Vũ Hân (1921 - 1984)
Nhà Thơ Trữ Tình Phố Hội
Thy Hảo Trương Duy Hy

 riêng tặng các bạn Hội An xa quê

Tôi biết Vũ Hân những năm trước 1945, vì anh thường đi ngang nhà tôi trước khi đến trường - trường Viên Minh Hội An - anh học tại đấy. Nhưng hồi ấy, tôi còn nhỏ, học trường Nam Tiểu Học Hội An, chưa thân.

Ðến năm 1945, tại Hội An, bài Gấm Vàng,thơ của anh do Dương Minh Ninh phổ nhạc) được phổ biến khá rộng rãi và đó là một trong những bài nhạc tôi ưa thích, tuy tôi hát chẳng ra gì.  Mãi đến năm 1981, sau bao cuộc bể dâu, tôi gặp anh tại Ðà Nẵng do duyên văn thơ, tôi thân với anh. Anh xem tôi như đứa em. Trong những lúc tiếp cận, tôi thường nhắc đến các sáng tác của anh thì anh than phiền mất nhiều và..có những lý do khó nói ra đây, nhưng tựu trung là chẳng còn bao nhiêu.

Thế rồi "nghịch cảnh" gia đình, anh phải vào Sài gòn sống với người chị -chị Mai-. Ngày anh rời Ðà Nẵng, anh được anh Võ Quang Ðại, một người bạn trẻ rất qúi mến anh và tự nguyện đến chăm sóc anh hằng ngày trong suốt hơn 6 năm trời...đưa anh đi !

Sau đó một năm (1983) nhân chuyến đi Nam, tôi tìm đến thăm anh. Bấy giờ tinh thần anh có vẽ suy sụp. Anh ôm tôi trên phòng riêng do vợ chồng người em mới dựng (trên lầu ba) bảo tôi qua tiếng nghẹn ngào : " Hy ơi! Tôi muốn về sống tại Ðà Nẵng, quê hương tôi quá! Ði xa nhớ anh em ! nhớ quê hương !...Hy có thể nói giúp với các bạn ở ngoài ấy giúp đỡ mình với ! " (tôi hiểu ý anh muốn nói giúp đỡ là giúp đỡ kinh tế !). Nhưng hồi ấy, tình hình bạn bè chẳng có đứa nào khá giả, phải chạy ăn từng bữa, vất vả trăm bề thì làm sao kham nổi. Anh nghẹn ngào nói thế, nhưng với tôi, tôi nghĩ sâu hơn : dù có kinh phí thoả mãn thì còn một điều khó khăn khó có thể giải quyết nổi, ấy là tìm ai săn sóc anh. Bấy giờ cặp mắt anh gần như hoàn toàn không nhìn thấy. Một thoáng ý nghĩ vụt qua đầu tôi, thật khó tìm một người kiên trì, giàu tình người như anh Võ Quang Ðại ! Anh Ðại từng tâm sự với tôi, đến ăn cũng phải đợi anh đút cơm ! rồi tắm, giặt...Tôi cảm động nhòa mắt! Nhưng tình hình của tôi, hoàn cảnh của tôi lúc ấy, thật chẳng làm gì được giúp anh ! Tôi đành phải hứa với anh là khi về Ðà Nẵng tôi sẽ chuyển lại các bạn những yêu cầu của anh. 

Thế rồi về Ðà Nẵng, tôi tìm đến các anh Võ Trọng Hòa, Vân Hà, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Hàn,chị Mỹ Linh...kể lại tất cả sự thật tôi đã chứng kiến và trao ý nguyện của anh cho từng người...Xem ra ai cũng yêu thương anh, muốn giúp đỡ anh, nhưng thực lực thì hoàn toàn "lực bất tòng tâm".

