôn mua thuộc loại ngon không nơi nào bằng. Bây giờ ăn phá lấu dọc khu Bolsa thấy thua xa phá lấu Sài gòn, ăn tạm vậy thôi.

Ðynh Hoàng Sa, Thành Tôn và tôi trải qua nhiều buổi chiều họp mặt cùng nhau mà nay ôn lại tôi cứ thấy xúc động đầy hoài nhớ vương vất. Những chiều Sài Gòn có bão rớt, dẫm nước, gío lạnh, những chiều cuối năm cận Tết, trong quán nhậu bình dân, chúng tôi mỗi người một cốc bia lặng lẽ ngó loanh quanh lơ đãng. Nhìn gần trên trên hè phố quang cảnh buôn bán , người qua kẻ lại xuôi ngược, tiếng kêu gọi bàn cãi vang vang góc này, góc kia vội vã cuối năm buổi chợ chiều...Nhưng chỉ ngẫng lên, phóng tia mắt qua hàng cây, trong không trung vụt thấy ra một cảnh khác, có nỗi gì im vắng tịch mịch tỏa rộng, lênh láng mới u uất trong lòng, không cản được, hoàn toàn buông thả cùng với những ngụm bia trôi qua cổ họng, hết ly này tới ly kia. Cả một lúc lâu như thế, không có lời nào giữa chúng tôi.  

Một hôm Qúy xoay xoay cái ly, chợt đọc lên:

Bó gối ta ngồi soi ngấn rượu
giật mình xao động bóng thiên thu


Một ngày tháng giêng vừa ăn Tết xong, hương vị Tết vẫn còn đâu đó, Ðynh Hoàng Sa
tới thăm một người bạn, đột ngột gục xuống tại nhà anh bạn, hôn mê rồi đi luôn. Cả năm trước khi mất, Qúy bị bệnh thận phát nặng. Mặt mày thân thể anh sưng phù lên. Chúng tôi tới thăm anh, vẫn tin tưởng chắc không đến nỗi nào, rồi anh sẽ mạnh lại. Anh có bớt bệnh thật. Nhưng vẫn có cái gì trúc trắc bất ổn trong người mà chính anh cũng không biết rõ cho đến lúc anh mất. Khi trong cơn bệnh, Qúy có buồn rầu nói rằng đây là hậu quả những ngày lao lực quá mức chạy buôn bột mì.

Ðynh Hoàng Sa chép tay gởi cho tôi số thơ anh làm. Tôi lựa vài bài kèm theo đây.

Về bài " Phương Thảo" 
Phương Thảo là tên một cô học trò nhỏ trong lớp anh dạy năm 1983. Dường như Phương Thảo cũng dễ thương, lọt vào mắt xanh thầy Qúy. Bỗng một hôm giờ tan học, em tới nói nhỏ chào thầy em đi. Em vượt biên bằng đường biển cùng gia đình. Và em đi luôn, đi hẳn. Lớp  học không còn em nữa, "un seul être manqué, tout est dépeuplé". Chắc em tới nơi tới chốn bình an. Thầy Qúy ở lại, mừng cho em, nhưng lòng thấy buồn tênh, thầy mới viết :

cỏ thơm thôi ngát ở phương này
vụt hóa thân thành cánh vạc bay
ở đây dằng dặt mùa đông nghiệt
nhựa cũng vơi dần trong cỏ cây

Về bài " Một Mai Ðừng Quên" 
Phương Thảo bây giờ em ở đâu, ta mong em đọc được những lời dặn dò nhắn nhủ thân tình của thầy giáo thi sĩ Ðinh Văn Qúy. Thầy viết "Phương Thảo" xong, mà đầu óc quanh quẩn xem như vẫn nghĩ đến em, nên thầy mới viết tiếp "Mai Mốt Ðừng Quên".
Những lời trối đó ! Phương Thảo có ngờ đâu !

Bài "Tống Tiễn Gửi Luân Hoán"
Bài này Ðynh Hoàng Sa tặng riêng anh Luân Hoán, không biết anh Luân Hoán có
phổ biến ra chưa, tôi tới Mỹ sau, không được rõ. Nhưng Qúy chép đưa tôi bài này, bảo:
"Khi mỗi người bạn rời xứ ra đi, moa đều nôn nao, vì mao muốn gặp lại hai đứa con trai của moa, moa mong đi lắm. Nếu toa đi trước, moa cũng tiễn toa một bài, kèm một chầu rượu. Còn nếu moa đi trước, toa ở lại đi sau, vì thế nào toa cũng đi, toa cứ đọc bài thơ gửi Luân Hoán, nghĩ như moa nghĩ :

Giá được như người vù khuất nẻo
Cũng cam thân phận kẻ lưu đày "


" Rồi từ từ mình sẽ gặp lại nhau " Cũng thêm một lời trối của Qúy.

Qúy đi trước. Ði chuyến đi chót của một đời người. Chuyến đi lạ lẫm. Vừa có cái lý
của nó trong lẽ sinh diệt thản nhiên bình thường kiếp nhân gian, vừa phi lý thảm khốc
cùng tận. Nhưng Qúy có bao giờ tưởng tượng được rằng ngày anh đưa hai đứa con trai
của anh ra điểm hẹn để vượt biên cũng là ngày mấy bố con anh vĩnh biệt nhau.

