Hà Nguyên Thạch

Cự Hải / Phan Xuân Sinh

 Hà Nguyên Thạch
Trong những năm 1982-1988, Sàigòn
____________________________________________________
Phan Xuân Sinh

  Vào khoảng năm 1982, tôi có mở một cơ sở làm kem đánh răng tại nhà ở Sài Gòn, lấy tên là cơ sở Nguồn Sống, và kem đánh răng hiệu là Mimosa. Anh Mạc Phụ (tức nhà thơ Ðynh Trầm Ca) cùng làm với tôi tại đây. Thường buổi chiều anh em ngồi nhậu với nhau tại nhà. Bữa nhậu cũng đơn giản, vài xị rượu đế hay vài lít bia hơi tùy hứng. Một hôm đang ngồi nhậu, thì có hai người khách đạp xe tới tìm anh Phụ, một người tên Ðồng (Hà Nguyên Thạch) và một người tên Minh (Phan Nhự Thức, Mê Kung). Anh Phụ nói với tôi là có thể mời hai anh đó ngồi nhậu chung được không? Tôi nói đùa rằng sợ hai anh ấy chê mình nghèo, chứ mình thì sẵn sàng. Anh Ðồng ngồi trên xe đạp nghe tôi nói, ảnh nói vọng vào, tụi nầy cũng đói rả ruột, có rượu uống quý lắm rồi đâu dám chê. Ngồi bên trong tôi nghe giọng nói Ðà Nẵng, có chút gì thành thật, thân tình nên tôi ra ngoài mời hai ảnh vào. Và cũng bắt đầu từ đó tôi quen với anh Hà Nguyên Thạch.

Anh HNT, tôi còn nhớ có bộ râu mép. Khi uống xong hớp rượu ảnh đưa tay vuốt râu mép, thật sảng khoái. Tôi nhớ hình ảnh nầy mãi. Ðó là người mà khi say chẳng sợ ai cả, chửi lung tung. Hình như khi tỉnh có nhiều uất ức không nói được, khi say thì mới phát tiết ra ngoài. Ðược biết anh Ðồng trước đây làm Phó Giám Ðốc Sở Giáo Dục Quảng Ngãi (sau nầy khi quen thân, anh Ðồng mang tới một người bạn tên là Chất, trước làm Chánh Sở Giáo Dục và anh làm phó, anh nầy sau vượt biển hiện giờ định cư tại Úc). Anh HNT có người vợ đẹp có hạng của Quảng Ngãi lúc bấy giờ. Sau 75 chị ấy cùng với con đi Mỹ biệt tăm. Anh đã bao lần muốn biết tin vợ con anh sống ra sao, nhưng lại không biết địa chỉ gửi thư. Không biết sau nầy anh có liên lạc được với chị ấy không?

Anh kể cho tôi nghe, có lúc không có nơi cư ngụ, anh phải nhờ anh Cung Tích Biền cho ngủ lại đêm ở kiosque bán sơn mài, tại đường Nguyễn Huệ Sài Gòn. Trong thời gian nầy, anh thật bi đát. 

Lúc chúng tôi làm kem đánh răng, ngày nào anh cũng đạp xe lại lấy kem đi bỏ mối ở các chợ ở Sài Gòn. Anh nhận hàng đi giao cho khách hàng rồi mang tiền lại sau. Ðó là cách giúp anh đi buôn mà không cần vốn. Nhìn thấy anh còm lưng trên xe đạp, không ai có thể nghĩ ra rằng anh là một Nhà Giáo, một Nhà Thơ, hai lãnh vực thanh tao nầy lúc bấy giờ không còn đất đứng, anh phải lao động nặng nhọc để kiếm cơm vất vả. Anh tạm ở nhờ nhà của anh Huy Tưởng, lúc đó vợ chồng anh Huy Tưởng có tiệm bán cà phê ở đường Bà Lê Chân, bên hông chợ Tân Ðịnh. Vì sống trong nhà anh Huy Tưởng nên sau khi chở hàng về, anh phải phụ giúp bưng cà phê cho khách. Anh làm công chuyện nầy cũng thành thục và nhanh nhẹn, đở cho vợ chồng anh Huy Tưởng một phần nào. Tiệm cà phê nầy rất đông khách, nhất là các anh văn nghệ cũ của Sài Gòn thường đến đây. Cà phê lại quá ngon, bàn kê dọc hai bên lề đường đông nghẹt người, buổi tối tới đây kiếm một chỗ không phải dễ. Ðây là nơi gặp gỡ của anh em và cũng là nơi mà Công An lưu ý nhất. Tôi với anh Ðynh Trầm Ca rổi rãnh cũng hay la cà nơi nầy. Bạn bè của anh Huy Tưởng và anh HNT đến đây đôi lúc hứng chí cũng mang rượu ra, châu mấy cái bàn nhỏ lại, tiệc rượu cũng vui vẻ và thoải mái.