Từ đó đến cuối năm 1988, vì cuộc gia biến, tôi xa Ðà Nẵng và khi trở về đoàn tụ với gia đình tôi mới biết anh đã qua đời giữa năm 1984.  Và cũng ngày đoàn tụ với gia đình tôi lao vào việc sưu tầm hoàn chỉnh, để xuất bản tác phẩm Tú Qùy - Danh sĩ Quảng Nam. Rồi tiếp đó là tác phẩm Khoa Bảng Quảng Nam (viết chung với bạn Phạm Ngô Minh) Bây giờ, tôi viết tiếp tác phẩm mới, trong đó, tôi trang trọng dành một phần cho Vũ Hân, mà đối với tôi, tôi chỉ là người bạn bé nhỏ của anh.  Tưởng cũng nên nói ra đây, tác phẩm mới này, tôi lấy nhan đề "Các Tác Giả Văn Thơ Quảng Nam Ðà Nẵng Từ Giữa Thế Kỷ XIX Ðến Tháng 8/1945" (Viết chung với bạn Phạm Ngô Minh) của 72 nhân vật Quảng Nam, từ Phạm Phú Thứ đến Vũ Hân. Một điều đau buồn nhất là Vũ Hân mới qua đời, tính chưa tròn 14 năm mà việc sưu tầm thơ văn anh  quả là vô vàn khó khăn. Tuy vậy, tôi vẫn không nãn lòng, bởi tôi biết anh có nhiều sáng tác trước năm 1945, đúng với nội dung sách tôi đang viết. Tôi bỏ công sưu tầm ngót ba năm nay, tôi xin phép được giới thiệu cùng bạn đọc về Vũ Hân, về một nhà thơ có cuộc đời bất hạnh nhưng vẫn luôn luôn phấn đấu với nghịch cảnh và anh - một nhà thơ Hội An- mà người Phố Hội qúy yêu.

Một số sáng tác của Vũ Hân trình bày trong bài viết này, chưa phải là những tác phẩm tiêu biểu, nhưng ít nhiều, tôi hy vọng bạn đọc dễ dàng tha thứ cho người viết, viết trong hoàn cảnh khó khăn và nhất là ít nhiều cũng hiểu được một phần nào tâm tư tình cảm của Vũ Hân

Thy Hảo Trương Duy Hy


Tiểu sử:

Vũ Hân, là tên thật, sinh năm Tân Dậu (1921)*
gốc làng Minh Hương, thị xã Hội An (cư trú ở Xóm Mới, phía ngoài Miếu Ông Cọp).  Lúc nhỏ theo học trường Nam Tiểu Học Hội An (école des Garcons de Faifoo). Ðiều bất hạnh cho đời anh là anh bị tật nguyền từ khi lọt lòng mẹ, nhưng nhờ tính kiên trì, tinh thần vươn lên, nhiệt tình yêu tiếng mẹ đẻ, nên ở trường ông được các thầy Hà Qúy Phi, Hồ Quế, khen ngợi văn ông trội nhất lớp, nhất trường. Học xong tiểu học, ông theo học trường Viên Minh- ngôi trường trung học tư thục duy nhất ở Hội An, hồi ấy. Tại đây, ông thọ giáo các thầy Huỳnh Lý, Lê Tá...Bấy giờ ông đã sáng tác nhiều thơ ca trữ tình và thường trao đổi với Thái Trữ về phương pháp soạn kịch.
Năm 1945 bài thơ Gấm Vàng của ông được nhạc sĩ Dương Minh Ninh (bạn đồng 
hương) phổ nhạc và được giới tân nhạc hoan nghênh. Cũng trong năm này và đầu năm sau,  ông soạn vở kịch ngắn Khói Lửa Cảo Kinh (kịch thơ) rồi Giảng Sách Dưới Trăng, Thi Sĩ Ðầu Quân ( cả hai vở sau cũng là kịch thơ).
Sau ngày toàn quốc kháng chiến,ông theo gia đình tản cư vào Tam Quan và dạy môn văn cho trường trung học Nguyễn Huệ (trung học phổ thông và chuyên khoa) cùng với ông Lam Giang phụ trách môn Việt Văn.
Thời gian này, ông giàn dựng lại các vở kịch đã soạn :

cho nam nữ sinh trường Minh Viên, Ðoàn văn nghệ Hỏa Xa quận 3. Ðội văn nghệ của đoàn thể Quảng nam Ðà Nẵng tản cư và Liên đoàn Văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ công diễn trong vùng Liên Khu V kháng chiến. Ông được đề cử làm trưởng nhóm Nghệ Thuật Chi Lan (qui tụ một số nghệ thuật tài năng hồi ấy) nhóm này gồm các ông bà:

một số thành viên trong nhóm này, nay có người nổi tiếng trong lĩnh vực văn học,nghệ thuật.  
Năm 1954, Ông về lại Ðà Nẵng dạy văn tại trường tư thục Phan Thanh Giản và khi lập trường trung học Bồ Ðề (nay là trường Nguyễn Huệ, tọa lạc trên đưòng Quang Trung thành phố Ðà Nẵng), ông có tham gia dạy văn tại đấy.
Tuy tật nguyền bẩm sinh, ông là người thầy được hầu hết các học sinh thụ giáo ông đều rất kính trọng ông.
Sau 1975, ông sống tại Ðà Nẵng được 8 năm, rồi vào Sài Gòn sốn với vợ chồng người em gái. Ðầu năm 1984, ông nhuốm bệnh và bệnh tình ngày càng nặng, ông tạ thế lúc 14 giờ ngày 11-4-1984 trong vòng tay của vợ chồng người em.