NG.PHƯƠNG TUẤN
(trích Quảng Ðà/ Ðặc san /số Xuân Canh Thìn 2000 
Aí Cầm, Thái Tú Hạp , chủ trương tại Cali Hoa kỳ)


thơ Ðynh Hoàng Sa

Mai Mốt Ðừng Quên

mừng em vừa tấp đảo hoang sơ
cọng cỏ trùng khơi sóng đẩy đưa
mai mốt chim bay về đất hứa
đừng quên thuyền rệu bãi lau thưa

mừng em vừa cập bến bình an
thoát tay hải tặc với sài lang
mai mốt khi em vào đất mới
nhớ chiêu hồn bao kẽ chết oan

mai mốt em về Washington
Paris, Melbourne hay London
những thủ đô tưng bừng ánh sáng
cũng đừng quên phố cũ Sài Gòn

mai mốt bơi thuyền trên sông Seine
vượt Hudson hay xuôi dòng Thames
hãy nhớ về sông ngòi đất tổ
nào Cửu Long,sông Nhị, sông Tiền

mai mốt em trèo Everest
Phú sĩ sơn hay đỉnh Mont Blanc
cũng đừng quên núi rừng quê mẹ
dãy Trường Sơn cùng ngọn Thất Sơn

mai mốt chơi trên hồ Leman
hồ Torrents hay Michigan
em hãy nhớ tên hồ Than Thở
và đừng quên lịch sử Hồ Gươm

mai mốt em từ cảng Marseilles
San Francisco hay Sydney
những bến cảng tân kỳ rộn rịp
xin đừng quên bến Nghé đọa đày

mai mốt cùng ai đi tắm biển
Darwin, Long Beach, Saint Tropez
đừng quên dọc bến tàu Long Hải
xác người vượt biển đã trôi về

mai mốt từ phi trường Bangkok
Berlin, Seattle, Orly
em hãy nhớ về Tân Sơn Nhất
một thời tấp nập cảnh chia ly

mai mốt xem kỳ quan choáng ngợp
nhà chọc trời, lăng tháp lừng danh
em hãy nhớ lều tranh vách đất
vẫn âm thầm bên luỹ tre xanh

mai mốt nhiều phen em sẽ nếm
món ngon vật lạ bốn phương trời
em hãy nhớ từng hương vị cũ
cái nem, tô phở, ngọn rau mùi

mai mốt xem kỳ hoa dị thảo
hẳn trong tiềm thức ngát hương xưa
hoa ngâu hoa bưởi đầy tinh khiết
cùng vị sầu riêng vốn đậm đà

mai mốt làu thông bao thứ tiếng
Pháp, Anh, Ý, Ðức...của quê người
em nhớ trau dồi thêm tiếng mẹ
từng ru em ngủ thuở nằm nôi

mai mốt tha hồ em thán phục
rừng văn tuyệt tác của năm châu
em chớ quên nguồn văn hóa Việt
ngọt ngào cổ tích, đẹp ca dao

mai mốt quen tai hòa tấu khúc
nhạc Jazz, nhạc Rock, nhạc Disco
đừng quên từng điệu hò dân tộc
đàn nguyệt, đàn tranh với nhị hồ

mai mốt kinh qua nhiều lễ hội
vui tai lạ mắt của phương xa
em quên sao được ba ngày Tết
mặn mòi truyền thống của ông cha

mai mốt em lưu lạc xứ người
bao màu da sắc tộc nơi nơi
xin em hãy nhớ về quê Việt
nhiều thương đau và lắm nổi trôi

mai mốt từ đâu trên trái đất
tim em hãy hướng về quê hương
mai mốt vui vầy nơi đất khách
đừng quên một góc Thái Bình Dương !

Ðynh Hoàng Sa


Tống Tiễn

gửi Luân Hoán
dù sẽ vượt đèo hay qua sông
trước sau cũng một chuyến đau lòng
mười năm há chữa sâu tròng mắt
chờ đến bao giờ lắng dục trong ?

dù sẽ đi tàu hay đi xe
băn khoăn gì nữa chuyện bên lề
bao đêm gác tối ngồi thao thức
những dấu than như ác mộng đè

dù sẽ đi thuyền hay phi cơ
luyến lưu gì một góc vườn xơ
đãy cằn, gío chướng, cành khô nhựa
tàn lụi hồn, thân, mộng với thơ

dù đi bằng ngựa hay xe bò
quẳng phứt lồng tre sáo líu lo
sá chi nỗi nhớ treo đầu gío
bươn bả rừng hoa nở tự do

dù đi đường bộ hay đưòng mòn
hãy sớm lìa xa cảnh héo hon
dẫu biết thiên đường đâu dễ có
còn hơn đắng cổ ngậm bồ hòn

dù đi ban ngày hay giữa đêm
kẽ sống cần hy vọng trước tiên
đừng ray rức mồ cha mã mẹ
chắc chi người chết được nằm yên

dù đủ hai chân hay một chân
khua tràn nhịp gỗ hóa phân vân
ngán gì chuyện thiếu bàn chân trái
còn óc, còn tay, còn tâm can

như ta nguyên vẹn cả chân tay
ngoi ngóp không ra khỏi vũng lầy
gía được như ngươi vù khuất nẻo
cũng cam thân phận kẽ lưu đày

tống tiễn mà sao cùng lặng câm
mỗi người riêng nỗi xuyến xao thầm ?
ngươi nhìn vớ vẩn lồng nan hẹp
ta ngắm chim bay tủi cát lầm

lẽ ra cùng cạn chén ly bôi
theo cách người xưa cũng vẽ vời
nhưng tiếc rằng ngươi không mạnh rượu
thì thôi lòng cũng ngất ngư rồi.

Ðynh Hoàng Sa