Tuy cuộc sống vất vả như vậy, nhưng anh vẫn luôn giữ được phong thái của một con người đàng hoàng. Quá cô đơn nên anh cần bạn bè, anh quý mến tình bạn. Lúc đó anh và anh Phan Nhự Thức đi đâu cũng có nhau. Tôi nhớ một lần trong chiếu rượu, anh Phan Nhự Thức thích về quê sống. Ảnh cảm thấy cuộc sống ở thành phố quá mệt, quá bon chen, muốn tránh xa cảnh ồn ào náo nhiệt. Nhưng anh Hà Nguyên Thạch thì không chịu như vậy. Có vất vả, có mệt nhọc thật, nhưng còn có bạn bè. Vùng trú ẩn cuối cùng của anh chỉ còn có bạn bè thôi, gia đình, vợ con anh thì tản mác. Khi anh thốt ra ý tưởng nầy, ai không hiểu thì cho rằng anh ham vui, nhưng hiểu được hoàn cảnh của anh, hiểu được lòng anh đối với bạn bè thì lại càng quí mến và thương anh hơn.

Một lần uống rượu tại nhà anh Ðynh Trầm Ca (hình như vậy), lúc đó có anh Trịnh Công Sơn. Nửa chừng bữa rượu tôi phải đi công chuyện. Ngày hôm sau đi làm Ðynh Trầm Ca kể lại cho tôi nghe lúc cuối bữa rượu anh HNT gây gổ với anh Sơn. Thiệt tình thì chỉ có HNT chửi tùm lum, còn anh Sơn thì yên lặng. Sau có lẽ cảm thấy không chịu được lời nặng nề của HNT, thì anh Sơn bật khóc. Theo tôi đoán, trong suy nghĩ của HNT, thời gian đó anh Trịnh Công Sơn được ưu đãi, cuộc sống có phần nào dễ chịu. Trong lúc nầy thì ngược lại anh HNT thì quá khổ, từ những bức xúc đó, bình thường không có nơi nào trút được, chỉ có khi uống rượu mới nói toạt ra cho hả dạ, không cần biết đụng chạm hay nể nang ai cả.
Kể lại cuộc sống sau nầy của anh HNT, chính tôi cũng cảm thấy xúc động và thương anh. Nhiệt ngã đến với một con người bình thường còn chịu không nỗi, huống chi một người làm thơ như anh. Phải cảm phục sự chịu đựng và cứng cỏi của anh trước cuộc sống mà anh đã lăn lóc, đã thăng trầm, chống chọi với nó để đứng vững. Mới đây được nghe anh Nguyễn Trọng Khôi cho biết, đã gặp anh tại Sài Gòn, có uống rượu với anh Khôi, nhưng anh trầm tĩnh hơn, ít nói hơn và cuộc sống của anh cũng thoải mái hơn. Bây giờ anh được đi dạy trở lại, tuy có muộn màng nhưng còn hơn phải đạp xe lang thang như ngày trước. Mừng cho anh quá.

Tôi có hai cháu trai rất mến anh HNT, mỗi lần anh tới chúng nó chạy ra chào. Chữ "Thạch" chúng nó phát âm không đúng, nên anh ôm chúng vào lòng và bao giờ cũng bắt chúng chào lại để anh cười. Một đứa thì bảo là bác"Cạch", còn đứa kia thì gọi là bác "Khạch". Viết tới đây, chắc anh HNT nhớ lại hai cháu rồi phải không? Chóng thật, mới đó mà bây giờ đã gần 20 năm rồi.

Theo lời yêu cầu của anh Luân Hoán, viết về anh HNT trong khoảng thời gian anh vào Sài Gòn sinh sống, anh hay đến chơi với anh em chúng tôi. Tuy nhiên tôi vẫn không biết gì nhiều về anh, những gì tôi viết ra đây cũng chỉ tầm thường, cốt ý của tôi chỉ ghi lại một thời bi đát nhất trong đời anh, từ khỏang thời gian 1982 - 1988. Anh đã ngoan cường chống lại sự hành hạ, mà cuộc sống đã đè trên đôi vai, không hổ thẹn với người. Sau đó ít khi gặp anh cho đến khi tôi rời Sài Gòn 1990.

Phan Xuân Sinh
(Boston, ngày 7 tháng 6 năm 2001)