Tác phẩm: Ngoài một số thơ Ðường, thơ Mới đáng kể, ông có 3 kịch bản được nhiều người biết :

Trích Tuyển : (1)

Lưu Nguyễn Lại Trần

Trên ấy trời mây biến đổi không ?
Dưới này dâu bể xót xa lòng !
Huyện xưa thành quách xưa xưa cả
Lính mới y quan mới mới ròng
Nhà bạn chơ vơ cồn cuối xóm
Cờ ai phơ phất gió đầu sông
Tờ thư tương biệt hương còn thoảng
Thương kiếp phù du giữa bụi hồng
(1943)

Cuối Thu Xem Chuyện Cổ (2)

Gió lạnh vèo song lật quyển xanh
Gường xưa chàng trẻ gối năm canh
Nhất văn theo lá vàng mơ trạng
Cửu bộ cài mây bạc áo tình
Nửa truyện ly kỳ thu thế sự
Một trời u ám khép nhân sinh
Trở nghiêng tay sách buồn kim cổ
Sợ nỗi người sau viết truyện tình
(1943)

Gấm Vàng (3)

Gấm vàng một cuộn gấm vàng
óng a óng ánh như tóc nàng Quỳnh Tiên
Nàng Quỳnh Tiên đàn trong động Ðào nguyên
Hằng đêm nàng lên múa hát trên miền Thiên Thai
Tóc quên cài, nàng say sưa múa hát
Gió dẫn đường đưa tóc lạc xuống trần gian
Người đời cắt tóc dệt gấm vàng
Dâng lên chín bệ may áo choàng giai nhân
Gấm ái gấm ân
Gấm của sông Ngân
Gấm tan thành mảnh, giai nhân không cười !
Tung gấm lên khơi
Tung bướm lên khơi
Cánh vàng lấp lánh chập chờn rơi...
Rơi trên mình cô áo xanh áo đỏ
Uốn lả lơi nhịp nhàng
Bướm đậu ttên ngàn
Trên ngàn tơ liễu biếc
Mỵ nhân đưa mắt liếc
bướm thẹn cánh rung rinh

Tạ Tình
riêng tặng Võ Quang Ðại

Sáu năm tròn vẹn nghĩa anh em
Tắm gội dùm ai chẳng tị hiềm
Cơm cháo qua loa nhờ sớt tạm
Văn chương lỏng lẻo hợp nhau thêm
Ðôi phen lớn tiếng tranh lời lẽ
Lắm lúc mềm môi khóc nỗi niềm
Chừ bỗng chia tay người mỗi ngã
Ðường vào trong ấy phỏng bao đêm !
(7)1982

phụ chú: Võ Quang Ðại có làm bài "Ðáp họa" trao Vũ Hân. Nhân đây xin được trình bày để lưu lại một kỷ niệm thân thương của nhà thơ bất hạnh, trước khi về dưới mái gia đình của người em gái,

Ðã trọn tình anh, vẹn nghĩa em
Sáu năm tận tụy mặc ai hiềm
Giận đời xuyên tạc lời to nhỏ
Cười kẻ dèm pha chuyện bớt thêm
Gẫm lại nhân tình cay đắng nỗi
Suy ra tâm sự xót xa niềm
Sông Hàn, Bến Nghé đường muôn dặm
Thơ nhớ thơ chừ thức trắng đêm

Võ Quang Ðại

ghi chú:
* Năm sinh này được ghi theo lời ông Thái Trử (bạn chí thân cùng tuổi với ông). Còn bà Mai (em gái Vũ Hân) thì ghi là năm 1919

  1. Một số tư liệu xử dụng trong bài này do anh Võ Quang Ðại cung cấp.
  2. Bài thơ này do giáo sư Hoàng Châu Ký chép lại của một người bạn ở Paris, nhân lúc giáo sư công du tại Pháp năm 1987
  3. trích trong kịch thơ Khói Lửa Cảo Kinh của Vũ Hân, bài này được nhạc sĩ Dương Minh Ninh phổ nhạc.

(Toàn bộ Bài viết về Vũ Hân được trích từ Ðặc San Quảng Ðà, số Năm Kỷ Mão 1999, do Ái Cầm Và Thái Tú Hạp chủ trương, chăm sóc phát hành rộng rãi tại Hoa Kỳ)